Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Góp ý kiến nhân đọc bài của Ông Thợ Gặt

§ Lại Thế Lãng

VietCatholic News (Thứ Tư 23/01/2008 13:13)

Theo lời giới thiệu của VietCatholic thì tác giả là một giáo sư tiến sĩ đang giảng dạy tại một Đại học ở Hà Nội. Còn theo lời tự giới thiệu của tác giả thì ông “không phải là cán bộ ăn lương Nhà nước mà chỉ là nhà trí thức tự do nhưng có được đọc và nghiên cứu bộ môn ‘Chủ nghĩa Mác và vấn đề tôn giáo’, đồng thời cũng có giao du với một số cán bộ trung, cao cấp” ở Hà Nội.

Tôi hơi thắc mắc khi một người không ở trong guồng máy chính quyền mà chỉ có giao du với một số cán bộ trung, cao cấp nhưng lại có thể có những hiểu biết tường tận đến những vấn đề nội bộ của Công giáo cũng như biết khá nhiều về cách ứng phó của các cấp chính quyền đối với những đòi hỏi của người Công giáo. Thắc mắc vậy thôi chứ tôi nghĩ ông là ai cũng không quan trọng vì dù sao lời lẽ trong những bài viết của ông cũng tỏ ra có thiện chí, muốn tìm một giải pháp tốt đẹp để kết thúc sự việc mà càng để lâu càng chẳng có lợi cho ai. Tuy nhiên tôi cũng có vài nhận định và ý kiến sau khi đọc bài viết mới đây của ông.

1/ Theo ông thì sau vụ cầu nguyện đòi lại Tòa Khâm sứ “Thủ tướng đã thân chinh bỏ ngày nghỉ Chúa nhật 30-12-2007 để đi khảo sát thực tế và sau đó đã có ý kiến chỉ đạo rồi. Nhưng có phải Thủ tướng có ý kiến là xong không?” . Ông cũng nêu lên một số ví dụ điển hình như vụ kiện tụng ở Trường Đại học Đông Đô hay một số vụ khiếu kiện liên quan đến Công giáo cụ thể là vụ ở Khánh Hòa để cho thấy dù “Thủ tướng có ý kiến rất kiên quyết, buộc địa phương phải xử lý, nếu không phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nhưng xem ra địa phương họ không sợ...” cho nên việc đâu vẫn hòan đó.

Nói như vậy thì còn gì là tổ chức của một chính quyền? Chẳng lẽ Thủ tướng bó tay, hoàn toàn bất lực trước sự ương nghạnh và thiếu tinh thần trách nhiệm của một số quan chức địa phương hay sao? Chẳng lẽ Thủ tướng và chính phủ không còn cách nào khác và đành làm ngơ mà bỏ mặc những đòi hỏi chính đáng của người dân?

2/ Theo tác giả thì “các vụ liên quan đến tôn giáo luôn được coi là ‘tế nhị và phức tạp’. . . cho nên các vụ liên quan đến tôn giáo nhất là Công giáo thường bị xử lý rất chậm trễ”.

Theo tôi thì vấn đề cốt lõi là ở chỗ người Cộng sản vẫn có cái nhìn lệch lạc cố hữu đối với người Công giáo. Họ không tin người Công giáo. Họ luôn coi người Công giáo là đối thủ của họ cho nên trong xã hội, người Công giáo đã bị đối xử như là công dân hạng hai. Với ý niệm đó trong đầu, họ đã coi thường nguyện vọng cho dù rất chính đáng của những công dân hạng hai. Đã đến lúc người Cộng sản cần lọai bỏ cái ý nghĩ sai lầm đo. Họ cần biết rằng chính quyền không nên đối đầu với người dân, không nên xúc phạm đến niềm tin, không nên xâm phạm tài sản cũng như không nên can thiệp vào những việc khác liên quan đến giáo hội.

3/ Tác giả cho rằng việc “Quận Hoàn Kiếm đóng thêm biển ‘Nhà văn hóa Quận’ ở cửa Tòa Khâm sứ. Đấy cũng là cách giải quyết...

Theo tôi thì chính quyền Quận Hoàn Kiếm từ trước đã không dùng Tòa Khâm sứ để thực sự phục vụ công ích cho đến khi giáo dân kiên quyết đòi lại Tòa Khâm sứ thì cho đóng biển “Nhà văn hóa Quận” để lấy cớ là những cơ sở tôn giáo đang dùng phục vụ công ích thì Nhà nước chưa xem xét trả lại. Cách giải quyết là chính là một thái độ khiêu khích, coi thường tiếng nói của hàng ngàn giáo dân Hà Nội. Cung cách giải quyết vấn đề như vậy chỉ làm cho vấn đề thêm nan giải chứ không bao giờ đem lại kết quả tốt đẹp.

4/ Nói về công văn 237 ngày 11-1-2008 do bà Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký tên đã bị nhiều chỉ trích, tác giả cho rằng “Khổ thân bà vì bà đâu có soạn”.

Tôi cũng nghĩ công văn này không phải do chính bà Phó chủ tịch soạn thảo nhưng tôi không tin là bà đã nhắm mắt ký bừa mà không hề đọc qua nội dung. Chẳng lẽ bà Phó chủ tịch nhắm mắt ký càn mà không biết được rằng nếu có những hậu quả tai hại do bản văn bà ký tên mang đến thì chính bà sẽ trở thành vật tế thần chứ không phải ai khác? Cho nên dù có biện bạch cách nào thì bà Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vẫn phải chịu trách nhiêm trên văn bản mà bà đã ký tên.

5/ Tác giả cho rằng “Nếu lo sợ vụ việc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, Nhà nước có thể xem xét dứt điểm ngay. Nhưng nếu phát hiện có ‘âm mưu gì đàng sau’ thì sẽ có biện pháp cứng rắn, kiên quyết” .

Ai cũng đã biết từ trước kia và cho đến gần đây, Tòa Giám Mục Hà Nội đã liên tiếp gửi nhiều văn thư đến cơ quan thẩm quyền để xin lại Tòa Khâm sứ vốn là tài sản của Tổng Giáo phận Hà Nội nhưng những văn thư đó đã bị rơi vào quên lãng. Cho đến gần đây khi Tòa Khâm sứ bị sử dụng vào những việc kinh doanh không chính đáng cho nên Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã một lần nữa gửi văn thư xin chính quyền giao lại tài sản này để sử dụng cho nhu cầu của giáo hội. Nhưng cũng như những lần trước văn thư của Ngài đã chẳng được đếm xỉa tơi. Vì không còn cách nào khác, Ngài đành phải kêu gọi giáo dân cầu nguyện để chính quyền sớm trả lại Tòa Khâm sứ.

Rồi trong lúc vụ Tòa Khâm sứ còn chưa được giải quyết thì lại xẩy ra vụ chiếm dụng đất đai tại giáo xứ Thái Hà. Giáo dân Thái Hà quyết bảo vệ đất đai của giáo xứ đã tổ chức những buổi cầu nguyện vì họ chẳng còn biết trông cây vào ai. Họ cầu nguyện trước tượng Chúa và tượng Đức Mẹ ngay tại hiện trường với hy vọng được cac Đấng trợ giúp hầu nguyện vọng của họ sớm được thành tựu.

Trong cả hai sự kiện nêu trên, trước sau giáo dân chỉ muốn công lý được thể hiện để tài sản của giáo hội được trả lai, không bị chiếm dụng trái phép. Sự việc sáng tỏ như ban ngày chẳng có “âm mưu” nào ở đàng sau. Tiếc rằng “Cây muốn lặng mà gió chẳng muốn đừng”. Dường như người ta đã chẳng mảy may nghĩ đến nguyện vọng chính đáng của giáo dân lại còn muốn lèo lái sự việc theo chiều hướng khác khiến cho vấn đề rất đơn giản trở thành phức tạp.

5/ Tác giả cho biết “Sau công văn 273, thành phố có công văn bổ sung yêu cầu Quận Hoàn Kiếm, Công ty may Chiến thắng giữ nguyên hiện trạng và không được tiến hành bất cứ xây dựng nào đồng thời cũng yêu cầu phía giáo hội làm như vậy. Có nghĩa là giáo hội phải mang tượng ảnh đi và không được tổ chức cầu nguyện tại những nơi này nữa. Đây được coi là điều kiện tiên quyết để thành phố đề nghị Thủ tướng giải quyết”.

Tôi thấy có hai điều cần nêu ra về việc này. Thứ nhất liệu những nơi nhận công văn của thành phố có chịu tuân thủ quyết định của thành phố không? Tôi nghi ngờ quá. Là vì chỉ thị của Thủ tướng mà “xem ra địa phương họ không sợ” thì liệu thành phố có đủ uy quyền để buộc những nơi này tuân thủ không? Tôi nghi ngờ thì giáo dân Hà Nội càng nghi ngờ hơn vì họ là những người đã sống và chứng kiến biết bao cảnh “nói vậy mà không phải vậy”. Khi giáo dân mang tượng ảnh đi và không tổ chức cầu nguyện tại những nơi này nữa rồi đùng một cái người ta dùng thủ đoạn để thực hiện mưu đồ chiếm dụng thì sao? Có ai bảo đảm được rằng điều này không xẩy ra?

Thứ hai ai cũng thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biết rõ vụ việc Tòa Khâm sứ vì ông đã đến thăm Tòa Tổng Giám Mục rồi được Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đưa đi thị sát tại chỗ để ông có thể nhìn tận mắt, nghe tận tai về vụ việc này hôm 30-12-2007. Cũng theo tác giả thì sau đó Thủ tướng “đã có ý kiến chỉ đạo rồi” . Thế thì thành phố còn cần gì phải làm cái công việc dư thừa là “đề nghị Thủ tướng giải quyết” nữa? Tôi nghĩ UBND thành phố Hà Nội nên theo chỉ đạo của Thủ tướng và làm những việc trong chức năng của họ với tinh thần trách nhiệm mà không cần vẽ vời cho vấn đề thêm rắc rối.

Cuối cùng tác giả cho biết theo các nguồn tin hành lang thì nhất định Tòa Khâm sứ sẽ được trao cho HĐGMVN sử dụng. Đó là một tin vui nhưng tôi nghĩ giáo dân Hà Nội sẽ không vôi vui mừng cho đến khi nào thấy được dấu hiệu gì cụ thể. Cũng vậy ở Thái Hà chắc chắn giáo dân cũng sẽ không yên tâm khi chưa thấy được những dấu hiệu tích cực bảo đảm rằng nguyện vọng chính đáng của họ sẽ được đáp ứng.

Vermont 23/1/2008

Lại Thế Lãng

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.01.2008. 16:01