Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Điều gì phía sau nhà nước Sơn La?

§ Giáo dân Sơn La

Trong đợt Giáng Sinh vừa qua chắc có nhiều người bất ngờ về tình hình tự do tôn giáo ở Sơn La. Bất ngờ với những độc giả công giáo khắp nơi đã đành, năm nay còn bất ngờ đối với chúng tôi, những người thuộc các “Ban hành giáo thầm lặng” là những người sống Đạo và theo dõi sát tình hình. Ngay cả vị Chủ Tịch Nước đương thời, khi cụ vừa nên chức, sau khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đến chào thăm, cụ đã cất công lên Tòa Giám Mục Hưng Hóa thăm, khi được Đức Cha Antôn báo cáo tình hình cụ nói rằng rất bất ngờ vì tình hình tôn giáo ở Sơn La. Cụ quay sang ông Thi, trưởng ban Tôn giáo trung ương, yêu cầu ông nhanh chóng giải quyết. Tuy bên Hội Đồng Giám Mục và cả phía nhà nước không đưa ra một dòng tin nào cho sự kiện này nhưng giáo dân Sơn La vẫn ấp ủ một hy vọng.

Ngoài ra, một vị cán bộ cao cấp của ngành an ninh trung ương còn nói với Cha Thoại đầu năm 2007: “Ông cứ yên tâm làm việc của ông, năm nay khác năm 2005, khác năm 2006”.

Ngoài ra, năm qua cũng được sự quan tâm của bạn bè quốc tế, về phía Đại sứ quán Mỹ, đứng trước chủ trương của Tòa giám mục Hưng Hóa là phải “kiên trì đối thoại và cầu nguyện”, “đóng cửa bảo nhau” trước đã, họ tỏ ra bực mình. Họ nói rằng: “Chúng tôi biết rất rõ tình hình rồi, nhưng cứ để năm 2007 này xem thế nào đã”. Riêng chỉ có một phái đoàn của Liên minh châu Âu là gặp được bà con giáo dân Mộc Châu. Họ không thông qua Tòa Giám Mục Hưng Hóa, họ tự liên hệ với giáo dân. Họ đăng ký với chính quyền để gặp người Tin Lành, sau đó đột ngột quay sang gặp Công Giáo.

Quan điểm của giáo hội Công Giáo là “Đối thoại và Cầu nguyện, điều đó quá rõ ràng, theo Đức Tổng Giuse trình bày trong cuốn “Chia sẻ truyền giáo” thì đối thoại phải “không bới móc chuyện cũ”, phải “tin tưởng lẫn nhau” và đặc biệt là phía Công giáo “phải đi bước trước”.

Đối thoại thì rõ rồi, thế nhưng trọng tâm cuộc đối thoại này là gì và đối thoại với ai?

Theo trao đổi của bên phía chính quyền địa phương, bên an ninh địa phương và tìm hiểu tình hình thì chúng tôi được biết trọng tâm của vấn đề là các Kitô hữu HMông.

Những người lên Tây Bắc sớm, thời kỳ quốc lộ 6 còn đi men sông Đà thì chắc còn nhớ tấm biển ghi “Khu tự trị Thái Mèo”. Đến đầu thập niên tấm biển bị dỡ đi, cùng với nó là sự biến mất của các khu tự trị Thái Mèo, vua Mèo và thuộc hạ thì vào trại cải tạo, họ được thay thế bằng đội ngũ cán bộ con em người Mông, những người được đào tạo từ nhỏ về lý tưởng Cộng Sản. Đặc điểm nổi bật của các Vua Mèo và thuộc hạ là được đào tạo rất cơ bản ở Phương Tây, đặc biệt là dấu ấn của nền giáo dục Ki-tô giáo. Lẽ đương nhiên là chính quyền muốn người Mông quên đi ký ức về các vua Mèo, điều khó khăn nhất là “dấu ấn Ki-tô giáo”.

Vấn đề nêu trên không phải của riêng Sơn La, nó là của cả miền Tây Bắc, và thậm chí cả miền Đông Bắc và Bắc Trung Bộ. Ví dụ như ở địa phận Thanh Hóa, dù rằng Tòa Giám Mục đã đến được với nhiều nhóm thiểu số, nhưng có một số bản người Mông Công Giáo di cư từ Lào Cai, Yên Bái, Sơn La đến, biết là tồn tại nhưng chưa thể tìm được họ. Tại tỉnh Bắc Kạn, có những điểm các cha thuộc địa phận Bắc Ninh, một năm vài lần đến làm lễ cho người Kinh mà không biết rằng cách đó chỉ chưa đầy 30km có một bản người Mông theo Đạo di cư từ Cao Bằng sang, họ đang phải giữ Đạo âm thầm.

Theo tôi, Sơn La trở thành nhà nước riêng chỉ vì các thông tin ở đây nhiều hơn thôi.

Tôi nghĩ rằng công cuộc đối thoại này không chỉ riêng của Sơn La, hay địa phận Hưng Hóa, mà là của toàn thể Giáo Hội Việt Nam trong sự hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và với Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Để củng cố cho ý kiến này tôi xin kể; vào đầu xuân năm 2007, cả nước và đặc biệt người Công Giáo Việt Nam đang háo hức đón chào một mùa xuân mới tràn đầy hy vọng, hy vọng vào một đất nước đổi mới, ngày càng hòa nhập với cộng đồng quốc tế, hy vọng vào chuyến thăm Tòa Thánh của cụ Thủ Tướng. Giáo dân Sơn La có thêm niềm hy vọng khi biết tin một vị cán bộ thuộc Vụ Công Giáo, Ban Tôn Giáo Chính Phủ chủ động đến Tòa Giám Mục Hưng Hóa để hứa cho tổ chức Thánh Lễ tại ba cộng đoàn là Thị Xã Sơn La, Mai Sơn và Mộc Châu. Ông còn mặc cả là cha Giuse Thoại mỗi tháng lên một lần. Cha Giuse không đồng ý. Ngài yêu cầu mỗi tháng đi hai lần. Ông còn tư vấn cho Tòa Giám Mục về thủ tục và thời điểm gửi văn bản đi, các nơi cần gửi. Đúng như yêu cầu của ông, Tòa Giám Mục Hưng Hóa gửi đi và chờ đợi trong hồi hộp.

Sau khi cụ Thủ Tướng kết thúc chuyến thăm tốt đẹp, đã quá thời gian theo quy định mà văn thư trả lời vẫn bặt vô âm tín. Rồi đùng một cái, Tòa Giám Mục nhận được ba văn thư trả lời của ba địa phương nói trên, trong đó đều ghi: “Đại đa số đồng bào các dân tộc Sơn La không đồng ý cho sinh hoạt tôn giáo tập thể”. Văn thư như gáo nước lạnh dội vào địa phận Hưng Hóa. Mấy hôm sau, vị quan chức Vụ Công Giáo nọ gọi điện nói với cha Giuse: “Ông xem thế nào chứ bọn địa phương nó vẫn găng lắm”. Lại địa phương, cái lạ là ba văn thư của ba địa phương này đều giống nhau như đúc, chỉ khác mấy câu xã giao, thậm chí có hai văn thư còn trùng nhau về số công văn. Và các văn thư này chỉ được gửi sau khi “Hội nghị giao ban công tác tôn giáo các tỉnh Tây Bắc“ do trung ương chủ trì diễn ra ở Sơn La.

Sau Giáng Sinh năm 2008 vừa qua, trong cuộc họp tổng kết cuối năm của lãnh đạo các ban ngành của tỉnh, sau khi được hỏi ai chỉ đạo vụ việc gây ầm ỹ lễ Giáng Sinh vừa qua, vị đại diện ngành công an, là cán bộ công an kinh tế trả lời ngắn gọn là do “trên chỉ đạo”.

Một mặt đồng bào Công Giáo Sơn La kêu gọi mọi người Công Giáo khắp nơi cùng Cầu nguyện cùng đối thoại, mặt khác chúng tôi luôn luôn đoàn kết gắn bó, theo tinh thần “Con một Cha, nhà một Chúa” và luôn luôn đối thoại.

Tình hình cũng không chỉ toàn màu đen, năm nay Cộng Đoàn Mộc Châu đón Giáng Sinh khá thuận lợi, buổi lễ Giáng Sinh công khai đầu tiên trân đất Sơn La diễn ra tốt đẹp. Năm nay theo báo cáo từ các tổ thì vẫn còn có sự chỉ đạo của cấp trên nhưng cán bộ địa phương làm có lệ, có nơi cán bộ tự biến buổi đi yêu cầu cấm bà con tụ tập đông người thành buổi đi chúc tết, có tổ thì biến thành việc đi thanh minh rằng: “Tôi không muốn đến đâu nhưng họ cứ bắt đi, thông cảm nhé”, có tiểu khu trả lời thẳng thắn với cấp trên: “Chúng tôi chẳng thấy có gì mà phải cấm cả, họ còn làm được những việc mà chúng tôi vận động mãi không được” Thế là họp giao ban biến thành kể thành tích cho bên Đạo. Có người nói vui: “Tự do tôn giáo tỷ lệ nghịch với khoảng cách đến Hà nội”, hoặc “Tự do tôn giáo tỷ lệ thuận với khoảng cách đến người Mông”. Tôi thì nói “Tự do tôn giáo tỷ thuận với thông tin”.

Giáo dân Sơn La

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.01.2008. 22:16