Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thư Mùa Chay 2010 của Đức GM Đà Lạt

§ +GM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

TÒA GIÁM MỤC
9, Nguyễn Thái Học
Đàlạt – Lâm Đồng

Đàlạt, ngày 02 tháng 02 năm 2010

Kính gửi: Quý Cha
Các Tu Sĩ, Chủng Sinh
và Anh Chị Em Giáo Dân
trong Gia đình Giáo Phận

1. Chúng ta sắp bước vào Mùa Chay. Hành trình bốn mươi ngày của Mùa Chay Thánh là thời gian Hội Thánh mời gọi chúng ta bước theo Chúa Kitô cách gần gũi hơn, hăng say hơn, với tất cả lòng tin cậy và yêu mến. Mùa Chay là “thì mạnh” của Năm Phụng Vụ, hay nói như thánh Phaolô, là “thời Thiên Chúa thi ân và là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2). Mùa Chay chính là thời điểm mà Chúa Giêsu Kitô tuôn đổ muôn vàn ân sủng cho Hiền thê của Ngài là Hội Thánh qua mầu nhiệm Thánh Giá.

2. Trong bầu khí của Năm Thánh 2010, Mùa Chay năm nay thúc đẩy chúng ta sống tinh thần hy sinh, sám hối và hòa giải cách chân thành và triệt để hơn, theo đúng tinh thần Tin Mừng, nhất là vì trong những ngày gần đây, trước những biến cố đau buồn xẩy ra cho Giáo Hội Việt Nam, nhiều anh chị em tín hữu cảm thấy hoang mang lo lắng, không biết định hướng thế nào trước những luồng thông tin và dư luận khác biệt nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Do đó, với trách nhiệm hướng dẫn đời sống đức tin của cộng đồng Dân Chúa, tôi muốn cùng suy nghĩ với anh chị em về mầu nhiệm Thánh Giá mang sức mạnh cứu độ, mầu nhiệm mà Hội Thánh mời gọi chúng ta cử hành và sống cách đặc biệt trong Mùa Chay. Hy vọng rằng những suy nghĩ này sẽ góp phần thúc đẩy tất cả chúng ta sống tinh thần Mùa Chay như Hội Thánh mong muốn, ngõ hầu sự bình an và ánh sáng đích thực của Đức Kitô phục sinh sẽ bừng lên trong đời sống Hội Thánh cũng như trong cuộc đời mỗi người kitô hữu chúng ta hôm nay.

Hội Thánh tuyên xưng mầu nhiệm Thánh Giá:

3. Nhìn từ bên ngoài, thập giá là sự thất bại của Chúa Giêsu. Đứng trước thập giá của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, các môn đệ Chúa Giêsu cảm thấy thất vọng, hoang mang và sợ hãi (x. Ga 20,19). Tâm trạng này bộc lộ rõ nơi khuôn mặt và giọng nói u buồn của hai môn đệ làng Emmau, khi họ kể lại câu chuyện về Đức Giêsu thành Nadarét bị đóng đinh trên thập giá với “Người Khách Lạ” (Lc 24,17). Khi nói về thập giá của Chúa Giêsu trong thư gửi tín hữu Corintô, thánh Phaolô khởi đi từ cái nhìn nhân loại để rồi chuyển sang cái nhìn của Thiên Chúa, cái nhìn của đức tin. Dưới cái nhìn nhân loại, thập giá quả thực là sự “điên rồ” và “ô nhục” (1Cr 1,23), bởi đó là một nhục hình dành cho những kẻ nô lệ và hạng dân đen. Theo nghĩa này, thập giá là biểu tượng cho tất cả những đau khổ bất công mà người nghèo hèn, vô tội phải gánh chịu trong suốt dòng lịch sử.

4. Tuy nhiên, trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa được thực hiện nơi thập giá Chúa Kitô, kế hoạch đã làm cho thánh Phaolô ngất ngây trong chiêm ngưỡng và tạ ơn (Ep 1,3-14; 3,14), thì thập giá trở thành Thánh Giá, nghĩa là nơi biểu lộ sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa (x.1Cr 1,18), vì “cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25). Hướng nhìn của đức tin đã làm cho thánh Phaolô dứt khoát chọn lựa Thánh Giá: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh… Chúng tôi không muốn biết điều gì khác hơn ngoài Đức Giêsu Kitô và là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh thập giá” (1Cr 1,22; 2,2). Chính vì thế, người kitô hữu chúng ta tuyên xưng Thánh Giá là Nguồn Ơn Cứu Độ và là Vinh Quang của chúng ta: “Ôi Thánh Giá, nguồn cậy trông duy nhất của chúng con”. Nơi Thánh Giá Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng, sức mạnh lớn nhất là tình yêu chứ không phải hận thù. Đấng chịu đóng đinh ở Giêrusalem chỉ cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta có thể đi đến mức như thế nào. Nơi Thánh Giá của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã “phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2,14).

Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Thánh Giá:

5. Vì Thánh Giá là Nguồn Ơn Cứu Độ nên trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Hội Thánh tôn vinh mầu nhiệm Thánh Giá. Sau khi đọc lại và suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, Hội Thánh cử hành nghi thức thờ lạy Thánh Giá cách trọng thể. Vị chủ sự nâng cao Thánh Giá và xướng: “Đây là cây Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu độ trần gian”, rồi kêu gọi mọi người: “Chúng ta hãy đến thờ lạy”. Tất cả mọi người quỳ gối xuống, cung kính thờ lạy Thánh Giá.

Chúng ta tôn vinh Thánh Giá không những trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mà còn trong Thánh lễ mỗi ngày. Cử hành Thánh Thể là cử hành cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, vì “mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, lúc đó, Chúa Kitô, Chiên Vượt qua của chúng ta chịu hiến tế, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện” (Lumen gentium số 3). Trong Thánh lễ, hy tế của Đức Kitô trở thành hy tế của mọi chi thể trong Thân Mình Ngài là Hội Thánh. Tất cả đời sống chúng ta, với niềm vui và nỗi buồn, khổ đau và hạnh phúc, thành công và thất bại, tất cả đều được kết hợp với Đức Kitô và hy tế của Ngài; nhờ đó mang một ý nghĩa và giá trị mới. Chính vì thế, Thánh lễ có vị trí đặc biệt trong đời sống người công giáo, và chúng ta cần dâng Thánh lễ với tất cả ý thức đức tin của mình.

Hội Thánh sống mầu nhiệm Thánh Giá:

6. Mầu nhiệm Thánh Giá không chỉ được tuyên xưng và cử hành như một nghi lễ mà còn phải đưa vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Tất cả chúng ta đều được mời gọi tham dự mầu nhiệm Thánh Giá Chúa bằng nhiều cách. Trước hết bằng việc thông phần đau khổ với Chúa: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ… Nếu có ai phải chịu khổ vì danh hiệu Kitô hữu thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa vì được mang danh hiệu đó…” (1Pr 4,13-14). Vì được thông phần đau khổ của Đấng mang lấy mọi khổ đau của nhân loại, mà chúng ta được kêu gọi cảm thông, chia sẻ tất cả những đau khổ, khốn cùng, những thảm kịch do bất công, bạo lực mà anh chị em chúng ta đang phải gánh chịu trong cuộc sống hôm nay (x. Cl 1,24).

Nhưng để có thể sống chia sẻ, cảm thông như Đức Kitô đã làm đối với nhân loại qua mầu nhiệm Thập Giá, chúng ta cần phải đi lại con đường mà Chúa đã đi, con đường từ bỏ bản thân, đến mức tự hủy vì tình yêu và cho tình yêu. Thật vậy, cốt lõi của mầu nhiệm Thánh Giá là sự tự hủy vì tình yêu. Để diễn tả mầu nhiệm này, thánh Phaolô đã trích dẫn một thánh thi mà có lẽ mượn từ phụng vụ của các cộng đoàn kitô hữu tiên khởi. Ngài đã mở đầu bằng những lời như sau: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (x. Pl 2,5-7). Áng văn tuyệt tác này họa lại tất cả hành trình của Đức Kitô, từ nhập thể tới phục sinh và đến tận việc được siêu tôn bên hữu Chúa Cha. Thánh thi trong thư gửi tín hữu Philipphê đưa chúng ta vào điểm độc sáng nhất của Kitô giáo. Vị Thiên Chúa sáng tạo đã chấp nhận hòa mình với thụ tạo của mình. Qua nhập thể, Con Thiên Chúa tự trút bỏ mọi uy quyền, mang lấy xác phàm như chúng ta. Ngài đã trở nên một người như chúng ta và mãi là như thế. Quả là một sự tự hạ đến vô cùng. Nhưng sự tự hạ của Con Thiên Chúa không dừng lại ở đó, “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,9). Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta phải tập từ bỏ chính mình, sống tinh thần tự hủy, để có thể sống yêu thương, yêu thương cho đến cùng, yêu thương hết mọi người. Cũng vậy, con đường xây dựng công lý và hoà bình của Nước Thiên Chúa phải mang dấu ấn riêng biệt của Chúa Giêsu Kitô là dấu ấn tự hủy, dấu ấn của tình yêu. Mọi lời nói và hành động của chúng ta chỉ có thể đem lại công lý và hòa bình đích thực khi mang theo dấu ấn này.

Cuối cùng, chúng ta được mời gọi làm chứng cho tình yêu tha thứ và hòa giải của Thánh Giá. Làm sao khi nhìn lên Thánh Giá, chúng ta lại không nhớ đến lời nguyện xin tha thứ của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34) ? Vì thế, để sống mầu nhiệm Thánh Giá trên quê hương đất nước chúng ta, một đàng chúng ta phải sống cách dứt khoát và quyết liệt hơn đòi hỏi của Tin Mừng, của các Mối Phúc Thật: “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” (Kinh Hòa Bình), và đàng khác chúng ta làm tất cả những điều đó vì tình yêu và với tình yêu tha thứ của Thánh Giá mà thôi. Chỉ như thế, hành động của chúng ta mới là hành động mang ý nghĩa cứu độ, hành động của người môn đệ Chúa Kitô.

7. Anh chị em thân mến,

Khi suy gẫm về mầu nhiệm Thánh Giá với anh chị em, tôi không thể không nhớ đến Bài Ca Thứ Tư về Người Tôi Tớ mà Isaia đã phác họa. Trong bức chân dung đó, Người Tôi Tớ sống trọn vẹn cho người khác và vì người khác, sống cho tình yêu và chết cho tình yêu. Hội Thánh ngay từ thuở ban đầu đã nhận ra Người Tôi Tớ đó không ai khác hơn là chính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta:

Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,
phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.
Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,
bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.
Sự thật, chính người đã mang lấy
những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề.
Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành”
(Is 53,3-5).

Xin Chúa Giêsu cùng đồng hành với chúng ta trong Mùa Chay Thánh năm nay và lôi kéo chúng ta đến với Thánh Giá cứu độ của Ngài.

Thân ái,
+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Giám Mục Giáo Phận Đàlạt

+ GM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.02.2010. 10:42