Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Canh thức đợi chờ Chúa giáng sinh là cầu nguyện, sống yêu thương tha thứ, thực thi công lý và hòa bình

§ Linh Tiến Khải

Sáng thứ tư 19-12-2007 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp kiến gần 8.000 tín hữu hành hương và du khách tại đại thính đường Phaolo VI. Đây là buổi tiếp kiến chung cuối cùng trong năm 2007. Vì tuần tới là lễ Giáng Sinh rồi nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về thái độ chờ đợi lễ Giáng Sinh trong tỉnh thức, cầu nguyện, thực thi công lý hòa bình, loan báo tin vui cứu độ và hoạt động để cho nước yêu thương của Thiên Chúa mau đến trong tâm lòng con người và giữa lòng thế giới.

Pope_20071219.jpg

Càng gần ngày lễ Giáng Sinh phụng vụ càng thôi thúc chúng ta chuẩn bị tâm lòng qua các bài đọc cựu ước và tân ước khuyến khích chúng ta chú ý tới ý nghĩa và giá trị của ngày lễ cử hành hàng năm. Nếu một đàng lễ Giáng Sinh giúp chúng ta tưởng niệm biến cố kỳ diệu Con Một Thiên Chúa được Trinh Nữ Maria sinh ra trong hang đá Bếtlehem, thì đàng khác nó cũng khích lệ chúng ta chờ đợi Đấng Cứu Thế, Đấng sẽ đến ”phán xét kẻ sống và kẻ chết”, trong tỉnh thức và cầu nguyện. Ngày nay chúng ta tất cả đều chờ đợi công lý, vì chúng ta trông thấy biết bao nhiêu bất công trong thế giới bé nhỏ của chúng ta, trong gia đình, trong khu xóm, và cả trên thế giới của các quốc gia và xã hội nữa. Công lý là một ý niệm trừu tượng. Nhưng chúng ta chờ đợi Đấng có thể đến thi hành công lý một cách cụ thể. Và vì vậy chúng ta cầu xin: lậy Chúa Giêsu Kitô Thẩm Phán xin hãy đến theo kiểu của Chúa. Chúa biết bước vào lòng thế giới và tạo ra công lý thế nào. Nhưng chờ đợi công lý không thể chỉ là đòi hỏi từ người khác, mà cũng là khởi đầu bằng chính mình nữa. Và Đức Thánh Cha giải thích thái độ chờ đợi công lý theo tinh thần Kitô như sau:

Chờ đợi công lý trong nghĩa Kitô ám chỉ trên hết là chính chúng ta phải bắt đầu sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa là Đấng Thẩm Phán, theo các tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Nó có nghĩa là chúng ta bắt đầu sống trong sự hiện diện của Người và thực thi công lý trong cuộc sống. Khi thực thi công lý và sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa Thẩm Phán là chúng ta đợi chờ công lý trong thực tế. Và đó là ý nghĩa của Mùa Vọng, của sự canh thức. Canh thức mùa vọng có nghĩa là sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa Thẩm Phán và như thế là chuẩn bị mình và chuẩn bị thế giới cho công lý. Và như thế là chúng ta rộng mở thế giới cho Con Chúa đến, và dọn lòng mọi người đón Chúa đến. Hài Nhi, mà các mục đồng đã thờ lậy cách đây 2000 năm nơi một hang đá trong đêm đông Bếtlehem, không mệt mỏi viếng thăm chúng ta trong cuộc sống thường ngày, đang lữ hành trên đường về Nước Trời.

Trong khi chờ đợi Người, Kitô hữu diễn tả các niềm hy vọng của toàn thể nhân loại: nhân loại khát khao công lý, và như thế, tuy vô thức nhưng nhân loại chờ đợi Thiên Chúa đến, chờ đợi ơn cứu độ, mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho. Đối với chúng ta là tín hữu Kitô sự chờ đợi đó thắm đượm lời cầu nguyện kiên trì, như các lời cầu tuần cửu nhật Giáng Sinh gợi ý cho chúng ta trong thánh lễ cũng như trong thánh ca Tin Mừng và trong Kinh Chiều trước khi hát kinh Magnificat.

Mỗi một lời chúng ta khẩn cầu Sự Khôn Ngoan, Mặt Trời công chính, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi đến, đều chứa đựng một lời nguyện hướng tới Đấng được muôn dân trông đợi, để Người mau đến. Tuy nhiên khẩn cầu ơn Đấng Cứu Thế giáng sinh cũng có nghĩa là dấn thân dọn đường, chuẩn bị cho Người có nơi ở xứng đáng không chỉ chung quanh chúng ta, mà nhất là trong tâm lòng chúng ta. Chúng ta hãy để cho thánh sử Gioan hướng dẫn trong các ngày này và tìm hướng tâm trí về Ngôi Lời Nhập Thể, mà từ sự sung mãn của Người chúng ta đã nhận được hết ân sủng này tới an sủng khác (x. Ga 1,14.16).

Lòng tin này nơi Ngôi Lời Tạo Dựng nên thế giới, nơi Đấng đã đến trần gian như một Hài Nhi, lòng tin đó và niềm hy vọng lớn lao của nó, rất tiếc ngày nay, xem ra xa rời thực tại cuộc sống mỗi ngày, cuộc sống công cộng cũng như cuộc sống riêng tư. Sự thật này xem ra qúa lớn lao. Chúng ta lo liệu theo các khả năng có được, ít nhất xem ra như vậy. Nhưng như vậy thế giới càng trở thành hỗn loạn và bạo lực hơn: đó là điều chúng ta trông thấy mỗi ngày. Và ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng Sự Thật, tắt lịm đi. Cuộc sống trở thành đen tối và không có địa bàn giúp định hướng nữa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng chính trong một tình trạng như thế sự kiện chúng ta là tín hữu thật là quan trọng, và như là tín hữu, qua cuộc sống của mình chúng ta tái mạnh mẽ khẳng định mầu nhiệm cứu độ được cử hành trong lễ Giáng Sinh. Tại Bếtlehem Ánh Sáng chiếu soi cuộc sống đã được tỏ lộ cho thế giới; Đường dẫn đến sự toàn vẹn của nhân loại đã được mạc khải cho chúng ta. Nếu không nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm người, thì mừng lễ Giáng Sinh có ý nghĩa gì? Việc cử hành trở thành trống rỗng. Là tín hữu Kitô trước hết chúng ta phải tái khẳng định với lòng xác tín sâu xa và sống động, sự thật về lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô để làm chứng trước mặt mọi người ý thức về một ơn cao cả chưa từng nghe biết và là kho tàng không phải chỉ là cho riêng chúng ta, mà là cho tất cả mọi người. Từ đó nảy sinh ra bổn phận loan báo và thông truyền tin vui ”eu-angelion”. Đây là điều đã được Bộ Giáo Lý Đức Tin nhắc đến trong ”Thông Tri về vài khía cạnh của việc loan báo Tin Mừng”, mà tôi ước mong anh chị em và các cộng đoàn suy tư sâu rộng.

Các bạn thân mến, trong bầu khí chuẩn bị gần kề lễ Giáng Sinh, lời cầu nguyện của Giáo Hội càng tha thiết hơn để cho các niềm hy vọng của hòa bình, của ơn cứu độ và công lý, mà thế giới ngày nay đang cần đến hơn bao giờ hết, được hiện thực. Rồi Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người như sau:

Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa cho sức mạnh của tình yêu thương chiến thắng bạo lực, cho các chống đối nhau nhường chỗ cho hòa giải, cho ý chí đè bẹp nhau biến thành ước mong tha thứ, công bằng và hòa bình. Xin cho lời cầu chúc thiện hảo và tình yêu thương, mà chúng ta trao cho nhau trong các ngày này, đến với tất cả mọi môi trường cuộc sống thường ngày của chúng ta. Ước chi hòa bình ngự trị trong con tim chúng ta, để nó rộng mở cho hoạt động của ơn thánh Chúa. Ước chi hòa bình ở trong các gia đình để có thể mừng lễ Giáng Sinh hiệp nhất với nhau trước máng cỏ và cây giáng sinh đầy ánh sáng. Ước chi sứ điệp liên đới và tiếp đón đến từ Giáng Sinh góp phần tạo ra một sự nhậy cảm sâu xa hơn đối với những hình thức nghèo nàn cũ và mới, đối với thiện ích chung, mà chúng ta tất cả đều được kêu mời tham gia. Ước chi tất cả mọi thành phần cộng đoàn gia đình, đặc biệt là các trẻ em, các người già và người yếu đuối nhất, có thể cảm nhận được hơi ấm của ngày lễ này, và rộng mở cho tất cả mọi người mỗi ngày trong suốt năm.

Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha cầu mong đối với tất cả mọi người lễ Giáng Sinh là ngày lễ của hòa bình và niền vui: niềm vui vì Chúa Cứu Thế, Hoàng Tử Hòa Bình, sinh ra. Như các mục đồng xưa kia, ngay từ giờ đây chúng ta cũng hãy mau bước tiến về Bếtlehem. Như thế trong Đêm Thánh, cả chúng ta nữa cũng sẽ có thể chiêm ngắm ”Hài Nhi quấn tã nằm trong một máng cỏ”, cùng với Mẹ Maria và Thánh Giuse (Lc 2,12.16). Chúng ta hãy xin Chúa mở rộng tâm lòng chúng ta, để chúng ta có thể bước vào mầu nhiệm Giáng Sinh của Người. Xin Mẹ Maria Đấng đã trao ban cung lòng trinh trắng cho Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã chiêm ngưỡng Người như hài nhi trên cánh tay hiền mẫu của Mẹ và tiếp tục cống hiến cho tất cả Đấng Cứu Thế, giúp chúng ta biến lễ Giáng Sinh sắp tới thành dịp để lớn lên trong sự hiểu biết và tình yêu thương của Chúa Kitô. Và đó là lời cầu chúc tôi trìu mến gửi tới tất cả các anh chị em hiện diện nơi đây, tới gia đình và những người thân yêu của anh chị em. Chúc tất cả anh chị em lễ Giáng Sinh tốt lành.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài cầu chúc lễ Chúa sinh ra gia tăng ước muốn phục vụ tha nhân nơi các bạn trẻ; là suối nguồn sức mạnh và thanh thản cho người đau yếu, là sự ủi an và hy vọng cho các cặp vợ chồng mới cưới, giúp họ củng cố lời hứa yêu thương và trung thành với nhau. Sau cùng Đức Thánh Cha cất kinh lậy cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải, 19/12/2007

Đọc nhiều nhất Bản in 19.12.2007. 12:25