Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cám ơn Thái Hà (2)

§ Hà–Minh Thảo

Mẹ đã về chốn xưa!’. Đó là những lời mà giáo dân giáo xứ Thái Hà truyền cho nhau cách đây đúng một năm, nhân dịp Giáo hội Công giáo mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời ngày 15.08.2008.

I. SỰ CÁO GIAN.

90815THnannhan.jpg

Đêm 13 rạng ngày 14.8.2008, giáo dân thuộc Giáo xứ Thái Hà ở Hà nội đã kiệu tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào khu đất của Nhà Dòng Chúa Cứu Thế đã bị Xí nghiệp Dệt Thảm Đống Đa tự ý bán cho Công ty Cổ phần May Chiến Thắng cách đó hơn 10 năm. Nhà Dòng đã gửi đơn khiếu nại từ năm 1996.

Khoảng 12 giờ 30 ngày 15.08.2008, giáo dân lại kiệu tượng Đức Mẹ Ban Ơn đến. Đây là bức tượng khá lớn, cao khoảng 2 mét, được dựng gần tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Khoảng 15 giờ 30, giáo dân lại dựng thêm cây thánh giá cao khoảng 5 mét bằng sắt, trên có tượng nhỏ Chúa Kitô chịu đóng đinh.

Sau Thánh Lễ 10 giờ sáng ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời, đông đảo bà con giáo dân lại tiếp tục ra Phố Đức Bà cầu nguyện. Khi đoàn rước kiệu tượng Đức Mẹ Ban Ơn, cao khoảng 2 mét tiến vào bên trong khu đất qua một lối đi hẹp do tường rào đã bị sập đổ trước. Khi vào bên trong, nhận thấy lối đi vào khó khăn, nên một số giáo dân đã dùng cuốc, xà beng mở một lối đi thẳng với bức tượng của Mẹ. Chỉ trong vòng khoảng 15 phút, một lối đi rộng khoảng 4 thước đã được khai thông, đông đảo bà con nhanh chân đi vào cầu nguyện trước tượng Mẹ. Mọi người bộc lộ niềm vui sướng khi thấy Mẹ đã trở về với chốn xưa của Mẹ. Khoảng 15 giờ 30 giáo dân lại dựng thêm cây thánh giá cao khoảng 5 mét bằng sắt, trên có tượng nhỏ Chúa Kitô chịu đóng đinh.

90815THnannhan.jpg

Trong khi đó, nhiều cán bộ công an và nhân viên công ty may Chiến Thắng ra đứng quan sát và quay phim những diễn biến của giờ cầu nguyện.

Sở dĩ các giáo dân Thái Hà đã hành động như vậy vì sau nửa năm xem xét, thành phố Hà Nội đã ra quyết định nói rằng “không có cơ sở để giải quyết tranh chấp” và “sẽ thu hồi khu đất để làm công trình công cộng”.

Sau đó, trong nhiều ngày, báo chí nhà nước đồng loạt lên án Ban Hành Giáo, đã "coi thường pháp luật", "lợi dụng, kích động giáo dân" đặt tượng, dựng thánh giá, bàn thờ, và liên tục cầu nguyện tập thể trong khuôn viên đất tranh chấp, gây mất trật tự an ninh xã hội. Bất chấp những lời lẽ và hành động đe dọa của nhà nước đối với Ban Hành Giáo và giáo dân Giáo Xứ Thái Hà, các cuộc cầu nguyện tập thể của bà con Công giáo tại đây vẫn liên tục và đều đặn diễn ra để đòi hỏi Công Lý.

Vấn đề căn bản ở đây là nhà nước không chứng minh được đã có văn bản trưng thu khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế, trong đó có Giáo xứ Thái Hà. Khi chưa có quyết định trưng thu, khu đất đó vẫn còn thuộc Dòng Chúa Cứu Thế.

Không cãi lý được, hôm 27.08.2008, chính quyền - qua lệnh của công an quận Đống Đa, cho biết công an đang làm thủ tục khởi tố nhưng người đến cầu nguyện tại khu đất Thái Hà do Công ty Chiến Thắng chiếm dụng. Họ cho rằng linh mục và giáo dân vi phạm “tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” và “tội gây rối trật tự công cộng” theo Bộ Luật Hình Sự.

Sáng 27.08.2008, một số giáo dân đã nhận được giấy công an mời triệu tập điều tra. Người đầu tiên nhận được giấy đến công an “làm việc” là ông Lê Quang Kiện. Đây là bắt đầu một chiến dịch mới đe dọa và khủng bố tinh thần giáo dân. Nhưng tất cả đều không sợ sệt trước bạo quyền, họ vẫn đến cầu nguyện và càng ngày càng có nhiều giáo dân từ xa đến để ủng hộ tinh thần. Còn các công an ngồi vạ vật chỗ này chỗ kia, tỏ ra mệt mỏi, rã rời.

Cuối cùng, bạo quyền cũng lập danh sách đưa ra tòa 8 giáo dân:

1. Bà Nguyễn Thị Nhi, sinh năm 1962, bị kết tội “gây rối trật tự công cộng” tại Thái Hà và Toà Khâm Sứ.
2. Bà Ngô Thị Dung, sinh năm 1954, bị kết tội “hủy họai tài sản và gây rối trật tự công cộng” tại Thái Hà.
3. Ông Lê Quang Kiện, sinh năm 1945, bị kết tội “hủy họai tài sản và gây rối trật tự công cộng” tại Thái Hà.
4. Bà Nguyễn Thị Việt, sinh năm 1949, bị kết tội “hủy họai tài sản và gây rối trật tự công cộng” tại Thái Hà.
5. Bà Lê Thị Hợi, sinh năm 1947, đã bị kết tội “hủy họai tài sản và gây rối trật tự công cộng” tại Thái Hà.
6. Ông Giuse Phạm Trí Năng, sinh năm 1959, đã bị kết tội “hủy họai tài sản và gây rối trật tự công cộng” tại Thái Hà.
7. Anh Nguyễn Đắc Hùng, sinh năm 1977, bị kết tội “hủy họai tài sản và gây rối trật tự công cộng” tại Thái Hà.
8. Anh Thái Thanh Hải, sinh năm 1987, bị kết tội “hủy họai tài sản và gây rối trật tự công cộng” tại Thái Hà.

Khuya ngày 21.09.2008, đêm kinh hoàng đầy bạo lực, ma quỷ và bóng tối, ‘chánh quyền’ huy động đông đảo đám “quần chúng nhân dân tự phát” gồm côn đồ và xã hội đen, đến bao vây Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà. Công an đứng canh cho chúngỉ ném gạch đá vào trong khuôn viên nhà thờ và tu viện. Công an hộ trợ chúng hô hào những khẩu hiệu đầy bạo lực: “Giết giết giết Kiệt, giết giết giết Phụng”. Chúng hò la kéo đổ cổng Đền Thánh Giêrađô để cố ý kích động bạo lực lên tới cực điểm.

II. PHIÊN TÒA SƠ THẨM.

Ban đầu, phiên tòa này được định vào ngày 05.12.2008, đúng vào ngày Linh mục Lôrensô Chu văn Minh thụ phong Đức cha. Nhưng, giờ chót phiên tòa được dời sang ngày 08.12.2008, ngày Giáo hội Công giáo cử hành trọng thể Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong Thánh Lễ ngày 08.12.2008, giáo đoàn hát đáp ca Thánh vịnh 97 “Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu”. Ngày hôm đó, ‘Điều huyền diệu’ đã được thực hiện trong vụ án giáo dân Công giáo Thái Hà ‘vô tội’ tại trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.

1. Giáo sĩ và giáo dân Thái Hà đã biết ‘ca tụng vinh quang Thiên Chúa và đã đặt niềm hy vọng nơi Đức Kitô’. Các bị cáo vô tội đã hiên ngang ra tòa với đầy lòng tin tưởng nơi Chúa giúp mình can đảm và tự do nói Sự Thật: Thừa nhận có đập bức tường của kẻ khác xây trên đất Giáo xứ Thái Hà và quả quyết mình vô tội.

2. Lần đầu tiên từ năm 1954, tại Hà nội, các ông, bà ‘bị cáo’ trang phục rất đẹp, đeo ảnh Đức Mẹ và Thánh Giá có tượng Chúa Giêsu trước ngực, tay giơ cao nhánh lá thiên tuế xanh tượng trưng cho công lý, hòa bình và tinh thần tử vì đạo, cùng các giáo sĩ, khoảng 700 giáo dân và người đồng hành, đi thành hàng một rất trật tự trên vĩa hè. Tất cả ‘bị cáo’ tự tin, bình thản và vui vẻ. Do đó, dù được trang bị đầy đủ những vũ khí chống biểu tình, mua nhập từ ngoại quốc bằng tiền đóng thuế của người dân để đàn áp người dân, công an cũng không phải sử dụng tới.

3. Các Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã tổ chức một cách thật trật tự, kỷ luật và vui vẽ khiến nhà cầm quyền phải thận trọng, e dè. Các biểu ngữ viết bằng tay trên giấy cứng ‘mẹ tôi vô tội’, ‘chồng tôi vô tội’, ‘chúng tôi yêu mến anh chị em’, ‘phúc thay anh em khi vì danh Thầy mà bị người ta bắt bớ, xét xử’, ‘chúng tôi đồng trách nhiệm’, ‘chớ gì anh chị em được xét xử công bằng’, v.v..: ý nghĩa nhẹ nhàng nhưng thật thuyết phục. Các mục tử trong chiếc áo dòng đen luôn bên cạnh giáo dân trong bất cứ trạng huống nào. Họ rất bình tĩnh như chuyện vui bên lề... đường như Cha Lê Quang Uy thuật: buổi trưa, Cha mệt quá, ngồi trên thảm cỏ nhắm mắt thiếp vào giấc ngủ, mấy giáo dân tinh nghịch lén đặt một tấm biểu ngữ trước mặt tôi rồi chụp hình, biểu ngữ ấy ghi hàng chữ to... VỢ TÔI VÔ TỘI !

4. Tại phiên tòa, công tố viên đọc cáo trạng. Như chúng ta có thể đoán trước, nội dung bản cáo trạng này chứa đựng những điều phi lý và xuyên tạc Sự Thật. Sau phần cáo trạng, cảnh sát đưa các bị cáo sang phòng khác và Toà xét hỏi riêng từng bị cáo. Các giáo dân đã trả lời rất thẳng thắn:

Thẩm phán hỏi: ‘Mục đích đến Thái Hà cầu nguyện để làm gì? Chị Nhi nói: ‘Chúng em đánh nhau không biết đánh nhau, chửi không biết chửi, chúng em chỉ biết cầu nguyện để đòi công bằng cho Giáo hội’. Ông Kiện nói: ‘Cầu nguyện để xin Thiên Chúa soi sáng cho các cấp chính quyền sáng suốt giải quyết trả lại đất cho nhà thờ. Cầu nguyện để chính quyền giải quyết cho dễ chứ để mọc lên mấy cái biệt thự thì khó giải quyết!’. Anh Hùng nói: ‘Mục đích ra cầu nguyện là để chính quyền giải quyết trả lại đất cho nhà thờ’. Toà hỏi anh thêm: ‘Đất đã là đất nhà thờ sao còn phải đòi?’- Anh trả lời: ‘Vì người ta lấn chiếm nên phải đòi’. Các giáo dân khác cũng trả lời tương tự như vậy.

Thẩm phán hỏi: ‘Ai giao nhiệm vụ cho bị cáo? Do đâu mà bị cáo lại đến cầu nguyện? Có phải Giáo xứ Thái Hà kêu gọi không?’ Các giáo dân đều nói không ai giao nhiệm vụ, không ai kêu gọi mà do chính mình tự nguyện tham gia. Chị Nhi còn nói: ‘Do tâm linh và tâm nguyện’, ‘Do ti vi đài báo đưa tin và tôi muốn đến để tìm hiểu sự thật. Người công giáo phải có trách nhiệm tìm hiểu và bảo vệ danh dự và tài sản của Giáo Hội’.

Thẩm phán hỏi: ‘Đập tường để làm gì và bị cáo có nhận thức hành vi bị cáo đập bức tường không phải của mình là sai không?’ Các giáo dân đều trả lời là ‘đập tường để mở lối vào cầu nguyện trong khu đất’, ‘đập tường không sai’.

Theo lời Luật sư Lê Trần Luật, trước Tòa cả 8 ‘bị cáo’ đều khẳng định cầu nguyện và đập bỏ bức tường được xây dựng bất hợp pháp trên đất của giáo xứ Thái Hà là việc làm đúng đắn.

Bản án được Tòa tuyên bố như sau:

1. Bà Nguyễn Thị Nhi bị phạt 17 tháng tù treo.
2. Bà Ngô Thị Dung bị phạt 13 tháng tù treo.
3. Ông Lê Quang Kiện bị phạt 13 tháng tù treo.
4. Bà Nguyễn Thị Việt, bị phạt 12 tháng tù treo.
5. Bà Lê Thị Hợi bị phạt 15 tháng cải tạo không giam giữ.
6. Ông Giuse Phạm Trí Năng bị phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ.
7. Anh Nguyễn Đắc Hùng bị phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ.
8. Anh Thái Thanh Hải bị phạt cảnh cáo.

17 giờ, các Linh mục và giáo dân và trở về nhà thờ. Chuông nhà thờ Thái Hà đổ từng hồi vang vọng báo tin mừng. Trong niềm vui đó, mọi người đã hoan hô và cám ơn Luật sư…

II. PHIÊN TÒA PHÚC THẨM.

Trước khi đề cập đến phiên tòa nầy, tưởng chúng ta cần có ít dòng để cám ơn và cầu nguyện cho Luật sư Lê Trần Luật, đại diện chính của các giáo dân, người sát cánh cùng các giáo dân từ toà sơ thẩm đến vụ kiện truyền thông nhục mạ các ‘bị can’.

Một ‘tai nạn’ khác đã xảy ra cho Luật sư vì ông đã tận tình cải trợ giúp cho các ‘dân oan’ và Thái Hà, nên đã bị công an TP.HCM vu khống và phá tan công ăn việc làm. Do đó, tại phiên phúc thẩm này,
Toà án Hà Nội đồng ý làm luật sư bênh vực cho các ‘bị can’, nhưng an ninh TP.HCM công khai cản trở không cho ông ra Hà Nội. Lý do chỉ họ mới biết.

Trong phiên xử phúc thẩm ngày 27.03.2009 này, có vài khác biệt với lần sơ thẩm ngày 08.12.2009:

1. Phiên xử phúc thẩm diễn ra tại đường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Đông, cách xa Thái Hà đến 12 cây số, giới cầm quyền địa phương hy vọng, nhờ đó, đoàn người đi đến Tòa giảm bớt đi. Nhưng, sự thật nó đã gia tăng đến khoảng 8.000 người (tín hữu các đạo khác muốn biết người Công giáo làm sao để cuộc tuần hành không bị giải tán).

2. Đoạn đường Hà Đông – Hà Nội luôn đầy xe cộ to nhỏ từ Hà Đông đổ về Hà Nội và ngược lại chuyên chở hàng lụa, mọi người đều tò mò dừng lại để nhìn, để nghe, để hỏi han, để gật gù.

3. Phiên Tòa diễn ra một cách hình thức. Công tố viên phiên toà đã đuối lý trước những biện luận hùng hồn, thuyết phục và xác thực của hai luật sư bào chữa. Vì các ‘bị can’ không nhận tội, nên trức khi kết thúc phiên toà phúc thẩm, chủ toạ công bố: y án sơ thẩm!

Kết luận.

Ngày 22.01.2002, trong dịp ‘Ad limina’ của 26 Giám mục và 2 Linh mục Giám quản, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nhắc đến ‘sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị’.

Đức Thánh Cha đã viết: “Giáo hội Công giáo cũng được kêu gọi chia sẻ niềm Hy vọng bằng luôn đề xuất con đường đối thoại". Chỉ một cuộc đối thoại tín nhiệm và xây dựng giữa các thành phần của xã hội dân sự cũng đủ mở ra một niềm hy vọng mới cho toàn dân Việt-Nam.

Các Linh mục và Giáo dân Thái Hà đã cố gắng đề xuất con đường đối thoại để giải quyết vần đề đất đai thuộc quyền sở hữu của Giáo xứ, cần thiết cho sự phát triển nhu cầu mục vụ của Giáo xứ với số giáo dân ngày càng gia tăng. Rất tiếc… vì không có “một cuộc đối thoại tín nhiệm và xây dựng giữa các thành phần của xã hội dân sự”, nên “một niềm hy vọng mới cho toàn dân Việt-Nam” chưa được mở ra.

Ngày 15.08.2009

Hà–Minh Thảo

Đọc nhiều nhất Bản in 15.08.2009. 23:28