Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáo xứ Tam Tòa - đốt lò hương cũ soi lại gương xưa

§ Nguyễn Đức Cung

Trong bức thư gửi cho các linh mục trên toàn thế giới nhằm thiết lập năm linh mục (từ 19.6.2009 đến 19.6.2010) nhân dịp kỷ niệm lần thứ 150 “ngày sinh” của cha sở họ đạo Ars (Pháp quốc), Đức Giáo Hoàng Biển-Đức XVI có viết: “Cha Sở Thánh họ đạo Ars đã từng có thói quen nói: “Thiên chức linh mục, đó là tình yêu của thánh tâm Chúa Giêsu”[1]. Kiểu nói cảm động này trước tiên cho phép chúng ta gợi lên với lòng trìu mến và biết ơn hồng ân bao la là các linh mục không chỉ cho Giáo Hội, nhưng còn cho chính nhân loại. Tôi nghĩ đến tất cả các linh mục đang giới thiệu cho các tín hữu và cho toàn thế giới lễ vật khiêm tốn và thường ngày những lời nói và cử chỉ của chúa Kitô, đang nỗ lực gắn bó với Ngài bằng tư tưởng, ý chí, tình cảm và phong cách của tất cả cuộc sống của họ. Làm sao mà tôi không thể làm nổi bật sự vất vả tông đồ của họ, sự phục vụ dẻo dai và âm thầm của họ, đức ái phổ quát của họ được? Làm sao mà tôi không thể ca ngợi sự trung tín can đảm của biết bao linh mục mà, cho dầu phải đối diện với những khó khăn và những sự thiếu thông hiểu, vẫn trung thành với ơn gọi của mình: ơn gọi “làm bạn của Chúa Kitô”, đã lãnh nhận từ Ngài một ơn gọi đặc biệt, đã được chọn gọi và sai đi?” [2].

Những dòng tư tưởng thâm sâu xuất phát dưới ngòi bút của vị lãnh đạo hơn một tỉ tín đồ Công Giáo trên khắp thế giới về căn tính linh mục thật là đúng với cuộc đời của rất nhiều vị mục tử đã sống và phục vụ Tin Mừng tại giáo xứ Tam Tòa kể từ khi được thành lập ở phủ trị Đồng Hới với cái tên giáo xứ Động Hải (cuối thế kỷ XVII) rồi đổi thay danh xưng qua trường kỳ lịch sử cho đến hiện tại. Các vị mục tử đó là người ngoại quốc hay bản xứ trong thiên chức linh mục mà về sau có vị đã trở thành giám mục, hồng y đã được phúc tử đạo dưới hình thức này hay hình thức khác, đã vất vả trong sứ vụ tông đồ với giáo xứ, với con chiên, âm thầm hoặc công khai, đã phải đối diện với nhiều khó khăn và sự thiếu thông hiểu nhưng vẫn trung thành với ơn gọi của mình, đã đem hết sức khỏe và tinh thần phục vụ không chỉ giáo dân và cả người bên lương nữa, và quả thật không chỉ cho Giáo Hội Công Giáo mà cho nhân loại không phân biệt tôn giáo hay sắc dân vì các hoạt động mang tính công ích của họ. Chân dung các vị mục tử nhân từ (bonus pastor) vẫn còn hiện hữu trong lịch sử giáo xứ Tam Tòa tưởng cũng cần được vẽ lại dù chỉ với những nét đan thanh để giúp làm hành trang tư tưởng qua công cuộc đấu tranh vì Công lý và Sự thật cho người giáo dân trong xứ đạo bé bỏng nhưng kiên cường Tam Tòa hôm nay.

1.- Giám mục Joseph Hyacinthe Sohier (Bình), vị cha chung kiên cường của Giáo phận Huế trong thời kỳ “phân sáp”.

Joseph SOHIER sinh ngày 22.9.1818 tại giáo xứ Désertines, tỉnh Mayenne, thuộc giáo phận Mans vùng Tây Bắc Pháp quốc. Thuở nhỏ ngài nhập Tiểu chủng viện Précigné tỉnh Sarthe ở gần phía Đông Mayenne từ 1834 đến 1838 [3] rồi gia nhập Đại chủng viện Hội Thừa Sai Truyền Giáo Paris được thụ phong linh mục ngày 21.5.1843 và nhận quyết định đi truyền giáo tại miền Nam Việt Nam, tới Sài Gòn ngày 21.12.1843.

Năm 1844, linh mục Sohier đi ra thăm một người bạn cũ là linh mục Jean-Paul Galy (1810-1869) đang truyền đạo ở Kẻ Sen, một xứ đạo thuộc vùng núi Quảng Bình cách Tam Tòa hiện nay 17 cây số. Đây là buổi sơ ngộ đầu tiên nhưng lại là một mối lương duyên gắn bó mật thiết linh mục Sohier với người giáo dân Kẻ Sen, Kẻ Hạc, Kẻ Bàng mộc mạc, chân chất từ đó cho đến khi chết.

Ra về nhớ trống Kẻ Sen,
Nhớ chuông Kẻ Hạc, nhớ kèn Thiệu-Yên.

Sohier xin nhập giáo phận Bắc Đàng Trong từ năm 1850 khi giáo phận mới thành lập và sau này nổi tiếng là một giám mục của thời kỳ phân sáp, giai đoạn lịch sử đau thương nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Thời kỳ phân sáp đối với người Công Giáo Việt Nam bắt đầu với chỉ dụ ban hành ngày 17.01.1860 dưới triều vua Tự Đức và chấm dứt với hòa ước Nhâm Tuất (5.6.1862) cũng trong thời đại ông vua này.

Trước thời kỳ phân sáp, ngày 27.8.1850 một sắc chỉ của Tòa Thánh được công bố nhằm thiết lập giáo phận Bắc Đàng Trong tức Giáo phận Huế với lãnh thổ được xác định từ đèo Hải Vân ở cực nam tỉnh Thừa Thiên ra cho tới sông Gianh – nguồn Son ở phía bắc và Đức cha Pellerin (tức cố Phan) lúc trước làm Giám mục phó cho Đức Cha Cuénot (cố Thể) được cử làm giám mục tiên khởi. Trụ sở Tòa giám mục lúc đó không đặt ở Huế mà đóng tại làng Di Loan, phủ Vĩnh Linh, Quảng Trị để tránh bớt áp lực nặng nề của triều đình Huế trong chính sách bắt đạo. Ý thức được sức mạnh của Giáo hội nằm ở trong hàng ngũ các tông đồ giáo dân cho nên Giám mục Pellerin lưu tâm đào tạo và củng cố các cán bộ giáo dân tức là các thầy giảng bậc nhì đó là các ông Biện, Câu, Trùm trong các họ đạo, chia giáo phận thành ba giáo hạt và đặt ba vị Trùm Hạt (Câu Cả):

- Hạt Thừa Thiên: Micae Hồ Đình Hy làm Trùm Hạt.
- Hạt Quảng Trị: P.X. Lê Thiện Thìn người Trí Bưu.
- Hạt Quảng Bình: Matthêu Nguyễn Văn Phượng (tức Đắc) người Lý Nhơn, Kẻ Lái

địa phương gọi là Kẻ Náu là một họ nhánh của giáo xứ Sáo Bùn) làm Trùm Hạt (kiêm nhiệm Trùm xứ Sáo Bùn - Tam Tòa).

Trong năm 1851, khi phong trào bắt đạo lên cao, Giám mục Pellerin đã chọn Linh mục Tổng đại diện Sohier làm Giám mục phó với quyền kế vị trong tương lai.

Ngày 17.8.1851 tại nhà thờ Di Loan, Quảng Trị, Linh mục Joseph Hyacinthe Sohier được phong Giám mục với hiệu tòa Gadare, cũng có mũ gậy giám mục nhưng mũ bằng giấy kim tuyến và gậy là một chiếc gậy bằng tre [4]. Đức Cha Pellerin, trong thư gửi về cho mẹ ở Pháp cũng kể chuyện ngài được phong Giám mục như sau: “Vào cuối tháng 9.1846, Đức cha Cuénot gọi con (Pellerin) đến nơi ẩn náu kín đáo của Ngài và lập tức Ngài ra lệnh cho con thực hiện cuộc “cấm phòng”8 ngày. Rồi vào một đêm, 4.10.1846, đêm lễ Đức Bà Mân Côi, trời mưa gió tầm tã, dưới mái nhà rơm của tu viện Mến Thánh Giá ở Gò Thị, ánh sáng le lói bập bùng trong căn phòng nhà nguyện, lễ tấn phong Giám mục được diễn ra. Mũ giám mục bằng giấy, gậy bằng cây gỗ, không giày không vớ. Nhẫn và Thánh giá bằng vàng được các thiếu nữ con các quan mới gia nhập đạo tặng cho. Khách dự gồm vài linh mục, vài ông Chức việc của hai họ đạo Gò Thị và Gia Hựu, các nữ tu Mến Thánh Giá và chủng sinh thì khá đông.” [5] Khi tình hình bách hại đạo Công Giáo lên cao điểm. Giám mục Pellerin đã tích cực phát động phong trào truyền giáo, xây dựng lực lượng tông đồ giáo dân, đào tạo linh mục, củng cố các dòng Mến Thánh Giá. Giáo phận Huế lúc bấy giờ có 2 Giám mục, 2 linh mục thừa sai ngoại quốc, 16 linh mục Việt Nam, 2 chủng viện (Di Loan và Kẻ Sen), 15 đại chủng sinh, 50 tiểu chủng sinh, 7 tu viện Mến Thánh Giá và 25.285 giáo dân trong ba giáo hạt Quảng Bình – Quảng Trị –Thừa Thiên [6]. Tháng 10.1856, Giám Mục Pellerin rời Giáo phận nhưng sau đó không trở lại được vì tình hình “phân sáp” quá căng thẳng và mọi công việc giao lại cho Giám mục phó Sohier.

Nếu kể về những vất vả gian lao của vị “giám mục phân sáp” thì phải nói đến Đức Cha Joseph Hyacinthe Sohier (tên Việt là Bình).

Tuy địa bàn cơ sở chủ yếu đóng tại làng Di Loan (Quảng Trị) nhưng Giám mục Bình phải đi chuyển địa điểm luôn khi thì ở đó lúc ra Quảng Bình qua Sáo Bùn về Kẻ Sen vì ở đấy có chủng viện. Ngài bị quan quân tróc nã ráo riết từ nơi này sang nơi khác, lúc cùng đường phải chạy sâu vào núi Trôốc Voi, Trôốc Miễu gần đập Cơn Gạo trong dãy núi đá vôi hiểm trở Kẻ Sen – Kẻ Bàng. Tấm lòng vị mục từ luôn luôn nghĩ đến chủng sinh qua những lời thông báo của giám mục gửi đến các linh mục: “Tất cả các chủng sinh đã rời chủng viện, bỏ học hành thiếu thốn. Các cha sở phải lấy của chung mà giúp đỡ. Hiện giờ các chủng sinh chỉ nhờ lời an ủi khuyên bảo và sửa dạy của quý cha thôi.” Địa điểm thực hiện công tác mục vụ như truyền chức linh mục, thánh lễ luôn tổ chức tại nhà giáo dân, thầm lặng nhưng trang nghiêm. Ngài luôn luôn cải trang để tránh bị theo dõi. Đói khát, bệnh tật, khí hậu lam chướng luôn luôn là những thử thách đối với vị lãnh đạo tinh thần của Giáo phận.

Tháng 7.1860, Giám mục Bình trốn trong một túp lều xiêu vẹo ở Kẻ Sen, kê tấm ván làm giường ngủ và cũng là bàn viết, đắp chiếc chiếu cói. Lần nọ, một người Công giáo tên Nhiêu Hân đi tố cáo Đức cha, quan quân truy lùng bắt được một giáo dân tên Bình. Nhưng đây là một vụ bắt nhầm, ông Bình này bị đánh đập rồi được thả về với vợ con. Một lý trưởng làng Kẻ Sen lại cũng là Công giáo tên Phanxicô Xavie Huỳnh Văn Đức cũng bị bắt vì quan quân cho đó là “Đức Thầy” tức là chức vị Giám mục của Đức Cha. Ông này cũng bị đánh đập nhưng rồi được tha. Rất nhiều trường hợp Đức cha đã thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc, thí dụ, lý trưởng làng Lộc Thọ (làng Vĩnh An) tên Đệ là một người ngoại giáo đã cho Giám mục và thừa sai Barbier (thuộc giáo phận nam Đàng Ngoài) tá túc trong nhà nhưng rủi thay có người đi tố cáo nên quan quân ập đến. Bà chủ nhà, vợ ông lý trưởng liền kéo Đức cha xuống chuồng heo, bảo Đức cha nhảy xuống cái hầm, bà lấy cái mẹt lớn đậy lên miệng hầm. Lính lục soát khắp nhà, nhưng không để ý tới cái chuồng heo nên Đức cha thoát nạn. [7] Thoát khỏi nhà lý Đệ, Đức Cha lại trốn vào núi, len lỏi vào chốn thâm sơn cùng cốc gọi là “Khe nước lắng” trên hữu ngạn sông Dinh, thuộc làng Kẻ Sen. [8] Sau khi bất lực không tìm ra được tung tích của Giám mục Bình, quan quân phải tâu về triều Huế là “ông Bình” đã chết rồi nhưng quả thật “ông Bình” vẫn còn sống. Nhiều người ngoại giáo đã không tố cáo mà còn nuôi Đức cha nữa. Một gia đình lương dân nọ ở làng Sao Sa tiếp tế lương thực nuôi Đức cha bằng cách mỗi ngày ông chủ gia đình mang theo mình khi thì mo cơm, khi thì ít củ khoai, củ sắn tới dấu tại một điểm hẹn ở bìa rừng rồi về. Tối đến, có người từ trong rừng ra lay về nuôi Đức Cha, nhờ đó Đức Cha sống lần hồi qua ngày. Người làm ơn đó không phải Công Giáo mà cũng không quen biết. Rõ ràng là xã hội nào cũng có những con người “tính bản thiện” và hành động theo ý quan phòng của Thiên Chúa.

Công tác mục vụ hằng ngày của Giám mục cũng phải ngụy trang, che dấu như các linh mục tu sĩ khác. Chẳng hạn áo lễ, chén thánh, tượng ảnh phải dấu dưới đáy một rổ rau hay rổ sắn (khoai mì) do một nữ tu Dòng Mến Thánh Giá mang đi trước, rồi Đức cha Bình cải dạng là một ông lão quê, đi đôi guốc mộc, hoặc có khi quần trắng áo thụng đen chầm chậm theo sau. Cứ vậy hết năm này qua năm khác...

Sức khỏe hao mòn dần, tinh thần luôn căng thẳng nên nhiều lần Giám mục Bình dự tính ra trình diện nộp mình cho quan quân nhưng một số linh mục như Nguyễn Ngọc Huệ, Trần Hữu Ninh đi theo Đức Cha trong những ngày lưu lạc rất lo sợ nên tìm cách an ủi, trấn giữ tinh thần Đức Cha với những lời lẽ thiệt hơn. Linh mục Trần Hữu Ninh [9] nói: “Vậy thưa Đức Cha, thà Đức cha cứ tiếp tục đi trốn, đi núp còn hơn là cứ khăng khăng ra nộp mình.” Sau đó, linh mục Trần Hữu Ninh cầm lấy tay Giám mục Sohier trịnh trọng thưa: “Thưa Đức cha, con cấm Đức cha không được nộp mình!”

Sau hiệp ước Nhâm Tuất (5.6.1862), vua Tự Đức tha đạo, nên Giám Mục Sohier rời Kẻ Sen về Kim Long, tổ chức thánh lễ Tạ Ơn rất trọng thể tại đây. Đức cha Sohier làm một cử chỉ rất tế nhị mang ý nghĩa tuyên dương khen thưởng linh mục Martino Nguyễn Văn Thanh trước cộng đoàn dân Chúa vì linh mục này trong mấy năm bắt đạo đã cải trang khi thì đi gánh nước thuê, khi thì người quét chợ, lúc làm nhân viên ban âm công (nhà đòn) v. v..., liên lạc chỗ này nơi nọ để làm công tác mục vụ, thu lượm tin tức liên hệ tới sự an nguy của Giáo Hội. Đức Cha nhường quyền chủ tế Thánh lễ Tạ Ơn này cho linh mục Nguyễn Văn Thanh. Trong dịp lễ đặc biệt này, người Công Giáo đi dự rất đông và họ rất ngạc nhiên, xì xào nói với nhau: “Ủa, tưởng là ai, té ra là cụ Thanh gánh nước thuê ở chợ Đông Ba...”

Ngày 10.7.1864 Giám Mục Sohier vào Sài Gòn đi Âu châu đem theo hai thầy Nguyễn Ngọc Tuyên và Nguyễn Hữu Thơ cố ý vận động Hội Thừa Sai Paris giúp đỡ cho Giáo phận Huế và cho cả Việt Nam. Tại Rôma, Đức Cha đã được Đức Giáo Hoàng Piô IX tiếp kiến. Đức Cha cho hai thầy Tuyên và Thơ vào học Đại chủng viện Mans và ngày 17.12.1864, ngài phong chức linh mục cho thầy Sáu Nguyễn Ngọc Tuyên và chức Phó tế cho thầy Nguyễn Hữu Thơ.

Về nước, Đức Cha ban hành các chỉ thị điều hành họ đạo, xây cất các cơ sở tôn giáo, chủng viện, dòng tu, tòa giám mục, cơ sở từ thiện bác ái, thành lập khu dinh điền khai phá đất hoang ở vùng Thanh Tân – Ồ Ồ thuộc huyện Phong Điền, Thừa Thiên. Dịp này Đức cha cho lập nhà trẻ (Viện dục anh) ở giáo xứ Sáo Bùn (tên cũ của Tam Tòa) do thừa sai Pontvianne phụ trách, giúp cho triều đình Tự Đức mở trường dạy Pháp ngữ ở Huế, tham gia phái đoàn thương nghị giữa Trần Đình Túc và Francis Garnier tại Hà Nội.

Tháng 6.1876 Giám mục Sohier đi thăm giáo dân ở Quảng Bình, tới viếng các xứ đạo ở phía nam Quảng Bình như Mỹ Hương, Đại Phong, Mỹ Phước, Xuân Hồi, Trung Quán, ghé giáo xứ Sáo Bùn để ban phép Thêm Sức, tới viếng xứ đạo Kẻ Sen là bản doanh quen thuộc của ngài trong các thời kỳ khó khăn. Tại đây, ngài bị bệnh kiết lị và từ trần ngày 3.9.1876 an táng trong nhà thờ giáo xứ Kẻ Sen. Một tấm bia mộ do Tòa Giám Mục Huế đưa ra vài năm sau đó được đặt trên mộ Đức Cha khắc mấy câu chữ Nôm được kể như lời trối sau cùng của ngài: “Chúng con hãy cầu nguyện cho cha. Ví bằng cha đặng lên Thiên đường thì cha chẳng quên chúng con đâu.”

Có thể nói Giám mục Sohier là một vị chủ chăn vĩ đại chịu biết bao phong trần khốn khổ cùng với giáo dân nghèo khổ Thiên - Trị - Bình, đã Việt Nam hóa qua phong thái áo thụng the đen, mang giày hạ, đầu chít khăn nhiễu, tay cầm quạt, ngồi bên bàn gỗ gụ. Những vất vả gian lao của vị mục tử tốt lành này đã là chất liệu khích lệ tinh thần giữ đạo bền vững của người giáo dân Kẻ Sen, Kẻ Bàng, Kẻ Hạc, Sáo Bùn v.v... trong thời gian khó khăn đúng như lời Đức Kitô nói trong Kinh Thánh: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên” [10]. Trải qua một thời gian rất điêu đứng vì chính sách bắt đạo, phân sáp của vua Tự Đức, nhiều giáo dân, giáo sĩ chết vì đạo, biết bao cơ sở phụng tự như nhà thờ, tu viện, chủng viện, viện dục anh bị phá hủy, tịch thu, Giám mục Sohier thay vì oán hận vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn, lại tỏ ra hết sức sốt sắng giúp vua trong một số công tác được nhờ cậy đến, bằng tất cả tấm lòng nhân từ của một vị chủ chăn Công Giáo. Thái độ khôn ngoan đó cũng là yếu tố giúp cho đạo Công Giáo dễ dàng phát triển trong các giai đoạn lịch sử về sau. Giáo dân Sáo Bùn qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đã nhìn vào tấm gương sáng của chủ chăn làm phương thức hành động trong việc gìn giữ và tô bồi đức tin của mình.

2.- Giám mục Martin Jean Pontvianne, nguyên Quản nhiệm giáo xứ Sáo Bùn (Tam Tòa), vị mục tử của thời kỳ hậu “phân sáp”.

Linh mục Martin Jean PONTVIANNE sinh ngày 1.3.1839 tại làng Yssingeaux, miền Haute-Loire vốn là một miền cao nguyên đồi núi thuộc sơn khối Massif Central Pháp quốc, thiếu thời theo học Tiểu chủng viện Monistrol, rồi tiếp tục chuyển lên học Đại chủng viện của Hội Truyền Giáo Paris từ ngày 23.10.1860, thụ phong linh mục ngày 30.5.1863 cùng một lần với linh mục Dangelzer.

Vâng lệnh Hội Thừa Sai Truyền Giáo Paris, hai linh mục Pontvianne và Dangelzer đặt chân lên Sài Gòn ngày 16.7.1863 mà địa điểm được chỉ định là Giáo phận Bắc Đàng Trong (Huế), nhưng lúc bấy giờ tình hình cấm đạo còn rất khó khăn nên cha Pontvianne tạm thời làm tuyên úy nhà tù Côn Đảo trong thời gian chờ đợi đến Huế.

Sáu tháng sau, linh mục Pontvianne (tên Việt Nam là Phong) cùng với linh mục Dangelzer ra Huế và từ ngày 16.9.1864 nhận nhiệm vụ mới dưới quyền Giám mục Sohier. Nhiệm sở đầu tiên của cha Pontvianne khi nhận bài sai là giáo xứ Sáo Bùn, một cứ điểm truyền giáo trước đây thuộc các linh mục Dòng Tên nằm phía nam phủ trị Đồng Hới khoảng 3 cây số, giáo dân nghèo nàn thưa thớt. Giáo xứ Sáo Bùn (sau này đổi tên là Tam Tòa, sau biến cố Văn Thân đốt phá năm 1886) lúc bấy giờ chưa có nhà xứ cũng như chưa có nhà thờ mới. Linh mục Pontvianne tạm trú trong chái căn nhà của 3 thừa sai thuộc giáo phận Nam Đàng Ngoài (Vinh) được sử dụng làm nhà thờ. Cũng như trường hợp của linh mục Pontvianne phải chờ tại Sài Gòn, ba vị thừa sai người Pháp là linh mục Desvaux (cố Đề), linh mục Croc (cố Hòa), linh mục Roy (cố Thuần) phải nằm đợi tại Sài Gòn vì chưa vào Giáo phận Vinh được. Đến tháng 8 năm 1862, sau hòa ước Nhâm Tuất, ba vị thừa sai này tưởng đã vào Giáo phận Vinh được nên đi tàu thủy ra cửa Đồng Hới nhưng đã bị các quan ở Quảng Bình bắt giữ vì họ không có giấy thông hành của Súy phủ Pháp ở Sài Gòn. Tuy vậy các quan ở đây cũng cất cho các vị thừa sai đó một ngôi nhà 3 gian, 2 chái trên nền nhà thờ cũ họ Sáo Bùn để các vị đó có nơi cư trú. Ba tháng sau các vị đó được tự do, các linh mục Desvaux và Roy ở lại phục vụ tại Giáo phận Huế còn linh mục Croc ra Giáo phận Vinh. [11] Ngôi nhà tạm trú của 3 vị thừa sai đã trở thành nhà thờ họ đạo Sáo Bùn, và linh mục Pontvianne khi nhận bài sai ra làm cha sở giáo xứ Sáo Bùn đã ở trong chái nhà này. Năm 1867, khi có thêm thừa sai Claude Bonin (cố Ninh, 1839-1925) về làm Phó xứ Sáo Bùn vì số lượng giáo dân ngày càng tăng thêm, linh mục Pontvianne xây nhà thờ mới [12]. Với cương vị là quản xứ, linh mục Pontvianne chuyên tâm trong công tác giảng dạy giáo lý cho anh chị em tân tòng, mở các kỳ khảo hạch giáo lý trong giáo hạt. Trong thời gian coi sóc giáo xứ Sáo Bùn, linh mục Pontvianne có tinh thần bác ái rất đặc biệt nhất là chăm lo nuôi người nghèo khó. Có một người hành khất đau yếu được ngài đem về nuôi trong nhà đến lúc chết ngài giúp đỡ lo tống táng cho ông ta.

Vâng lệnh Giám mục ở Huế, cha Pontvianne lập ở giáo xứ Sáo Bùn một nhà nuôi trẻ mồ côi gọi là Viện Dục Anh hằng ngày tiếp nhận các trẻ em bị cha mẹ vứt bỏ ngoài đường, các trẻ em mồ côi hay cha mẹ nghèo quá không nuôi nổi cha đều nhận hết và giao cho các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá chăm sóc nuôi nấng. Giáo xứ mặc dầu đa số giáo dân đều là những người làm nghề nông hay chài lưới với cuộc sống rất cơ cực nhưng vẫn đóng góp để giúp cha sở nuôi các em ở Viện Dục Anh. Sau này khi giáo xứ Sáo Bùn bị Văn Thân đốt phá năm 1886, Viện Dục Anh cùng toàn bộ giáo xứ chạy ra Tam Tòa (Đồng Hới) và vẫn tiếp tục công tác xã hội đầy khó khăn vất vả đó cho đến năm 1954.

Năm 1876, Giám mục Sohier qua đời, giáo phận chưa có Giám mục kế vị nên linh mục Louis Etienne Dangelzer (tên Việt Nam là Đăng, 1839-1904) được cử làm Tổng đại diện (Cha Chính) từ năm 1866 tạm nắm quyền điều hành giáo phận. [13]

Ngày 31.8.1877, Tòa thánh bổ nhiệm linh mục Pontvianne lúc đó đang làm cha sở giáo xứ Sáo Bùn kiêm Quản hạt Quảng Bình làm Giám mục Hiệu tòa Butra điều khiển Giáo phận Huế và lễ tấn phong giám mục được cử hành ngày 12.5.1878 tại Tòa Giám Mục ở Kim Long (Huế).

Sau lễ tấn phong, Giám mục Pontvianne đi thăm các họ đạo trong khắp giáo phận nhưng nửa chừng bị bệnh nặng phải trở về Huế. Từ đấy, sức khỏe yếu dần, ngài phải qua Hồng Kông trị bệnh tại bệnh viện Bêtania được vài tháng nhưng đến ngày 30.7.1879 Đức Cha qua đời, hưởng dương 40 tuổi, sau 16 năm làm linh mục, và 14 tháng làm Giám mục Giáo phận Huế. Ngài được chôn cất tại nghĩa trang Bêtania ở Hồng Kông.

Nhìn lại cuộc đời của Giám mục Pontvianne thật là ngắn ngủi trong 16 năm làm linh mục thì hết 13 năm sống tại giáo xứ Sáo Bùn nhưng đặc biệt vì tấm lòng bác ái của ngài lo cho người nghèo khổ bất hạnh, cho các trẻ em mồ côi ở Viện Dục Anh Sáo Bùn đúng như lời Chúa phán trong Kinh Thánh: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”. [14]

3.- Giám Mục Alexandre-Paul Marie Chabanon, nguyên Chánh xứ Giáo xứ Sáo Bùn (Tam Tòa), với chính sách “đổi mới” tại Giáo phận Huế.

Nếu gọi là diễm phúc đối với giáo xứ Sáo Bùn có được những vị linh mục đạo đức tốt lành đảm nhiệm chức vụ chủ chăn, về sau được Tòa Thánh Rôma cất nhắc lên hàng Giám Mục có tên tuổi trong Giáo phận Huế thì cũng phải kể là những hồng ân giáo dân toàn giáo phận hưởng nhờ do những cải cách độc đáo dưới thời Alexandre - Paul Chabanon làm giám mục (1930-1936).

Alexandre – Paul CHABANON sinh ngày 7.7.1873 tại làng Antre, tỉnh Lozère, giáo phận Mende, thủ phủ tỉnh Lozère, nằm phía Đông – Đông Nam Pháp quốc. Tân chức được thụ phong ngày 28.6.1896, được chỉ định sang phục vụ tại Việt Nam tại giáo phận Bắc Đàng Trong và đặt chân tới Huế ngày 26.8.1896.

Linh mục có tên Việt Nam là Giáo, nhận lãnh “bài sai” từ Giám mục Allys (Đức Cha Lý) về làm phó xứ Trí Bưu (Quảng Trị) dưới quyền chánh xứ là linh mục Claude Bonin (cố Ninh, 1839-1925) từ năm 1896 đến 1899.

Trong cuốn Quá trình lịch sử Đại chủng viện Huế của linh mục J.B. FRoux (cố Ngôn), người ta được biết cha Chabanon được bổ nhiệm làm giáo sư Đại chủng viện Phú Xuân dưới quyền Linh mục giám đốc Alphonse Izarn (cố Y, 1861-1919); cha Chabanon là một trong ba vị giáo sư đầu tiên được giữ chiếc ghế này tại Đại chủng viện.

Năm 1905, linh mục Chabanon rời Đại chủng viện, giao ghế giáo sư lại cho linh mục Adolphe Delvaux (cố Văn) và về làm chánh xứ giáo xứ Tam Tòa, kiêm Hạt trưởng Hạt Quảng Bình thay thế linh mục Jean Louis Bonnand (cố Bổn, 1854-1919) cho đến năm 1908. Phó xứ Tam Tòa lúc bấy giờ là linh mục Phạm Ngọc Chiếu. Theo tập kỷ yếu Nhà thờ Tam Tòa Đà Nẵng, Sau 50 năm qua ba thời kỳ xây dựng, linh mục Chabanon làm chánh xứ Tam Tòa từ 1905-1908. Một số tư liệu trong nước ghi nhầm năm 1918 cha Chabanon rời xứ Tam Tòa nhưng sau đó không nói rõ ngài đi nhiệm sở nào mà chỉ cho biết ngài ở Pháp về năm 1930. Có thể trong thời gian từ 1908 đến 1930 cha Chabanon đi Pháp nhưng có lẽ chỉ ở bên đó vài năm thôi chứ không thể kéo dài đến 22 năm được?

Năm 1918, Giám mục Allys cử cha Chabanon giữ chức giám đốc Đại chủng viện Phú Xuân sau khi cha Alfred Marie Barthélémy qua đời tại Huế, ngày 13.5.1918. Cha Chabanon làm Giám đốc Đại chủng viện Phú Xuân ngày 16.8.1918 cho đến khi được cử làm Giám mục phó, năm 1930, tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục nhiệm vụ Giám đốc Đại chủng viện cho đến ngày chính thức lãnh đạo giáo phận, sau khi Đức Cha Allys từ chức [15]. Ngày 28.10.1930, tại nhà thờ chánh tòa Phủ Cam, linh mục Chabanon được Tòa Thánh bổ nhiệm Giám mục phó, hiệu tòa Bitylie, do Đức Khâm sứ Colomban Dreyer chủ phong. Lúc bấy giờ Đức Cha Allys bệnh hoạn nhiều và hơn nữa bị mù nên Đức Cha phó vẫn tiếp tục nhiệm vụ Giám đốc Đại chủng viện.

Năm 1924, tại Đại chủng viện Phú Xuân (Huế) có tổ chức Hội đồng Kinh nghuyện (Commission des Prières) của Hội đồng Giám mục Đông dương mục đích là san định lại một số kinh sách dùng thống nhất trong các giáo phận ở Việt Nam, chuyển đổi một số danh từ tiếng La Tinh sang tiếng Việt đạt mức hoàn chỉnh, đặt dưới sự điều khiển của cha Chabanon, từ đó xuất hiện các danh từ thánh-giá thay cho câu-rút (crux), thánh-thần thay cho spiritus sanctus, phúc-âm thay cho Ê-vang (evangelium), giám-mục thay cho vít-vồ (évêque) v.v...

Tháng 6 năm 1931, Giám mục Allys từ nhiệm nên Giám Mục phó lên chấp chính quyền lãnh đạo giáo phận.

Một trong những việc làm của Giám Mục Chabanon là canh tân một số thông lệ đã có từ trước để cho có sự tốt đẹp hơn đó là cử một linh mục Việt Nam làm chánh xứ và một linh mục Pháp làm phó xứ: Linh mục André Marc EB (1904-1981) như vậy là xóa đi tình trạng bất bình đẳng giữa linh mục “bản xứ” với linh mục “mẫu quốc”. Việc làm mang tính cách đổi mới này có khả năng phá bỏ bức tường ngăn cách sự hội nhập bình đẳng và thiêng liêng giữa linh mục Ta và linh mục Tây, đồng thời cũng phá tan dư luận của những kẻ xấu mồm xuyên tạc là có sự kỳ thị giữa cha Pháp và cha Việt. Dĩ nhiên ai cũng phải thừa nhận rằng các linh mục thừa sai khi sang truyền giáo ở nước ta vốn được học hành, huấn luyện, truyền thụ kinh nghiệm đến nơi đến chốn, không bị phá phách, đàn áp, truy đuổi gắt gao như các chủng sinh ở Việt Nam trong thời các vua chúa nhà Nguyễn. Cho nên, việc các linh mục Việt Nam làm phó xứ, phụ tá cho các cha Tây cũng là điều hiển nhiên thôi, và cũng là dịp để học hỏi thêm. Nhưng cũng thật là không nên khi tình trạng đó vẫn cứ kéo dài mãi bởi thế quyết định của Giám Mục Chabanon được coi là một hành động “cách mạng” thật đáng hoan nghênh!

Đức Cha Chabanon cũng đã không ngần ngại bổ nhiệm linh mục Đỗ Khắc Mỹ giữ chức Quản Hạt vốn là một chức vụ quan trọng xưa nay chỉ trao vào tay các cha thừa sai người Pháp mà thôi.

Người ta cũng kể rằng những khi có việc phải họp chung, trước kia thường thì các linh mục người Pháp dù còn trẻ vẫn được ngồi trên, nhưng dưới thời Giám Mục Chabanon, việc ngồi được quy định theo niên tuế, ai lớn tuổi ngồi ghế trên, ai nhỏ tuổi ngồi ghế dưới, không cứ gì linh mục người Việt hay người Pháp.

Trong lãnh vực giáo dục, Giám Mục Chabanon đã tiếp nối công trình xây dựng và hoàn tất một trường trung học tư thục Công Giáo nổi tiếng ở Việt Nam là Trường Trung Học Providence tại Huế, thường gọi là Trường Thiên Hựu. Cái tên “Thiên Hựu” là do linh mục Sảng-Đình Nguyễn Văn Thích [16], một bậc túc nho của chốn cố đô đặt cho lấy từ trong sách Trung Dung “Thiên hựu hạ dân, tác chi quân, tác chi sư “ nghĩa là: Trời chiếu cố người dân ở dưới trần nên kẻ thì cho làm vua, kẻ thì cho làm thầy. Trường này là lò đào tạo biết bao nhân tài Việt Nam, về sau nhiều người trở thành tầng lớp lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hòa và Miền Bắc như Trần Văn Lý, Hà Thúc Ký, Bùi Xuân Bào, Trần Điền, Tạ Quang Bửu, Tố Hữu, Hồ Sĩ Khuê, Lâm Lễ Trinh, v.v... con em người Pháp tại Đông Dương, cùng con em các dân tộc Lào, Cao Miên, Thái Lan. Chất lượng giảng dạy dồi dào cùng với chương trình các bộ môn phong phú đã gây được uy tín của Trường khắp nơi trong toàn quốc.

Tháng 10 năm 1933, Trường khai giảng với vị hiệu trưởng người Việt Nam đầu tiên là Linh mục Tiến sĩ Ngô Đình Thục, bào huynh của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, về sau làm Giám Mục Vĩnh Long (1938) và Tổng Giám Mục Giáo Phận Huế (1961-1963).

Về phương diện tu đức, với khả năng uyên bác trong lãnh vực tín lý, thần học, Giám Mục Chabanon là tác giả bộ luật của Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, thường gọi là Dòng nữ Phú Xuân (Kim Long) được áp dụng từ thập niên 30 của thế kỷ trước cho đến ngày nay.

Ngoài ra Giám Mục cũng là người nâng đỡ, khuyến khích Dòng Khổ Tu Phước Sơn được thành lập từ năm 1918 tại khu đất của cụ Nguyễn Hữu Bài ở vùng đồi núi Quảng Trị và được thừa nhận vào đại gia đình Xi-Tô trong nhiệm kỳ của Giám Mục Chabanon tại Giáo phận Huế.

Ngày 29.6.1935, Giám Mục Chabanon đã đứng phụ phong cho Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Columban Dreyer, cùng với Đức Cha Nguyễn Bá Tòng trong lễ tấn phong Tân Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn, người Ba Châu, nguyên Giám đốc Tu viện Dòng Anh Em Hèn Mọn Thánh Tâm (Sacré Coeur) ở Thợ Đúc, Huế, Giám mục tiên khởi của Giáo phận Huế.

Mùa Thương Khó năm 1936, Giám Mục Chabanon ngã bệnh, sức khỏe suy sụp dần nhưng ngài không rõ bệnh gì, nên vẫn cứ làm việc. Ngài cố gắng dâng Lễ phục sinh rồi về phòng nằm nghỉ. Dự định ngày 24.4.1936 thì lên đường về Pháp nhưng ngày 23.4 Đức Cha Allys qua đời nên ngài rán đến lạy, cầu nguyện và từ biệt Đức Cha Allys đang quàn ở nhà. Hôm sau ngài lên đường vào Đà Nẵng và lên tàu về Pháp có cha Fasseaux tháp tùng nhưng khi gần đến Djibouti thì sức khỏe ngài suy nhược hẳn, phải chịu các phép bí tích sau hết. Ngày 4.6.1936 Giám Mục Chabanon từ trần tại bệnh viện Marseille, thọ 63 tuổi, 40 năm linh mục, 6 năm Giám Mục Giáo phận Huế. [17]

Trong buổi lễ tấn phong Giám mục của Đức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê tại Nhà thờ lớn Hà Nội do Đức cha Anselmô Tađêo Lê Hữu Từ chủ phong và hai Đức cha Francois Gomez de Santiago Lễ (OP) và Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi phụ phong, sau khi Cha Paulo Léo Seitz Kim (MEP) đọc diễn từ chúc mừng, vị tân Giám mục người Việt Nam đầu tiên của Hà Nội đã hướng ngay về phía các Giám mục Việt Nam và dõng dạc tuyên bố: “Que serions-nous sans eux?” (Không có các vị thừa sai thì chúng ta sẽ ra sao?) . Thật là một câu nói hàm súc, một thái độ trọng thị, một tâm tình chung thủy, cũng hệt như cảm nghiệm của Geoges Bernanos khi nói “Tout est grace” (Tất cả đều là hồng ân) [18].

Chắc chắn với cuộc đời hy sinh mang Tin Mừng đến cho những vùng đất xa xôi ở Viễn Đông, những chốn bùn lầy nước đọng, nghèo khổ như giáo xứ Sáo Bùn, tiền thân của Tam Tòa, với kiến thức uyên bác của một bậc thầy lăn lộn nhiều năm ở đại chủng viện, Giám mục Chabanon - mà tư tưởng cấp tiến của ngài là những điểm son chói rạng trong trang sử của Giáo Hội Việt Nam – đã trở nên mẫu mực cho nhiều thế hệ linh mục lúc bấy giờ và cả trong hiện tại.

4.- Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, nguyên Phó xứ Tam Tòa, chứng nhân đức tin của thời hiện đại.

Trong tác phẩm Rise, let us be on our way, (Chúng ta dậy đi nào) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Có những vị thánh tử đạo khác gần với thời đại chúng ta. Việc đó làm tôi nhớ đến những lần gặp gỡ của tôi với Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, người giảng Tĩnh tâm tại Vatican trong Năm Thánh 2000. Vào ngày 18 Tháng Ba năm 2000, khi cám ơn về những suy tư của Ngài, tôi đã nói rằng: “Là một chứng nhân của thập giá trong những năm dài tù ngục ở Việt Nam, ngài đã nhắc đến những chuyện thật và các giai đoạn khổ đau của mình ở trong tù, qua đó làm phấn chấn chúng ta với niềm an ủi chắc chắn rằng ngay cả khi mọi cái đều sụp đổ chung quanh chúng ta và có thể ngay cả trong chúng ta nữa, thì Đức Kitô vẫn còn là nguồn trợ lực không suy suyển của chúng ta.” [19]

Theo gia phả của dòng họ Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, ơn thánh tẩy đã đến với tổ tiên ngài từ năm 1698. Ngài sinh ngày 17.4.1928 tại Phủ Cam, Huế. Thân phụ là cụ Nguyễn Văn Ấm (tục gọi Bát Ấm) và thân mẫu là cụ bà Ngô Đình Thị Hiệp, em của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tổ tiên cả hai dòng tộc nội ngoại của ngài đều là những bậc quyền quý, danh gia vọng tộc ở chốn cố đô nhưng đồng thời cũng là những giáo dân chịu bắt bớ, giết hại, đau khổ vì đạo Chúa nhất là trong thời kỳ “phân sáp”[20].

Thuở nhỏ ngài học ở Tiểu Chủng Viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị và Đại Chủng Viện Kim Long, Huế.

Thụ phong linh mục ngày 11.6.1953 và được bổ nhiệm làm Phó xứ giáo xứ Tam Tòa, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã trở thành Giáo Hạt dưới quyền của linh mục chánh xứ là Đôminicô Hoàng Văn Tâm (1948-1954). Giáo xứ Tam Tòa lúc bấy giờ đã là một nơi sầm uất với dân cư trên gần bốn nghìn người làm đủ các nghề nhưng có ba nghề chính là nghề đúc đồ đồng (cụ Nguyễn Thi, truyền nhân từ làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy), nghề làm nước mắm (cụ Nguyễn Phi Long, bà Nguyễn Thị Gẫm), nghề chạm đồ gỗ (cụ Nguyễn Sá, cụ Hoàng Văn Giao) cùng một số giáo dân và tu sĩ, linh mục, thanh niên ở Bắc sông Gianh, Hà Tĩnh, Nghệ An chạy trốn Việt Minh vào đây như các linh mụcTrương Cao Khẩn, Nguyễn Viết Khai, Nguyễn Phương, Nguyễn Tiến Huynh v.v... lác đác từ năm 1947 cho đến 1954. Giáo dân Tam Tòa đã mở rộng vòng tay ân cần đón tiếp, giúp đỡ họ. Một số dân trong làng làm việc cho chính quyền quốc gia như vào công an, quân đội, dạy học, công chức v.v... Lúc bấy giờ giáo xứ Tam Tòa đã có hai linh mục Đỗ Bá Ái và Trần Văn Cần làm Phó Xứ, ngoài ra còn có linh mục Nguyễn Phương (Giáo phận Vinh) mới phong chức ở Huế cũng được gửi ra Tam Tòa. Thêm vào đó còn có một linh mục người Pháp, cha Neyroud (cố Sáng) làm Tuyên Úy Quân đội Pháp cũng ở chung tại nhà xứ. Nhà xứ lúc bấy giờ là một tòa nhà hai tầng, khang trang rộng rãi với một vườn cây cổ thụ cao vút tỏa rợp bóng mát bên dòng sông Nhật-Lệ. Thánh lễ ngày chúa nhật có ba phiên, đặc biệt có phiên 10 giờ sáng dành cho người Pháp ở trong thành phố Đồng Hới tục gọi là “Lễ Tây”.

Về phương diện sinh hoạt giáo dục, giáo xứ Tam Tòa giai đoạn 1947-1954 đã có một trường trung học từ lớp đệ thất đến đệ tứ (tức lớp 6 đến lớp 9) dạy hai sinh ngữ Anh và Pháp do các sư huynh Dòng Thánh Tâm phụ trách gọi là Trường Trung học Chân Phước Phượng, một trường tiểu học có tên Phước Viện Học Đường do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Tam Tòa điều hành. Một nữ tu viện Dòng Mến Thánh Giá có khoảng 50 nữ tu, tập sinh nằm trên đường Truyền Giáo (Rue de la Mission) đối diện với nhà xứ. Ở cuối làng trên một khu đất cao ráo người ta xây một nhà nuôi trẻ mồ côi gọi là Viện Dục Anh do một số nữ tu Dòng Mến Thánh Giá coi sóc, có khoảng 100 em bé.

Trong giáo xứ Tam Tòa việc làm ăn buôn bán rất phát đạt. Ngành đúc đồ đồng, đúc chuông nhà thờ, chuông chùa phát triển tạo công ăn việc làm cho nhiều gia đình. Ngành chế biến nước mắm có hãng “Phi Long con cá vàng” đưa hàng ra bán tại nhiều tỉnh ở Bắc Việt, đặc biệt là ngành chạm trổ đồ gỗ với những sản phẩm lưu hành khắp nơi, tham dự nhiều cuộc đấu xảo ở Marseille, Paris với hãng đồ gỗ Fatima của ông Nguyễn Công Hội, hãng chế tạo gạch ngói của ông Nguyễn Công Phát, nhiều xe đò của ông Hoàng Phái chạy vào nam ra bắc, đi Lào, tàu biển chở hàng đi Sài Gòn, Hà Nội của ông Hoàng Liễn (tức ông Bát Viếng) v.v...

Linh mục Nguyễn Văn Thuận ở giáo xứ Tam Tòa khoảng 4 tháng, bị bệnh phổi nên phải vào lại Huế. Cái duyên nợ của ngài đối với giáo xứ Tam Tòa tuy ngắn ngủi nhưng người giáo dân ở đây cảm thấy hãnh diện mỗi khi nhắc đến tiểu sử vị hồng y thánh thiện này.

Sau cuộc di cư năm 1954, ngài làm Phó xứ cho một linh mục Pháp là cha Barbon (cố Triết), rồi thành lập giáo xứ Phanxicô Xavie ở Huế cho giáo dân Việt Nam, Nhà thờ Phanxicô Xavie thường gọi là Nhà thờ Nhà nước vì có đông dân Tây thường dự lễ chúa nhật ở đây. Ngài làm quản xứ giáo xứ này, kiêm Tuyên úy lao xá Thừa thiên, Tuyên Úy Trường Pellerin, Tuyên Úy Bệnh Viện Huế. Năm 1955 ngài lập Tráng đoàn La Vang.

Năm 1956, linh mục Nguyễn Văn Thuận du học tại Rôma và năm 1959 đậu bằng Tiến sĩ Giáo luật và trở về làm Giáo sư Tiểu chủng viện Huế.
Năm 1962, linh mục được cử làm Giám Đốc Tiểu Chủng viện Hoan Thiện khi cơ sở này mới được thành lập.
Tổng Đại diện Huế năm 1964.

Năm 1967, ngài được Tòa Thánh Vatican cử làm Giám Mục Giáo Phận NhaTrang và lễ tấn phong Giám mục diễn ra ngày 24.6.1967, lúc 5 giờ chiều tại Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện, Huế, dưới sự chủ phong của Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Angelo Palmas và sự phụ phong của hai Giám Mục Nguyễn Kim Điền và J.B. Urrutia. Ngài chọn khẩu hiệu là “Vui Mừng và Hy Vọng” (Gaudium et Spes).

Ngày 10.7.1967, ngài đến nhận chức Giám Mục Giáo Phận Nha Trang dưới sự chủ tọa của Đức Khâm Sứ Angelo Palmas.

Trong thời gian tại chức Giám mục Nha Trang (từ 10.7.1967 đến 23.4.1975), ngoài việc điều hành giáo phận, ngài đã thực hiện cac công tác như sau:

- Thành lập Hội Đồng Giáo Dân gồm 1200 vị được bầu từ cấp giáo xứ, giáo hạt và giáo phận. Các thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, được huấn luyện, tĩnh tâm hằng năm.
- Khuyến khích các đoàn thể Công giáo Tiến hành tiếp tục hoạt động và phát triển.
- Thành lập Ban Công lý và Hòa bình ngày 1.1.1969
- Thành lập Phong trào Học hội Kitô Giáo.
- Thành lập “Trung Tâm Văn Hóa Chàm” năm 1968, ấn hành Thánh kinh bằng tiếng Rơglai và ấn hành tự điển Chàm – Việt – Pháp.
- Công bố “Quy Chế Giáo Dân”.
- Phát hành “Tuần báo Dấn Thân” [21].
- Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội HĐGMVN 1967-1975.
- Chủ tịch Ủy ban Phát triển HĐGMVN 1967-1975.
- Cố Vấn Ủy ban Giáo Hoàng về Giáo dân 1971-1978.

Ngày 23.4.1975, Tòa Thánh phong ngài làm Tổng giám mục hiệu tòa thành Vadesitana và ngày 24.4.1975 cử ngài làm Phó Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn với quyền kế vị.

Ngày 27.6.1975, Ủy Ban Quân Quản thành phố Sài Gòn – Gia Định công bố quyết định không cho Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận ở trong cương vị tại nhiệm sở mới và từ đây là khởi đầu một giai đoạn đau thương đối với ngài.

Ngày 1.7.1975 Ủy Ban Quân Quản gởi cho ngài một văn thư yêu cầu trở lại nơi cư trú trước ngày 30.4.1975. Ngày 15.8.1975 ngài được mời tới Dinh Độc Lập rồi bị bắt ở đó đưa về Nha Trang nhưng không phải về Tòa Giám Mục Nha Trang mà đưa đến giáo xứ Cây Vông thuộc xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa để chịu tình trạng quản chế.

Vào 8 giờ sáng ngày 18.3.1976, công an tới giáo xứ Cây Vông, đọc lệnh bắt giam ngài vu cho tội dính líu đến vụ nhà thờ Vinh Sơn cách đó hơn 400 cây số, đem ngài giam tại trại Phú Khánh. Ngài ghi lại tình trạng bị giam giữ và cảm nghĩ của mình tại trại tù này như sau: “Nhà tù nơi tôi bị giam trong những tháng đầu tiên tọa lạc tại khu vực có nhiều tín hữu nhất trong thành phố Nha Trang, nơi tôi đã làm giám mục trong 8 năm. Từ phòng giam, sáng tối tôi đều nghe thấy tiếng chuông nhà thờ ngân vang, và suốt ngày, tôi nghe những tiếng chuông của bao nhiêu giáo xứ và nhà dòng. Tôi ước mong được dời đi thật xa, lên miền núi để khỏi phải nghe những tiếng chuông ấy. Ban đêm, trong cái thinh lặng của thành phố, tôi nghe lại tiếng sóng Thái Bình Dương mà tôi đã từng nghe thấy từ văn phòng tòa giám mục của tôi. Không ai biết tôi ở đâu, mặc dù nhà tù chỉ cách nhà tôi vài cây số. Tôi sống tình trạng thật vô lý!” [22].

Ngày 29.11.1976, ngài được chuyển từ trại Phú Khánh vào trại Thủ Đức và ngày 1.12.1976 cùng với nhiều tù nhân khác xuống tàu Trường Xuân đưa ra Bắc. Các diễn biến này được ngài kể lại như sau: “Ngày mồng 1 tháng 12 năm 1976, lúc 9 giờ tối, bất thình lình tôi bị gọi cùng với vài tù nhân khác. Chúng tôi bị xích người này với người kia từng hai người một và được đẩy lên một xe cam nhông. Cuộc hành trình ngắn đưa chúng tôi tới Tân Cảng, là hải cảng quân sự mới do người Mỹ mở mấy năm trước đó. Chúng tôi trông thấy một con tàu trước mặt, hoàn toàn chìm trong bóng tối để dân chúng khỏi để ý. Chúng tôi bị đưa lên tàu đi ra Bắc – một cuộc hải trình dài 1700 cây số. Cùng với các tù nhân khác tôi bị đem xuống hầm tàu, nơi chứa than. Chỉ có một ngọn đèn dầu nhỏ leo lét cháy. Còn lại là hoàn toàn tối om. Chúng tôi tất cả là 1,500 người, trong tình cảnh không thể tả được.Một cơn bão nổi dậy trong tâm trí tôi. Cho tới nay tôi còn ở trong giáo phận của tôi, nhưng từ giờ phút này trở đi không biết tôi sẽ phiêu bạt tới chân trời góc bể nào. Tôi suy niệm lời thánh Phaolô nói: “Tôi đi Giêrusalem mà không biết điều gì sẽ xảy ra cho tôi tại đó. Tôi chỉ biết rằng Chúa Thánh Thần khuyến cáo tôi rằng tại mọi thành tôi tới, xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi”. (Cv 20, 22-23). Tôi đã sống trong lo âu suốtđêm hôm ấy.Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu khí sầu thảm như đám tang. Một trong các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng anh lắng nghe lời tôi.” [23]

Ngày 5. 12.1976 tàu cập bến Hải Phòng, ngài bị đưa lên trại Vĩnh Quang ở Vĩnh Phú để lay lời khai tổng quát sau đó ngày 5.2.1977 ngài bị tách riêng ra đưa về trại Thanh Liệt thuộc huyện Thanh Trì, phía nam Hà Nội. Trước khi rời trại Vĩnh Quang, một tù nhân đã lấy cái bao tải chùi chân ở cửa ra vào, giặt sạch và may thành cái bao cho ngài đựng các đồ cần thiết. [24]

Ngày 13.5.1978, Cục trưởng Cục Công An gặp ngài và cho biết ngài được phóng thích nhưng bị quản chế tại Giang Xá và 13 ngày sau, ngày 26.5.1978 xe công an tới đưa ngài về Giang Xá là một họ đạo nhỏ có khoảng 350 giáo dân ở thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, phía nam Hà Nội. Ngài bị cấm làm mục vụ, cấm giảng dạy, bị theo dõi gắt gao nhưng cuối cùng ngài đã cảm hóa được những cán bộ có trách nhiệm canh giữ ngài cũng như các giáo dân có nhiệm vụ theo dõi ngài. Những người đó gồm cả công an quản giáo xin ngài dạy cho ngoại ngữ Anh, Pháp và về sau họ lại là những người giúp đỡ ngài trong cảnh tù tội.

Ngày 21.11.1988, Bộ Nội Vụ có lệnh phóng thích ngài nhưng không cho về Nha trang hay Sài Gòn mà buộc ngài cư trú ở Tòa Giám Mục Hà Nội. Sau đó ngài bị trục xuất khỏi Việt Nam và lên đường qua Rôma ngày 21.9.1991.

Các tác phẩm hình thành trong giai đoạn lao lý gồm có: Đường Hy Vọng (viết năm 1975 khi bị quản thúc ở xứ đạo Cây Vông, Nha Trang; Đường hy vọng dưới ánh sáng của lời Chúa và Công đồng Vatican II (viết năm 1979 tại Giang Xá, Hà Nội); Những người lữ hành trên đường hy vọng (viết tại Giang Xá, Hà Nội).

Ra hải ngoại, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận còn viết thêm Năm chiếc bánh và hai con cá, Chứng nhân hy vọng v.v... và tất cả các tác phẩm của ngài đều được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.

Ngày 24.11.1994, Tòa Thánh Rôma đã bổ nhiệm ngài làm Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình tại Vatican (chức vụ ngang hàng Thứ Trưởng). Chủ Tịch là Đức Hồng Y Roger Etchegary và ngày 24.6.1998, ngài được cử làm Chủ Tịch Hội Đồng này (ngang hàng Tổng Trưởng) thay thế Đức Hồng Y Roger Etchegary.

Với chức vụ mới này, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận đại diện cho Tòa Thánh chủ tọa nhiều cuộc họp quan trọng tại Vatican, đi nhiều nơi trên thế giới để giảng thuyết và làm việc, giảng thuyết tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma trong Năm Thánh 2000, gặp gỡ các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trên khắp thế giới, nhất là hằng năm tại Chi Dòng Đồng Công, Carthage, TB Missouri.

Cuối năm 2000, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận được tặng hai giải thưởng hòa bình. Giải thứ nhất là Man For Peace (Người Phục Vụ Hòa Bình) và giải thứ hai là Artefice della Pace (Người kiến tạo hòa bình) . Ngày 9.6.1999, Đức ổng Giám Mục Nguyễn văn Thuận đã được Tổng Thống Pháp Jacques Chirac trao tặng Huân chương Quốc Gia Bội Tinh Đệ Nhất Đẳng. Ngày 21.1.2001, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận được tấn phong lên Hồng Y.

Nhật báo Los Angeles Times mà số lượng in rất lớn, trong số ra ngày 21.2.2001 có đăng một bài nhận định dưới nhan đề là “The Men Who Would Be Pope” (Những người có thể lên ngôi giáo hoàng” dự đoán 14 vị Hồng Y có nhiều khả năng được bầu làm Giáo Hoàng. Đặc biệt. Theo tác giả, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, Chủ Tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình có rất nhiều khả năng được bầu kế vị Đức Gioan Phaolô II. Các báo Ý và Pháp cũng có dự đoán tương tự. [25].

Theo Giám mục Bùi Tuần, lần gặp Đức Hồng Y tại Rôma, ngài đã nghe Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận tâm sự: “Có vinh quang thì sẽ có thánh giá. Thêm vinh quang là thêm thánh giá. Vinh quang càng lớn thì thánh giá càng nặng. Rồi chú sẽ thấy. Sau chức Hồng Y, thế nào một thánh giá nặng sẽ đặt trên vai tôi.” [26] Quả thật, Đức Hồng Y đã nói tiên tri về bệnh nặng của ngài.

Năm 2001, ngài bị một bướu lạ ở bụng nên phải qua Hoa Kỳ để giải phẫu. Đầu năm 2002 bệnh tái phát. Ngày 28.4.2002 ngài về Úc thăm thân mẫu mừng sinh nhật 100 năm của mẹ trước khi mổ lại lần thứ hai vào ngày 8.5.2002 tại Milano. Vì sức khỏe ngài quá yếu nên không tiếp tục cuộc giải phẫu nữa. Ngày 16.9.2002 ngài từ trần tại Rôma.

Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận mất đi để lại muôn vàn tiếc thương cho Giáo Hội Việt Nam cũng như Giáo Hội hoàn vũ. Người giáo dân Tam Tòa khóc thương một vị mục tử thánh thiện và tài năng mặc dù sự hiện diện của ngài ở giáo xứ trước đây chỉ một thoáng chốc tựa như bóng câu qua cửa.

Trong cuốn sách Rise, let us be on our way, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết về các giám mục rằng: “Có biết bao nhiêu giám mục mạnh mẽ, hiên ngang là mẫu gương đưa đường chỉ lối cho nhiều người... Điều gì là bí quyết chung của các ngài? Tôi nghĩ rằng đó là vì các ngài đã can đảm sống cho đức tin. Các ngài đã dành mọi sự ưu tiên cho đức tin trong toàn bộ cuộc sống và trong mọi điều các ngài đã làm; một đức tin can trường không chút sợ sệt được củng cố bằng các thử thách, một đức tin với lòng can đãm phóng khoáng nghe theo mọi tiếng gọi của Thiên Chúa – mạnh mẽ trong đức tin...” [27]

Ngày nay, giáo dân Tam Tòa đang bước vào con đường tử đạo mới nối tiếp truyền thống đức tin của cha ông. Hình ảnh thập giá của Đức Kitô ngày xưa đã in xuống trên xứ đạo nhỏ bé với tháp chuông nhà thờ đổ nát lung linh soi bóng bên dòng sông Nhật-Lệ cũng đang lặng lẽ chuyển mình. Nhật-Lệ ngoài ý nghĩa nôm na là “nước mắt đổ từng ngày” (Vietcatholic.net ngày 20.8. 2009, Hà-Minh Thảo, Người Công Giáo Tam Tòa đang vác Thánh giá) lại còn là “vẻ đẹp chói chang của mặt trời” (các tư liệu bằng chữ Hán khi viết đến hai chữ Nhật-Lệ đều viết chữ Lệ là đẹp, chứ không viết chữ Lệ là nước mắt) chắc chắn sẽ xua tan màn đêm của sự ác. Nếu những tấm gương hy sinh và lòng nhân từ của các vị giám mục mà tên tuổi và cuộc đời của họ có thoáng qua hay chạm nhẹ chút ít vào lịch sử của giáo xứ này như men trong bột thì chân dung của các vị linh mục đạo đức, những mục tử tốt lành của giáo xứ Sáo Bùn, rồi Tam Tòa qua trường kỳ lịch sử sẽ được minh họa trong các công trình nghiên cứu kế tiếp được kể như là muối của đất, góp vào nỗ lực xây dựng sức mạnh thần quyền chống lại bạo lực của ma quỷ. Tam Tòa ngày nay (2009) dẫu có khác ít nhiều so với Tam Tòa ngày xưa (1954) nhưng vẫn là một tâm thức Công giáo duy nhất bởi được sinh ra từ “một Chúa, một Đức tin, một Phép rửa” , và nhất là với tinh thần hiệp thông rộng lớn với Giáo Phận mẹ Vinh, Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, chắc chắn cuối cùng trên trận tuyến đấu tranh cho Sự Thật, “công lý sẽ đẩy lùi bất công”.

New Jersey August 21, 2009

CHÚ THÍCH:
1.- “Le Sacerdoce, c’est l’amour du Coeur de Jésus” (in Le Curé d’Ars, Sa pensée, Son Coeur. Présentés par l’Abbé Bernard Nodet, éd. Xavier Mappus, Foi Vivante, 1966, p 98. (Vietcatholic.net ngày 21.6.2009).
2.- Vietcatholic.net, ngày 21.6.2009, Thư của ĐTC Benêđictô XVI gửi các Linh mục nhằm thiết lập Năm Linh Mục.
3.- Archives MEP, tr. 583.
4.- Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, một nhà nghiên cứu sử học quen thuộc của Giáo phận Huế, vốn có nhiều liên hệ với linh mục Léopold Cadière (cố Cả), cho biết trước năm 1952, tại chủng viện An Ninh (Quảng Trị) còn lưu giữ chiếc gậy tre của Giám Mục Sohier. Qua biết bao biến thiên của dòng lịch sử, không rõ chiếc gậy tre đó nay nằm ở đâu? (“Lịch sử Giáo phận Huế”, Tập 2, tr. 44).
5.- Báo "Đức Mẹ La Vang”, số 9 – tháng 5, 1963, theo tư liệu của Linh mục Adolphe Delvaux (cố Văn).
6.- “Lịch sử giáo phận Huế” tập 2, tài liệu của Lm Nguyễn Văn Hội, Nguyễn Văn Ngọc, tr. 41.
7.- Lm Nguyễn Văn Hội, Sđd, tr. 65.
8.- Sông Dinh, ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, từ núi Ba Gền (Ba Rền) trong rặng Trường Sơn Bắc, thuộc xã Thái Xá chảy ra biển đông ở nột cửa rất hẹp và nông ở xã Hoàn Lão, xưa gọi là cửa An Náu (Đinh Xuân Vịnh, “Sổ tay Địa danh Việt Nam”, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 1996, tr. 135).
9.- Linh mục Trần Hữu Ninh, có tên khác là Oai, Uy, người Da Môn, sinh năm 1830, thụ phong linh mục 17.12.1853 ở An Vân, theo Đức Cha Sohier lánh nạn ở Kẻ Sen, Quảng Bình, có ảnh hưởng đối với Đức Cha Sohier trong thời gian lánh nạn. Cha Ninh chết tại Kẻ Sen, mai táng trong nhà thờ Kẻ Sen, cạnh mộ ĐC Sohier.
10.- Gio-an 10: 11-13; Nhóm phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ, Tân Ước, Tòa Tổng Giám mục Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 438.
11.- Lm. Nguyễn Văn Ngọc, “Trang sử Giáo xứ Tam Tòa”, tlđd, tr. 18-19.
12.- Lm Nguyễn Văn Ngọc, tlđd, tr. 21.
13.- Archives MEP, tr. 171.
14.-Lu-ca 6: 38; Nhóm phiên dịch, Sđd, tr. 282.
15.- J.B. Roux, tlđd, bản Việt ngữ Lm. PVL tháng 6.1931.
16.- Xem thêm Đoàn Khoách (biên tập – thực hiện), Sảng Đình Thi Tập của J.M.THÍCH, Thanh Tịnh xb., California, USA, 2001. Chính linh mục Nguyễn Văn Thích đã đề nghị đổi tên trường Pellerin là trường Bình Linh, đặt tên cho một vườn trẻ của ngài là Vườn trẻ Hương Linh (cả hai cốt ý nhớ núi Ngự Bình và sông Hương), tên Thiên An vốn là cơ sở dòng Bênêđíctô ở Huế cũng là tên do cha Thích đặt cho.
Năm 1924, Hội đồng Kinh nguyện (Commission des Prières) của Hội đồng Giám mục Đông dương họp tại Đại chủng viện Phú Xuân dưới quyền chủ tọa của linh mục Chabanon là Giám đốc Đại chủng viện, mục đích là để điều chỉnh lại một số danh từ xuất phát từ tiếng Latinh được phiên âm ra tiếng Việt thí dụ Crux là Câu-rút, Evangelium là Ê-Vang, Sancti là Xăng-ti, Évêque là Vít-Vồ v.v... Trong Hội đồng Kinh nguyện này, linh mục Nguyễn Văn Thích lúc bấy giờ chỉ có chức Phó Tế cũng được mời tham dự vì ngài có kiến thức uyên thâm về thần học và ngôn ngữ (Việt, Hán, Pháp, Latinh) nên được chỉ định làm thành viên chính thức của đoàn đại biểu Giáo phận Huế. Cha Thích đã kể lại rằng các từ Thánh Giá (Crux), Phúc Âm (Evangelium), Thánh Thần (Spiritus Sanctus) là do Cha đề xuất và được toàn thể Hội nghị thông qua. Trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị, cha Thích đã hóm hỉnh chấm dứt bằng câu nói: “Xin các cha bỏ Câu-rút lại đây và hãy vác Thánh-Giá mà về.” (Đoàn Khoách, Sđd, tr. 335).
Trong một bài viết đăng trên một Website điện tử, linh mục Trần Văn Kiệm (hiện ở Atlanta, TB Georgia, Hoa Kỳ), tác giả nhiều sách viết về văn học Việt Nam, tự điển chữ Nôm, sách dịch Thánh Kinh, khi phê bình Bộ Kinh Thánh do Nhóm phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ do Tổng Giáo phận Sài Gòn in và phát hành trong nước, đã nói rằng dùng chữ Thánh Giá là không đúng, vì thánh giá là xe của vua đi, nhưng có lẽ linh mục Kiện đã nhầm, bởi vì chữ giá trong “thánh giá” của cha Thích viết trên chữ gia (là thêm vào), dưới chữ mộc (là cây) nghĩa là cái giá, còn chữ giá của cha Kiệm viết trên chữ gia (thêm vào) dưới chữ mã (ngựa) có nghĩa là đóng xe ngựa hay xe ngựa vua đi.
17.- Tham khảo từ một số tư liệu trong nước.
18.- Lê Ngọc Bích (chủ biên), Lê Đình Bảng, Lê Thiện Sĩ, Giám Mục Người Nước Ngoài qua chặng đường 1659-1975, Nxb. Tôn Giáo, 2009, tr. 23.
19.- John Paul II, Rise, let us be on our way, Nxb. Warner Books, 2000, tr. 198. Nguyên văn: “There are other martyrs closer to our own times. It moves me to remember my meetings with Cardinal Francois-Xavier Nguyên Van Thuân, who preached the Curial retreat at the Vatican in the Year of Jubilee. On March 18, 2000, as I thanked him for his meditations, I said: “ A witness of the cross in the long years of imprisonment in Vietnam, he has frequently recounted the realities and episodes from his sufferings in prison, thus reinforcing us in the consoling certainty that when everything crumbles around us, and perhaps even within us, Christ remains our unfailing support.”
20.- TGM. F.X. Nguyễn Văn Thuận, Chứng Nhân Hy Vọng, Các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều Rôma, Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang xb. 2000, tr. 169.
21.- Tóm tắt theo “Kỷ yếu địa phận Nha Trang”, 1972 (Kỷ niệm 300 năm Đức cha Lambert de la Motte đến Nha Trang), tr. 12-13.
22.- TGM. F.X. Nguyễn Văn Thuận, Sđd, tr. 141-142.
23.- TGM. F.X. Nguyễn Văn Thuận, Sđd, tr. 126-127.
24.- Lữ Giang, Vài dòng về Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, Tạp chí Đất Mẹ, số 101, Tháng 10 năm 2002, trang 9.
25.- Lữ Giang, tlđd, tr. 11.
26.- Giám mục Bùi Tuần, Hiến dâng đời mình làm của lễ, Tạp chí Đất Mẹ, báo đã dẫn, tr. 13.
27.- John Paul II, Sđd, tr. 198. Nguyên văn: “There were so many other strong, steadfast bishops who by their example showed the way for others... . What is their common secret? I think it was their courage to live their faith. They gave priority to their faith in the whole life and in everything they did; a bold and fearless faith, a faith strengthened by trials, a faith with the courage to follow generously every call from God – fortes in fide...”

Nguyễn Đức Cung

Đọc nhiều nhất Bản in 23.08.2009. 18:14