Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới (6)

§ Vũ Văn An

Để bù đắp, tôi hứa với mấy người em họ sẽ mua biếu mỗi người một bộ DVD quay lại nghi thức Đàng Thánh Giá, nếu Ban Tổ Chức WYD hay bất cứ cơ quan truyền thông nào chịu xuất bản. Cho đến nay, lúc viết những dòng này, 1 tháng Tám, tôi vẫn chưa thấy có cơ quan nào cho biết sẽ thực hiện một DVD như thế. Tôi tin tưởng một nghi thức gây xúc động mạnh đến thế nên được ghi lại và phổ biến rộng rãi.

Tưởng rằng ‘ăn năn đền tội’ như thế đã đủ để khỏi mắc lầm lỗi thêm. Nào ngờ lầm lỗi vẫn tiếp tục theo đuổi tôi qua ngày 19, ngày kết thúc bằng việc ngủ ngoài trời giữa màn đêm lạnh lẽo của mùa đông Sydney mà dự báo thời tiết tiên đoán nhiệt độ sẽ xuống tới 9 độ bách phân. Người nào cũng tỏ ra ái ngại khi nghe đến chuyện phải ngủ đêm ngoài trời. Tôi cũng ái ngại như họ, nhưng mạnh miệng khuyến cáo những ai có thể, nên ngủ ngoài trời vì đây là một kinh nghiệm không phải lúc nào cũng có. Ngoài ra, lục trong túi lưng do WYD cấp phát, tôi lôi ra ba thứ mà WYD tại Cologne năm 2005 không có, để khích lệ thêm. Đó là chiếc áo chống mưa bằng nylon, tấm đắp bằng ‘giấy trang kim’ (aluminium foil) và chiếc đèn bấm tí hon. Tôi còn biểu diễn bằng cách tháo tung một tấm đắp ra và quấn vào người. Tấm đắp dài và rộng đủ để có thể cuốn tròn cả thân người vào trong. Tôi cho họ hay: tấm này tôi từng đắp trên bàn mổ tại bệnh viện Royal Prince Alfred, sau lần làm thủ tục angiogram đầu tiên ở đấy. Ấm lắm. Nếu có thêm túi ngủ nữa, thì dù có giá băng như Alaska, ta cũng không sợ.

Nghe thì nghe vậy, chứ cái anh chàng ‘tán dóc’ có chịu ngủ ngoài trời cho đâu. Họ đâu có thông cảm cho cái thân già bẩy bó này. Chả lẽ tức khí đành cũng đi ngủ giữa ‘cảnh màn trời chiếu đất’ hay sao! Còn đang tranh cãi inh ỏi, thì Cha Trân xuất hiện, cha dòng Phanxicô tôi đón từ Phi Trường Sydney ngày 8 tháng Bẩy. Vui với các bạn Việt Nam, Cha ‘từ bỏ’ anh em trong Dòng sau một hay hai ngày gặp mặt, rồi từ Nhà Thờ Immaculate Mary trên Waverley dọn xuống Yagoona ngụ tại nhà một người cùng quê ở Phước Hải, Nha Trang, để đi sinh hoạt với bạn trẻ cùng một gốc gác ở Whitlam Centre, Liverpool cho gần. Hôm mới gặp, Cha rụt rè thổ lộ “không dám đâu, ngủ ngoài trời chết cóng mất”. Nhưng hôm nay, có lẽ năng lượng được đổi mới, hâm nóng lên nhờ tuổi trẻ Việt Nam khắp năm châu hay sao đó, vừa bước chân vào nhà, Cha đã bô bô: “Đi, đi, nhất định đi”. Đi đâu? Đi ngủ ngoài trời! Thế là ‘bọn trẻ’, không nói không rằng, vội vàng thu xếp quần áo ấm, túi ngủ, tấm trải đi theo Cha.

Nhóm trên rời bỏ tệ xá khá sớm, lúc hơn 10 giờ sáng, vì theo hẹn, họ muốn nhập đoàn với những người Việt Nam ‘trẻ’ khác, mà theo WYD4VN, từ 10 giờ sáng đã khởi hành cuộc đi bộ từ North Sydney để 12 giờ trưa, gặp những người Việt Nam ‘già’ tại Ga Trung Ương và hai đoàn nhập một này sẽ cùng tiến về trường đua Randwick một lúc. Bọn già chúng tôi đủng đỉnh mãi hơn một giờ chiều mới rời khỏi nhà, vì không có ý định nhập đoàn với các đoàn hành hương trẻ trung ấy. Kinh nghiệm WYD 2005 tại Cologne cho thấy: đuổi kịp ‘bọn trẻ’ quả là điều làm mình hụt hơi. Vợ chồng tôi một mình lững thững đáp xe lửa từ Dusseldorf đi Horrem, rồi lững thững từ Horrem, cuốc bộ một tiếng đồng hồ tới Marienfeld dự Thánh Lễ Bế Mạc rồi lại lững thững cuốc bộ hơn một tiếng đồng hồ từ Marienfeld tới Ga Horrem, lên xe lửa ở đấy để trở về Dusseldorf. Điều nghịch thường là vợ chồng tôi đã trở lại giáo xứ Thánh Tâm (Herz Jesu) của Cha Long ở đường Robstr, đánh một bụng phở tái rồi đoàn hành hương do cha Văn Chi hướng dẫn, đưa đón bằng xe buýt, mới về tới.

Thoạt đầu, tôi đã tính lấy xe lửa tại Ga Beverly Hills, khi đến Ga Green Square sẽ xuống để cuốc bộ từ đó tới trường đua Rnadwick. Theo ước tính, như thế sẽ bớt được cả một cây số đi bộ. Nhưng ‘nhân định’ chẳng bằng ‘thiên định’, chuyến xe lửa ấy lại không chạy qua Phi Trường như thường lệ, mà bỏ nhiều trạm, chạy một mạch từ Beverly Hills lên Sydenham rồi Central. Nhờ thế mà được thấy rất nhiều các túi đeo lưng vàng đỏ khắp các chuyến và toa tầu từ các ngả đổ về Ga Trung Ương. Quả là một khung cảnh vui tươi, sinh động và phấn chấn. Ngả qua Phi Trường thật ít thấy những chiếc túi như thế. Chả lẽ cái ngả ấy không có khách hành hương thập phương hay người Công Giáo Úc?

Từ Ga Trung Ương chúng tôi tiến ra phía đường Devonshire. Từ khúc này trở đi, bạn có thể nhắm mắt mà cuốc bộ tới Randwick, không thể lạc, không thể mất hướng được. Dù đây là lần đầu bạn tới Sydney. Vì không phải hàng chục, không phải hàng trăm, không phải hàng ngàn, mà hàng chục ngàn người cùng cuốc bộ với bạn. Họ không im lặng bước đi, mà vừa đi vừa ca hát, nhẩy múa, chuyện trò âm vang, lưng đeo túi vàng đỏ, hay những chiếc balô nặng chĩu với đủ túi ngủ, chiếu trải, chăn đắp, lều chõng, đầu chít khăn Đại Hội hay đội nón đủ kiểu đủ mầu, tay cầm cờ biểu ngữ hay ôm ghita, trống phách. Cứ thế họ bước đi không cần trông chừng, dòm ngó, như đi tới một chỗ họ đã quen thuộc từ những ngày rất xưa, từ những ngày ‘mẹ về với cha’ như ông Phạm Duy từng hát.

Tôi nghe một số người nói tiếng Việt với nhau ở đàng sau. Nhìn lại thấy hai thanh niên cắt tóc ngắn đang đồng hành với một số người Úc. Tất cả thuộc nam giới. Hỏi một người: anh từ đâu tới? Cháu từ Việt Nam. Sài Gòn, Hà Nội? Hà Nội bác ạ. Qua lâu chưa? gần hai năm rồi bác. Qua học hả? Vâng. Học ở đâu? Ở Corpus Christi Melbourne. Tu à? Vâng. Corpus Christi vốn là đại chủng viện của tổng giáo phận Melbourne, một đại chủng viện mà từ linh mục giám đốc tới các giáo sư đều nhất loạt từ chức khi Đức Cha George Pell tới nhậm chức tổng giám mục ở đấy, chỉ vì ngài đưa ra những cải tổ nhằm thăng tiến cuộc sống thiêng liêng của các ứng viên sẽ làm linh mục. Bác ở Úc lâu chưa? 27 năm, từ 1981. Chắc thông thuộc lắm bác hả? Cũng như thầy thôi, lần đầu tiên cuốc bộ trên đường Devonshire. Chuyện trò chỉ được có thế, thầy vội bước theo cha giám đốc, khuất vào đoàn người đông vô kể đang rẽ vào đường Parkham. Một đỗi nữa thì gặp đoàn hành hương đông đảo khác xuất phát từ North Sydney, băng qua Harbour Bridge, Darling Harbour, Tumbalong Park, đường Campbell, đường Elizabeth, đường Albion và đường Fitzroy để cùng gặp nhau ở Anzac Parade. Bầu không khí trở nên sinh động vô chừng, không biết có nhiệm mầu bằng hay không nhưng nhất định đông vui hơn Lễ Ngũ Tuần tại Giêrusalem năm 33 Công Nguyên nhiều.

Đặt chân lên Anzac Parade, bỗng tôi hiểu ra lý do tại sao ban tổ chức WYD 2008 cứ nhất định chọn trường đua Randwick làm địa điểm canh thức và Thánh Lễ Bế Mạc, dù gặp thật nhiều trở ngại, những trở ngại mà nhiều người e ngại mình vượt qua không nổi. Còn nhớ hồi ấy, báo chí Úc hầu như nhất loạt thiên về phía kỹ nghệ đua ngựa mà phản đối việc để cho WYD sử dụng trường đua làm nơi canh thức. Những tay đầu sỏ trong kỹ nghệ này được báo chí tô vẽ như những Đavít chống chọi với Gôliát tân thời. Bart Cummings, tay Vua đoạt giải Melbourne Cup 11 lần, được báo chí chạy hàng tít lớn: Cummings bảo Giáo Hoàng; cút đi! Nhưng Đức Hồng Y Pell và cả Thủ Hiến Morris Iemma vẫn quả quyết: đêm canh thức và Thánh Lễ Bế Mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ vẫn là trường đua Randwick.

Dĩ nhiên với một giá khá đắt. Ngoài việc chịu cho Câu Lạc Bộ Nài Ngựa Úc thuê trường đua thêm 99 năm nữa, chính phủ tiểu bang còn phải dành ra một ngân khoản lên đến 40 triệu dollars để bồi thường thiệt hại do việc đóng cửa, di chuyển, hư hao đường đua…gvây ra. Ông Morris Iemma làm thế không hẳn vì ông là người Công Giáo. Vì cả ông John Howard, lúc ấy còn là Thủ Tướng Chính Phủ Liên Bang, một người Tin Lành, cũng đóng góp một ngân khoản gần bằng như vậy. Cũng không hẳn vì chỉ có trường đua Randwick mới có sức chứa tới 400,000 khách hành hương, cộng thêm 200,000 người nữa ở Centennial Park kế cận, hay vì nó gần Ga Trung Ương nhất, nơi có sức chuyên chở 60,000 người một giờ lúc tới và 70,000 người một giờ lúc đi, hay vì nó là địa điểm ngoài trời ấm áp nhất trong mùa đông Sydney, như tài liệu chính thức của WYD08 cho hay.

Lý do chính, theo tôi, chính là con đường Anzac Parade này. Anzac vốn là chữ viết tắt của Australian and New Zealand Army Corps (Quân Đoàn Úc và Tân Tây Lan). Tuy được thành lập 13 năm sau ngày Liên Bang Úc ra đời (1901), Quân Đoàn này vẫn được coi là chất xúc tác tạo ra bản sắc, hay đúng hơn diện mạo, của cả hai dân tộc Úc và Tân Tây Lan. Theo kế hoạch của Winston Churchill, lúc ấy là Bộ Trưởng Hải Quân Anh (First Lord of the Admiralty), quân đoàn này được sử dụng để mở đường máu cho hải quân tiến vào Hắc Hải hòng chiếm cho được Istanbul, thủ đô đế quốc Ottoman, một đồng minh của Đức. Cuộc đổ bộ lên bán đảo Gallipoli của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 25 tháng Tư năm 1915 này làm nức lòng người Dân Úc và Tân Tây Lan, vì đây là lần đầu, dù dưới sự điều động của Đồng Minh, con em họ chiến đấu dưới danh xưng Úc và Tân Tây Lan. Máu của hơn 8,000 binh sĩ Úc và hơn 2,700 binh sĩ Tân Tây Lan ở cái bán đảo nhỏ xíu ấy chính là dòng máu của họ, dòng máu mang tên họ. Nó thực sự khai sinh ra hai đất nước Úc và Tân Tây Lan như một thực thể trường tồn. Ít nhất, theo nhận định của các sử gia, nó đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn đối với quá khứ và tương lai của họ. Nó lên sinh lực cho hai dân tộc này, biến họ từ những mảnh đất thuộc địa Anh thành những quốc gia tự cường.

Hàng năm, ngày Anzac là ngày hội lớn nhất của cả Úc lẫn Tân Tây Lan. Vào ngày ấy, người chiến binh Úc, chẳng kể tuổi tác, kéo nhau về các thủ phủ, hãnh diện diễn hành trước sự ngưỡng phục của toàn dân. Từ ông Thủ Tướng đến người dân hèn, ai ai cũng nức lòng về ngày Anzac. Già đến chống gậy cũng vẫn diễn hành. Cha qua đời, con diễn hành thế; con qua đời, cháu diễn hành thế. Đôi khi đến cả chắt. Cứ mỗi một ngày Anzac qua đi, cái cảm thức mình là người Úc lại càng triển nở thêm. Lịch sử Úc bề dầy không có bao nhiêu. Nhưng có đến đâu, họ mang ra tiếp bạn đến thế. Anzac là món quà qúy giá của họ. Mà đường Anzac Parade là biểu tượng. Diễn hành trên Anzac Parade, do đó, là diễn hành để đi vào lòng dân tộc này, dù bạn dừng lại ở trường đua Randwick.

Nhưng nghĩ cho cùng, đua ngựa cũng là nét làm nên bản sắc Úc. Đến độ vào ngày Melbourne Cup, mọi sinh hoạt trên đất nước này, bất luận là chính trị hay tôn giáo, đều ngưng lại lúc những con ngựa dự giải bắt đầu từ trong phóng ra đường đua. Nên từ Anzac Parade, bạn tiến vào trường đua Randwick, ngay cả để đánh cá ngựa, bạn vẫn đã tiến vào một vùng bản sắc Úc vậy. Huống chi bạn vào đây để cử hành tuổi trẻ dưới tác động Chúa Thánh Thần.

Như để nhấn mạnh đến ý nghĩa ấy, ban tổ chức WYD08 đã cho đặt bẩy “trạm phát điện” (Power Stations) trên đường Anzac, “mục đích là để chuẩn bị cho bạn tiếp nhận sức mạnh và ơn phúc Chúa Thánh Thần trong cuộc Canh Thức và Thánh Lễ Bế Mạc tại Khu Sao Phương Nam”. Bẩy trạm ấy là Trạm Khôn Ngoan, Trạm Thông Hiểu, Trạm Suy Biết, Trạm Lo Liệu, Trạm Can Đảm Mạnh Mẽ, Trạm Đạo Đức và Trạm Kính Sợ Chúa (World Youth Day 2008 Liturgy Guide, p. 068).

Người được truyền bẩy thứ điện năng trên, còn ngần ngại chi không tiến bước. Chính vì thế, tôi đã nhận ra một người cha Á Châu đang bồng đứa con trên vai trong đoàn hành hương nhấp nhô lên xuống ở Anzac Parade. Giống hình ảnh Á Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 vẽ về người cha thân yêu của mình trong đại hội Thánh Thể ở Bergamo ngày nào. Người cha ấy lúc nào cũng muốn đứa con mình ở thế cao hơn để thấy rộng thấy dài. Tôi cầu chúc em nhỏ Á Châu kia lớn lên cao hơn hẳn cha mẹ, cái cao dựa trên cái thấp mà là cái thấp nền tảng, cái thấp xây nền, cái nền đầy yêu thương chăm sóc.

Tới Centennial Park, gần ngã ba Anzac Parade, Alison Road và Doncaster Avenue, đoàn hành hương vĩ đại được chỉ thị phân thành hai đoàn, những người có vé vào cổng 1 tới cổng 14 qua bên trái để vào Alison Road, những người có vé vào cổng 15 tới cổng 26 qua bên phải để vào Doncaster Avenue. Bọn tôi, một số thuộc đoàn nhất, một số thuộc đoàn hai, phân vân không biết nên đi ngả nào. Nhưng trót đang ở cánh phải, chúng tôi cứ thế rẽ vào Doncaster Avenue, vừa đi vừa tính kế xem làm cách nào để cùng vào cổng 21 cho hợp lệ, hợp cách. Hết Doncaster Avenue vừa rẽ trái vào lại Anzac Parade, thì cổng 21 xuất hiện, người người tấp nập. Chờ một lúc, anh con rể tôi từ trong đi ra đem theo 3 tấm thẻ mang số cổng 21. Thế là năm chúng tôi ung dung đi qua cổng giữa hai hàng thiện nguyện viên và rất nhiều nhân viên cảnh sát.

Trường đua trông giống như chiếc chảo lớn hình trái soan, mà từ ngoài đường đi vào, bạn phải leo đến hơn mười bậc thang mới lọt được vào lòng chảo. Ngay tại cửa C1, chúng tôi đã đụng phải rất nhiều người, họ trải ‘chiếu’ đủ mầu ngay trên đường đi có lát những tấm thảm nhựa dầy và lớn. Từ đó nhìn xuống lòng chảo, cả một đại dương mầu sắc thật đẹp xuất hiện trước mắt. Kẻ đứng người ngồi, phần lớn di chuyển ngược xuôi, nhộn nhịp trong tiếng nhạc, tiếng hát phát ra từ hệ thống âm thanh chung. Không có anh con rể hướng dẫn, quả chẳng biết khu E3 ở chỗ nào, khu mà cha Văn Chi có lần cho hay: chỉ cách Đức Giáo Hoàng ba dẫy. Đến đây mới thấy không biết phải định nghĩa chữ dẫy ra làm sao cho phải phép!

Lễ đài vĩ đại không biết cách bao xa nhưng Sony Cybershot của tôi không nhận ra hình để chụp mà đến Sony Handycam cũng chịu. Tuy nhiên vẫn gần hơn lúc chúng tôi ở Marienfeld, bên Cologne rất nhiều. Ở đây, chúng tôi còn thấy hình người di chuyển trên đó, chứ ở Marienfeld, đến hình người cũng không tài chi nhìn thấy. Hơn nữa ở đây, cứ mỗi lần nhìn lên, là thấy hai lá cờ Việt Nam Tự Do in hình hai bên Lễ Đài. Nhìn qua tay phải, cờ Việt Nam Tự Do còn nhiều hơn nữa. Tôi đứng ngay phía trước một lá cờ to và hai bên, xa xa một chút, là nhiều lá cờ vàng đỏ nhỏ hơn. Thành ra, tuy không mang theo cờ, mà cờ vẫn có để chụp hình quay phim với mình bên lá cờ bản sắc. Thì ra khu tôi đứng là khu người Việt chiếm đa số. Đa số đến độ anh Lê Hiển tới phàn nàn với tôi: nói với bọn Mỹ dọn đi nơi khác, bọn nó nhất định không chịu. Nhìn kỹ, thì ra họ cũng E3 như mình. Anh Lê Hiển không phải là người duy nhất nhận lầm như thế, mà chị Dung, một người thân quen thuộc giáo đoàn Lakemba, cũng phàn nàn: bọn củ sâm mọc rễ ở đây rồi anh ạ. Nhìn lên, thấy người đồng hương của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ cười tươi như hoa. Thôi thì chia nhau một chỗ đứng, một chỗ ngồi, một chỗ nằm đêm nay, dù sao mình cùng là ‘con cháu’ của người từ muôn dặm ‘nhân danh Chúa mà đến’.

Tôi bỏ chỗ đứng, (tôi chỉ đứng thôi, cùng lắm là ngồi, vì đêm nay tôi sẽ cuốc bộ ra ga Green Square về lại Beverly Hills), để làm một vòng trường đua. Có làm một vòng như thế, tôi mới hay người Việt không phải chỉ có mặt ở E3, mà ở khắp trường đua, như mấy đứa em họ từ Mỹ qua của tôi chẳng hạn ở tận M4… Và họ ở đâu, ít nhất cũng có ba, bốn lá cờ Việt Nam Tự Do ở đó. Có nơi, cờ ấy còn được cắm lên những cây cột hàng rào, điều mà người Ba Lan cũng làm một cách đầy nhiệt tình, dù họ chả có cờ nào khác để mà sợ bị cạnh tranh. Số cờ như thế hơn hẳn số cờ tại Marienfeld năm 2005.

Cảnh sinh hoạt bên trong trường đua thật hết sức chân thực hòa đồng. Mọi người như mừng rỡ lần đầu gặp nhau. Mà có lẽ lần đầu thật. Có ai đêm hôm, giữa cái lạnh căm của mùa đông nam bán cầu, lại đi trải chiếu đưới đất mà nằm nhìn sao lấp lánh! Denver, Manila, Paris, Rome, Toronto hay Cologne có sao thật nhưng trời đâu có lạnh căm, và đâu phải mùa đông như đây. Mạo hiểm làm họ vui chăng, dù họ đây là những ông già như tôi? Mấy đứa cháu tung tăng chạy nhẩy đã đành mà người lớn như tôi cũng đứng ngồi không yên. Bồn chồn chờ đợi. Rồi màn đêm buông xuống, trường đua đắm mình trong ánh sáng điện, ánh nến và lời ca tiếng hát râm ran.

Và đêm canh thức bắt đầu. Phần nhất cử hành việc mong đợi Chúa Thánh Thần qua nghi thức thắp sáng và cung nghinh Thánh Giá Đại Hội giữa hai bài thánh ca “Jesus Send Your Spirit” (C. Blanchard) và “Behold the Cross” (Phil Turco). Đức Thánh Cha xuất hiện giữa tiếng reo hò của cộng đoàn tín hữu huynh đệ. Ca đoàn hát bài “Our Lady of the Southern Cross” (Geoffrey Abdullah). Giữa những tiếng reo hò vang dội, Handycam của tôi ghi được câu: “We love you!” Không nhiều bằng năm 1995, khi cộng đoàn tín hữu, tuy ít hơn lần này, cũng tại nơi này, chào mừng Đức Gioan Phaolô II, với đủ bộ: “John Paul Two, We Love you” cả bằng lời lẫn bằng chữ trên biểu ngữ. Nhưng cái giọng âm vang đầy thân thiết thì hoàn toàn như nhau. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện, tiếp theo là nghi thức Đốt Nến với bài thánh ca “C’est Toi ma lampe, Seigneur” (Jacques Berthier).

Tôi nghe người thanh niên dẫn lễ khởi đầu: “without the Holy Spirit, we are powerless; with the Holy Spirit’s power, we have the strength of God” để đưa cộng đoàn vào nghe các chứng tá của Thánh Quan Thầy Đại Hội và một số người hành hương giữa lời ca du dương của bài “Receive the Power” (Guy Sebastian và Gary Pinto). Thái Lan ít ‘đạo’ là thế nhưng lại hân hạnh có một đại biểu lên chia sẻ chứng tá. Chờ mãi không thấy đại biểu Việt Nam dù tiếng Việt được nhận là một trong 7 thứ tiếng chính thức của WYD. Chia sẻ của các chứng tá hành hương và bài ca của Guy Sebastian quả là một chuẩn bị rất khéo để tín hữu lắng nghe lời Cha Chung liền ngay sau đó.

Ngài chỉ cho người trẻ cách làm chứng tá sau khi đã mở lòng ra tiếp nhận bẩy ơn Chúa Thánh Thần và sau khi đã được nghe về sự đơn nhất và hoà điệu của sáng thế và chỗ đứng của họ trong đó. Điều đầu tiên họ phải nhận ra là việc làm chứng tá kia phải do Chúa Thánh Thần hướng dẫn và ấn định. Điều thứ hai, chứng tá ấy phải được ngỏ với một thế giới hết sức mỏng dòn, một thế giới bị thương tích cùng mình vì những vỡ tan trong liên hệ xã hội, vì tinh thần con người bị đè bẹp dưới nhiều bóc lột và lạm dụng chính con người. Ngài nói: “Thực thế, xã hội ngày nay đang bị phân mảnh tan tành vì lối suy tư thiển cận cố hữu, cố tình làm ngơ toàn bộ chân trời sự thật, sự thật về Chúa và sự thật về chính mình. Từ trong bản chất, chủ nghĩa tương đối thất bại không nhìn ra trọn bộ bức tranh. Nó làm ngơ chính các nguyên tắc giúp ta sống và triển nở trong hiệp nhất, trật tự và hoà hợp”.

Điều thứ ba, hiệp nhất và hòa giải ấy không thể do một mình cố gắng của ta làm được. Chúa đã dựng nên ta là để cho nhau (cf. Gen 2:24) và chỉ trong Chúa và trong Giáo Hội của Người, ta mới tìm được sự hiệp nhất kia. Nhưng không nên ảo tưởng tìm cách xây dựng một xã hội “hoàn hảo” cách giả tạo, mà bỏ qua hay làm ngơ các yếu đuối của con người. Hiệp nhất như thế là phá hủy sự hiệp nhất chân chính. Ngài cho hay: “Tách Chúa Thánh Thần ra khỏi Chúa Kitô đang hiện diện trong cơ cấu Giáo Hội định chế là phá hoại sự hiệp nhất của cộng đồng Kitô giáo vốn chính là quà phúc Chúa Thánh Thần!... Chẳng may, cơn cám dỗ ‘muốn đi lẻ’ hiện vẫn còn dai dẳng. Một số người muốn vẽ ra một cộng đoàn địa phương tách biệt hẳn điều họ gọi là Giáo Hội định chế, coi cộng đoàn của họ là mềm dẻo, là cởi mở với Chúa Thánh Thần, còn Giáo hội định chế là cứng ngắc, không có Chúa Thánh Thần”. Đức Thánh Cha gọi sự hiệp nhất chân thực trong Giáo Hội là sự hiệp nhất chắc chắn nhưng cởi mở, nhất quán nhưng năng động, chân thực nhưng không ngừng tăng trưởng trong cái nhìn sáng suốt. Muốn có sự hiệp nhất ấy, cần biết lắng nghe. Hãy lắng nghe tiếng khóc của đứa trẻ trong trại tị nạn Darfour, một thiếu niên đang gặp khó khăn, một phụ huynh đang lắng lo trong một khu ngoại ô hay chính sâu thẳm trái tim bạn để tìm ra cùng một tiếng kêu nhân bản muốn được thừa nhận, muốn được thuộc về, muốn được hiệp nhất.

Sau đó, Đức Thánh Cha đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc tạo ra sự hiệp nhất kia, một vai trò không dễ hiểu. Tuy nhiên, Ngài kể lại lúc còn nhỏ, cha mẹ Ngài chỉ dạy Ngài làm dấu Thánh Giá trong đó có nhắc đến một Chúa Ba Ngôi. Lớn hơn một chút, Ngài hiểu nhiều hơn về Chúa Cha và Chúa Con, còn về Chúa Thánh Thần, Ngài vẫn còn nhiều mơ hồ. Đến khi làm linh mục và đã dạy thần học rồi, Ngài mới quyết định nghiên cứu các chứng tá nổi danh trong lịch sử Giáo Hội từng nói về Chúa Thánh Thần, trong đó có Thánh Augustinô. Cái hiểu của vị thánh này khá tiệm tiến, đi từ phái Manichaen (tách tinh thần ra khỏi thân xác, chối từ nhập thể) qua cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa trong lòng Giáo Hội mới tìm ra nguồn gốc tình yêu ấy nơi sự sống của Thiên Chúa Ba ngôi. Để từ đó khám phá ra ba ý niệm đặc thù về Chúa Thánh Thần như sợi dây hiệp nhất trong Thiên Chúa Ba Ngôi: hiệp nhất như hiệp thông, hiệp nhất như tình yêu bền vững (abiding love) và hiệp nhất như cho đi, như hồng phúc (gift).

Theo Thánh Augustinô, hai hạn từ ‘Thánh’ và ‘Thần’ chính là điều cả Chúa Cha lẫn Chúa Con đều có, đều cùng chia sẻ. Đó chính là sự hiệp thông của các Ngài. Thành ra, nếu đặc điểm của Chúa Thánh Thần là điều được cả Chúa Cha và Chúa Con chia sẻ, thì phẩm tính đặc thù của Chúa Thánh Thần là tính hiệp nhất. Đó là một hiệp nhất của hiệp thông sống: sự hiệp nhất các ngôi vị trong một liên hệ không ngừng cho đi. Đức Giáo Hoàng nói rằng sự hiệp nhất chân thực không bao giờ được xây dựng trên các mối liên hệ không biết nhìn nhận phẩm giá bằng nhau của người khác.

Ý niệm thứ hai về Chúa Thánh Thần coi Người như tình yêu bền vững do việc Thánh Nhân nghiên cứu Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan mà có. Thánh Gioan dạy rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4:16). Theo Thánh Augustinô, dù các hạn từ này chỉ về Thiên Chúa Ba Ngôi cách chung, nhưng chúng cũng nói tới đặc điểm đặc thù của Chúa Thánh Thần. Khi suy nghĩ tới bản chất bền vững của tình yêu: “ai ở lại [abides] trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa” (câu vừa trích), Thánh nhân thắc mắc: tình yêu hay Chúa Thánh Thần tạo ra sự bền vững kia? Rồi ngài kết luận như sau: “Chúa Thánh Thần làm ta ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong ta; thế nhưng chính tình yêu thực hiện việc ấy. Cho nên, Chúa Thánh Thần chính là Thiên Chúa trong tư cách tình yêu!” (De Trinitate, 15.17.31). Đức Giáo Hoàng cho đó là một giải thích tuyệt diệu. Tình yêu vì thế là biểu hiệu của Chúa Thánh Thần. Ý niệm hay tiếng nói nào thiếu tình yêu, dù cao siêu, hiểu biết bao nhiêu cũng không từ Chúa Thánh Thần mà có. Tình yêu ấy phải bền vững, phải loại hết ngập ngừng (uncertainty), loại hết sợ sệ bị phản trắc. Tình yêu ấy “phải mang theo mình tính đời đời”.

Ý niệm thứ ba, Chúa Thánh Thần như hồng phúc, Thánh Nhân rút tỉa từ câu truyện Chúa Giêsu gặp người đàn bà Samaria bên bờ giếng, nơi Người tự tỏ mình là đấng ban nước hằng sống (xem Ga 4:10) mà sau này được giải thích là Chúa Thánh Thần (Xem Ga 7:39; 1Cor 12:13). Thánh Thần là “hồng phúc của Thiên Chúa” (Ga 4:10), suối nước bên trong (cf. Jn 4:14), thực sự thoả mãn cơn khát vô chừng của ta và dẫn ta tới Chúa Cha. Từ nhận xét ấy, Thánh Nhân kết luận: Đấng Thiên Chúa vốn chia sẻ mình cho ta như hồng phúc chính là Chúa Thánh Thần (xem De Trinitate, 15, 18, 32). Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa đời đời tự hiến; như suối nước không bao giờ cạn, Người tuôn đổ chính Người cho ta.”. Không như những sự mau qua, hết sức có giới hạn không bao giờ có thể làm ta thỏa mãn. Ta hãy xin cho được thứ nước ấy để đừng khát nữa (cf. Jn 4:15).

Ngài kêu gọi giới trẻ hãy dùng tình yêu hiệp nhất làm thước đo, tình yêu vững bền làm thách đố, tình yêu tự hiến làm sứ vụ. “Như Giáo Hội cùng đi một hành trình với toàn bộ nhân loại thế nào, chúng con cũng được mời gọi thực thi các hồng phúc của Chúa Thánh Thần như thế giữa các thăng trầm trong cuộc sống của các con. Hãy để đức tin của các con chín mùi xuyên qua học hành, làm việc, chơi thể thao, chơi âm nhạc và sinh hoạt nghệ thuật… Cuộc đời không phải là để tích lũy. Nó không phải chỉ là thành đạt. Sống thực phải là biến đổi bên trong, mở lòng ra đón nhận năng lực tình yêu Thiên Chúa. Nhờ tiếp nhận sức mạnh Chúa Thánh Thần, các con sẽ có khả năng biến đổi gia đình, cộng đồng và đất nước các con”

Sau mấy lời chào khách hành hương bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người tham dự nghi thức chầu Mình Thánh Chúa.

Bầu không khí của trường đua bỗng biến đổi lạ thường khi ca đoàn cất cao bài thánh ca “Adoramus te o Christe” (Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa) của Jacques Berthier. Vốn liếng La Tinh của tôi chẳng còn lại bao nhiêu sau hơn 40 năm rời Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt, nơi chúng tôi thường tranh luận triết học với nhau bằng thứ ngôn ngữ ấy. Nhưng không hệ gì, chỉ cần nghe thấy câu “adoramus te” là tôi tự động cúi đầu thật sâu rồi. Và không phải một mình tôi, toàn thể trường đua với hơn hai trăm ngàn con người, trong đó, có cả Đức Bênêđíctô XVI. Không một nghi thức nào trong Giáo Hội Công Giáo chứng tỏ sự bình đẳng tuyệt đối giữa những người tin Chúa Kitô bằng nghi thức Chầu Thánh Thể này: từ vị Giáo Hoàng cho đến người tín hữu tầm thường nhất cũng đều chỉ là những tạo vật vô nghĩa trước Đấng Thượng Đế Uy Nghi. Tất cả đều phải gối qùy tôn kính, nhìn nhận sự đớn hèn trong thân phận tạo vật của mình. Mặt Nhật đặt giữa một khung hào quang lớn, dù đứng cuối trường đua, vẫn thấy rõ mồn một, càng làm tăng sự sốt mến của mọi người. Tôi nghĩ nghi thức này phải được liệt kê là một trong những đỉnh cao của Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Rồi Đức Giáo Hoàng tạm biệt giới trẻ. Và lầm lỗi của tôi bắt đầu lộ diện. Tôi nhất định đưa bốn người trong nhóm ra ga Green Square để về lại Beverly Hills. Bản đồ đã được nghiên cứu kỹ. Tài liệu WYD nói tới ga này đã được tìm thấy, đó là cuốn sách nhỏ dành cho những người không tham dự WYD. Cuốn này cho hay: sau Thánh Lễ Bế Mạc, một số người sẽ cuốc bộ tới Ga Green Square để lấy xe lửa tới phi trường. Đường từ trường đua tới đó quả không xa, chỉ chừng 25 phút là tới. Nhưng hỡi ơi, tới đó, mới thấy không có đường vào sân ga. Hai cổng vào Ga đã được khóa kín từ lúc nào! Cặp vợ chồng trẻ người Úc đi theo cũng chung số phận, đứng ngẩn ngơ một lúc, đành gọi taxi ra Ga Redfern tìm đường về Beverly Hills. Đến nhà đã gần 12 giờ đêm. Thảo nào không có tài liệu dành cho người tham dự WYD nào đề cập tới Ga Green Square là vì thế. Ga này đóng cửa từ 5 giờ chiều. Mà cuộc canh thức mãi 9 giờ đêm mới chấm dứt. Trong khi Thánh Lễ Bế Mạc kết thúc trước 5 giờ chiều!

(còn tiếp)

Tôi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, phần (1), (2), (3), (4), (5), (6) & (7)

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 02.08.2008. 08:39