Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lại chuyện đất đai Tòa Khâm Sứ cũ ""Biết rồi, khổ lắm, nói mãi""

§ +GM FX Nguyễn Văn Sang

Một vài nhận định về bài viết của Lm Trương Bá Cần về nhà đất của Tòa Khâm Sứ cũ ở Hà Nội được đăng trên báo Công Giáo và Dân Tộc số 1646 ngày 29/2 – 6/3/2008. Tôi xin phát biểu về ba mục nhỏ được đề cập tới trong bài viết này.

* Về nhân vật được để cập đến trong bài viết.

Trước hết là Đức Khâm Sứ Ajuti (1925–1928) là một vị giáo sĩ người Ý. Tôi chỉ được biết về ngài qua báo chí thời đó. Ngài là một vị khâm sứ “lang thang” không ở cố định tại một điểm nào trong suốt nhiệm kỳ hai năm của ngài; nếu có thì chỉ một khoảng thời gian ngắn tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội rồi lại đi Huế, Sài Gòn và nhiều nơi khác tại Việt Nam. Qua những lời được nghe kể lại, ngài là một vị khâm sứ tính tình bộc trực, thẳng thắn, không tin tưởng vào chính quyền đô hộ lúc đó là người Pháp. Do vậy, ngài không được các vị lãnh đạo cao cấp cả đạo lẫn đời tín nhiệm. Hơn nữa, ngài chọn thư ký và phòng bộ là một linh mục người Việt Nam rất giỏi tiếng Latinh, đó là cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê (sau này là Hồng Y tiên khởi của Việt Nam). Vì là một vị khâm sứ thích đi “vi hành”, nên không “đóng đô” ở một chỗ nào nhất định. Vả lại, lúc đó chưa có Tòa Khâm Sứ ở 40 Nhà Chung như hiện nay (tôi cố ý nói con số 40 mà không dùng 42 để khẳng định đất của Tòa Khâm Sứ cũ là đất của Nhà Chung Hà Nội).

* Nhân vật thứ hai được đề cập tới là Đức Khâm Sứ John Dooley (1950 – 1959).

Thực sự, khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam (theo tiếng nước ngoài đúng ra là “delege apostolic” chứ không phải là “nuncio” - Sứ thần) ngài mới chỉ là Đức Ông (sau này mới chịu chức Giám mục và là Tổng Giám mục). Tôi còn nhớ ngày ngài tới nhậm chức tại Hà Nội, ngài được đón tiếp hết sức trọng thể. Mặc dầu mới chỉ là Đức Ông, nhưng ngài vẫn được ngồi ở hàng ghế trang trọng nhất trong buổi lễ vì là đại diện của Tòa Thánh. Tôi hiện diện trong buổi lễ hôm đó với tư cách là một chủng sinh mới tốt nghiệp tiểu chủng viện; nhưng tôi còn nhớ rõ một chi tiết khôi hài là: Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê mặc áo lễ trái mà không hay biết (áo trọng thể của giám mục lúc đó thường có đuôi áo dài tới 2 đến 3 mét)

Tôi thấy đám rước Đức Khâm sứ Tòa Thánh đi qua phố Nhà Chung và tiến vào Tòa Khâm Sứ. Như thế, chứng tỏ Tòa Khâm Sứ đã có trước từ lâu, không phải Đức Khâm Sứ Dooley là người đã xây dựng tòa nhà này vào năm 1950 như nhiều người vẫn lầm tưởng. Vị khâm sứ này gốc Ái Nhĩ Lan, trùng tên với một vị tướng Mỹ cũng tên là Dooley. Vì thế, đã có lần, báo An Ninh hiểu lầm khi viết một bài để lên án Đức Khâm Sứ Dooley là tay sai cho Mỹ tại Việt Nam. Một sự lầm lẫn đáng tiếc, làm mất thanh danh của một tờ báo này lúc đó.

Đức Khâm Sứ Dooley là một người rất hiền lành, nhân từ, dịu dàng. Ai đã gặp ngài đều cảm nhận được sự đơn sơ, dễ thương, toát ra từ khuôn mặt đến cử chỉ, điệu bộ. Với dáng vẻ như vậy, nhất định không thể là “một tên gián điệp” như nhiều người bị báo chí lúc đó làm cho hiểu lầm. Sống mấy năm gần gũi với hàng giáo sĩ và giáo dân Hà Nội, ngài đã để lại những kỷ niệm khó quên, nhất là hình ảnh của một vị đại diện cấp cao của Tòa Thánh, cứ chiều chiều đi bách bộ cùng cha thư ký của mình qua các phố phường Hà Nội. Ngài còn là một con người dễ xúc cảm. Đúng như câu ca dao:

Quân tử ư hữ đã đau
Tiểu nhân lấy đá đánh đầu vẫn không

Bằng chứng là, vào những ngày cuối cùng, trước khi phải rời xa Hà Nội, ngài bị chính quyền nhiều lần triệu tập và dùng những lời lẽ xỉ vả, mắng nhiếc ngài thậm tệ. Sau những lần như vậy, ngài uất ức đến độ lâm bệnh nặng cho tới khi rời khỏi đây (1959).

Riêng cá nhân tôi, còn giữ những kỷ niệm tốt đẹp về ngài. Tôi còn nhớ năm 1957, tôi được lĩnh chức phó tế. Rất hân hạnh cho tôi khi có sự hiện diện của ngài trong buổi lễ hôm đó. Mấy tháng sau đó, trong một trận đá bóng tại sân của Đại Chủng Viện, tôi bị ngã gãy tay. Ngài đã đích thân ra lệnh cho tài xế riêng của ngài (lúc đó là ông cố thân sinh ra cha Jos Lê Đức Sinh) đưa tôi tới bệnh viện Việt Đức để bó bột. Khi tôi được chịu chức linh mục năm 1958, người đầu tiên quỳ xuống trước mặt tôi để xin ban phép lành đầu tay của đời linh mục chính là Đức Khâm Sứ Dooley đáng kính của chúng ta. Sau này, khi rời khỏi Việt Nam, ngài còn tiếp tục phục vụ thêm mấy năm nữa tại Rôma rồi trở về quê hương và qua đời tại đó.

* Một vị nữa được đề cập tới trong bài viết là Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt.

Theo chỗ tôi biết, căn cứ vào bài viết đăng trên Vietcatholic là có thật, nhất là câu nói: Không có chuyện Tây hay Tàu gì ở đây cả. Khu đất của Tòa Khâm Sứ đó là của Tòa Giám mục Hà Nội cho Đức Khâm Sứ mượn, bây giờ không ở nữa thì trả lại cho Tòa Tổng Giám mục. Đức Khâm Sứ đã viết thư cảm ơn và trả lại hẳn hoi. Như vậy, trước khi cho mượn, trong khi mượn và sau khi Đức Khâm Sứ ra đi, thì chủ sở hữu hợp pháp của Tòa Khâm Sứ vẫn là Tòa Giám mục Hà Nội.

Theo tôi nghĩ, những lời phát biểu ấy có căn bản xác đáng đúng là của một vị Tổng Giám mục đương nhiệm với đầy đủ uy tín… chứ không phải một nhân vật nào khác để cho linh mục Trương Bá Cần hồ nghi rằng: Chúng tôi hiện chưa có trong tay một văn bản chính thức nào của Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt về quyền sở hữu ngôi nhà Tòa Khâm Sứ Hà Nội và không biết những lời trên đây có ghi lại đúng phần trả lời đài BBC của ngài hay không?Thiết nghĩ, nếu có gian dối hay chân thật, đúng hay sai trong sự việc này thì trách nhiệm thuộc về Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt. Về phần tôi và những người thiện chí đều nói lên rằng: “Tôi tin”.

* Về tòa nhà Khâm Sứ cũ:

Theo bài viết đăng trên Vietcatholic của tác giả Lê Thiện thì Cố Quý (Du Bonnet) – cha sở Nhà thờ Chính tòa Hà Nội đã viết hồi ký về đất đai của Tòa Giám mục và nhà thờ lớn Hà Nội. Trong đó có đoạn viết: Đức cha Phước ra lệnh cho các cha tìm một mảnh đất nằm ở phía Bắc; từ phố Tràng Thi cho tới chùa Báo Thiên (nghĩa là nằm ở giữa hai địa điểm nói trên. Có thể là từ phố Tràng Thi ngày nay cho tới Ngõ Huyện hoặc bờ hồ Hoàn Kiếm, tùy theo địa điểm của chùa Báo Thiên lúc đó ở đâu), để xây dựng những căn nhà bằng gỗ đá, làm nơi ở cho các đấng bậc thuộc nhà chung Hà Nội.

Cố Quý còn tả lại một số cây cối được trồng tại khu vườn. Trong mảnh đất đó, có một cây phượng vĩ nở hoa đỏ thắm mà mãi tới năm 1950 và những năm sau đó nữa, tôi còn được chơi đùa dưới gốc cây và nhặt những cánh hoa rơi. Sau này, cây phượng vĩ không biết ai đã chặt bỏ, nên bây giờ không còn vết tích gì nữa.

Như vậy, có thể kết luận rằng: khu đất của nhà chung lúc đó và bây giờ nằm trên mảnh đất giữa Tràng Thi và chùa Báo Thiên. Và dĩ nhiên, Tòa Khâm Sứ chưa được xây dựng như bây giờ nhưng có lẽ được xây dựng trước khi Đức Khâm Sứ Dooley tới Hà Nội.

Và như đã nói trong bài hồi ức về đất đai trước đây: Tòa Khâm Sứ cũ chỉ là một phần đầu trong lâu đài Tòa Giám mục Hà Nội mà phần kia kéo dài mãi tới phố Tràng Thi, Phủ Doãn. Như thế, chắc chắn ngôi nhà Tòa Khâm Sứ là do các cha Thừa Sai Pháp xây dựng lên và đã từng là sở quản lý của nhà chung Hà Nội trước khi Đức Khâm Sứ Dooley tới nhậm chức tại Hà Nội. Nói như vậy, thì Đức Khâm Sứ Dooley không phải là người xây nhà cho mình trước khi nhậm chức! và cũng không lấy tiền của Tòa Thánh để xây dựng, để đi đến kết luận một cách võ đoán rằng: Tòa Khâm Sứ thuộc về Vatican nên phải trả lại cho Vatican.

Còn về mặt luật pháp, ngôi nhà xây dựng trên mảnh đất nào? Có thuộc về quyền sở hữu của người có đất đó chăng? Trong chuyện này, tôi xin phép không bàn đến, bởi không thuộc lĩnh vực chuyên môn nên không được hiểu biết nhiều, tuy nhiên trên trang VietCatholic, luật sư Trần Lê Nguyên trong bài viết ngày 25/2/2008 với đề tài "Giá trị Lịch sử và Pháp lý liên quan tới quyền sở hữu tài sản của Tòa TGM Hà Nội" cũng đã trình bầy rõ ràng về tình trạng pháp lý của chủ quyền tài sản này.

* Về đất của Tòa Khâm Sứ

Việc đất của Tòa Khâm Sứ có thuộc về đất của Chùa Báo Thiên hay Tháp Báo Thiên hay không, đã có rất nhiều bài viết để xác nhận sự việc này. Chung quy lại, tất cả đều đi đến kết luận rằng: những mảnh đất của Tòa Khâm Sứ cũ và nhà thờ lớn Hà Nội dứt khoát thuộc về nhà chung Hà Nội và cần phải trao trả lại cho chủ của nó là Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Đó cũng là điều mà linh mục Trương Bá Cần đã xác nhận trong bài viết của mình.

Trên đây là một vài nhận định của cá nhân tôi xung quanh bài viết của linh mục Trương Bá Cần đăng trên báo Công Giáo và Dân Tộc kể trên. Nếu có điểm gì sai sót rất mong được quý vị và bạn đọc lượng thứ.

Thái Bình ngày 7/3/2008

+ F.X Nguyễn Văn Sang
Giám mục Thái Bình

Tái bút:

Trong mấy ngày gần đây, tình hình đất đai xem ra đã yên ổn. Tuy nhiên, Núi đá Đức Mẹ trong khung viên Tòa Khâm Sứ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Hoa nến dưới chân tượng Đức Mẹ có phần sơ sài bởi vắng bóng người đến viếng thăm. Sau mỗi thánh lễ chúa nhật, một số người đứng phía bên ngoài hàng rào sắt cầu nguyện vọng vào.

Trong nhà chung Hà Nội, nghe đâu Đức Tổng Giám mục đi vắng. Bức tường ngăn cách giữa nhà chung và Tòa Khâm Sứ, đầu vẫn đội những vòng dây thép gai đang ngẩng cao đầu nhìn lên khoảng không xanh ngắt một cách lãnh đạm và vô tình. Có người nói rằng chính quyền Trung ương chỉ thị trao trả phần đất Tòa Khâm Sứ cũ cho Tòa Giám mục vào một ngày gần đây; nhưng theo nguồn tin của “Thợ gặt” thì nghe đâu chính quyền sở tại muốn giữ lại phần đất của Tòa Khâm Sứ cũ vì đã bán cho các công ty rồi. Trong khi đó, các công ty này đã đầu tư vào đây một khoản tiền không nhỏ, nếu trả lại, cũng không khỏi xót xa!? Vậy nên, đã đề nghị cấp một mảnh đất khác có thể rộng hơn cho Tòa Giám mục.

Thiết nghĩ: phần đất của cha ông, tiên tổ để lại cho con cháu làm sao có thể dễ dàng đánh đổi như vậy được. Hơn thế nữa, nơi đây còn có núi đá Đức Mẹ - nơi mà cha ông xưa kia đã đến để cầu nguyện cho thoát khỏi sự tấn công, đàn áp của giặc Cờ đen, chứng tích vẫn còn đó. Cũng nơi núi đá Đức Mẹ này, hàng ngày, giáo dân đã, đang và sẽ còn tiếp tục đọc kinh, cầu nguyện để xin ơn trời xuống cho cuộc đời. Nếu không còn giữ được mảnh đất thiêng liêng này, thì biết nói gì với tổ tiên và với những thế hệ cháu con?! Hy vọng rằng, những ước nguyện đơn thành và chính đáng của chúng tôi sớm được các cơ quan hữu trách xem xét và giải quyết cho thấu tình đạt lý.

+GM FX Nguyễn Văn Sang

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.03.2008. 23:55