Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đi tìm sự công bình cho hàng giáo phẩm Việt Nam

§ Nguyễn An Tôn

Trong lịch sử gần 500 năm của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, có lẽ chưa có thời kỳ nào các vị Giám mục lại chịu nhiều khó khăn, thử thách, dụ dỗ, mua chuộc, đe dọa, vu khống và bôi nhọ;đồng thời cũng nhiều chống đối, bất tuân, hiểu lầm, nghi kỵ, cạm bẫy và bất công như ở thời kỳ này. Xem ra cũng không khó hiểu.

1. Hàng Giáo phẩm Việt Nam trong bối cảnh hiện tại của đất nước.

Người Cộng sản Việt Nam, ngay từ trong bí mật, đã chủ trương nắm chính quyền không qua phổ thông đầu phiếu, không chơi trò dân chủ của tư bản. Nghĩa là phải cướp lấy chính quyền. Đây là một điều chính các nhà cách mạng tiền bối, các lãnh tụ đảng phái Quốc gia không thấy xét tới. Khi có chính quyền rồi, Cộng sản dùng bạo lực, khủng bố, đe dọa, dụ dỗ, mua chuộc, áp dụng luật rừng xanh để giữ. Họ đấu tranh sống chết với kẻ nào tỏ ra chống đối họ, họ đấu tranh cả trong nội bộ, trong hàng ngũ của họ. Họ muốn cái Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phải cai trị lâu dài trăm năm, không thua các triều đại Phong kiến trong lịch sử Việt Nam, mặc dù tai tiếng và bị nguyền rủa vào bậc nhất lịch sử của dân tộc, bị mọi thành phần trong xã hội phê phán gay gắt như Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc, hay “cha già” Stalin mà Tố Hữu đã làm thơ ca tụng. Họ chỉ cần CÁI HIỆN TẠI, “và chỉ biết đời sống vật chất mà thôi, ngoài ra không có gì nữa.Sống có một đời rồi hết, nên ai nấy (những tín đồ Cộng sản) chỉ lo làm cho mình được mọi điều thắng lợi, sá chi những điều phúc họa thiện ác.” (x. Trần Trọng Kim, trong Một cơn gió bụi, NXB Vĩnh Sơn 1969, tr.114) Khi chết, họ làm con ma xó hay lởn vởn ở các nghĩa trang trên dẫy Trường Sơn hoang vu ma quái, cũng chả sao. Vì bây giờ, họ sai bảo được linh hồn và thân xác của vài “Sử gia” dưới trướng. Họ muốn sạch và tài trí siêu quần hơn người, là “sử gia” của họ phải ghi chép.Họ sửa lại lịch sử của dân tộc theo cái chủ nghĩa vô thần duy vật; họ tô hồng Đảng và Nhà nước của họ,tất cả đều chiến thắng quang vinh. Một Hồ Chí Minh vợ này vợ kia, nhưng “sử gia” vẫn ca tụng lòng hy sinh, không gia đình, không vợ con để phục vụ dân tộc (sic). Họ muốn kẻ nào chết, thì phải chết; họ muốn có một đạo Phật của Nhà nước họ, là phải có, để bên này phá nát bên kia, điển hình là vụ Chùa Bát Nhã, Làng Mai ở Lâm Đồng.Riêng với Giáo hội Công giáo, Cộng sản xếp vào loại kẻ thù khó trị nhất. Một, đây là tôn giáo hoàn vũ, có một phẩm trật lớp lang, hoàn bị bậc nhất thế giới; các thành phần lãnh đạo trong Giáo triều Rôma cũng như trong các Giáo hội Quốc gia, hay là giáo hội địa phương, đều là những nhà trí thức, thông thái hoặc đạo đức, thánh thiện, xả thân cho người nghèo và bệnh nhân truyền nhiễm. Chính vì vậy, các thành phần này nói chung, có một điểm yếu rất lớn khi đương đầu với những tay cán bộ cộng sản lưu manh, láu cá, sẵn sàng thi hành những trò bất lương để quật ngã đối phương mặc áo tu hành. Các giáo sĩ ngay lành, suy nghĩ theo trường ốc, biện luận theo kinh điển. Các ngài không tính toán theo thói đời, không khôn ngoan theo thói thế gian, không hùa theo phường kẻ dữ, nên…

Nhưng khi nói theo thế gian, cư xử theo thế gian.(Trường hợp Đức cha Bùi Văn Đọc, Giám mục Mỹ Tho qua bài giảng lễ tại nhà thờ Vương cung thánh đường thánh Phao lô ngoại thành Rôma, hay như vụ Hồng y Phạm Minh Mẫn nói về lá cờ 3 sọc đỏ trên nền vàng), các ngài bị hố liền và bị chống đối mạnh mẽ ngay, vì điều các ngài nói không phải là sự thật. Nói cách khác, các ngài tránh né sự thật, sợ sự thật. Hồng y Phạm Minh Mẫn trong Thư Chúc Xuân Năm Thánh và Xuân Canh Dần. Câu 7, có vẻ như một “sáng kiến”, vì đề cập tới việc Đổi mới cách thể hiện tình huynh đệ và tình yêu đối với tổ quốc.Theo đó, thư viết: “Cuộc sống hôm nay còn cho thấy có hai cách thể hiện tình yêu đối với tổ quốc: một là áp đặt suy nghĩ và lập trường của mình lên người khác, hai là mở ra con đường đối thoại và hợp tác nhằm cùng nhau khám phá định hướng và động lực phục vụ cho công ích, cho sự sống toàn diện cùng sự phát triển vững bền”,Câu số một khó hiểu vì không rõ nó thuộc về phía nào, chả lẽ Hồng y muốn nói đến Cộng sản,(chắc là không, vì CS là thế rồi) hoặc ngài muốn nhắm vào những người Công giáo không cùng quan điểm và lập trường với ngài qua cung cách, ngôn ngữ mà ngài đã từng công khai nói ra, ngài bảo họ muốn áp đặt suy nghĩ và lập trường của mình lên ngài và cả HĐGMVN (hướng nhắm này đúng hơn). Câu số hai, muốn nói đến con đường của Giáo Hội nói chung, sau Công đồng Vatican II, mà Giáo Hội Việt Nam phải thi hành.Tuy nhiên, Vatican II cũng không có lời nào đề cập người Công giáo trên thế giới “đồng hành” với tội ác và sự dữ. Nhưng, với Cộng sản, nó coi như trò đùa của những kẻ thích đùa, thích chọc cho chúng ghét. Nó là ván bài của những kẻ yếu. Cho nên, đề nghị này mang tính “viễn mơ”, cố gắng bày ra để khỏi mang tiếng “đứng bên lề” cuộc sống xã hội, theo tinh thần của Hiến chế Mục vụ Giáo hội trong thế giới hôm nay. Đó là một việc làm “không biết mình không biết người”. Câu 8: Đổi mới mối quan hệ xã hội. Thư viết: “Công đồng Vatican II (1962-1965) đã mở ra một trang sử mới cho mối quan hệ giữa Giáo Hội với cộng đồng xã hội và văn hóa, tôn giáo và chính trị, đã đổi mới mối quan hệ xã hội từ đối đầu sang đối thoại”. Đọc câu này, người ta mới biết, trước Vatican II, Giáo Hội đã ở trong thế “đối đầu” với các xã hội sao ? Nếu vậy thì tại sao trong những năm đầu sau ngày ra mắt, hơn 30 năm rồi, tờ tuần báo Công giáo và Dân tộc không ngừng lên án Giáo Hội lúc nào và ở bất cứ đâu cũng đều “thỏa hiệp” với các chế độ tư bản ? Sự thật ở đâu ? Giáo Hội đã có hành vi “đối đầu” với ai ? Xin Hồng y chỉ ra cho. Còn nếu nói Giáo Hội “đối đầu” với Cộng sản thì phải có nguồn cơn. Chả lẽ ngài muốn nói đến Thư chung các Giám mục Đông Dương năm 1950, khuyên bảo người Công giáo không được gia nhập Đảng Cộng sản. Nếu Hồng y muốn nói đến các Giáo Hội Công giáo sống trong lòng xã hội Công sản trước đây, ở Đông Âu, Nga Sô viết cũng như miền Bắc Việt Nam sau năm 1954, được mệnh danh là “Giáo Hội hầm trú”, nghĩa là không chịu khuất phục, không làm chỉ điểm, không thỏa hiệp với một chế độ hạ thấp con người, làm cho con người thu nhỏ mình lại, một xã hội tượng trưng cho sự dữ. Cho nên, việc “đối đầu” này là một cách bảo vệ Giáo Hội đấy, nó tương tự như thời Giáo hội sơ khai ở La-mã, các người có đạo sống trong các hang toại đạo vậy.Trên hết, đấy không phải là “đối đầu”, mà chỉ là một cách bày tỏ một thái độ không phục, muốn nói cho chế độ cầm quyền sự không sợ hãi của mình. Có lẽ Đức Hồng y nghĩ thế, nên với Đảng CSVN, Đức Hồng y đã “đổi mới” cách hành xử của mình trước những việc phá đạo, triệt tiêu các biểu tượng thiêng liêng của đạo Chúa Ki-tô. Làm ngơ trong các trường hợp này, đồng nghĩa với “thỏa hiệp”! Nói khác đi là “sợ”. Thánh Bổn mạng của Hồng y Phạm Minh Mẫn là Gioan Baotixita, biết rằng sẽ chết, nhưng thánh nhân vẫn không sợ, vẫn bảo Hê-rô-đê không được loạn luân.

Hiện nay các Giám mục Việt Nam bị chống đối là im lặng, là bị mua chuộc, là không thực hiện lời Chúa: Chủ chiên phải chăn giữ đàn chiên, không bỏ mất một con nào ! Phải chăng các Giám mục ở trong hoàn cảnh không bình thường ?! Nghĩa là, các giáo sĩ không phải là người đối đầu với một đối phương không chấp nhận đối thoại, vì họ đã quen với cách hành xử của kẻ có quyền bính. Cho nên, phải đối phó với Công sản là một việc rất dễ gây căng thẳng. Đây là việc không phải chuyên môn của các ngài.Các lãnh tụ, các chiến sĩ thuộc các đảng phái Quốc gia không phải là những người kém cỏi gì, họ xuất chúng là khác, song vẫn bị bọn Cộng sản ma quái tiêu diệt !

Hãy nhìn xem dung nhan Đức TGM Ngô Quang Kiệt và Lm Vũ Khởi Phụng, sau một thời gian phải tìm cách xử trí với cả một hệ thống quyền lực, cả ngành báo chí, truyền hình của Đảng qua một số cán bộ CS ở Hà Nội lắm mưu nhiều kế, các ngài đã gây ngạc nhiên cho nhiều người khi nhìn thấy hình ảnh các ngài xuống ký, hai mắt như mờ đi, vì thao thức vì mất ngủ bao đêm trường. Chỉ sơ hở một tí thôi là sa bẫy chúng giăng khắp chốn. Bài học Thiền sư Nhất Hạnh ở Làng Mai, Lâm Đồng còn đó.

Năm 2005, 2006 vừa qua, ở miền Nam có nhiều giáo xứ gốc di cư, đã sốt sắng và long trọng tổ chức lễ kỷ niệm mừng 50 năm thành lập. Xứ nào cũng có làm cuốn kỷ yếu, ngày lễ khai mạc thì có quay phim v.v…Để thêm long trọng, cha xứ kêu gọi các gia đình treo cờ đỏ sao vàng. Khi thấy chưa có nhà nào treo, một ông trùm già (người di cư 1954 hẳn hoi) nhắc cha xứ về treo cờ tại một buổi họp tổng kết trước ngày lễ khai mạc. Một thành viên trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ đứng bật dậy, cha xứ và cha phụ tá chưa kịp nói, thì người này đã nói. Đại ý, xin hai cha và quý vị xét lại việc này. Đây là một lễ thuần túy tôn giáo, luật pháp không bắt treo cờ thì tại sao chúng ta phải treo. Trong ngày lễ khai mạc, có quay phim, sau đó chuyển đĩa ra nước ngoài biếu ân nhân và đồng hương. Nếu trong các đĩa ấy có thu toàn cảnh ngày lễ, có cờ đỏ sao vàng thì chúng ta sẽ khó xử về tinh thần. Vì cộng đồng người Việt ở nước ngoài hầu hết đều chống lá cờ ấy. Đấy là một sự thật, không thể phủ nhận. Người này nói xong ngồi xuống, hội nghị gần 100 người không ai có ý kiến khác. Nhưng đặc biệt, cả cha xứ và cha phụ tá cùng nói một lượt và một câu duy nhất: phải thích ứng !

Các linh mục dẫu là trí thức, đạo đức nhưng lại có cách ứng xử không thận trọng, không hiểu thích ứng trong trường hợp này có nguy hại về sau và ảnh hưởng dây truyền tới các xứ đạo khác là như thế nào.May mà việc treo cờ không có ai nhắc tới nữa, cha xứ cũng thôi.

2. Đọc lại mấy văn kiện thời Ủy Ban Quân quản của TGM Nguyễn Văn Bình

Để hiểu rõ các văn kiện này, chúng tôi tóm lược về những hành động chống đối của vài linh mục và giáo dân “tiến bộ” đối với Đức TGM Nguyễn Văn Thuận.(*)

Ngày 12 tháng 5 năm 1975, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình cho phổ biến một thông cáo về việc bổ nhiệm Đức cha Nguyễn Văn Thuận ở chức vụ Phụ tá Giáo phận Sài-Gòn. Thông cáo nói rằng, ngày 25-4-1975, Đức Thánh cha Phao-lô 6 đã bổ nhiệm Đức cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, Giám mục Nha Trang làm Tổng Giám mục hiệu Tòa Vadesitana, Phụ tá Sài-Gòn với quyền kế vị.

Ngày 8-5- 1975, một số linh mục, gồm: Vương Đình Bích, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Nguyễn Nghị (CSSR), Nguyễn Ngọc Lan (CSSR), Chân Tín (CSSR), Huỳnh Công Minh, Nguyễn Thiện Toàn và mấy linh mục khác, nay đã qua đời, đã ký tên vào một bức thư gửi Đức TGM Nguyễn Văn Bình, yêu cầu hoãn lại việc bổ nhiệm Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận tại Sài-Gòn, và đòi giáo sĩ và giáo dân được quyền có tiếng nói trong vấn đề này.

Ngay chiều hôm 12-5, sau khi nhận chức, Đức cha Nguyễn Văn Thuận đã cùng với Đức TGM Nguyễn Văn Bình vào Đại Chủng Viện Sài-Gòn thăm Đức Giám mục Phụ tá Trần Thanh Khâm đang điều dưỡng tại đó, thì nhóm linh mục “tiến bộ” kéo tới bao vây hai Đức cha Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn Thuận. Họ yêu cầu Đức cha Thuận rút lui, không cần gì phải có Vatican, các Giám mục Việt Nam cứ thu xếp với nhau là được rồi.

Ngay ngày hôm sau, 13-5-1975, khoảng 50-60 “sinh viên Công giáo” đã xâm nhập Tòa TGM Sài-Gòn, căng lên 3 biểu ngữ, đòi Đức cha Nguyễn Văn Thuận từ chức, không có hòa giải, “Nguyễn Văn Thuận phải rút lui”.Trưa ngày 13-5-1975, một phái đoàn giáo dân đã đến trình bày sự việc để xin Giám mục Nguyễn Văn Thuận tự động rút lui. Việc bổ nhiệm Giám mục Nguyễn Văn Thuận vào chức vụ TGM Phó Sài-Gòn là cả một sự sắp xếp và áp đặt của Khâm sứ Henri Lemaitre…

Việc đòi hỏi mang tính phản Ki-tô này không xong, nhóm linh mục và giáo dân trên đây bày ra một lá bài tố cáo Đức cha Nguyễn Van Thuận nguy hiểm hơn, lôi kéo chính quyền CS về phía mình. Đó là khép tội ngài: “ Một Giám mục chống Cộng…Nguyễn Văn Thuận là con cháu họ Ngô là một giòng họ có truyền thống chống Cộng cực đoan…Giám mục Nguyễn Văn Thuận là người đã tổ chức Phong trào Công lý và Hòa bình để huấn luyện cán bộ chống Cộng và góp công thành lập Đảng Nhân xã (thối thân của Đảng Cần Lao) để “phục hồi tinh thần (chống Cộng) Ngô Đình Diệm…”

Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã tỏ ra lo ngại trước những diễn biến này, báo chí của Đảng CS đã nhảy vào. Vì thế, ngài đã nêu ra chính sách về Tự do Tín ngưỡng mà Hồ Chí Minh đã ký ngày 14-5-1955 và Chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đưa ra ngày 1-4-1975, trong một lá thư gửi Lãnh đạo Chính quyền CS và Ủy ban Quân quản thành phố Sàigon – Gia Định.

Sau đây là nguyên văn bức thư:

Tòa Tổng Giám Mục
180, Phan Đình Phùng
Sài-Gòn

Kính gửi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch chủ tịch Đoàn Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam

Kính thưa Quý vị Chủ tịch,

Chúng tôi, Tổng Giám mục Giáo phận Sài-Gòn, kính xin Quý vị chủ tịch vui lòng minh xét và giải quyết việc sau đây:

1. Bản tin đăng tải trên báo Sài-Gòn Giải Phóng số 29 ngày 8 tháng 6 năm 1975 và bản tin do Đài phát thanh Sài-Gòn Giải Phóng phổ biến ngày 7 tháng 6 năm 1975 đại ý nói: có nhiều tổ chức Công giáo gồm Linh mục và đông đảo giáo dân lên án đòi buộc Đức Khâm sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre phải rời khỏi Việt Nam ngay lập tức, đồng thời kết án cả Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận có những hành động chống chính phủ Cách mạng, v.v.

2. Một số trong nhóm chống đối hiện đang tuyên truyền rằng chỉ trong bốn năm ngày nữa Chính phủ Cách mạng sẽ trục xuất Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận khỏi Tổng Giáo phận Sài-Gòn.

Chúng tôi thấy cần phải minh xác rằng:

a) Mấy tổ chức mệnh danh là Công giáo nêu trong các bản tin trên chỉ là một thiểu số không đáng kể trong hàng ngũ Công giáo, không thể nào đại diện cho “đông đảo giáo dân Công giáo”.

b) Những tội danh gán buộc cho Đức Khâm sứ Henri Lemaitre và Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận hoàn toàn thất thiệt, vì mọi người có lương tri đều phãi nhận rằng các ngài đã có rất nhiều thành tích xã hội, cứu trợ nhân dân cả hai miền Nam Bắc Việt Nam.

c) Các tin trên, nhất là việc phao tin: Chính phủ Cách mạng sẽ trục xuất Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận khỏi Sài-Gòn đã làm chấn động dư luận toàn thể nhân dân Công giáo Việt Nam và khiến cho họ phẫn nộ, hoang mang tột độ. Họ nghĩ rằng việc đó không thể xảy ra được, vì nó trái ngược với Sắc lệnh Tự do Tín ngưỡng của Hồ chủ tịch ban bố tại Hà Nội ngày 14-05-1955 và Chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tuyên bố ngày 01-04-1975.

d) Giáo hội Công giáo nói chung và Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng hằng khuyến khích người Công giáo phải đem hết công tâm, tận dụng khả năng phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc theo tinh thần công bình bác ái, không làm chính trị đảng phái để mưu đồ tư lợi, không làm tay sai cho đế quốc thực dân xâm lược. Vậy chúng tôi khẩn thiết yều cầu Chính phủ Cách mạng cho nghiêm lệnh:

1. Triệt để thi hành Sắc lệnh Tự do Tín ngưỡng và chính sách 10 điểm của Chính phủ để gây tin tưởng và phấn khởi của toàn dân đối với chính phủ.

2. Chấm dứt các chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ vu cáo các chức trách của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

3. Chận đứng ngay chiến dịch vận động phi pháp trục xuất Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận, vì việc trục xuất phi pháp này vi phạm trầm trọng Sắc lệnh Tự do Tín ngưỡng và Chính sách 10 điểm của chính phủ, sẽ gây nguy hại cực kỳ lớn lao không lường đươc, về đối nội cũng như đối ngoại, cho Quốc gia dân tộc.

Trân trọng,

Sài-Gòn, ngày 8 tháng 6 năm 1975
Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài-Gòn
Phao-lô Nguyễn Văn Bình
(Ấn ký)

Đồng kính gởi:
-Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam VN
-Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân Quản Thành phố Sàigòn – Gia Định.

Kháng thư này đã làm cho người ta xúc động mãnh liệt vì một con người vẫn được tiếng là hiền hòa như Đức TGM Nguyễn Văn Bình, thế mà giữa lúc nhà cầm quyền CS vừa chiếm lĩnh Sài gòn, cao ngạo đang bốc cao, ngài đã phải “bùng lên” không kém giận dữ đối với nhóm linh mục và giáo dân mượn thế quyền lực chính trị, làm chuyện phản nghịch, lộ rõ bộ mặt “kẻ nội thù” của Giáo hội Việt Nam, đồng thời kháng thư trên cũng tỏ cho nhà cầm quyền CS biết thái độ của ngài trước những bản tin xuyên tạc và ác ý của ngành truyền thông đại chúng.

Thế nhưng, sau kháng thư trên, Đức TGM Nguyễn Văn Thuận đã bị lưu đày như mọi người đã biết, và người ta không khỏi sửng sốt về lập trường mới, thái độ mới của Đức TGM Nguyễn Văn Bình đối với CS và với nhóm linh mục, giáo dân mắc vào bả tuyên truyền của vài linh mục, lấy chiêu bài đường hướng của Công đồng Vatican II mà họ nói là “tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi”.

Trong “ Thư chung về thống nhất đất nước” đề ngày 22-11-1975, Đức TGM Nguyễn Văn Bình viết:

“Sự thực thì đất nước chúng ta đang được lãnh đạo bởi Đảng Lao Động, môt Đảng Mác-xít Lê-ni-nít. Người Mác-xít không tín ngưỡng nhưng vẫn tôn trọng tín ngưỡng của người khác. Ở nước ta, trong Nam cũng như ngoài Bắc, Đảng, Mặt trận và Chính phủ đã nhiều lần, qua nhiều văn kiện,khẳng định quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân” (x. Công giáo và Dân tộc số 21, từ ngày 30-11 đến 6-12-1975.)

Một năm sau đó, Đức TGM Nguyễn Văn Bình lại viết những lời kêu gọi hết sức nồng nhiệt, kêu gọi đồng bào Công giáo hãy đi Vùng Kinh tế mới. Đức Tổng không hiểu rằng, đi vùng kinh tế mới chỉ có nghĩa là biện pháp của nhà cầm quyền Cộng sản lúc đó, đẩy những thành phần dân chúng họ không tin tưởng, trong đó có các gia đình binh lính và nhân viên công quyền Sàigòn, ra khỏi thành phố này, dưới mắt CS, các thành phần này chỉ như rác rưởi !

Lời kêu gọi có những câu:

“Đây là lời mời gọi khẩn thiết cho Hội thánh Việt Nam làm dấu chứng cho nước Trời. Đây là cơ hội thuận lợi để Hôi Thánh hiện diện tích cực giữa lòng Dân tộc và thể hiện Tin Mừng tình thương của Chúa trong khung cảnh hiện tại của Đất nước. Đây là dịp Hội Thánh thực hiện canh tân và sống mãnh liệt sức sống của Chúa Ki-tô phục sinh (…) Giáo hội Việt Nam chúng ta nên coi đây là một cơ hội của ơn Thánh để dấn bước theo Chúa Ki-tô” (x. Công giáo và Dân tộc số 45 từ ngày 2-5 đến 8-5-1976)

Lời văn của hai Thư này chắc chắn không phải của Đức cha Nguyễn Văn Bình,nhất là Thư nói về thống nhất đất nước, nó do một cán bộ văn hóa, kẻ nội thù của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Còn Thư sau kêu gọi đồng bào Công giáo đi vùng kinh tế mới là muốn so sánh nước Trời với Xã hội chủ nghĩa, một giọng điệu rất thường thấy trong tờ CGvDT những năm đầu ra mắt.

3. Thư ngỏ năm 2002 của các Giám Mục Việt Nam

Người Công giáo trong và ngoài nước coi Thư ngỏ này là một dấu hiệu HĐGMVN đã có một đường hướng tranh đấu để phục vụ dân tộc, đất nước và xã hội, theo tinh thần của Công đồng Vatican II, Thư ngỏ còn là một dấu chỉ để người công dân Công giáo Việt Nam tự hào mình thuộc về một giáo hội, trong khi phục vụ Thiên Chúa vẫn không sao nhãng bổn phận của mình ở trần thế.

Phần mở đầu Thư ngỏ năm 2002 của các Giám mục Việt Nam gửi Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân, viết:

“Phục vụ con người là mục đích tối cao” của mọi tổ chức và cơ chế xã hội (xem Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI), vì lẽ con người là mục đích, là cứu cánh, là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hôi. Từ chân lý căn bản này về con nười với nhân phẩm và nhân quyền của họ, nảy sinh những nhu cầu, những đòi hỏi bức thiết phải đáp ứng để xây dựng và phát triển một xã hội nhân bản, một xã hội không làm què quặt và hủy hoại con người. Những đòi hỏi bức thiết đó là:

I- Xóa giảm những khuyết tật hiện hữu của xã hội;

II- Phát huy những giá trị nhân bản làm cho con người ngày càng trở nên người hơn, sống xứng với phẩm giá của mình hơn.

Đây là hai điểm nhắm chính của Thư ngỏ, các Giám mục Việt Nam chỉ đưa ra vài nhận xét hết sức căn bản về hai điểm này, chứ không đi sâu vào từng vấn đề.Chẳng hạn, với điểm I, các Giám mục nói đến hai khuyết tật. Khuyết tật thứ nhất là; “hiện tượng tha hóa con người”; khuyết tật thứ hai: “cơ chế bất công và tha hóa con người”.

Ở khuyết tật thứ nhất, các Giám mục đề cập đến “chủ nghĩa tiêu thụ, đẩy con người vào trong một mạng lưới những thỏa mãn hời hợt, giả dối.” Kế đến là “khi lao động được tổ chức nhằm bảo đảm tối đa cho lợi nhuận mà không lưu tâm cải thiện đời sống và thăng tiến phẩm giá người lao động”.Điểm thứ ba: Con người vốn là mục đích của sự phát triển thì lại bị biến thành đơn thuần là phương tiện sản xuất. Điểm thứ tư: Về vấn đề tự do, các Giám mục nhận xét: “Thực tế cuộc sống hiện tại cho thấy: khi tách lìa chân lý về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ, tự do trở thành sự tùy tiện hoặc ngẫu hứng của những kẻ có quyền thế.”

Ở khuyết tật thứ hai, các Giám mục đặt thẳng trước mặt các cấp lãnh đạo Nhà nước về cơ chế Xin-Cho. Đây là một kinh nghiệm nhức nhối chung cho mọi người dân, đặc biệt cho tôn giáo, nhất là tôn giáo ấy lại là Công giáo.

Xin dẫn nguyên văn đoạn này:

“Cơ chế xin-cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền mà Nhà nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép, đồng thời biến Nhà nước từ một tổ chức có chức năng phục vụ công ích trở thành một chủ nhân ông nắm các quyền tự do của người dân và ban phát các phép tự do lại cho họ thường theo sự tùy tiện chủ quan hơn là theo những tiêu chuẩn khách quan. Như thế cơ chế xin-cho vừa đi ngược lại công ích và xóa đi các quyền tự do của người dân, vừa bôi đen hình ảnh của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân.Đó là điều làm tha hóa con người.”

Từ những nhận xét trên, các Giám mục Việt Nam mặc dù không đặt vấn đề kiến nghị hay đề nghị với Nhà nước một vài điểm để sửa chữa các khuyết tật này, nhưng các ngài cũng đã nêu ra những điểm chính yếu của mình, mà chúng tôi coi như đó là quan điểm và lập trường của HĐGMVN qua Thư ngỏ 2002.

Phần hai này có 5 điểm:

1. Phát huy phẩm giá con người: trong các quan hệ xã hội, phải quan tâm tôn trọng con người như là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội…

2. Phát triển xã hội và thăng tiến con người trên nền tảng chân lý “ Chân lý căn bản trong quan hệ giữa người với người là mọi người đều bình đẳng về nhân phẩm. Chân lý này đòi hỏi phải gạt bỏ mọi ký thị và phân biệt đối xử, phải xóa đi những hình thức chuyên chế, phải loại trừ mọi gian dối xảo trá ngày nay đang tràn lan trong mọi lãnh vực của cuộc sống con người và xã hội.”

3. Phát huy tình liên đới trong mọi sinh hoạt gia đình và xã hội. “Tình liên đới chỉ được xây dựng và phát huy vững bền trên nền tảng tôn trọng con người, tôn trọng các quyền của họ, tôn trọng sự tự lập chính đáng và quyền tự quyết của con người, tôn trọng các giá trị đạo đức trong truyền thống văn hóa.”…

4. Phát huy tình phụ đới:(…) “Tình phụ đới là một đặc tính của tổ chức xã hội trong đó một tập thể cấp cao không can thiệp vào nội bộ của một tập thể cấp thấp, không làm mất thẩm quyền và tính tự lập của nó, song tạo điều kiện giúp nó phối hợp hoạt động của mình với những hoạt động của tập thể khác nhằm mưu cầu công ích. Do đó, con đường phát huy tính phụ đới đòi hỏi:

Chính quyền tạo điều kiện cho các cá nhân và tập thể công dân sử dụng các quyền của con người.

Thư ngỏ nhấn mạnh: “ Dành cho mình độc quyền hay một quyền hành quá lớn trong các lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội, đó là con đường dẫn đến chuyên chế và độc tài, quan liêu và bao cấp, áp bức và bất công, là những tệ nạn làm tha hóa con người”.

Tính phụ đới theo nghĩa trên là nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Thiếu nền tảng này, Nhà nước,với chức năng phục vụ công ích trở thành một cỗ máy thống trị độc tài, và nhân dân từ địa vị làm chủ đất nước trở thành phương thế phục vụ cho cỗ máy đó. Đó là điều làm tha hóa con người và phân hóa xã hội.”

5. Phát huy ý thức và thiện chí phục vụ công ích (…) Chức năng phục vụ công ích đòi buộc chính quyền:

(1) tạo điều kiện bảo đảm cho mọi công dân hưởng những nhu yếu sao cho xứng hợp với phẩm giá con người;

(2) xóa bỏ những luật lệ bất công và những biện pháp trái với luân thường đạo lý trong truyền thống văn hóa của dân tộc, vì lẽ đây là những cơ chế và biện pháp làm tha hóa con người. Cơ chế xin-cho là một điển hình về luật lệ bất công. Phá thai hằng năm hơn cả triệu trường hợp là một điển hình về biện pháp trái với luân thường đạo lý mà những hậu quả đã và đang diễn ra không biết đưa tương lai dân tộc đi về đâu.”

Các Giám mục kết thúc Thư ngỏ:

Kính thưa Quý Vị,

Là những người yêu mến quê hương, ai trong chúng ta cũng mong muốn xây dựng Việt Nam thành một đất nước giàu đẹp, văn minh, giàu tính nhân bản. Chính trong tinh thần đó, chúng tôi xin gửi đến Quý Vị thư ngỏ này.

Kính chúc Quý Vị luôn an mạnh, mạnh khỏe và thành đạt.

Trân trọng kính chào.

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Kết luận-

Có lẽ vì biết bao nhiêu biến cố dồn dập xảy đến cho bản thân, cho đất nước và Giáo Hội Việt Nam, mà hai văn kiện rất quan trọng của hàng Giáo phẩm Việt Nam trên đây, cơ hồ như bị lãng quên ! Bình tâm đọc lại, chúng tôi thấy cần phải được phổ biến lại. Điều này cũng có nghĩa người Công giáo VN nên trả về sự công bình cho các Giám mục Việt Nam những gì thuộc về các ngài. Thí dụ: Không thể phủ nhận tinh thần sáng suốt, khiêm nhường, từ tốn nhưng ẩn chứa một lòng dũng cảm, bất khuất của những Mục tử qua hai văn kiện. Một, từ những ngày tháng đầu của biến cố quá đau thương cho quốc gia dân tộc, cho Giáo hội đã xa 35 năm nay rồi. Đó là ngày 30/4/1975. Giáo Hội Việt Nam lúc bấy giờ ở trong cái thế khó khăn. Một tuyệt đại thiểu số linh mục, giáo dân có dã tâm muốn lèo lái Giáo Hội thỏa hiệp với chế độ xã hội mới. Họ ngông cuồng trục xuất Khâm sứ Tòa Thánh ra khỏi trụ sở trên đường Hai Bà Trưng. Họ xâm nhập như trộm cướp vào Tòa TGM Sàigon căng biểu ngữ đòi TGM Nguyễn Văn Thuận rút lui…

Trước tình thế ấy, Đức TGM Nguyễn Văn Bình thảo kháng thư, tỏ bày lập trường của ngài. Thế nhưng, sau đó, giáo dân ngỡ ngàng vì Đức Tổng viết hai lá thư về việc thống nhất đất nước và việc đi vùng kinh tế mới. Ngài ngả theo nhóm phản Ki-tô kia.

Trên tờ CGvDT, số 44, từ ngày 25-4 đến 1-5-1976, ông Vũ Duy Giang viết:

“Trong những ngày cuối tháng 5, tháng 6 và 7-1975, bị giằng co và ray rứt do áp lực của những kẻ muốn cột chặt Giáo hội Công giáo với dĩ vãng, có lúc Người (TGM Nguyễn Văn Bình) đã tỏ ra chần chừ, làm nhiều người nghĩ rằng Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình không có lập trường hay lập trường của Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình chỉ là lập trường của những kẻ bao chung quanh”

Đấy là lời lẽ của một ký giả tờ CGvDT thời họ ngạo nghễ theo chủ, nên đã dùng từ “kẻ” để chỉ các Giám mục và Linh mục của Tổng Giáo phận Sài-gòn hồi đó. Tuy nhiên xuyên qua bài báo này, người ta cũng hiểu ra được sức tấn công và tạo áp lực rất mạnh từ nhóm linh mục, giáo dân “phản Ki-tô” ấy. Bây giờ có thể gọi họ là những “kẻ nội thù” của Giáo hội VN. Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình suy sụp, cô đơn. Ngài tìm cho mình cái yên tịnh nội tâm. Vậy mà, trước ngày Chúa gọi về, được phỏng vấn của báo chí, ngài nói vẫn “sợ”. Sợ Cộng sản và sợ cả những “kẻ nội thù” kia !

Hơn 30 năm sau kháng thư của TGM Nguyễn Văn Bình, năm 2002, các Giám mục Việt Nam soạn thảo Thư ngỏ gửi Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân, trình bày về những nguyên nhân gây nên cảnh đau thương cho con người, cho gia đình và xã hội.Đọc lại Thư này, chúng tôi cảm nhận, Thư ngỏ 2002, như thể là một bản án, một bản tố cáo chế độ, tác nhân chính của tình trạng người không ra người, xã hội ung thối, nhếch nhác, người dân bị đày đọa, nghèo càng nghèo thêm, mà giàu lại giàu thêm:

“Theo thông tin của báo chí, cơ chế xin-cho còn là nguyên nhân làm thất thoát 50% các nguồn thu vào công quỹ, và làm thất thoát 50% phần còn lại khi phải chi ra cho công ích. Điều này có nghĩa là 5% hoặc 7% dân số là những người có thế lực và quyền lực thì hưởng 75% từ công quỹ quốc gia (trong con số 75%, có 50.000 tỷ đồng/năm của riêng ngành xây dựng), phần còn lại của dân số là hơn 70 triệu dân chỉ hưởng được 25%.Thực tế này tạo ra một tình trạng bất công trầm trọng trong xã hội và không ngừng làm gia tăng hố sâu cách biệt giàu nghèo trong lòng một dân tộc.Chính vì thế mà tham nhũng một cách có hệ thống quy mô trong xã hôi ngày nay không những là một quốc nạn, song còn là một tội ác đối với đất nước và dân tộc.” (x. Thư ngỏ 2002, đoạn cuối của khuyết tật thứ hai: cơ chế bất công và tha hóa con người).

Đảng CSVN chấp nhận Thư ngỏ 2002 của các Giám mục Việt Nam chẳng khác gì “tự sát tập thể”. Cho nên, chúng trút hận xuống trên Giáo hội Việt Nam qua những vụ chiếm đoạt đất đai, triệt hạ các biểu tượng thánh thiêng của người Công giáo, trong khi chúng không có lý do nào để bỏ tù các Giám mục. Nhưng chúng có trăm mưu ngàn kế hiểm khống chế các Giám mục, kể cả mua chuộc, gài bẫy, thỏa mãn yêu cầu của từng địa phương, như Giáo phận Đà Lạt, họ cấp cho nhiều đất gấp 3,4 lần xin để xây dựng Trung tâm Mục vụ. Chỉ buồn một nỗi về bài viết của BBT Web HĐGMVN, hết sức tai hại. Nó tự mình cướp đi sạch những gì thuộc về mình như hàng Giáo phẩm VN đã thể hiện trong hai văn kiện trình bày trên đây.

Vậy, tình hình trong nội bộ các Giám mục Việt Nam hiên nay như vậy, là từ đâu ? Bàn tay của những “kẻ nội thù” còn vươn ra tới những đâu ?

Nguyễn An Tôn
(Ngày 01/02/2010)

(*) xem cùng tác giả quyển: Công Giáo Miền Nam Việt Nam Sau 30-4-1975, tr.224tt, Cơ sở Dân Chúa xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1988.

Nguyễn An Tôn

Đọc nhiều nhất Bản in 23.02.2010. 16:12