Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Khổ Thân Gm Nguyễn Tùng Cương

§ +GM FX Nguyễn Văn Sang

Sáng ngày 1/2/2008, vừa thức dậy, sau khi đọc kinh nguyện gẫm, tôi ra đứng ngoài ban công, trời ngớt mưa, nhưng gió vẫn lạnh buốt; trở về phòng, mở internet ra coi có gì mới lạ không, tôi vui mừng thấy một vài bài viết đã dè dặt báo tin sắp có việc giải quyết êm thấm khu đất Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, nhất là bức thư của Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh viết cho Đức Tổng Giám Mục Hà Nội, mở lối cho một cuộc đối thoại giải quyết.

Tôi ngồi xuống ghế trầm ngâm ôn lại các sự việc đã xảy ra trong hơn một tháng qua, lần lượt điểm lại các khuôn mặt, tôi thấy những nhân vật đã đóng góp vào việc giải quyết êm thấm khu đất của Tòa Khâm Sứ cũ. Những nhân vật tôi gặp gỡ trong chính quyền cũng như trong đạo, từ những cụ già bà lão, tay cầm tràng hạt ngồi trên ghế cứng, nhưng vẫn lẩm bẩm câu kinh tiếng hát cho tới Đức Tổng Giám mục Hà Nội khôn ngoan chín chắn bình tĩnh can đảm.

Bỗng tôi nhớ tới một khuôn mặt rất thân thương, hiện nay đã không còn ngồi lại ở giữa chúng ta, nhưng rất gần đây lại được nêu tên nhiều lần để mọi người ra sức lợi dụng, đó là Đức Cha Giuse Nguyễn Tùng Cương, nguyên Giám mục giáo phận Hải Phòng, nguyên quản lý giáo phận Hà Nội, nguyên chánh xứ Thịnh Liệt (Kẻ Sét) và trước nữa là nguyên chánh xứ Vĩnh Trị (thuộc tỉnh Nam Định). Ngài là một vị linh mục khôn ngoan chín chắn, đã từng làm phó xứ Hàm Long với Đức Hồng y Giuse Trịnh Văn Căn, giúp Đức Hồng y Giuse M. Trịnh Như Khuê - Hai vị tiền bối trong giáo phận Hà Nội - hết lời ngợi khen.

Tôi thấy gần đây tên ngài được trích dẫn nhiều lần trong các bản văn, đa số lợi dụng để đáp ứng những mục đích khác nhau và bị nhiều người nghi oan hoặc không hiểu được vai trò của ngài lúc bấy giờ, mà cũng chẳng có một ai lên tiếng minh oan cho ngài. Vậy tôi viết bài này với tiêu đề: “KHỔ THÂN ĐỨC CHA CƯƠNG” để tỏ lòng cảm thông cũng như để chúng ta hiểu rõ về ngài.

Thật thế, mặc dù ngài và Đức Hồng y Giuse M. Trịnh Như Khuê tính tình nhiều khi khác nhau, song chính Đức Hồng y nhiều lần nói với tôi rằng (lúc đó tôi còn là thư ký của ĐHY): Cha thì hơi tí là xin lỗi, còn Cha Cương rất là cứng đầu cứng cổ, nhưng tôi rất thích, vì sự cứng rắn của cha Cương có thể đem lại lợi ích cho địa phận, vì thế tôi đặt cha Cương làm quản lý Nhà chung Hà Nội, để Cha ra chính quyền “cãi cọ” sinh ích cho giáo phận.

Và cũng chính ĐHY ngỏ ý muốn xin tòa thánh cho ngài làm giám mục Hải Phòng. Trong cương vị quản lý nhà chung, ngài bị nhiều lần triệu tập ra chính quyền. Có lần ngài bị triệu tập 21 ngày đêm liền. Sau mỗi lần triệu tập về, ngài phờ phạc xanh xao như người sắp chết đói. Tôi hiểu ngài bị tra tấn về tinh thần. Sau mỗi lần như vậy, ngài lại lấy xe máy đi dâng lễ ở xứ Kẻ Sét.

Khi ngài làm Giám mục Hải Phòng, thì tôi cũng đã được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Thái Bình. Tôi đã chọn ngài là cha linh hướng để bàn hỏi các ý kiến và cùng chia sẻ vui buồn với nhau. Mỗi lần tôi tới thăm ngài, cả hai chúng tôi đều tay bắt mặt mừng, cười nói ầm ĩ, khiến các cha trong nhà cũng phải kháo láo với nhau là: bố già Hải Phòng lại gặp bố già Thái Bình nên mới cười to như vậy.

Sở dĩ tôi nói đến những điều này là để chứng tỏ các cá tính tốt đẹp của Đức Cha Cương, chứ không như mọi người đã tin vào một vài ý kiến trong một vài bản văn không xác thực mà đổ oan cho ngài, nhất là vụ ký đất Tòa Khâm Sứ cũ hiến cho chính quyền. Tôi minh oan cho ngài dựa vào hai yếu tố sau:

1- Bằng tính tình cứng cỏi và lòng trung thành của ngài với Chúa và Giáo phận, tôi không tin có thật. Đằng khác, theo tin từ Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội thì không thấy đưa ra bản văn hiến đất có chữ ký chính xác của ngài, mà chỉ có bản kê khai tài sản Nhà chung Hà Nội.

2- Giả sử có văn bản hiến đất như các vị chính quyền nói tới, thì nó không có giá trị pháp lý - như lời phản bác của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, và theo giáo luật như nhiều bài đã nói tới.

a) Do chức vụ quyền hạn của ngài chỉ là một linh mục quản lý nhà chung, nên chỉ được GIỮ của chứ không được CHO của.

b) Nếu có văn bản thì cũng là kết quả của cuộc tra tấn tinh thần 21 ngày đêm, với đầy sự sợ hãi và đầy lý do làm cho văn bản đó KHÔNG THÀNH. (Tương tự như vụ Đức Hồng y Giuse M. Trịnh Văn Căn phải triệu tập đến chính quyền, kèm theo lời đe dọa. Vì sợ hãi, nên ngài đã cho chuyển tượng Đức Mẹ tại gốc đa ở Tòa Khâm Sứ cũ mà ngày nay giáo dân đặt lại tượng đó làm cho mảnh đất trở về nguyên trạng như tôi đã trình bày trong các bài viết được các đấng bậc tán thành). Chắc có nhiều vị sống trong thời kỳ bao cấp đó và cũng đã phải trải qua tình trạng như vậy. Tôi nhớ có lần nhặt được một chiếc áo của một người giúp việc trong Tòa Giám Mục, thấy trong túi áo có tờ giấy báo cáo: “Hôm nay có người biếu Đức Hồng y một con cá; chiều nay có phái đoàn giáo dân về tết Đức Cha Sang…”. Đó là bản báo cáo của một người vốn yếu đuối, nhưng vẫn còn chút lương tâm trong khi báo cáo những việc không đâu. Cũng có lần tôi gặp một thanh niên tới tâm sự: “Con bị bắt buộc phải báo cáo bài giảng của Đức Cha. Con đem bài Phúc Âm ngày Chúa nhật viết đầy các trang giấy đem nộp và được khen ngợi. Sau tháng sau, vị cán bộ phụ trách đó mới biết là mình bị lừa…”

Chúng ta nên đánh giá một cách khoan dung những trường hợp bị ép buộc như vậy mà tha thứ chứ không kết tội kẻo oan ức. Tôi xin trích lời vị Bộ trưởng Công an Mai Chí Thọ trong tập san nói rằng: “Chúng ta dựa vào các báo cáo của các tên linh mục, tu sỹ nam nữ, giáo dân vv… toàn là giả dối cưỡng ép, dẫn chúng ta tới nhiều sai lầm” (Nội san Bộ Nội vụ cũ (xin lỗi không nhớ số)).

Vậy nên, nếu cuộc giải quyết đất đai Tòa Khâm Sứ cũ được giải quyết êm thấm, chúng ta cũng dành một vài nén hương thắp trên các vị: Đức Hồng y Giuse M. Trịnh Như Khuê, Đức Hồng y Giuse M. Trịnh Văn Căn, Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tùng Cương, cha Giuse Trần Văn Mai, các linh mục, nam nữ tu sỹ, giáo dân đã quá cố nhiệt tâm đóng góp đau khổ tinh thần cũng như vật chất vào sự việc nay. Chúng ta cũng cảm tạ đội ơn Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, các Đức Giám mục, linh mục nam nữ tu sĩ, giáo dân trong và ngoài nước đã đóng góp tinh thần vật chất để được kết quả tốt đẹp như ngày nay. Mặc dầu đã lao tâm khổ tứ, ngày đêm đóng góp cho công việc giải quyết trong tình nghĩa anh em ruột thịt trên cùng một mảnh đát “con rồng cháu tiên” này để có điều kiện mừng xuân ăn Tết yên vui hạnh phúc.

Chúng ta cũng rộng lượng tha thứ cho những ai bất kể trong nước ngoài nước, cho những hành vi lời nói xúc phạm đến nhau. Xin Chúa thương tha thứ và ban ơn nhờ lời Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse cầu bầu, ban cho chúng ta một mùa Xuân và những ngày Tết an vui hạnh phúc.

Thái Bình ngày 1/2/2008

+ F.X. Nguyễn Văn Sang
Giám Mục Thái Bình

+GM FX Nguyễn Văn Sang

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.02.2008. 00:51