Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vị Cha Chung Bình Dị, Hiền Lành và Khiêm Nhường

§ Lm Stêphanô Huỳnh Trụ

Viết về Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình nhân dịp lễ giỗ 15 năm (1-7-2010) và sinh nhật lần thứ 100 của ngài (1-9-2010)

Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình sinh ngày 1-9-1910 tại Lương Hoà, Long An; ngày 1-7-2010 là giỗ 15 năm của ngài, và ngày 1-9 năm nay sẽ là ngày sinh thứ 100 của ngài. Đây là dịp để chúng ta ghi nhớ đến ngài.

duc-tong--phaolo.jpg

Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình là vị cha chung hiền lành và khiêm nhường, luôn quan tâm đến mọi việc của giáo phận, bất kể lớn nhỏ.

Đức Tổng được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn vào ngày 24-11-1960. Khi nghe báo cáo ngày 17-6-1961 có 50 người Hoa sẽ được rửa tội, để chia sẻ niềm vui đó, dù bận rộn trăm bề với trọng trách chủ chăn của Tổng Giáo Phận, ngài vẫn luôn quan tâm đến cộng đồng giáo dân Việt gốc Hoa tại Giáo xứ Phanxicô Xaviê bé nhỏ. Ngài kinh lý giáo xứ mà không báo trước. Thấy Đức Tổng đến bất ngờ, ai nấy đều vui mừng, Cha sở Joseph Guimet liền mời Đức Tổng ban phép Thánh Tẩy cho các dự tòng. Đây là một chuyện vui bất ngờ cho giáo xứ và anh chị em giáo dân vì được vị cha chung quan tâm và yêu thương.

Sau năm 1952, Giáo xứ Phanxicô Xaviê được giao cho các Cha Hội Thừa sai Paris, từ đó phát triển rất nhanh với sự trở lại đông đảo của anh chị em người Việt gốc Hoa. Năm 1963, số giáo dân gốc Hoa của Nhà thờ Phanxicô Xaviê, tuy chỉ có 4.800 người, còn nếu tính thêm cả Giáo xứ Đức Bà Hoà Bình (Q. 1) và số giáo dân gốc Hoa ở các tỉnh cũng không quá 5.500, nhưng Đức Tổng đã mạnh dạn cho phép xây một tiểu chủng viện dành riêng cho người Việt gốc Hoa, đó là Tiểu Chủng viện Thánh Carôlô (584 Hùng Vương, Q. 6). Quả là một hồng ân lớn lao, chính sự ưu ái đó đã làm trổ sinh nhiều hoa trái ơn gọi nơi cộng đồng giáo dân Hoa. Tính đến thập niên 1970, Tiểu Chủng viện này có hơn 30 chủng sinh, 2 thầy học tại Penang (Malaysia), 2 thầy học tại Rôma và 10 thầy học tại Đại Chủng viện Sài Gòn. Thật không phụ lòng Đức Tổng. Sau phong trào vượt biên 1978, đa số người Việt gốc Hoa đều tản mát khấp nơi, những người còn lại rất ít, nhưng vẫn còn ơn gọi, dù gia đinh chỉ có một đứa con duy nhất. Như vậy, chúng ta thấy được ảnh hưởng sâu rộng về quyết định của Đức Tổng.

Tháng 7-1976, các cha Thừa sai Paris bị trục xuất khỏi Việt Nam. Hay tin, Đức Tổng đích thân đến phòng cha sở lúc bấy giờ là Cha Gabriel Lajeune, và chỉ định Cha Stêphanô Huỳnh Trụ làm chánh xứ. Ngài chỉ nói đơn giản: “Cha chịu khó nhận chức chánh xứ, sẽ không cử hành nghi thức gì hết, và tạm thời chưa có văn thư bổ nhiệm”. Nhưng sau đó, ngài cũng đã bổ túc các văn thư bổ nhiệm, như: Cha Stêphanô Huỳnh Trụ làm chánh xứ, các cha còn lại trong xứ phụ trách hết ba nhà thờ người Hoa (Nhà thờ Phanxicô Xaviê, Nhà thờ An Bình, Q. 5, Nhà thờ Đức Bà Hoà Bình, Q. 1), Tiểu Chủng viện Thánh Carôlô, hai trường Công giáo người Hoa, Ký Túc xá Phú Lâm, và có trách nhiệm đi thăm viếng mục vụ giáo dân gốc Hoa tại các tỉnh với tính cách đối nhân.

Tháng 3-1975, xe của Toà Giám mục chở Đức cha Charles Joseph Van Melckebeke (người Bỉ), phụ trách các người Công giáo Trung Hoa hải ngoại miền Ðông Nam Á, của Toà Thánh đến thăm Việt Nam bị tai nạn, xe bị hư hại nặng. Toà Tổng tuy còn một chiếc Peugeot 404 và một chiếc Toyota, rất đẹp, nhưng ngài không dùng. Đức Tổng nói bây giờ dân nghèo, mình không nên đi xe đẹp. Biết vậy, tôi bèn tặng ngài chiếc La Dalat hai cửa của nhà xứ, ngài rất mừng và dùng phương tiện này cho đến khi được Chúa gọi về thì Toà Giám mục mới trả lại cho giáo xứ. Ngài luôn thích dùng xe La Dalat đi làm lễ hay đi dự các buổi hợp với quan chức nhà nước. Có Khi chú Mười dùng xe La Dalat chở gạo ở phía sau, Đức Tổng ngồi phía trước, nhưng khi đi làm lễ tại các xứ nhỏ, hay thăm bà con thì chú Mười chở ngài bằng chiếc xe Honda 50. Một lần nọ, chú Mười chở ngài đi đến gần cầu Trương Minh Giảng, một chiếc xe hơi mở cửa bên trái hướng về phía đường đi, thế là xe Honda dụng ngay cánh cứa, Đức Tổng văng ra một bên, chú Mười một bên, xe nằm nơi khác, ngài bị trầy hai tay và bầm cả chân phải mất một tuần, nhưng ngài vẫn không ngại, cứ đi bằng xe Honda. Thấy vậy, ông Võ Văn Kiệt tặng cho ngài một chiếc xe Volga, vì xe quá sang trọng, ngài không bao giờ dùng. Nhà nước lại tặng chiếc Lada Niva cho ngài. Ngài cũng không thích dùng, chỉ khi nào đi dư hợp hay thăm quan chức nhà nước mới dùng mà thôi. Thật là một con người giản dị.

Sau giải phóng rất thiếu linh mục, ngài phải đi làm lễ tại các nhà thờ nhỏ, như Nhà thờ Giuse gần ximăng Hà Tiên, họ lẻ Chợ Quán… đều đều, mỗi thứ Năm và thứ Sáu, lúc 4 giờ sáng lên đường, 5 giờ dâng lễ.

Lúc bấy giờ, các nhà dòng gặp rất nhiều khó khăn, ngài sợ các nữ tu bỏ về, để khích lệ họ, ngài thường xuyên tới lui thăm viếng các dòng, như Mến Thánh giá Chợ Quán, Thủ Thiêm…

Khi dâng lễ tại các xứ, sau buổi lễ có tiệc, nếu ngài không khoẻ, ngài báo trước không dùng, nếu trường hợp ngài ở lại, ngài luôn chờ đến khi mọi người đều ăn xong thì mới đúng dậy ra về. Vì ngài biết người ta dọn lên mâm Đức Cha trước, những bàn khác thì dọn sau, nên ăn lâu hơn là có lý do. Bất cứ dùng bữa ở đâu, ngài đều không quên cám ơn nhà bếp và những người hậu cần.

Những năm đầu giải phóng miền Nam, nhiều cha phải đi học tập cải tạo. Đức Tổng rất quan tâm lo lắng cho các cha và tìm dịp đi thăm. Năm 1979, tôi ở trong trại đường Phan Đăng Lưu, cùng trại còn có nhiều cha khác. Đức Tổng vào thăm nhưng trưởng trại chỉ cho ngài gặp Đức Viện phụ Nguyễn Văn Hiền, Cha Tiến Lộc và tôi. Đức Tổng thăm hỏi, an ủi và cho biết giáo phận luôn cầu nguyện cho chúng tôi. Trước khi ra về, ngài còn tặng cho anh em một ký thịt kho rất ngon.

Sau khi ban hành Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng lên đường đi Vatican, ngài yêu cầu trả tôi về giáo xứ và được làm mục vụ trở lại với chức vụ chánh xứ. Tôi thực sự cảm kích, trước khi lên đường đi Rôma làm việc quan trọng cho Giáo Hội tại Việt Nam mà ngài vẫn không quên được một linh mục trẻ và đoàn chiên nhỏ bé của giáo phận. Thật là một người cha nhân lành.

Trong thập niên 1980, Giáo Hội còn gặp rất nhiều khó khăn, ngài bảo tôi liên lạc với các Đức Cha bên Đài Loan để ngài đi thăm Giáo Hội tại Đài Loan. Dù biết sẽ không được đi, nhưng xin các Đức Cha bên Đài Loan cứ mời ngài, qua đó nhà nước biết ngài có nhiều bạn bè quốc tế.

Có một thời gian Đức Tổng bị ho nặng, dù có bác sĩ chăm sóc thuốc thang, nhưng bệnh tình không thấy thuyên giảm. Ngài khó chịu trong người, không ngủ được. Ngài hỏi tôi có thuốc gì để giúp ngài giảm ho không, tôi khuyên ngài nên dùng thuốc Trung Quốc. Nhưng cha thư ký vì thương Đức Tổng, không cho ai mang thuốc cho ngài, ngoại trừ thuốc được bác sĩ kê toa. Nên tôi mới nhờ chị Lucy Năng đưa lén cho ngài.

Sau năm 1990, ngài bệnh nặng, mỗi tháng đều phải đi khám tại Bệnh viện Thống Nhất (Bệnh viện Vì Dân ngày xưa). Trước khi bị bệnh, ngài rất thích ăn cơm với khoai mỡ, sau khi biết mình bị huyết áp cao, và máu nhiễm mỡ, ngài bỏ mọi thứ khoái khẩu, ăn kiêng rất kỹ. Đến lúc quá yếu, ngài nhờ các chủng sinh của Đại Chủng viện Thánh Giuse luân phiên chăm sóc ngài, ngài luôn làm gương cho các chủng sinh. Một hôm, ngài đang ăn cơm ngoài hành lang với chiếc bàn có bánh xe đẩy, thầy chủng sinh ngồi bên, ngài nhìn xuống, thấy có khách. Ngài hỏi chị Lucy: “Ai đó?”, chị Lucy nói có một nữ tu kiếm ngài. Ngài liền đẩy chiếc bàn ra nhẹ nhàng, và mời khách lên gặp ngài. Hình ảnh dịu dàng của Đức Tổng in sâu vào tâm hồn người chủng sinh ấy.

Cũng vào những năm sau giải phóng, vật chất thiếu thốn, cặp kính lão của ngài không dùng được nữa, ngài không muốn đến những nơi sang trọng để làm kính (thật ra thời đó ít nơi có thể làm kính hai tròng). Khi ngài biết tôi có tổ chức hợp tác xã mắt kính nhằm tạo công ăn việc làm cho giáo dân, nên đã nhờ tôi làm kính cho ngài. Tôi đã đến phòng ngài để đo mắt và làm kính hai tròng cho ngài. Ngài rất vui thích sử dụng cặp kính ấy trong suốt thời gian còn lại của mình. Một ngày trước khi được Chúa gọi về, ngài còn nhờ chị Lucy bảo tôi sửa lại kính cho ngài. Kính chưa kịp sửa, thì người đeo kính đã bình an về với Chúa!

Một con người bình dị, hiền lành và khiêm nhường như thế, Giáo hội Việt Nam nói chung, và Tổng Giáo phận Sài Gòn nói riêng, sẽ không bao giờ quên được.

Lm Stêphanô Huỳnh Trụ

Đọc nhiều nhất Bản in 16.08.2010. 17:09