Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Không có chuyện "bàn giao" hay "hiến" Tất cả là "cưỡng chiếm"

§ An Dân

Nguồn: chuacuuthe.com

Sáng nay (01/02/2008), đọc bài “Đất đai Toà Giám mục hiến hay cưỡng chiếm!”, phóng viên Nhã Trân, đài RFA phỏng vấn một số linh mục và giáo dân, tôi thấy cần phải nói thêm cho độc giả hiểu vấn đề một cách tường tận và rõ ràng hơn.

Trước hết, cần phải khẳng định ngay rằng không có chuyện “hiến”, “tặng”, “bàn giao”, “cho mượn” hay một hình thức nào tương tự như thế đối với khu vực Toà Khâm sứ.

Điều này đã được linh mục Chánh Văn Phòng Toà Giám mục minh thị rõ ràng trong Đơn Khiếu Nại với Đài Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội Mới và Báo An Ninh Thủ Đô, ngày 28/1/2008, rằng “… Giám mục giáo phận với sự thỏa thuận của Hội đồng Kinh tế, Hội đồng Tư vấn và những người quan thiết. Giám mục Giáo phận cần có sự thỏa thuận của những người ấy khi muốn chuyển nhượng một tài sản của Giáo phận”. Linh mục Nguyễn Tùng Cương chỉ là quản lý Toà Giám mục lúc đó, không là chủ sở hữu tài sản, không có thẩm quyền quyết định tài sản của Giáo hội Công giáo. Chúng tôi biết chắc linh mục Nguyễn Tùng Cương chỉ làm bản kê khai chứ không hiến, không có quyền hiến.

Sự thật là linh mục Nguyễn Tùng Cương (người quản lý) Toà Giám mục khi đó không hề “hiến”, “tặng”, “bàn giao” Toà Khâm sứ cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Việc Nhà nước cho rằng linh mục Nguyễn Tùng Cương, sau này là Giám mục Nguyễn Tùng Cương – Giám mục giáo phận Hải Phòng, đã bàn giao là không có thực:

- Ai cũng biết Toà Khâm sứ bị cưỡng chiếm từ năm 1959. Vì thế, không thể nói: “năm 1961, đại diện Toà Giám mục bàn giao khu Toà Khâm sứ được”. Giả sử nếu có cuộc bàn giao ấy thì đây thực là “một trò hề”, một kiểu “lấy trước nói sau.”

- Trong thực tế, như linh mục Chánh văn phòng Toà Giám mục cho biết “chắc chắn linh mục Nguyễn Tùng Cương chỉ làm bản kê khai tài sản chứ không hiến”. Đây là một khẳng định có cơ sở:

* Chúng tôi đang có trong tay một số công văn của chính quyền trả lời các đơn thư khiếu nại của Toà giám mục và của giáo xứ Thái Hà:

Công văn số 05/BXD-QLS của Bộ Xây Dựng, ngày 6/11/2008, gửi toà Giám mục Hà Nội, viết: “Thực hiện chính sách của Nhà nước về cải tạo nhà cửa, ngày 24/11/1961, linh mục Nguyễn Tùng Cương (đại diện quản lý) đã bàn giao cơ sở nhà đất số 40A (nay là số nhà 42) phố Nhà Chung qua nhà nước thống nhất quản lý.”

Công văn số 2854/UB-NNĐC, ngày 21/10/2002, của UBND thành phố Hà Nội, gửi Toà Giám mục Hà Nội cũng nói có nội dung tương tự: “Thực hiện chính sách cải tạo nhà cửa nhà cửa, ngày 24/11/1961, linh mục là quản lý Toà Tổng Giám mục Hà Nội thời kỳ đó đã giao 95 biển số nhà tại Hà Nội, trong đó có nhà đất tại 40A phố Nhà Chung (nay là 42 phố Nhà Chung) cho Nhà nước thống nhất quản lý”.

Công văn số 1784/TMNT&NĐ-CS của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội, ngày 7/5/2007, trả lời đơn thư khiếu nại của giáo xứ Thái Hà cũng có cùng một nội dung như hai công văn trên: “Trong thời kỳ Nhà nước thực hiện các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà đất trước đây, ngày 24/11/1961, linh mục Vũ Ngọc Bích (người quản lý) đã bàn giao khu nhà đất Thái Hà qua Nhà nước thống nhất quản lý, trong đó có khu nhà đất do Xí nghiệp Dệt thảm len (nay thuộc Công ty May Chiến Thắng).

Chúng tôi xin lưu ý, ngày 24/11/1961 - ngày mà các cơ quan nhà nước cho rằng người quản lý Toà Giám mục bàn giao tài sản, đất đai tại Toà Khâm sứ qua Nhà nước quản lý, thực chất là ngày toàn dân, trong đó có các cơ quan xí nghiệp, các cơ sở tôn giáo..., kê khai tài sản theo qui định của Nhà nước thời đó. Đây là một việc làm bình thường theo qui định, chứ không phải là để bàn giao. Việc kê khai này theo thông lệ còn được thực hiện nhiều lần khác về sau này. Việc làm này không thể hiện hành vi bàn giao. Trái lại, nó chứng minh cho thấy, quyền sở hữu của Toà Giám mục về khu đất này chưa bao giờ bị tước đoạt.

Về khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế nay Công ty May Chiến Thắng đang tạm quản lý và hiện để hoang hoá, chúng tôi cũng đang có trong tay Quyết Định giao đất số 76/QL-NĐ, Công văn này được ban hành ngày 30/1/1961, nghĩa là trước cái ngày các cơ quan nhà nước cho rằng linh mục Vũ Ngọc Bích bàn giao, ngày 24/11/1961???

Chúng tôi lấy làm tiếc khi cả hai vị (Giám mục Nguyễn Tùng Cương và linh mục Vũ Ngọc Bích) bị cho rằng “đã bàn giao tài sản, đất đai cho Nhà nước” nay không còn để nói lại cho rõ. Tuy vậy, trước khi qua đời, ngày 19/3/2004, linh mục Vũ Ngọc Bích, trước cộng đồng Dân Chúa tại giáo xứ Thái Hà đã khẳng định: “Về khu đất Dệt thảm len, người ta cứ tự động vào chiếm lấy. Tôi cũng không biết họ là ai” (quý vị có thể nghe online trên trang chuacuuthe.com hoặc memaria.org).

* Ai cũng biết vào thời nhà nước thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa, đất đai tôn giáo không thuộc diện cải tạo này

Hoặc giả nếu có thì phải có những quyết định như kiểu “trung dụng”, “trưng thu” hay “trưng mua” theo qui định của luật pháp thời đó. Cho tới giờ này, chưa có cơ quan Nhà nước nào chứng minh được những chứng từ này có thực. Do đó, phải hiểu rằng, Toà Giám mục Hà Nội vẫn đang là chủ sở hữu duy nhất, chưa bao giờ Toà Giám mục Hà Nội bị tước mất quyền sở hữu khu đất và tài sản khu vực Tòa Khâm Sứ.

Vì thế, một lần nữa phải khẳng định rằng, chưa bao giờ và chưa từng có aibàn giao”, “hiến tặng”, “cho mượn” hay bất cứ hình thức tương tự nào khu vực Toà Khâm sứ và khu đất Dệt thảm len của Dòng Chúa Cứu Thế, cho bất cứ tổ chức cá nhân nào; ngay cả hành vi bàn giao nếu có thì theo Giáo luật thì hành vi bàn giao ấy cũng không có giá trị pháp lý.

Một số Công văn của chính quyền các cấp căn cứ vào Nghị quyết số 23/2003/QH11, ngày 26/11/2003 của Quốc Hội “về nhà đất do Nhà nước quản lý, bố trí xử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/7/1991” để không cấp lại các tài sản đã chiếm dụng của tôn giáo là không có cơ sở. Trường hợp đất đai, tài sản của Toà Giám mục tại Toà Khâm sứ và đất đai tài sản của Dòng Chúa Cứu Thế hiện do Công ty May Chiến Thắng đang tạm quản lý không thuộc diện được qui định tại Nghị quyết này. Nghị quyết 23 chỉ áp dụng cho những trường hợp “bố trí, quản lý” đúng pháp luật. Trường hợp đất Toà Khâm sứ cũng như đất đai của Dòng Chúa Cứu Thế, thì như đã thấy, đã bị cưỡng đoạt cách bất hợp pháp. Do đó, không thể đem áp dụng Nghị quyết 23 vào đây được.

Theo chúng tôi, trong vấn đề giải quyết đất tại Toà Khâm sứ và của Dòng Chúa Cứu Thế, nếu Nhà nước tôn trọng pháp luật và thực tâm muốn xây dựng một Nhà nước Pháp quyền, và nếu áp dụng luật pháp, thì phải áp dụng:

- Điều 26 Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo: “Tài sản tín ngưỡng tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó”;

- Và Hướng Dẫn số 500 HD/TGCP, ngày 4 tháng 12 năm 1993 của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị 379/TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tôn giáo nêu rõ: “Nơi thờ tự của các tôn giáo cho mượn có thời hạn nay đã hết hạn thì phải trả lại. Nếu còn nhu cầu sử dụng phải thỏa thuận với Giáo hội. Nếu chưa hết hạn mà sử dụng không đúng mục đích thì phải trả lại... Không để dân lấn chiếm nơi thờ tự. Ở những nơi do tồn tại của quá khứ, nơi thờ tự có dân đang ở thì Chính quyền địa phương phải có kế hoạch giải tỏa trong một thời gian nhất định”.

Trên đây là một số sơ sở dữ liệu giúp độc giả hiểu rõ hơn vấn đề

Bên cạnh đó, trong tư thế là người công dân Việt Nam luôn sống và làm theo pháp luật, chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp khi giải quyết vấn đề đất đai tại 42 Nhà Chung hay đất đai của Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà, nên dựa trên những cơ sở luật pháp được qui định tại các văn bản pháp qui liên quan tới đất đai tôn giáo, có như thế mới thấu tình đạt lý, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh hơn.

01/02/2008

An Dân

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.02.2008. 00:42