Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Khóc thương cho số phận người con dân Đất Việt và Tổ Quốc Việt Nam

§ Quốc Bình

Người Việt nam đang sống tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới không hề thua kém người bản xứ. Những thế hệ ban đầu mới đặt chân đến đây không hề biết một từ một chữ, không được đào tào chính quy tại một trường nào thế mà họ có được tất cả như những người dân khác: học hành, nghề nghiệp, tự do tôn giáo, nhân phẩm được tôn trọng, nhà ở, phương tiện đi lại, tiện nghi trong nhà… Có được điều ấy âu cũng là nhờ chúng ta được kế thừa những phẩm chất tốt đẹp của các Bậc Tiền Bối. Những đức tính ấy bao gồm sự chịu thương chịu khó, cần mẫn trong lao động, và biết "lựa cơm gắp mắm" trong việc chi tiêu.

Trên quê hương Việt Nam, tiếc thay những phẩm chất cao quý ấy không được yếu tố hoàn cảnh tiếp hỗ trợ để phát huy lợi thế này trong việc xây vun đắp một quốc gia phồn thịnh đúng nghĩa. Người dân vẫn vất vưởng lam lũ lầm than trong mưu kế sinh nhai. Gánh nặng đó vẫn cứ đè nặng trên đôi vai vốn quen chịu cảnh vác nặng. Khuôn mặt nhuốm bùn vẫn ngày ngày cắm cúi mà chưa có cơ hội để ngẩng cao đầu. Người dân vẫn nặng trĩu ưu tư trong việc "cơm áo gạo tiền", mà chưa hề được hít thở bầu khí của kiếp người tự do và được nếm hưởng hương vị của quyền công dân một cách chính đáng.

Câu hỏi được đặt ra liệu đây có phải là lỗi của người dân vô tội không? Câu trả lời chí công vô tư là không phải lỗi của họ. Đúng hơn, họ là nạn nhân của một chính quyền nặng về ý thức hệ quá kinh điển. Nhìn lại hơn 60 năm cầm quyền, chính quyền Việt Nam đã làm được những gì cho đất nước và người dân? Thương cho những người dân bị sống trong cảnh bị lường gạt và trong một ảo ảnh hão huyền. Trong thế giới văn minh hiện đại, người dân vẫn sống trong cảnh: "con trâu đi trước cái cày theo sau", vẫn hoàn "kéo cày thay trâu", hay là "cơ giới hóa toàn quốc".

Trước hết, dân lành là nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh phi nghĩa Bắc Nam huynh đệ tương tàn và đã quá mệt mỏi với hậu quả của nó để lại như những vết thương lòng khó có thể được chữa lành. Người ở lại, phải sống trong khuôn khổ o ép và ức chế, lại bị nhồi sọ bằng những từ ngữ mĩ miều nhưng hoàn toàn rỗng tuyếch. Kẻ ra đi tìm chân trời tự do khiến không ít gia đình biệt ly, gặp những nghịch cảnh bi thương: bị cướp, hiếp và giết. Người ra đi sống sót thì phải trả cái giá quá nặng cho hai chữ tự do. Người ở lại đã nếm quá nhiều đau khổ.

Tuy nhiên phẩm chất cao quý của người dân Đất Việt không hề cúi đầu trước hoàn cảnh khắc nghiệt. Tư tưởng cầu tiến và giầu nghị lực đã giúp họ vượt qua tất cả. Người dân ở lại vẫn một nắng hai sương gắn bó với quê hương đất nước qua việc cống hiến hết sức lực mình cho Tổ Quốc.

Việt Kiều tại đất khách quê người dù bận rộn với công việc làm ăn vẫn hướng về Tổ Quốc và những người thân yêu của mình qua việc cung cấp nguồn tài chánh không hề khiêm tốn chút nào. Tiếc thay, những công sức của họ bỏ ra không hề làm thỏa mãn cho những quan tham như thùng không đáy. Trong khi, Việt Kiều yêu nước chắt chiu từng đồng để gửi về giúp đỡ cho người thân và người dân trong nước "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", thì con cháu các quan tham lại đem tiền ra nước ngoài để phung phí. "Miệng ăn núi lở" huống chi "ném tiền qua cửa sổ" thì cho dẫu toàn bộ lãnh thổ của quốc gia thì cũng sẽ đến lúc chảy ra Biển Đông.

Do đó, không khó lý giải về tình trạng các vụ "cướp ngày" diễn ra nhan nhản như cơm bữa được sự bảo hộ của chính quyền chuyên chính. Điển hình là vụ của giáo xứ Thái Hà và Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế và những gì đang diễn ra tại Tòa Khâm Sứ hiện nay. Trò phù phép được giải mã đó là: "mượn" vô thời hạn trên danh nghĩa cho công việc chung; rồi chẳng mấy chốc đến màn chia chác hóa cho danh lợi cá nhân. Công bằng và sự thật bây giờ ở đâu? Có thật sự tồn tại một Nhà Nước pháp quyền? Có phải là chính quyền hoàn toàn do dân vì dân và cho dân?

Chẳng phải hỏi chúng ta cũng đủ lý trí để phán đoán rằng một chính quyền nặng về ý thức hệ, xa rời với việc phục vụ đời sống người dân, thì chính quyền ấy không phải là một chính quyền chân chính đích thực. Đối tượng được hưởng tự do hạnh phúc phải là người dân, chứ không phải là người dân hy sinh tất cả cho việc tôn thờ một lý tưởng được các quan tham rêu rao nhằm đắc lợi riêng cho một bộ phận nhỏ trong xã hội.

Quốc Bình

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 19.09.2008. 16:46