Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đừng sợ làm nhân chứng cho phẩm giá của mỗi con người

§ Gioan Lê Quang Vinh

1. Tất niên với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

Những ngày cuối năm thật buồn. Tết năm nay thiên hạ nghèo hơn, buôn bán ế ẩm, đường phố vẫn lung tung, chẳng mấy ai đủ tiền sắm Tết cho thoải mái. Càng buồn thêm khi nghĩ đến những người anh em trong Giáo Hội Việt nam, những nạn nhân và cả những người có trách nhiệm, cả những chủ chăn anh dũng và những chủ chăn dịu hiền.

Lúc đang buồn buồn như thế thì tôi mở nghe một bản nhạc của linh mục nhạc sĩ Phaolô Hoàng Kim Tốt, và trùng hợp bất ngờ là sau đó nhận được điện thoại cha Tốt, cùng hẹn hò ra thăm xứ Ma Lâm của ngài.

Tôi mở tủ sách, lấy cuốn sách ngài tặng nhiều năm trước: “Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Bây giờ đọc lại cuốn sách vào dịp tất niên với cái nhìn mới và những biến cố mới trong Giáo Hội, tôi khám phá ra sự vĩ đại và tâm hồn cao cả của vị Giáo hoàng tuyệt vời.

Người Công giáo học giáo lý đến Thêm Sức là đã đủ. Nhiều xứ có lớp Kinh Thánh, lớp Đức Tin, lớp Vào Đời, nhưng dường như chưa có lớp giáo lý về Giáo huấn của Hội Thánh. Chúng ta vẫn nghĩ tư tưởng của các Đức Giáo Hoàng là xa vời, là cao siêu chẳng mấy ai có thể nắm được và cũng không mấy thực tế. Nhưng khi đọc “Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng”, người ta nhận thấy vị Giáo hoàng của Hội Thánh đang hiện diện gần gũi và chia sẻ cuộc đời người tín hữu một cách thân thiết như cha con ruột thịt.

Do đó, những ngày cuối năm của tôi thật ấm áp với tác phẩm tuyệt vời của người Cha chung. Nhưng bài viết này không phải là bài điểm sách, mà chỉ là đôi chút suy tư về hai từ “Đừng sợ” được Đức Thánh Cha nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

2. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dạy “Đừng sợ”

Phóng viên Vittorio Messori cơ quan R.A.I. Uno của đài truyền hình Ý đã phỏng vấn Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II những câu hỏi thẳng thắn và như Đức Thánh Cha nhận xét, những câu hỏi “một phần do thấm nhuần một đức tin sống động, còn phần kia biểu lộ một nỗi lo âu nào đó”. Và câu hỏi đầu tiên của ký giả đã khiến Đức Thánh Cha “nhớ ngay đến lời huấn dụ” khi ngài bắt đầu sứ mệnh trên ngai toà Phêrô: “Anh chị em đừng sợ”.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng đó là lời Thiên sứ nói với Đức Maria, với Thánh Cả Giuse và sau này Đức Giêsu cũng nói với Phêrô và các môn đệ nhiều lần. Hội Thánh cũng lặp lại lời ấy, bắt đầu từ bài giảng đầu tiên của Thánh Phêrô. Và Đức Thánh Cha hỏi: “Chúng ta không nên sợ gì?”.

Câu trả lời của chính ngài là “trước tiên không nên sợ sự thật về chính mình”. Sau đó ngài viết thêm: “Nói cách khác, đừng sợ người ta”.

Nỗi sợ bị người khác chê trách, bị lên án và bị ngược đãi v.v… là nỗi sợ gắn liền với phận người. Đa phần những việc con người làm là để hài lòng một ai đó. Càng thánh thiện người ta càng muốn làm hài lòng Thiên Chúa hơn là hài lòng người đời. Nhưng khổ thay, con người có lúc có cảm giác như lời Thánh Vịnh “kẻ thù bao vây tứ phía” (x.TV17,11) và họ lại quên rằng Chúa là Đấng “cứu ai trú ẩn dưới cánh tay Ngàikhỏi quân thù xông đánh” (TV 17,7).

Vì sợ hãi, người ta có khi không dám đứng về phía kẻ yếu thế, cô thân. Lịch sử Hội Thánh minh chứng rằng dù có những lúc nhiều giáo sĩ đi với cường quyền, nhưng Hội Thánh xét như toàn thể thì luôn đứng về phía người nghèo, người bị áp bức, vì đó là sứ mệnh thuộc bản chất Hội Thánh.

Đức Thánh Cha thật sâu sắc khi ngài muốn diễn đạt rằng nỗi sợ hãi trước tiên là do con người quá biết rõ về chính mình. Lẽ ra lúc biết về sự yếu đuối của mình, con người phải tin cậy vào Thiên Chúa, đàng này nhiều người lại dựa vào sức mạnh thế gian!

Thứ hai, Đức Thánh Cha dạy “đừng sợ Thiên Chúa đã làm người, đừng sợ gọi Thiên Chúa là Cha và hãy nên hoàn hảo như Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo”. Đức Thánh Cha bảo rằng “Phêrô không những không sợ vị Thiên Chúa làm người, ông còn lo sợ thay cho Đức Giêsu!”

Đức Thánh Cha muốn chúng ta hiểu rằng tương quan giữa Thiên Chúa với con người là tương quan cha con, và như vậy chúng ta cần vững lòng cậy trông. Chúa đã giao cho Phêrô và cho Giáo Hội trọng trách cao cả, thì những mục tử trong Giáo Hội cũng như Phêrô không thể chối Chúa lần nữa, mà kiên cường trong đức tin đến cùng.

Và Đức Thánh Cha nhắc nhở “đừng sợ làm nhân chứng cho phẩm giá của mỗi con người, từ lúc con người thụ thai cho đến khi chết”.

Có lẽ đây là điều mà hôm nay ngài muốn gợi lại cho Giáo Hội Việt Nam khi chúng ta đang hân hoan mừng Năm Thánh. Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo đã dạy rằng “Giáo Hội chu toàn sứ mạng công bố Tin Mừng là Giáo Hội làm chứng cho con người, nhân danh Đức Kitô: làm chứng cho phẩm giá của con người, cho ơn gọi sống hiệp thông giữa mọi người với nhau. Giáo Hội dạy cho con người biết các đòi hỏi của công lý và hoà bình phù hợp với sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (GLGHCG 2419).

Giáo Hội dạy “Thông điệp căn bản của Thánh Kinh cho biết con người là thụ tạo của Thiên Chúa (x. Tv 139,14-18), và theo thông điệp ấy, hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chính là yếu tố định tính và phân biệt con người. (…) Bởi đó, “được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người có phẩm giá của một ngôi vị” (HTXHCG, 108).

Như vậy, ơn cứu chuộc là ơn hoàn trả phẩm giá cao quý ấy cho con người sau ngày họ bất tuân lệnh Chúa. Và sứ mệnh Hội Thánh là gì nếu không phải là ra sức rao giảng cùng bênh vực cho phẩm giá cao quí của con người là hình ảnh của Thiên Chúa.

Mà rao giảng về phẩm giá con người sao được nếu cứ sợ hãi bóng tối của “thế gian điêu ngoa”?

3. “Việc loại trừ bất công làm thăng tiến tự do và phẩm giá con người”.

Học thuyết Xã Hội Công Giáo dạy rằng “Việc loại trừ bất công làm thăng tiến tự do và phẩm giá con người” (khoản 137).

Hội Thánh có “nghĩa vụ phải tố cáo mỗi khi tội có mặt: tội bất công và tội bạo lực, cách này hay cách khác, đang lan tràn qua xã hội và thâm nhập vào xã hội. Nhờ biết tố cáo, học thuyết xã hội trở nên giống các thẩm phán và các nhà bảo vệ những quyền lợi không được nhìn nhận và hay bị xâm phạm, nhất là các quyền lợi của người nghèo, người yếu kém”. (Hiến chế Mục Vụ Gaudium et Spes).

Nếu Hội Thánh im lặng trước bất công sự dữ, hay ngồi suy tư “nên nói hay nên im” thì Hội Thánh bắt đầu rời xa sứ mệnh làm ngôn sứ của mình. Như tiên tri Giôna ngày xưa, dù đã lỡ lánh mặt để trốn tránh sứ mệnh, thì phải có lúc Hội Thánh lên tiếng la lớn cho thế giới về Thiên Chúa, như cách diễn đạt của chị Chiara Lubich thuộc phong trào Focolare.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được yêu mến là bởi vì ngài đã hết lòng sống cho Thiên Chúa và con người trong sứ mệnh của ngài. Các mục tử muốn được lòng thế gian thì chắc chắn dân Chúa không thể ngước lên nhìn như họ ngước nhìn Đức Gioan Phaolô II.

Đức Thánh Cha Benedicto nói về vị tiền nhiệm của ngài như sau:

“Trước ngôi mộ của ngài trong hầm mộ Vatican, nhiều tín hữu vẫn không ngừng tiếp tục tuốn đến kính viếng, và điều này cho thấy một dấu hiệu hùng hồn là Đức Gioan Phaolô II yêu dấu của chúng ta đã đi vào lòng người như thế nào, trước hết, là vì chứng từ yêu thương của ngài và việc ngài sẵn sàng chấp nhận khổ đau. Nơi ngài, chúng ta có thể ca tụng sức mạnh của đức tin và lời nguyện cầu của ngài, và cách ngài hoàn toàn phó thác bản thân ngài cho Đức Maria Rất Thánh, vị luôn đồng hành với ngài và bảo vệ chở che ngài, nhất là trong những lúc khốn khó nhất và bi thảm nhất cuộc đời của ngài” (Huấn Từ Truyền Tin).

Nhân dịp xuân về, con xin kính chúc quí mục tử trong Hội Thánh luôn bình an, vững tin vào Thiên Chúa và luôn can đảm nói lên sự thật để rao truyền Tin Mừng, nâng cao phẩm giá con người và có được niềm tin yêu của dân Chúa.

(Viết kính tặng cha Giám Tỉnh và các Cha các Thầy

Gioan Lê Quang Vinh

Đọc nhiều nhất Bản in 14.02.2010. 01:35