Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một thoáng dừng chân tại Hà Nội và sang thăm Thái Hà

§ Hà Long

HÀ NỘI - Sáng Chúa nhật, 27/7/2008 khắp phố phường Hà Nội tràn ngập cờ xí chào mừng ngày thương binh liệt sĩ bằng nhiều băng rôn nền đỏ chữ trắng, như câu “Phụng dưỡng bà mẹ anh hùng Việt Nam là trách nhiệm của toàn dân” hoặc “Đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa các thương binh” . Không biết nhà nước ta thật lòng thương những người đã hy sinh cho dân tộc hoặc với mưu đồ chỉ tốn một chút tuyên truyền làm dịu lòng người dân, nhất là thành phần đã bị lợi dụng xương máu trong cuộc chiến như: vợ mất chồng, con mất cha, cha mẹ nhiều năm mỏi mòn vẫn chưa tìm ra xác của đứa con đã chết trong chiến trường Miền Nam, hoặc muốn tìm kiếm đem con về quê chôn cất thì phải tự trả cho tất cả mọi phí tổn dịch vụ. Họ đang là những người thiệt thòi nhất trong một xã hội đầy dẫy bất công tại Việt Nam.

Sáng sớm tôi đón xe ôm đi từ Long Biên để sang giáo xứ Thái Hà tham dự thánh lễ. Xe chạy dài theo con đường Nguyễn Văn Cừ và vượt qua sông Hồng bằng cầu Chương Dương. Nhìn xuống nước lũ dâng cao cuồn cuộn từ miền trên đổ về với màu nước đỏ đậm và bên phải là chiếc cầu Long Biên lịch sử, chính nơi này một thời “Giặc Mỹ” ném bom làm cắt đứt mạch máu chính tiếp sức cho thủ đô Hà Nội. Muốn đến Thái Hà xe phải chạy qua Văn Miếu. Nơi góc đường Nguyễn Thái Học rẽ trái sang Phố Tôn Đức Thắng tôi đọc được 2 bảng viết to tướng dựng nơi góc đường: “Thi đua yêu nước - Yêu nước thì phải thi đua” - đây là câu nói của ông Hồ kêu gọi cách đây 60 năm dịp gợi lên lòng ái quốc, nay được chế độ Hà Nội đánh bóng trở lại. Giây phút ấy tôi nghĩ ngay đến các tham quan đang hoàn hành dân lành bằng câu: “Thi đua cướp đất - Cướp đất thì phải thi đua.” Bên cạnh đấy lại thêm một bảng to tướng với câu: “Người người thi đua - Nhà nhà thi đua - Cả nước thi đua.” Đúng với cuộc sống lầm than của người dân trong hoàn cảnh củi quế gạo châu, điện bị cúp liên tục và xăng dầu tăng vùn vụt lại còn phải dâng đôi tay làm thêm nghĩa vụ: “Người người thi đua đóng thuế nộp phạt - nhà nhà thi đua dâng đất cho lũ cướp ngày - Cả nước thi đua cúi gầm mặt lại cho lũ tham quan sai khiến.”

Đi tham dự thánh lễ Chúa nhật mà lòng cứ phát sinh các ác cảm như thế thì tâm tôi không đành nên vội nhắm mắt để xe chạy nhanh đến Thái Hà. Rẽ phải vào đường Nguyễn Lương Bằng nhìn thấy bệnh viện Đa Khoa Đống Đa, rẽ trái tiếp tục vào ngõ 180 thấy ngay cổng Đền Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - GX Thái Hà. Khi tôi đến đúng lúc vừa khởi hành thánh lễ. Một cha trẻ chủ tế. Nhà thờ không còn một ghế trống. Bên hành lang cánh trái nhiều giáo dân ngồi trên ghế nhựa trong bóng mát. Nhà thờ thoáng mát, âm thanh rõ ràng, ca đoàn hát lễ sốt sắng. Được đặt chân tới đây có một chút gì linh thiêng và hồi hộp cho tôi khi nghĩ lại những buổi cầu nguyện đòi lại đất đai và mức độ gia tăng khẩn trương khi khu đất bị hàng rào kẽm gai vây tỏa. Những vòng kẽm gai tôi vẫn còn thấy dựng tại một gốc cây bên vệ đường. Điều đánh động tôi nhất là trong lời kinh nguyện Thánh Thể vị chủ tế đã nhớ đến những người đã hy sinh xương máu trong cuộc chiến để xây dựng đất nước hoặc chiến đấu với một lý tưởng muốn xây dựng xã hội công bằng. Ngài còn thêm lời cầu cho công lý được thể hiện (trong việc đòi lại đất nhà dòng)...

Sau thánh lễ cả nhà thờ hát bài “Kinh Hòa Bình” và vị chủ tế đi sau thánh giá nến cao xuyên qua nguyện đường kính thánh Giêrađô để vào “Phố Đức Bà” đọc kinh và hát. Lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây và tham gia cầu nguyện. Trên bờ rào biết bao nhiêu thánh giá bằng gỗ được gắn vào với các hình ảnh Đức Mẹ, Chúa Giêsu và các Thánh. Nơi đây có thể đã phát sinh các ơn lạ vì tôi nhìn thấy nhiều bảng tạ ơn Đức Mẹ được gắn trên bờ rào. Trên vòng kẽm gai cũng được đơm vào vài hình thánh giá. Số giáo dân đến cầu nguyện khoảng 70 người và đại diện cho mọi giới: em bé, trẻ, thanh niên, trung niên và bô lão.

80727ThaiHa42.jpg

Sau đó tôi tạt vào túp lều của hai cụ bà bền bỉ ăn ở và sống trong đó để giữ đất nhà thờ đã hơn nửa năm nay. Tôi được nghe hai cụ kể lại cách đây một tuần có một phái đoàn của Giới Trẻ Paris sau khi Đại Hội Giới Trẻ tại Sydney đã ghé thăm Thái Hà dâng thánh lễ và sau đó họ cùng với 2 cha người Pháp ra Phố Đức Bà cầu nguyện bên bờ rào. Hai cụ bà và giáo xứ thật phấn khởi về sự quan tâm của người nước ngoài. Hai cụ tếu lâm và tự hào cho rằng Phố Đức Bà đã nổi tiếng trên thế giới. Tôi vui theo và nói công ơn của hai cụ đóng góp vào không nhỏ đâu! Hai cụ bà lo công việc thắp nến, hương và trông nom “Phố Đức Bà” chu đáo như một đền thờ. Thật đáng kính nể cho lòng tin của họ đã trải qua một mùa đông rét mướt và đang phải sống với cái nóng như thiêu như đốt trong mùa hè này. Họ đang cần sự nâng đỡ tinh thần của tất cả chúng ta. Nhìn qua hàng rào thấy khu đất bỏ hoang, cỏ cao ngập đầu nhưng đảng ta vẫn hăm he chiếm lấy qua công văn số 2476/GĐ-UBND ngày 30/6/2008 và công văn số 4213/UBNN-NNĐC ngày 02/7/2008, cả hai công văn này đều do phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh ký tên. Ông Khanh dương oai múa võ với câu kết thúc táo bạo trong văn thư: “... giải quyết và xử lý vi phạm theo qui định của luật pháp” . Câu hỏi được đặt ra: Ai là người đang vi phạm luật pháp ở Thái Hà???

Sau đấy tôi được may mắn gặp gỡ cha Bề Trên nhà dòng vài giây phút. Điểm chính ngài cho biết qua công văn mới nhất của thành phố họ chỉ trích lục những đoạn văn (rất qủy quyệt) thật có lợi cho chính họ, chứ không dám dùng các dữ liệu chính thống để trao đổi ngay thẳng với nhau. Đời nào cộng sản dám nói sự thật và chung quy các tham quan chỉ muốn cướp đất của người dân.

Tựu chung tôi thấy GX Thái Hà vẫn sinh hoạt mạnh mẽ: mở hội thi kinh trong mùa hè, đón tiếp và lo cơm nước cho hơn 150 sĩ tử thi vào đại học vừa qua, nhà dòng đang xây dựng 10 mái vòm tròn để che nắng mưa cho các cháu thiếu nhi sinh hoạt và mời gọi mọi người đóng góp. Nơi bàn thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp luôn có người ghi vào sổ cầu nguyện. Nhà dòng sẽ mừng Thánh tổ Anphongsô vào 01/8/2008 với Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt.

Nửa ngày Chúa nhật vừa qua tôi vui mừng được sống và cảm nghiệm lòng tin của giáo dân GX Thái Hà. Nơi thủ đô ngàn năm văn hiến tôi nhìn lại quê hương đã hơn 33 năm không còn chiến tranh, người dân nghèo vẫn chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất - đưa lưng cho trời. Giầu nghèo xa cách. Bất công trải dài từ Bắc vào Nam. Công an giao thông rình rập như những “anh hùng núp” để quấy nhiễu người dân. Quan lớn muốn cướp đất thì cứ ung dung đưa đất vào vùng quy hoạch. Cường hào ác bá lộng hành... hỏi đến các quan chức thì họ thường trả lời vô cảm: Tôi có biết đâu?

Thăm quê hương trong vài ngày ngắn ngủi với đoàn giới trẻ sau Đại Hội Giới Trẻ tại Sydney, chúng tôi đã đến chia sẻ với người bệnh nhân phong cùi, thăm các trẻ em nghèo vùng ven đô, giao lưu với các bạn trẻ trong vùng sâu, chúng tôi thấy rằng nhà nước và chính quyền đang bỏ rơi người dân nghèo lầm than. Trong một đất nước cứ tự hào sống trong thanh bình mà vẫn còn các em học sinh chưa học hết bậc tiểu học vì nghèo đói thì chúng ta phải đặt một câu hỏi to lớn cho đất nước đó! Trong một đất nước luôn đề cao độc lập - hạnh phúc mà những nơi vùng sâu đoàn chúng tôi ghé qua luôn bị cúp điện hằng ngày và chỉ đến 12 giờ đêm mới có điện trở lại, thì thử hỏi người dân có hạnh phúc không?

Tình cờ tôi đọc được bài báo “Dân Kêu Ngâm Khúc” đăng trong Tuổi Trẻ Cười, số 304, ngày 15/3/2006 của tác giả Trương Văn Thuận. Bài thơ châm biếm này tôi tìm thấy trong đống báo cũ vất xó nhà nơi tôi tá túc và nó bộc lộ lên hết tâm trạng của người dân đen:

Tôi đi qua một cây cầu “Xin lỗi”
Thấy người dân ngơ ngác đứng nhìn
Căn nhà kế bên “nghiêng mình kính cẩn”
Lún thì bù, bù lại lún... thế thôi.

Tôi đi qua một ngôi nhà lồng chợ
Rộng thênh thang lặng lẽ im lìm
Vài con bò đang thảnh thơi nhai cỏ
Cái “chuồng bò” bạc tỉ... thấy ớn chưa?

Tôi đi qua một công trình “Thế kỷ”
Ngày khởi công tổ chức thật linh đình
Lúc động thổ: Xúc chơi vài xẻng cát
Động thổ rồi... bỏ đó cả chục năm.

Tôi đi qua những “Con đường đau khổ”
Nắng: bụi mờ; mưa: lầy lội... phát kinh
Mấy năm dài làm xong... vài chục mét
Muốn bảo: Rùa sợ tội mấy chú Quy.

Tối đi qua một công trình thủy... hại
Hồ cạn khô và cỏ mọc um tùm
Người dân bảo: “Hồ cao hơn mực nước”
Thiết kế là... “Quái kiệt” chứ chẳng chơi.

Tôi đi qua những khu, vùng giải tỏa
Nhiều gia đình nheo nhóc sống lề đường
Nhà thì mất, tiền không, đất cũng chẳng
Gào thấu trời, trời bảo: “Tớ chịu thôi!”.

Tôi đi qua... mà thôi còn nhiều lắm
Có kể thêm ai cũng bảo: “Biết rồi!”
Các quan lớn thì chơi toàn bạc tỉ
Đám dân đen è cổ kiếm từng đồng
Tiền ngân sách là tiền dân đóng thuế
Dân còng lưng cày tối mặt tối mày
Chớ tưởng rằng tiền đó có mùi nhang
Vung xả láng, xót lòng dân đen lắm!

Và cuối cùng ngồi trong một quán cóc uống cà phê tôi được nghe tiếng kêu lầm than vang vang: “Ôi đảng ta! Ở trên thì đấu đá. Bên dưới thì trà lá. Công nhân thì bẻ khóa. Ôi đảng ta giỏi quá!”

(27/7/2008 - Những ngày dong duổi đất Hà Thành)

Hà Long

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 30.07.2008. 11:27