Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Trước hiện tượng tôn giáo ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’, Ki-tô hữu nên có thái độ nào?

§ Khắc Bá, SJ

Trong những ngày qua, đề tài về hiện tượng ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ trở nên nổi bật trên mạng xã hội nói riêng và truyền thông trong nước nói chung. Thú thật, bản thân tôi không có điều kiện tìm hiểu kỹ càng hiện tượng này, và cũng không có dịp tiếp xúc trực tiếp những người của ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’, nên tôi rất dè dặt khi nói đến hiện tượng này. Tuy nhiên, vì nó gây hoang mang cho nhiều người, nên tôi viết bài này để chia sẻ suy nghĩ của mình trước câu hỏi: người Ki-tô hữu nên có thái độ gì trước hiện tượng tôn giáo này?

Dựa vào một số thông tin từ mạng Internet[1], nội dung giáo lý của ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ có thể tóm tắt như sau: Thiên Chúa ‘có nam có nữ’, gồm Đức Chúa Trời Cha và Đức Chúa Trời Mẹ. Chúa Trời Cha đã tái sinh vào một người đàn ông Hàn Quốc tên là Anh Sahng-hong, và Chúa Trời Mẹ tái sinh chính là vợ ông, tên Zang Jah Gil. Đây là thời cận kề ‘tận thế’, nên họ chính là ‘Đấng Cứu Chúa’ của thời đại: sẽ cứu vớt những ai gia nhập đạo của họ. Đi kèm với tín điều này là một số luật: Thờ phượng ‘Đấng Cứu Chúa’ vào ngày Sabat (Thứ Bảy); giữ một số ngày lễ Do Thái giáo: Lễ Lều, Lễ Vượt Qua; không ăn đồ cúng; đập bỏ bát hương và các hình thức tôn kính tổ tiên truyền thống; dâng cúng 10% thu nhập.

Như thế, xét theo nội dung ‘giáo lý’, ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ hầu như không liên quan gì tới Ki-tô giáo. Nó chỉ liên quan ở cái tên và ở việc dùng một số điểm từ Kinh Thánh (nhưng lại được giải thích theo lối giản lược vào nghĩa đen – ‘fundamentalism’). Vì thế, thiết nghĩ Ki-tô hữu cần phải cẩn trọng khi nói về giáo lý của họ. Công bằng mà nói, chúng ta không thể kết án họ là ‘lạc giáo’. Vì nếu ‘lạc’, thì ‘lạc’ so với giáo lý nào? Nếu nói ‘lạc’, là ta đã đặt nó trong tương quan và so sánh với tiêu chuẩn Ki-tô giáo, trong khi giáo lý của họ lại chẳng liên hệ gì đến nội dung chính yếu của Ki-tô giáo, vốn được xác định từ căn bản Mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, được mặc khải từ Mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô nhập thể để cứu nhân loại và “chỉ một lần là đủ” (Rm 6,10), và Giáo Hội được giao phó sứ mạng rao truyền Tin Mừng này. Do đó, về mặt giáo lý, thiết tưởng chỉ nên nhấn mạnh sự ‘không liên hệ’ giữa họ và ta, và tạm xem họ là một ‘tôn giáo mới’ mà thôi.

Tuy nhiên, dường như vấn đề nằm ở những biến tướng trong việc thực hành của họ. Và theo thông tin từ nhiều nguồn[2], nó có những yếu tố tiêu cực và lệch lạc. Ở đây tôi không trực tiếp bàn về những cách thức thực hành của họ, nhưng thử suy xét vấn đề đáng bàn với Ki-tô hữu từ ba câu hỏi: tại sao hiện tượng tôn giáo này có sức lan toả mạnh mẽ? Ki-tô hữu nên tiếp cận thế nào đối với những tín hữu của ‘tôn giáo mới’ này? Và Giáo Hội Công Giáo, lẫn xã hội, có thể phản tỉnh điều gì?

Trước hết, thiết tưởng nội dung giáo lý của tôn giáo mới này không có nhiều kiến giải ‘hấp dẫn – sâu xa’ về mặt thiêng liêng. Vậy, điều gì khiến nhiều người dễ dàng tin theo và gia nhập? Theo tôi, có ba yếu tố quan trọng: thứ nhất, những khủng hoảng tinh thần của xã hội hiện đại; thứ hai, cách thức ‘truyền đạo’ của họ; và cuối cùng, yếu tố ‘cộng đoàn’.

Có thể nói, thời điểm hiện tượng tôn giáo này bùng phát cũng trùng thời điểm khủng hoảng tinh thần của xã hội. Thực vậy, có lẽ một trong những yếu tố nổi trội của thời đại này là việc ‘thông tin sự dữ’ chiếm lĩnh mọi không gian sống của con người. Từ báo chí, mạng xã hội, cho tới các góc quán cà phê, điều truyền đến tai mắt và lọt vào các câu chuyện đều là những thông tin về giết chóc, thảm hoạ, chiến tranh. Hiện tượng ‘bội thực tin dữ’ này ngấm ngầm dẫn đến những khủng hoảng tinh thần nhất định: người ta hoang mang và dễ đánh mất niềm tin vào sự thánh thiện tốt lành, vào cuộc sống. ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ dường như đã đi vào trọng tâm của hoàn cảnh ‘sa mạc tinh thần’ đó: họ đặc biệt nhấn mạnh đến những khủng hoảng, và diễn giải sự dữ dưới lăng kính giáo lý của họ.[3] Với cảm thức tôn giáo rất mạnh mẽ của người Việt, những diễn giải đó dễ dàng được tin nhận.

Hơn nữa, cách ‘truyền giáo’ của họ dễ khiến người ta thấy được ‘an ủi’. Quả vậy, từ những clip trên Internet, ta có thể nhận ra một điểm đặc biệt: các tín hữu của tôn giáo này tiếp cận người khác bằng cách đồng hành cá nhân, chân thành nâng đỡ, hỏi han về cuộc sống, về những khó khăn và khủng hoảng, rồi dần dà mới tìm cách giới thiệu giáo lý. Vì vậy, nhiều người trong số đó, nhất là những người cô đơn và gặp khủng hoảng, cảm thấy được an ủi, được đồng hành, được đón nhận.

Yếu tố thứ ba chính là tính ‘cộng đoàn’ trong việc thực hành của tôn giáo này. Theo nhiều thông tin, họ đặc biệt chú trọng việc sống và tương quan với nhau theo tính tập thể.[4] Vì thế, dù có thể mang những yếu tố tiêu cực, lệch lạc như truyền thông phản ánh, nhưng điều này nhắc ta về sức hấp dẫn của tính cộng đoàn đối với con người. Điểm này cũng dễ hiểu, vì mỗi người đều có nhu cầu cảm nhận mình thuộc về một nhóm, một công đoàn nào đó. Nhu cầu đó nằm trong bản chất mang tính xã hội của con người. Vì thế, nó trổi lên mạnh mẽ trong thời đại mà con người thấy mình bị cô lập, bị mất tính cộng đoàn vì lối sống công nghệ.

Vậy, Ki-tô hữu nên tiếp cận và có thái độ thế nào đối với những tín hữu của ‘tôn giáo mới’ này? Trước hết, chúng ta không nên quá lo lắng trước hiện tượng này, mà nên cầu nguyện để tín thác vào ý muốn của Thiên Chúa. Còn khi tiếp xúc với họ, chúng ta cần phải tôn trọng ‘cảm xúc tôn giáo’ của họ. Cũng đừng vội vàng ‘kết án’ họ là ‘tà đạo’, nhất là khi chưa hiểu rõ về họ. Tuy nhiên, nếu bằng lương tâm Ki-tô giáo, chúng ta nhận ra những lệch lạc rõ ràng, nhất là trong việc thực hành của họ, gây nguy hại đến những người tin vào tôn giáo này và cho cộng đồng xã hội, cũng như làm hoang mang đức tin một số Ki-tô hữu, thì chúng ta cần có trách nhiệm đối diện vấn đề. Nhưng phải đối diện thế nào? Có nhiều Ki-tô hữu ‘quá khích’, cảm thấy Thiên Chúa bị họ xúc phạm, nên muốn bảo vệ Thiên Chúa bằng cách căm ghét, thậm chí sỉ nhục họ. Đó là thái độ sai trái. Thiên Chúa đâu cần chúng ta bảo vệ Ngài! Điều Ngài muốn là chúng ta phải bảo vệ người anh chị em yếu đuối đang ở trước mặt mình, những người bị lầm lạc vì nhiều lý do. Vì thế, điều căn bản là phải thật lòng yêu mến, cầu nguyện cho họ; và nếu có khả năng thích hợp, thì hãy đối thoại và giúp họ nhận ra những lầm lạc.

Câu hỏi cuối cùng: trước hiện tượng tôn giáo này, xã hội và Giáo Hội Công Giáo có thể phản tỉnh được điều gì? Về mặt xã hội, hiện tượng này khiến tôi nhớ tới lời phát biểu (được nhà báo Thu Hà nhắc lại) của ông Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, trong cuộc phỏng vấn gần đây trên Vietnamnet.vn, ngày 12/03/15, nhằm giải mã hiện tượng bùng phát các lễ hội tâm linh một cách lộn xộn ở Việt Nam gần đây: “dường như những chính sách về tôn giáo nghiêm trọng và sai lầm trước đây mà cả hiện nay nữa đã tạo ra một quá trình sa mạc hóa về tâm linh ở Việt Nam, để giờ đây tâm hồn của người Việt đã biến thành một bãi hoang có thể chấp nhận các loại bụi gai xương rồng và không thể trồng được loại cây có hoa thơm, quả ngọt.”[5] Rõ ràng, nếu thật sự ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ là một hiện tượng lệch lạc, thì xã hội cũng phải tự suy xét trách nhiệm. Vì tâm thức tôn giáo – khuynh hướng tìm về điều thiêng liêng cho những câu hỏi nội tâm – tự nó thuộc về bản chất con người, nên nếu gặp ‘sa mạc’ thay vì ‘đất tốt’ thì nó sẽ bị biến dạng thôi!

Về mặt Giáo Hội, có lẽ đây là một cơ hội cho Giáo Hội và mỗi Ki-tô hữu cầu nguyện, phản tỉnh và học hỏi nhiều điều. Thật thế, nếu hiện tượng ‘bội thực tin dữ’ đã dẫn đến những khủng hoảng niềm tin, thì Giáo Hội cần đi ngược chiều: loan báo và giúp hiện thực hoá Tin Mừng và Bình An thật sự. Hơn nữa, chính chúng ta phải học hỏi từ ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời’ trong cách sống tương quan với anh chị em mình (tất nhiên là tránh đi những điều lệch lạc): mỗi người đều có những khó khăn nhất định, và đều có nhu cầu được nâng đỡ, vì thế Hội Thánh – mà cụ thể là từng Ki-tô hữu – cần quan tâm và giúp đỡ tha nhân cách cụ thể. Hội Thánh phải thật sự trở nên gần gũi, ấm áp với mọi người, như cách Đức Giê-su đã đến và chăm sóc các môn đệ.[6] Cuối cùng, chúng ta cần trở lại với tinh thần ‘cộng đoàn’ của Giáo Hội sơ khai, nơi mọi người cảm thấy mình cùng thuộc về một gia đình đầy tình thương. Tất nhiên, đây là những thách đố lớn lao, nhưng đồng thời cũng là lời mời gọi Thiên Chúa dành cho mỗi người trong việc xây dựng Giáo Hội, trong chính thời đại hôm nay, trở thành điểm quy tụ nhân loại hướng về vương quốc Tình Yêu.

[1] Trong đó có cả trang Facebook mang tên ‘Hội Thánh của Đức Chúa Trời’: https://www.facebook.com/H%E1%BB%99i-Th%C3%A1nh-C%E1%BB%A7a-%C4%90%E1%BB%A9c-Ch%C3%BAa-Tr%E1%BB%9Di-774359376007813

[2] ví dụ: https://www.youtube.com/watch?v=lIofXXZzk9s

[3] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=793462074097543&id=774359376007813

[4] http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/giai-ma-ta-dao-hoi-thanh-duc-chua-troi_54368.html

[5] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/da-cong-khai-ca-nhung-dieu-tung-cam-ky-225113.html

[6] Một số bạn trẻ Công Giáo chia sẻ rằng: họ đã lung lay đức tin, vì không cảm nhận được sự nâng đỡ và chăm sóc cách cụ thể trong lòng Giáo Hội.

Khắc Bá, SJ

Đọc nhiều nhất Bản in 27.04.2018 17:12