Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đầu Năm Viếng Thăm Mẹ

§ +GM FX Nguyễn Văn Sang

(Nhật ký 13-2-2008 Thái Hà của Đức Giám mục Nguyễn Văn Sang)

Đáng lẽ theo lệ thường, tôi đã ở nhà thờ Thái Hà trong dịp TẾT Mậu Tý, vào buổi lễ minh niên như tôi đã nhiều lần tới viếng Đức Mẹ vào mùng 3 Tết. Tôi nhớ thuở thiếu thời, khi còn đi học ở Hà Thành, vào ngày Mồng 3 Tết hằng năm, tôi thường đến Nhà thờ Thái Hà để xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho công việc học hành được tấn tới, như câu nói mà tụi học trò chúng tôi vẫn thường trêu nhau: “Học trò thò lò mũi xanh, tay ôm chiếc mũ chạy quanh nhà thờ”. Về sau này, khi đã làm linh mục, nhất là Giám mục phụ tá Hà Nội, tôi cũng nhiều lần được mời tới dâng lễ và giảng lễ tại đây. Cho đến khi đã được bổ nhiệm làm Giám mục Thái Bình, đã đôi ba lần tôi được cha già Giuse Vũ Ngọc Bích mời tới dâng lễ, giảng huấn và gặp gỡ những anh chị em giáo dân thân quen.

Dần dần do bận công việc mục vụ, nên nhiều năm tôi không thể tới viếng Đức Mẹ vào dịp lễ Minh niên mồng 3 Tết được nhưng trong lòng vẫn nhớ da diết các buổi lễ trang trọng sốt sắng này.

Mồng 3 tết năm nay, buổi sáng, tôi đã dâng lễ với cả giáo phận ở trại phong Văn Môn, mang tất cả quà bánh, tiền bạc nhận được cùng với các linh mục, nam nữ tu sĩ đi biếu các bệnh nhân phong, để chia sẻ niềm vui ngày Tết với họ, đồng thời làm lễ phát động năm Hồng Đào, khởi hành chiếc “đại xa”: Làm việc Bác ái xã hội. Buổi chiều, tôi lại cùng với các linh mục trong giáo phận đi dâng lễ an táng cho một Linh mục 68 tuổi, học lớp lớn tuổi ở Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang vừa qua đời vào đúng đêm 30 tết, sau tròn hai năm làm linh mục.

Sáng mồng 4 tết, tôi tới dâng lễ và chủ sự cuộc rước kiệu Hồng Đào ở Bồ Ngọc - một giáo xứ ven đê sông Luộc, dưới trời rét lạnh thấu xương. Chiều về đến nhà mở xem trên mạng Internet thấy tiếc ơi là tiếc vì không có mặt để chứng kiến cuộc lễ Minh niên kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại giáo xứ Thái Hà – Hà Nội. Trong bản tin đã đưa, sau thánh lễ, hàng ngàn người đã ra “hiện trường” – nơi khu đất đang còn tranh chấp để đọc kinh cầu nguyện.

Do vậy, sáng mồng 5 Tết, tôi quyết tâm phải đến viếng Đức Mẹ Thái Hà và tham dự buổi cầu nguyện. Trời lạnh quá! Thêm tuổi cao sức yếu, đôi chân nhức buốt nên mãi gần 9 giờ sáng tôi mới đi xe tới Thái Hà. Đường phố thủ đô vắng tanh vắng ngắt, có lẽ do một phần dân về quê ăn tế hoặc ở trong nhà vì ngoài trời nhiệt độ xuống tới 8, 9 độ C.

Tôi tới khu vực nhà thờ giáo xứ Thái Hà, chỉ thấy thấp thoáng mấy bạn trẻ đang đứng chúc tuổi lẫn nhau. Tôi vào qua nhà thờ để viếng Thánh Thể. Nhà thờ lúc này không một bóng người. Sau những giây phút viếng Thánh Thể, tôi tết Chúa trong nhà chầu và viếng thăm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp một lát rồi vào nhà khách xin gặp cha Bề trên để chúc tuổi, bởi ngài đã đến Tòa Giám Mục Thái Bình hôm 28 tết thăm và chúc tuổi mới tôi, hôm nay tôi có dịp đáp lễ.

Trong câu chuyện, ngài kể: buổi lễ hôm mồng 3 Tết đông tới 7000 người. Sau Thánh lễ, cộng đoàn cùng ra hiện trường để cầu nguyện. Chúng tôi có chia sẻ với nhau vài ý kiến về đất Tòa Khâm Sứ cũ. Chúng tôi được biết, hiện nay, không ai được vào cầu nguyện trong sân Tòa Khâm Sứ. Đứng ở cổng cầu nguyện vọng vào thì bị bảo vệ, công an xua đuổi!!! Nói đến đây, tôi chợt nghĩ lại quang cảnh các chùa chiền miếu mạo dịp đầu xuân, thiện nam tín nữ đông đúc chen chúc nhau vào như hội, xin quẻ cầu phúc… mà chạnh lòng nhớ tới tượng Đức Mẹ bên khu đất Tòa Khâm Sứ cũ, đang ở trong tình trạng lạnh lẽo, hoa nến bây giờ còn ai dâng kính?

Tôi chia sẻ với cha Bề trên một vài ưu tư và đầy vẻ tiếc nuối cho sự việc này. Ngài cũng cảm thông và với vẻ khiêm tốn vốn có, ngài cho biết: “Ở khu đất Thái Hà, giáo dân vẫn sốt sắng cầu nguyện ngày 3 buổi, không kể sau các lễ”. Nhân tiện tới chúc tết, tôi có ý nguyện muốn tới cầu nguyện tại hiện trường.

Buổi cầu nguyện sau Thánh lễ sáng nay đã chấm dứt, nên chỉ còn vài ba bà cụ “cắm lều” ở hiện trường. Tôi cũng muốn viếng Đức Mẹ trong buổi đầu xuân, nên ngài cũng thu xếp một số các cụ ông cụ bà theo tôi ra nơi mảnh đất còn đang tranh chấp.

80210DCSang16.jpg

Cha Bề trên dẫn chúng tôi đi lối trong, qua nhà nguyện thánh Giêrađô, đi tắt sang hiện trường. Một số bà con đã ra trước thắp nến và sửa soạn. Tôi ngạc nhiên thấy một số thánh giá buộc vào hàng rào và năm ba bức ảnh Đức Mẹ được đặt chung quanh. Chúng tôi tiến đến một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp to nhất, lộng lẫy giữa mấy hàng đèn nến và hoa tươi. Cha Bề trên xướng kinh cầu nguyện như thói quen mọi lần. Tôi cảm động chắp tay cầu nguyện từ đáy lòng xin Đức Mẹ phù hộ cho đoàn con và những ai có liên quan tới mảnh đất. Chớ gì, sang xuân họ sẽ tìm được giải pháp tốt nhất để đem an vui đến cho mọi người. Tôi thấy bên hàng rào có một cỗ tràng hạt đỏ của ai treo trên đó chắc để dâng kính Đức Mẹ. Tôi liền lấy trong túi áo một cỗ tràng hạt trắng do chính Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho tôi dịp tôi được hầu ngài ở Castel Gandolfo năm ngoái khi tôi tới Roma. Nay tôi muốn dâng cho Đức Mẹ như hình ảnh Đức Thánh Cha ở với giáo dân Thái Hà. Một chị giúp tôi treo cỗ tràng hạt vào hàng rào cạnh ảnh Đức Mẹ.

Tôi sực nhớ có một nhân vật nổi danh trong các buổi cầu nguyện dịp tết: đó là một bà mẹ nhất định không về ăn tết, tình nguyện ở lại bên Đức Mẹ để cầu nguyện. Tôi liền hỏi cha Bề trên. Ngài liền quay lại đám đông và giới thiệu cho tôi bà cụ già 80 tuổi, còn khỏe mạnh, đang co ro trong chiếc áo khoác màu nâu. Bà mẹ này đã được các thi sĩ nói tới nhiều trên mạng Internet, gây xúc động cho nhiều người trên thế giới mà tôi cũng là một trong số đó. Mỗi lần đọc xong các tin tức và các bài thơ về bà mẹ anh hùng này, tôi thường xúc động chảy nước mắt. Tôi quay lại nắm chặt tay bà mẹ già và nói:

Bà không về vì bà muốn ở với Đức Mẹ đã không về trong suốt cuộc đời sống bên cạnh Chúa từ khi sinh ra trong hang đá, 30 năm ở Nazarét, trong cuộc đời truyền giáo, nhất là lúc con chịu khổ nạn, lên núi Calvariô, đứng dưới chân thập giá… Đức Mẹ không bỏ về để nhận lời Chúa trối nhận loài người làm con và cho con người nhận ngài làm Mẹ. Bà không về là để bắt chước Đức Mẹ Maria đồng công cứu chuộc, chính sự hy sinh âm thầm lặng lẽ đó sẽ đem lại lợi ích cho mọi người trong vụ tranh chấp này. Sau này, cả thế giới sẽ nhớ đến bà.

Tôi quay sang nói với cha Bề trên: “Khi nào giải quyết xong vụ đất đai này, tôi xin cha dựng một pho tượng cho bà mẹ này với lời đề tựa: ‘MẸ KHÔNG VỀ’. Mọi người đứng quanh có vẻ tán thành.

Trước khi lên xe trở về, cha Bề trên còn dẫn tôi tới thăm nhà nguyện thánh Giêrađô, khu vực mà trước đây một thời là nơi tụ họp của những bọn người nghiện ngập xì ke ma túy, hút chích vv… nhưng nay, nhờ bàn tay của Hội Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, nơi đây đã trở thành một nơi cầu nguyện khang trang, sạch đẹp, thành nơi để cho các bà mẹ đang mang thai đến xin ơn được sinh nở bình an.

Về tới phòng riêng, tôi cố gắng viết những dòng nhật ký nóng hổi này và cố gắng làm một bài thơ nhan đề:

Tại sao mẹ không về?

Hỡi người mẹ Thái Hà của tôi ơi !
Tết đã về, sao mẹ còn ở lại ?
Không về nhà, trời rét lạnh mưa rơi,
Cơn gió ác cấu làn da tím tái…

Tại bánh chưng, gạo nấu chưa đủ rền?
Tại đĩa mứt, đường pha còn chưa ngọt?
Tại cháu con khó nghèo còn thưa thớt,
Chưa về được, từ các tỉnh kế bên?

Tết không về, vì Mẹ ta không về
Mẹ của chung là Mẹ Hằng Cứu Giúp
Dưới bóng người suốt đời con ẩn núp
Bỏ Mẹ lại con thấy buồn tái tê

Ta không về, bỏ Mẹ lại thảm thê
Giữa gạch vụn, hàng thép gai nhọn hoắt
Giữa lớp người, gan chì và phổi sắt
Vẫn rình chờ, bán Đất, chia phe…

Ta không về, vì xưa kia Hang Đá
Mẹ không về, bên Hài Nhi cao cả
Với bò lừa, dâng hơi ấm tỏa lan
Dâng Hài Nhi, chống cơn gió đông hàn.

Ta không về, trên con đường truyền giáo
Mẹ đồng hành với Chúa đi giảng đạo
Chống lũ giả hình, bè Pha-ri-siêu
Sống bụi đời, cuộc sống rất bạt phiêu.

Vì Mẹ Maria nơi vườn Giệt
Có người Con, bọn quân thù tìm giết
Cả thân hình tan nát máu mồ hôi
Giuđa phản bội hôn bán Con Trời.

Ta không về, Mẹ ở lại đón con
Trên con đường đẫm máu đỏ như son
Cây khổ giá, trên đôi vai nặng trĩu
Nát lòng Mẹ, có ai nào thấu hiểu?!

Ta không về, vì Mẹ còn ở lại
Đứng Sầu Bi, muốn ngàn năm ở mãi
Cuộc sinh ra đau khổ nhưng vuông tròn
Lời trối: Con nhận Mẹ, Mẹ nhận Con.

Để hôm nay, Mẹ đồng công Cứu Độ
Ta không về vì ta có duyên cớ
Cùng Mẹ Ngôi Hai, sống trọn cuộc đời
Buồn vui sướng khổ cùng với Ngôi Lời.

Mẹ Nhập thế với Con Mẹ nhập thể
Tết mẹ không về nguyên do là thế
Mẹ không về cho Đất sẽ nở hoa
Cho Mùa Xuân, mãi mãi sẽ an hòa

Cho Trái Đất tỏa lan đầy hạnh phúc
Sống yêu thương như mọi người cầu chúc
Tết không về, ở lại với Mẹ thôi
Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ của con ơi!

(Bạch Lạp)

Có thể bài thơ tôi làm không hay lắm, nhưng qua những gì tôi vừa kể, tôi chỉ muốn diễn tả những tư tưởng của một người mẹ không về gia đình ăn tết, vì muốn ở lại cùng Mẹ Hằng Cứu Giúp để noi gương Mẹ xưa, muốn ở cùng Chúa mọi nơi mọi lúc. Mặc dù đã cố gắng lắm, nhưng vẫn chưa diễn tả cho đạt điều muốn nói, xin các vị thi sĩ tài danh thông cảm tha thứ.

Tôi muốn kết thúc những dòng hồi ký vụng về này bằng cách xin các vị hãy khoan dung, đại lượng, và vị nào cảm thấy có gì bị xúc phạm, xin đại xá cho.

Thái Bình ngày 12/2/2008

+ F.X. Nguyễn Văn Sang
Giám Mục Thái Bình

+GM FX Nguyễn Văn Sang

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.02.2008. 11:08