Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Xây Dựng Mô Hình Giáo Hội Tham Gia Mới Thực Sự Là Sống Năm Thánh 2010

§ Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

I. Vào Đề

Bầu khí hân hoan phấn khởi của những ngày đầu Năm Thánh 2010 dường như bị phá vỡ, ít là một phần nào, bởi những sự kiện đau lòng ở Đồng Chiêm, bởi cảnh “lời qua tiếng lại” trong nội bộ Giáo Hội Việt Nam, liên quan tới việc “lên tiếng hay không lên tiếng”.

Khách quan mà xét, thời điểm đầu năm 2010 và xuân Canh Dần này với những vấn đề vừa phức tạp vừa nhạy cảm, đặt ra những thách đố lớn cho lòng tin và tình hiệp nhất của Hội Thánh Chúa tại Việt Nam.

Chúng ta cần hết sức tỉnh táo để không xa rời trọng tâm cũng là nội dung chính của Năm Thánh 2010: “Xây dựng mô hình Giáo Hội tham gia để thực thi sứ vụ.”

Theo suy nghĩ chủ quan của cá nhân người viết, thì “Xây dựng mô hình Giáo Hội tham gia mới thực sự là sống Năm Thánh 2010” theo chủ trương của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

II. Nội Dung Của Việc Cử Hành Năm Thánh 2010

Theo hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Năm Thánh 2010, thì trong Năm 2010 trùng với Năm Canh Dần này, chúng ta có 3 việc quan trọng phải làm mà việc quan trọng nhất là xây dựng mô hình Giáo Hội tham gia để thực thi sứ vụ.

2.1 Trước hết là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với Thiên Chúa, Ông Bà Tổ Tiên cùng các Nhà Truyền Giáo Phương Tây về ơn Đức Tin và Đạo Thánh Chúa đã được ban cho Giáo Hội tại Việt Nam.

(1) Trước hết là thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa là Đấng đã ban cho chúng ta không biết bao nhiêu là ơn. Đặc biệt là ơn Hội Thánh có mặt tại Việt Nam từ gần 500 năm và có Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được 50 năm!

(2) Kế đến là thể hiện lòng biết ơn đối với các Vị Thừa Sai là những người đã từ các nước Phương Tây đến Việt Nam truyền giáo, reo và vun trồng hạt giống Tin Mừng trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này!

(3) Rồi là thể hiện lòng biết ơn đối với Ông Bà Tổ Tiên của chúng ta, nhất là biết ơn các Thánh Tử Đạo Việt Nam và các Vị chết vì Đạo là những người đã lấy máu đào và sự hy sinh mà làm hạt giống Phúc Âm mọc lên và phát triển như ngày hôm nay!

(4) Sau cùng là thể hiện lòng biết ơn đối với tất cả những ai (Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ và Giáo Dân, kể cả người không công giáo) đã đóng góp cách này cách khác để làm cho Hội Thánh Chúa được xây dựng và mở rộng trên đất nước thân yêu của chúng ta!

2.2 Thứ hai là tích cực học hỏi Tài Liệu Năm Thánh 2010 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và của giáo phận.

(1) Tài Liệu học hỏi Năm Thánh 2010 tức Tài Liệu

ĐỀ CƯƠNG
GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM
MẦU NHIỆM - HIỆP THÔNG - SỨ VỤ

đã được soạn thảo một cách rất công phu và cập nhật. Trọng tâm của Tài Liệu là Mầu Nhiệm Hiệp Thông của Giáo Hội phải được hiểu đầy đủ như sau:

“Hiệp thông trước hết là sự hiệp thông của người tín hữu với Thiên Chúa, sự hiệp thông làm cho họ nên một với Thiên Chúa và được diễn tả qua những tương quan hài hòa với Chúa trong cuộc sống của họ. Điều đó khơi nguồn cho mối hiệp thông mà các Ki-tô hữu chia sẻ cho nhau trong Đức Ki-tô qua tác động của Thánh Thần”

“Sự hiệp thông này rất sâu xa và mang hai chiều kích: chiều dọc và chiều ngang như lời Đức Giáo Hoàng đương kim Bê-nê-đi-tô XVI (là nhà thần học Ratzinger) gọi là sự hiệp thông từ bên trong và từ bên trên. Còn Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II gọi là chiều ngang và chiều dọc của Mầu Nhiệm Hiệp Thông duy nhất.”

(Xem tài liệu 5 mô hình về Giáo Hội của Giám Mục Phê-rô Nguyễn Văn Khảm).

(2) Vì thế các cộng đoàn giáo phận, giáo xứ, dòng tu, hội đoàn và từng người Ki-tô hữu được mời đào sâu bản chất đích thực của Giáo Hội là Hiệp Thông để từ đó tìm mọi cách, dùng nhiều phương thế khác nhau và cơ cấu cần thiết để thể hiện sự hiệp thông ấy.

2.3 Thứ ba là xây dựng mô hình Giáo Hội Tham Gia (Participatory Church) mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề nghị cho toàn Giáo Hội tại Việt Nam

Trong Tài Liệu Đề Cương “Giáo Hội tại Việt Nam Mầu Nhiệm Hiệp Thông Sứ Vụ”, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề nghị Giáo Hội Việt Nam các cấp xây dựng mô hình Giáo Hội tham gia để thể hiện cách hữu hiệu sự hiệp thông là bản chất của Giáo Hội Công Giáo. Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã cho chúng ta những điều cốt yếu không thể thiếu trong nhận thức về mô hình Giáo Hội tham gia:

(1) Giáo Hội tham gia (Participatory Church) hay Giáo Hội trong đó mọi người có phần và góp phần là một Cộng Đoàn trong đó:

(a) Mọi người tín hữu đều bình đẳng và không ai là công dân hạng hai, vì cùng một ơn gọi, vì nhận được cùng một Thần khí, và đón nhận nhau như anh chị em; [1]

(b) Mỗi phần tử đều được trân trọng chứ không phải là một kẻ vô danh; [2] «Đặc sủng của mỗi phần tử cần được nhìn nhận, phát triển và sử dụng cách hiệu quả» (Gio-an Phao-lô II).

(c) Tất cả đều đồng trách nhiệm, [3] vì đã cùng nhận lệnh loan báo Tin Mừng; [4]

(d) Mọi người, kể cả phụ nữ, đều phải được tham gia và có trách nhiệm đối với những quyết định chung, liên quan đến đời sống Giáo Hội. [5]

(2) Đề xây dựng mô hình Giáo Hội tham gia thì giáo sĩ, giáo dân cần thay đổi nhận thức về Giáo Hội như một gia đình cũng như về vai trò của mình trong Giáo Hội. Đồng thời mạnh dạn thay đổi cách hành xử «bao cấp» hay «quan liêu» có thể còn sót trong Giáo Hội và tạo điều kiện cho mọi người tham gia vào việc bàn kế hoạch mục vụ cũng như tiến trình đi đến quyết định và thiết lập cơ cấu mục vụ:

“Với ý thức chân chính về mối hiệp thông giữa các thành phần dân Chúa, chúng ta nên mạnh dạn và nhanh chóng rời bỏ những cách hành xử “bao cấp” hay “quan liêu”, theo kiểu giáo sĩ cung ứng tất cả mọi sự, giáo dân phải lệ thuộc giáo sĩ, để xây dựng một Giáo Hội tham gia. Giáo Hội ấy, như Thánh Phao-lô mô tả, “không còn là Do Thái hay Hy Lạp” (1 Cr 3,28), nhưng chỉ là một trong đức tin, đức cậy, và đức mến, nhiệt tình trong một sứ mệnh duy nhất. Đức Gio-an Phao-lô II diễn tả Giáo Hội tham gia là Giáo Hội “trong đó tất cả đều sống ơn gọi riêng của mình và hoàn thành vai trò riêng của mình, đặc sủng độc đáo của mỗi phần tử cần được nhìn nhận, phát triển và sử dụng cách hiệu quả". [6] Trong các cộng đoàn, giáo dân, tu sĩ cũng như giáo sĩ nhìn nhận và đón nhận nhau như anh chị em. Tất cả cùng được kêu gọi và quy tụ bởi Lời Chúa, bởi Đức Ki-tô Phục Sinh đang hiện diện thúc đẩy họ tham gia vào các hội đoàn hay các nhóm nhỏ Ki-tô hữu để kinh nghiệm thế nào là mầu nhiệm Giáo Hội qua việc cầu nguyện và chia sẻ lời Chúa, sống phục vụ và yêu thương trong sự đồng tâm nhất trí. [7] Chính nhờ thế mà cảm thức thuộc về một Gia đình của Đức Ki-tô được triển nở, đến nỗi mọi người có thể nói bằng tất cả trách nhiệm và niềm hãnh diện rằng “Tôi là Giáo Hội”. [8] Đó là cách sống mầu nhiệm Giáo Hội cách mới mẻ mà Giáo Hội tại Việt Nam cần thực hiện. [9] Vì vậy, “cần cổ xúy giáo dân và tu sĩ nam nữ tham dự nhiều hơn vào việc bàn thảo kế hoạch mục vụ, cũng như vào tiến trình đi đến quyết định, qua những cơ cấu có tính tham gia như các hội đồng mục vụ giáo xứ và hội nghị giáo xứ” [10] .

(3) Trong Tài Liệu Đề Cương chỉ nêu 2 cơ cấu tham gia là Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ và Hội Nghị Giáo Xứ. Nhưng theo Giáo Luật, thì có nhiều cơ cấu ở cấp giáo phận

cũng như ở cấp giáo xứ, trong đó có những cơ cấu có tính bắt buộc và cũng có những cơ cấu có tính tự do.

Các cơ cấu có tính bắt buộc là Hội Đồng Linh Mục Giáo Phận (GL 495-502), Hội Đồng Kinh Tế và Quản Lý Giáo Phận (GL 492-494), Hội Đồng Kinh Tế Giáo Xứ (GL 537).

Các cơ cấu có tính tự do và được Giáo Luật khuyến khích thành lập là Thượng Hội Đồng Giáo Phận (GL 460), Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận (GL 511-514), Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ (GL 536), và Hội Nghị Giáo Xứ (GL?).

(4) Vì thế cho nên Năm Thánh 2010 hay Năm Canh Dần này là cơ hội thuận lợi để Giáo Hội tại Việt Nam hoàn chỉnh các văn bản pháp quy và thiết lập các cơ cấu hiệp thông và tham gia ở cấp giáo xứ, giáo phận và toàn quốc. Cũng là cơ hội thuận lợi để chúng ta khai tử não trạng/thái độ giáo sĩ trị (cléricalisme) để Giáo Hội trở nên một cộng đoàn thực sự huynh đệ và bình đẳng.

III. Câu Hỏi Suy Nghĩ Và Thảo Luận

Câu hỏi 1: Trong mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông, cộng đoàn Giáo Hội địa phương (Giáo Xứ/Giáo Phận) làm thế nào để tăng cường vai trò của anh chị em giáo dân vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội? Đâu là những thuận lợi và đâu là những thách đố trong việc này?

Câu hỏi 2: Làm thế nào để Quy Chế Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ được triển khai và áp dụng một cách hiệu quả trong các Giáo Xứ của chúng ta?

Câu hỏi 3: Làm thế nào để có Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận và để Hội Đồng ấy có vai trò thực sự trong đời sống Giáo Phận nhà?

Câu hỏi 4: Cộng đoàn Giáo Hội địa phương (Giáo Xứ/Giáo Phận) đánh giá thế nào về sự cộng tác giữa mọi thành phần dân Chúa để xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa ngay trong hiện tại này?

Câu hỏi 5: Cộng đoàn Giáo Hội địa phương (Giáo Xứ/Giáo Phận) đã nuôi dưỡng và khích lệ như thế nào đối với các đặc sủng mà Thánh Thần khơi dậy lên?

Câu hỏi 6: Làm thế nào để Hội Nghị Giáo Xứ được tổ chức trong các Giáo Xứ của Giáo Phận nhà?

Câu hỏi 7: Làm thế nào để canh tân đổi mới tư duy của giáo sĩ và giáo dân

* về ơn gọi, sứ mạng và vai trò của giáo dân trong Giáo Hội,

* về sự bình đẳng và đồng trách nhiệm giữa các thành phần Dân Chúa

IV. Kết Luận

Nếu chúng ta thao thức về hiện tại và tương lai của Giáo Hội Chúa tại Việt Nam thì chúng ta có thể nêu 3 điều ước (cũng là 3 lời cầu chúc) sau đây:

1.- Ước gì Năm Thánh 2010 là cơ hội ngàn vàng để Giáo Hội Chúa tại Việt Nam canh tân đổi mới đời sống đức tin và hoạt động loan báo Tin Mừng!

2.- Ước gì việc canh tân đổi mới đời sống đức tin và hoạt động loan báo Tin Mừng mà Thiên Chúa và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kỳ vọng ở Năm Thánh 2010 được thực hiện trước hết bởi chính các Giám Mục và các Linh Mục là những vị đứng đầu các cộng đoàn. Việc xây dựng mô hình Giáo Hội Tham Gia trong giáo phận và giáo xứ là tiêu chuẩn và thước đo của sự canh tân ấy!

3.- Ước gì Năm Thánh 2010 là thời cơ lịch sử cho mọi thành phần giáo dân, nhất là giáo dân nòng cốt, khẳng định vai trò của mình trong Giáo Hội. Ước gì các Ủy Ban Giám Mục về Giáo Dục, về Giáo Lý Đức Tin, về Truyền Thông Xã Hội, về Giáo Dân, về Gia Đình, về Truyền Giáo v.v… và các Hội Đoàn Tông Đồ, cấp toàn quốc và cấp giáo phận biết nắm lầy cơ hội “có một không hai” này để thăng tiến giáo dân về mặt nhận thức và hành động!

Chú Thích:

[1] x. International Congress on Mission, 6-10, trong For All, vol.1, trg. 150-51; FABC IV, 8.0, trong For All, trg. 287 ; Asian Integral Pastoral Approach, 4 trong For All, vol.2, trg. 138 ; OTC, The Spirit at Work in Asia Today, 5.7 trong For All, vol.3, trg. 324.

[2] x. FABC IV, 2.3.3-2.3.9 ; 8.11-2 trong For All, vol.1, trg. 278-279 ; 287.

[3] x. FABC III, 17.2 trong For All, vol.1, trg. 60.

[4] x. FABC III, trong For All, vol.1, trg. 52. 60. 99. 112. 150.

[5] x. Asian Colloquium on Ministries in the Church, trong For All, vol.1, trg. 90. 151. 193; x. FABC IV, 3.3 trong For All, vol.1, 183.

[6] Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, 25.

[7] x. FABC IV, 8.1.1, trong For All, vol. 1, trg. 287 ; vol.2, trg. 138 ; Cv 4:32.

[8] x. FABC IV, 3.3.3 ; BIRA I, 7 trong For All, vol.1, trg. 281. 110.

[9] x. Gioan-Phaolô II, Huấn dụ dành cho các giám mục Việt Nam, nhân dịp Ad limina 21 – 01 – 2002.

[10] Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, 25.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Đọc nhiều nhất Bản in 15.02.2010. 15:54