Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vô cảm! (2)

§ Người Giồng Trôm

"Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? 15 từ ! Rất ngắn cho một câu ta thán của Chúa Giêsu khi Philipphê chất vấn Thầy : "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con".

18 từ cho câu hỏi của Philipphê. Hỏi 18 nhưng đáp lại 15, ăn bớt 3 từ !

15 từ xem ra chua chát quá ! Thầy ở với các con bất lâu rồi ! Thế mà con chưa biết Thầy ư ?

Nhẹ nhưng mà đau ! Đau bởi vì ăn chung, ở chung với nhau nhưng không biết về nhau. Đó chính là thái độ vô cảm mà Thầy Giêsu muốn nhắc nhớ các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta.

Căn bệnh vô cảm đó không phải chỉ có ở thời Chúa Giêsu nhưng nó có từ thời Cựu Ước, sang thời Chúa Giêsu và đến cả ngày hôm nay nữa.

Thật ra, căn bệnh vô cảm không phải chỉ là chuyện của ngày hôm nay và cũng không phải chỉ là chuyện của thời đầu Kitô giáo. Vô cảm là chuyện của con người mọi thời và mọi nơi. Vô cảm có mầm mống trong tội tổ tông. Khi nguyên tổ loài người từ chối một hành trình cuộc sống được kết dệt bằng sống với, sống thân tình với Chúa và trở nên “một xương một thịt” với nhau (St 2,24), thì đã chọn phương thức để hoàn thành cuộc đời mình bằng một “trái cấm”. Nguyên tổ chọn trái cấm để trở nên như thần thánh: “…ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác. (St 3,5)

Đằng sau trái cấm không có ai khác. Chọn trái cấm là chọn phương thức sống cho mình, vì mình, để hoàn thành cuộc đời mình.

Vô cảm là cám dỗ sâu xa nhất của cuộc đời con người. Khi người ta ngại sống với ai khác; khi người ta sợ bị thua lỗ mất mát khi phải sống vì ai khác; khi người ta từ chối con đường yêu thương, khởi từ thái độ để cho lòng mình được rung cảm vì ai khác, thì mầm mống sự ác đã tìm thấy kẽ hở để có thể thoát ra và hoành hành trong cuộc sống nhân sinh.

Thiên Chúa ở với ông bà nguyên tổ nhưng ông bà nguyên tổ không nhận ra sự hiện diện cũng như tình thương của Thiên Chúa.

Cũng vậy, Thầy Giêsu ở với các môn đệ nhưng không hề nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ngay trong con người Giêsu.

Thật là vô cảm !

Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà con người ngày càng ít yêu thương nhau, ít quan tâm đến nhau và sâu xa hơn đó là hiện tượng đui mù và câm điếc trước nỗi đau của đồng loại.

Ngày nay, vô cảm dường như đã trở thành một căn bệnh âm ĩ và nhức nhối của xã hội, đồng thời có sức lây nhiễm cao vì nó đang len lỏi từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, căn bệnh này không chỉ đơn thuần tồn tại trong một tầng lớp nào nhưng đã trở thành căn bệnh của quần chúng hay có thể nói đó là mặt trái của lối sống hiện đại.

Tháng 10 năm 2011, sự việc bé Duyệt Duyệt 2 tuổi ở Trung Quốc bị xe cán 2 lần và bị 18 người qua đường phớt lờ khi em đang ở trong tình trạng nguy kịch, đã gây chấn động và tạo nên một làn sóng phẫn nộ về sự vô cảm của người Trung Quốc nói riêng, và con người thời hiện đại nói chung. Vậy nguyên nhân nào khiến trái tim của nhiều người hoá sỏi đá và khó động lòng trắc ẩn trước những bi kịch của người khác? Hậu quả của căn bệnh xã hội này là gì? Phương pháp chữa trị ra sao?

Có rất nhiều lý do để giải thích cho thái độ dửng dưng vô cảm, một trong những lý do của căn bệnh này xuất phát từ tâm lý “sợ”. Sợ cái ác, sợ kẻ gian, sợ trách nhiệm, sợ liên lụỵ đến bản thân, sợ bị lừa đảo... Vô cảm còn là hậu quả của lối sống thực dụng, đề cao chủ nghĩa vật chất và lợi ích cá nhân theo kiểu “không phải chuyện của tôi” ngày càng bám rễ sâu vào hệ tư tưởng của con người ngày nay.

Nhưng thật ra, mầm mống sâu sa của căn bệnh vô cảm chính là cách giáo dục từ trong gia đình. Không ít bậc cha mẹ dạy con theo kiểu triết lý makeno (mặc kệ nó) để tránh dính dáng đến người khác, tránh liên lụy bản thân. Triết lý sống này cũng được người lớn áp dụng trong cách cư xử với nhau để được an toàn, thậm chí còn tồn tại thứ “vô cảm thấp hèn” lợi dụng tai họa của người khác để trục lợi cho bản thân. Gần đây, tình trạng “hôi của” trong nhiều vụ tai nạn đã xảy ra cách công khai. Một số người chẳng những không giúp đỡ mà còn lợi dụng cảnh hỗn loạn sau tai nạn để xông vào nhặt ví tiền, tư trang, túi xách,.. của nạn nhân.

Ngoài ra, bệnh vô cảm còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân tương tác lẫn nhau trong xã hội. Trong xã hội hiện đại con người sống quá lý trí, tương quan giữa người với người ngày càng được chuẩn hoá, mọi vấn đề phải được giải quyết rõ ràng, nhưng đôi khi cái lý có thể lấn át cả cái tình. Mặt khác, nếu con người sống trong một xã hội không có một trật tự đúng đắn, họ nhận thấy sự hiện diện cũng như công việc của mình có thể bị đe doạ, thì mỗi cá nhân sẽ hình thành bản lĩnh đối phó và bộc lộ khuynh hướng ích kỷ tiềm tàng. Từ đó tạo điều kiện dung dưỡng căn bệnh vô cảm.

Người ta nói nhiều, nói quá nhiều về tình yêu… nhưng có lẽ cũng chẳng có gì hàm hồ cho bằng tình yêu. Mỗi người hiểu và sống tình yêu một kiểu, thể hiện tình yêu một kiểu…và với nhãn hiệu tình yêu, đôi khi người ta làm những chuyện hết sức tàn ác. Cha ông chúng ta đã từng nói : yêu nhau lắm, cắn nhau đau…

Ở trong một mái ấm, ở trong một gia đình nhưng không hề có cảm thức về nhau. Có những gia đình, cha mẹ không hề biết con cái làm gì và ngược lại. Ở với nhau nhưng không biết chút gì về nhau cả.

Có một câu chuyện Cha Anthony de Mello kể như sau : Có một tu viện kia, lúc nào cũng tấp nập người đến và số người tu rất đông. Chả hiểu sao sau đó lại vắng bóng. Tu viện trưởng thắc mắc đi hỏi vị thiền sư. Vị thiền sư trả lời rằng Chúa Giêsu hiện diện nơi một trong những tu sĩ trong tu viện mà các ông không nhận ra. Đem câu chuyện này về kể cho tu viện nghe. Thế là trong nhà từ đó thay đổi thái độ sống bởi ai cũng nghĩ người kia là Chúa. Một thời gian sau, bầu khí tu viện vui trở lại và khách hành hương đến thật đông.

Đó là câu chuyện hư cấu nhưng phần nào nhắc nhớ chúng ta về sự hiện diện của Chúa ngay trong gia đình của chúng ta nhưng chúng ta không biết. Chúng ta đối xử tệ với Chúa Giêsu đang sống ngay bên cạnh ta, ngay trong gia đình của ta.

Lời Chúa hôm nay nói với Philipphê cũng là lời chất vấn mỗi người chúng ta về thái độ sống, tâm tình, suy nghĩ của ta.

Ta đặt mình trước mặt Chúa xem ta có vô cảm với Chúa nơi anh chị hiện diện xung quanh chúng ta hay không ? Câu trả lời đó tự mỗi người chúng ta trả lời với Chúa và anh chị em đồng loại.

Người Giồng Trôm

Đọc nhiều nhất Bản in 05.05.2018 18:20