Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nạn nhân thành thủ phạm, chuyện không lạ trong “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”

§ JB Nguyễn Hữu Vinh

Sẽ không thể giải thích khi những đám “quần chúng tự phát” ngang nhiên vi phạm pháp luật cách trắng trợn và công khai mà không bị trừng trị, trong khi những người dân lương thiện bị đè nén, đàn áp cách dã man không được sự che chở của pháp luật.

Sẽ có một lớp người bất chấp kỷ cương khi những hành động vi phạm pháp luật trắng trợn được dung túng, làm công cụ.

Sẽ không thể có một “nhà nước pháp quyền” khi mọi văn bản luật lệ chỉ là công cụ cho một mưu đồ, mục đích nào đó và được sử dụng tùy hứng theo mục đích của mình.

Qua những sự kiện

Khi những giáo dân Thái Hà đi ra tòa án Quận Đống Đa ngày 8/12/2008 ở “phiên tòa sơ thẩm” và ngày 27/3/2009 tại “phiên tòa phúc thẩm” với hàng ngàn người hộ tống mang theo cành thiên tuế, hình Đức Mẹ Công lý trên ngực với những nụ cười rạng rỡ trên môi, người ta thấy lạ.

BenngoaiToa.jpg

Quá trình tổ chức và xét xử ở hai phiên “tòa” đó, các “bị cáo” đã trở thành quan tòa, quan tòa lên án sự dối trá, bất công đối với những người công giáo trong vụ chiếm cướp đất của Giáo xứ Thái Hà. Ở đó, các quan tòa đã thành các bị “bị cáo”, đã lúng túng, ứng xử bất minh và khuất tất còn các “bị cáo - quan tòa” đã ngẩng cao đầu, tươi cười chấp nhận bất cứ khó khăn nào giáng xuống oan uổng trên đầu mình...

Ở đó, vai trò hai chủ thể đã thay đổi.

Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, đó là điều được khẳng định như đinh đóng cột trong tất cả các tài liệu, các lời tuyên truyền và là một thực tế.

Nhưng khi các thanh niên Việt Nam biểu tình nói lên tinh thần yêu nước, hô khẩu hiệu, biểu ngữ nội dung trên đã bị chính công an Việt Nam trấn áp.

BieutinhchongTau2.jpg

Khi công dân Việt Nam Phạm Thanh Nghiên tọa kháng tại nhà với câu khẩu hiệu “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam” đã bị bắt, để rồi sau đó “được” ngồi tù với tội danh khác là “tội tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam” và Tòa án sơ thẩm đã kết án chị Nghiên bốn năm tù giam và ba năm quản chế.

Ở những việc đó, hành động và tinh thần yêu nước đã trở thành có tội, hành động tiếp tay cho việc tiêu diệt lòng yêu nước đã được coi là chiến công.

Khi những ngư dân Việt Nam đánh cá tại Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc bắt giữ, trấn lột hoàn toàn, lập biên bản và trắng tay trở về đói khát tả tơi, bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ “giao thiệp” với sứ quán Trung Quốc để “đề nghị” không cản trở ngư dân. Nhưng rồi ngư dân vẫn cứ bị trấn lột, bắt bớ ngay trên Biển Đông. Thậm chí, Trung Quốc còn ngang nhiên cấm ngư dân Việt Nam đánh cá ngay trên biển Việt Nam.

Nhưng khi 130 tàu của Trung Quốc vào tận bờ biển Việt Nam đánh cá ngang nhiên, đã “được” bộ đội biên phòng Việt Nam “hướng dẫn” rời khỏi vùng biển Việt Nam mà không có bất cứ hành động nào để cảnh cáo, để khẳng định chủ quyền và sự công minh của pháp luật khi cướp đến nhà.

Ở đó, chủ nhà đã bị biến thành tội phạm, kẻ cướp đã được biến thành bạn bè.

Trần Khải Thanh Thủy và chồng đã bị những người lạ đến tấn công gây thương tích ngay tại ngõ nhà mình. Trước đó, nhà ở của nữ nhà văn này đã bị nhiều lần tấn công bằng phân tươi, bằng những trò hèn mạt bởi những “người lạ”. Khi vợ chồng nữ nhà văn này bị bắt, hình ảnh “nạn nhân” được một tờ báo đưa lên chứng minh “tội trạng” đã bị công luận vạch trần là ngụy tạo, là trò dối trá mất lương tri, tờ báo đã phải đính chính: Ảnh do cơ quan công an cung cấp.

HinhBaoCANDveTKTThuy(1).jpg

Trần Khải Thanh Thủy bị đưa ra xét xử, một phiên tòa không thuyết phục được ai, những kẻ đến gây hấn đã biến thành nạn nhân, những nạn nhân bị khủng bố trở thành thủ phạm bị “tặng” cho 3,5 năm tù.

Đến đó, mọi người không thấy lạ nữa.

Còn nhớ, đêm 31/8/2008, hàng loạt giáo dân Thái Hà bị xịt hơi cay, ở đó có hàng loạt cảnh sát, cán bộ, nhưng họ không chịu ký vào biên bản, không truy tìm thủ phạm (Thực ra, ai cũng đã biết thủ phạm là ai). Các linh mục Dòng Chúa cứu thế đã yêu cầu giáo dân trật tự khi hàng loạt những người mang áo tình nguyện, “đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh” được điều động khẩn cấp đến phá rối. Nhưng truyền thông nhà nước đã kết tội các linh mục Thái Hà dựng chuyện, kích động giáo dân...

Khi những đám người hung hãn, kéo đến đập phá Đền Giêrađô, đòi giết người, hò hét huyên náo khu vực bệnh viện, dòng tu cả đêm đã được phong tặng danh hiệu “quần chúng tự phát” và không ai bị điều tra.

QCCTP.jpg

Như một sáng kiến, một cách làm “cứu cánh” cho những vụ việc mà đám công quyền không dám đường đường chính chính hành động bởi ai cũng biết đó là những hành động vi phạm pháp luật trắng trợn. Khi đó đám quần chúng tự phát đã được sử dụng và nhân rộng ở nhiều điểm nóng trong những vụ việc va chạm với tôn giáo như Tam Tòa, Loan Lý, Đồng Chiêm... và với Phật giáo như Bát Nhã, Phước Huệ...

Hàng loạt bài báo trên truyền thông Việt Nam đã vu cáo, bôi nhọ, dối trá, bẻ cong sự thật khi bị kiện thì cứ loanh quanh nhu trâu dẫm phải dây thừng, không hề được điều tra, trái lại được khuyến khích, trao giải thưởng... trong khi những ý kiến nêu lên sự thật, công lý thì bị hành lên hành xuống đủ điều, đủ cách.

Những việc đó là biểu hiện của sự đảo lộn của công lý, sự thật. Đó là sự nhạo báng nền văn minh trong một thế giới văn minh mà ở đó mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Đó cũng là việc biến cái gọi là “một nhà nước pháp quyền” mà nhà nước luôn kêu gọi xây dựng thành một điều hài hước.

Liên hệ bản thân - câu chuyện ở cơ quan điều tra

Ngày 11/1/2010, bản thân tôi bị đánh đập dã man, bị cướp máy ảnh tại An Phú, Mỹ Đức khi đến thăm giáo dân Đồng Chiêm. Khi bị choáng ngất đã được mọi người đưa cấp cứu và đưa về nhà. Tôi ở nhà dưỡng thương đã nhận được hai lần Giấy triệu tập của cơ quan cảnh sát điều tra Thành phố HN.

Lần thứ nhất, giấy triệu tập ghi “Hỏi việc liên quan” tôi đã thắc mắc ngay khi nhận được giấy triệu tập rằng: “Việc liên quan thì tôi biết bao nhiêu việc liên quan, từ việc cãi nhau với vợ, mắng con, đi mua rau... tất cả đều là việc liên quan. Vậy các anh định hỏi việc gì thì nói cụ thể”.

Lần thứ hai giấy triệu tập ghi rõ: “hỏi việc liên quan đến mất máy ảnh tại Mỹ Đức, Hà Nội”.

Đúng giờ tôi đến số 7 Thiền Quang, cơ quan điều tra của CSHN. Tiếp tôi là một công an tên Sơn, tôi hỏi:

- Đề nghị anh cho biết, căn cứ nào để cơ quan điều tra viết Giấy triệu tập tôi lên làm việc?

- Chúng tôi căn cứ vào những thông tin qua đài, báo rằng anh bị đánh và cướp mất máy ảnh ở Mỹ Đức.

- Như vậy là cơ quan công an làm việc có trách nhiệm khi có thông tin qua đài báo. Vậy các anh đã điều tra được đến đâu vụ này? (Thực ra, chỉ có báo nước ngoài đưa tin, đài báo VN không có những thông tin này, chứng tỏ cơ quan điều tra vẫn nghe đài đọc báo nước ngoài và điều tra theo những thông tin đó).

- Chúng tôi giờ mới mời anh lên để viết trình báo lấy căn cứ điều tra.

- Anh vừa bảo căn cứ thông tin trên báo đài thì điều tra, nay lại bảo mời tôi lên để trình báo lấy căn cứ điều tra? Nghĩa là thế nào, nếu tôi chết hôm đó thì các anh không điều tra à?

Đến đây, anh ta mời một cán bộ tên Hải, giới thiệu là Phó phòng CSĐT đến làm việc, sau một lúc giải thích, anh này nói:

- Chúng tôi phải điều tra những viêc liên quan như anh có máy ảnh thật không, ai biết, có mất máy ảnh không... nếu không chúng tôi có thể kết luận rằng “Không có cơ sở để nói anh bị mất máy ảnh”.

- Tôi nghĩ rằng, việc điều tra như thế nào là việc của các anh, là trách nhiệm của cơ quan điều tra, việc kết luận ra sao phụ thuộc vào trình độ, khả năng, lương tâm và cách làm việc của các anh. Tôi không có thể can thiệp được vào kết luận điều tra, tôi chỉ biết là tôi bị đánh, bị cướp máy ảnh. Hôm nay các anh hỏi về việc đó, tôi với tinh thần hợp tác của công dân với cơ quan điều tra, tôi sẽ trả lời những chi tiết về việc mất máy ảnh, vậy thôi.

- Anh viết tờ trình báo vào đây.

- Tôi không có nhu cầu trình viết báo ở đây, nếu có tôi đã viết ở nhà, hiện tôi bị đau tay không viết được nên tôi không viết.

- Nhưng anh phải viết để chúng tôi có cơ sở.

- Thứ nhất, tôi đau tay không viết được, thứ hai, các anh ghi rõ trong giấy triệu tập là “hỏi việc liên quan đến mất máy ảnh ở Mỹ Đức” vì vậy nếu anh hỏi thì tôi trả lời, nếu không thì tôi về, tôi không có nghĩa vụ viết ở đây.

- Anh trả lời về việc mất máy ảnh như thế nào?

- Tôi đang xem lễ ở nhà thờ Đồng Chiêm, một số giáo dân bảo tôi “họ đổ đống đất chặn đường ra rồi”, tôi ra khỏi nhà thờ gặp linh mục Nguyễn Văn Liên, phó xứ Đồng Chiêm, Ngài bảo làm sao họ lại chặn được như thế, chúng ta ra xem như thế nào. Tôi ngồi sau xe máy cha Liên đi ra, đến nơi thấy có đống đất mới đổ, trước đó có chiếc xe ba bánh.

Bên kia đường, một đám đông đang đứng có nhiều người mang cảnh phục, quân phục... Tôi vừa bước qua đống đất sang bên kia, thì thấy khoảng 15 người chạy lại phía tôi, tôi tưởng phía sau tôi có việc gì nên quay nhìn lại thì bị tấn công tới tấp.

Bị đánh bất ngờ, tôi ngồi xuống bị đấm đá liên tục, tôi bị đẩy xuống vệ đê chỗ có rãnh thoát nước thì nghe tiếng từ trong đám đông kia rằng: “phải lấy cái máy ảnh, phải cướp cái máy ảnh”. Khi đó tôi bị gật mất máy ảnh và ngất đi.

- Sau đó thì sao?

Tôi ngất đi

- Nhưng sau đó?

- Tôi ngất đi. Ngất đi thì chẳng biết gì nữa hết.

- Anh có khai báo gì thêm không?

- Anh hỏi, tôi trả lời, tôi có khai báo gì đâu.

Buổi hỏi và trả lời đến đó là hết, tôi cáo từ ra về nhưng viên một công an nói:

- Anh ở lại gặp thủ trưởng của chúng tôi một chút.

- Để làm gì?

- Anh ấy muốn gặp, chẳng mấy khi mời nhau lên được, nên gặp một lúc

Tôi ngồi chờ và hỏi:

- Gặp cũng được, nhưng tôi đang mệt nên phải về sớm. Đây có chỗ nào hút thuốc lá được không?

Viên công an chỉ cho rôi ra hành lang và cùng ngồi hút thuốc lá. Chờ mãi chẳng thấy lãnh đạo nào, tôi nói rằng nếu không thì hôm khác, hôm nay tôi mệt nên phải về. Viên công an bảo tôi chờ thêm chút nữa và mời tôi hút thêm điếu thuốc vì “chẳng mấy khi gặp anh Vinh để mời điếu thuốc lá”. Tôi cầm điếu thuốc và châm lửa, anh ta đến chỗ trưởng phòng.

Vừa hút được mấy khói thuốc lá, một loạt những tiếng quát ầm ầm ngay đầu hành lang:

- Anh bỏ ngay điếu thuốc lá, ai cho anh hút thuốc ở đây

Tôi ngoái nhìn lại, một người còn khá trẻ, gương mặt hằm hằm dọa nạt chỉ tay đi từ đằng cuối hành lang đi lại:

- Anh bỏ ngay điếu thuốc lá.

Tôi nhìn anh ta vẫn bình tĩnh như không hiểu anh ta đang quát ai, một vài nhân viên chạy ra:

- Mời anh vào phòng bên này làm việc, đây là Trưởng phòng

Tôi hút thêm một khói thuốc dụi tắt và bỏ vào chiếc thùng rác trước mặt đi vào.

Người cán bộ mới đến chỉ cho tôi ngồi vào chiếc ghế bên cạnh chiếc bàn dài, rộng và câu chuyện như sau:

- Tôi, đại tá Nguyễn Đức Chung, trưởng phòng CSHSCATP Hà Nội. Hôm nay chúng tôi triệu tập anh lên đây có một số việc liên quan không phải chỉ những điều anh đã trả lời. Anh là giáo dân ở Giáp Bát, anh đi vào Đồng Chiêm làm gì? Anh vào đó hành lễ là vi phạm Pháp lệnh tôn giáo, vi phạm pháp luật. Anh đi lễ thì mang theo máy ảnh làm gì? Khi ngoài đường đang lộn xộn, anh ra đó làm gì? Chúng tôi có đủ cơ sở rằng anh ra đó để làm gì....

- Thứ nhất, anh là cán bộ, công an, lại là trưởng phòng, là đầy tớ nhân dân, “đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép”, anh biết điều đó chứ? Anh quát tôi ầm ầm như là con anh nghĩa là thế nào?

- Tôi đâu có quát anh, nhưng anh vào cơ quan người ta cấm hút thuốc anh phải chấp hành.

- Tôi biết, chính vì vậy tôi mới hỏi công an ở đây là chỗ nào hút thuốc được, hai công an chỉ cho tôi ra chỗ đó ngồi hút, họ cùng ngồi hút với tôi vừa xong và họ vừa mời tôi hút tại đó.

- Nhưng anh là khách, khi đến cơ quan phải chấp hành biển cấm hút thuốc ở đó

- Tôi biết, ở đó có biển “cấm hút thuốc” nhưng chính công an chỉ cho tôi và cùng ngồi hút ở đó, biển không ghi là “Chỉ có công an được hút và cấm khách hút thuốc” nên công an hút được, thì tôi hút được. Nếu cấm, anh phải cấm ngay nhân viên của anh cho nghiêm.

Việc thứ hai, anh là cán bộ công an, lại là trưởng phòng cơ quan pháp luật nhưng anh đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật, tước đoạt quyền tự do tôn giáo của tôi. Anh cho tôi biết văn bản pháp luật nào cấm tôi không được đi lễ ngoài nơi cư trú? Tôi sang Trung Quốc, sang Mỹ nếu có nhà thờ tôi vẫn có quyền đi. Anh là cán bộ công an mà không biết khái niệm xem lễ, hành lễ và đi lễ thì cần xem lại.

Tôi là công dân, tôi có quyền đến bất cứ chỗ nào, thăm ai nếu không bị nhà nước cấm.

Việc tôi mang máy ảnh làm gì thì máy ảnh chỉ để chụp ảnh thôi, theo tôi biết chưa có văn bản nào cấm công dân mang máy ảnh. Tôi có quyền chụp những nơi không có biển cấm đúng pháp luật.

Việc ngoài đó có lộn xộn hay không như thế nào là việc của cơ quan an ninh, còn tôi nếu ở đó không có biển cấm, không có văn bản cấm, tôi có quyền đến. Việc các anh có cơ sở như thế nào, đó là việc của các anh.

Tôi là nạn nhân, các anh hỏi thì tôi đã trả lời. Có phải các anh muốn biến tôi là nạn nhân thành thủ phạm ở đây không?

Anh cán bộ này nói với cấp dưới:

- Ngày mai, làm tiếp và đưa cho anh ấy xem các văn bản đó.

- Như vậy là anh đã hứa với tôi, và hôm sau anh phải có văn bản đó cho tôi.

Đến đây, anh ta ra khỏi phòng và không quay lại nữa. Một cán bộ công an khác vào bảo tôi “Anh về được rồi”.

Cuộc gặp và làm việc chỉ có thế, nhưng để lại một ấn tượng trong tôi. Đó là khả năng biến nạn nhân thành tội phạm không phải là quá khó khăn với cách làm việc như vậy.

Nếu giả sử hôm bị đánh, bị cướp, tôi chỉ cần kháng cự theo bản năng, có ai đó bị gây thương tích, hoặc bên cạnh đó không có ai là nhân chứng cụ thể chứng minh việc vi phạm trắng trợn của đám người đã đánh, cướp tôi... thì điều gì sẽ xảy ra?

Chắc hẳn sẽ có một vụ án một mình ông Vinh cố ý gây thương tích cho 15 người không quen biết chăng? Điều đó cũng rât có thể.

Vài suy nghĩ

Với một xã hội, việc mọi người tuân thủ theo pháp luật là yêu cầu bắt buộc, song cũng có yêu cầu bắt buộc đi kèm là mọi người bình đẳng trước pháp luật.

Sẽ không thể giải thích là “để nghiêm kỷ cương” khi việc đập phá Thánh giá ở Đồng Chiêm được huy động quy mô, triệt để như vậy trong khi hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép ngay giữa Thủ đô đang ngang nhiên tồn tại. Cách giải thích đó chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.

Sẽ không thể giải thích khi những đám “quần chúng tự phát” ngang nhiên vi phạm pháp luật cách trắng trợn và công khai mà không bị trừng trị, trong khi những người dân lương thiện bị đè nén, đàn áp cách dã man không được sự che chở của pháp luật.

Sẽ có một lớp người bất chấp kỷ cương khi những hành động vi phạm pháp luật trắng trợn được dung túng, làm công cụ.

Sẽ không thể có một “nhà nước pháp quyền” khi mọi văn bản luật lệ chỉ là công cụ cho một mưu đồ, mục đích nào đó và được sử dụng tùy hứng theo mục đích của mình.

Sẽ không thể có những phiên tòa công khai, khách quan theo quy định của pháp luật khi tất cả bộ máy lập pháp, tư pháp, hành pháp đều nằm dưới một cây gậy chỉ huy mà không có sự độc lập cần thiết.

Và như vậy, sẽ có một xã hội hỗn loạn, suy đồi, vô chính phủ ngày càng trầm trọng và không thể phát triển đến văn minh theo kịp thế giới, chính vì thế sinh mệnh người dân vẫn như trứng treo đầu gậy mà thôi.

Hà Nội, Ngày 10/2/2010

JB Nguyễn Hữu Vinh

Đọc nhiều nhất Bản in 14.02.2010. 02:01