Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thi Ca và Niềm Tin trong Thơ Xuân Ly Băng

§ Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung

LINH MỤC PHÊRÔ NGUYỄN THIÊN CUNG
THI CA VÀ NIỀM TIN TRONG THƠ XUÂN LY BĂNG
(Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung biên soạn và trình bày trong phần tọa đàm
ĐÊM THƠ-NHẠC XUÂN LY BĂNG 23-6-2008 tại Tòa Giám Mục Phan Thiết)

Nếu Nghệ Thuật không chỉ là cách thế và hình thái diễn tả, trình bày “về” mà còn là nói lên tương quan “với” các Thực tại, hữu hình và vô hình, thì có lẽ Thơ và Nhạc là hai loại hình Nghệ thuật biểu đạt được những điều đó cách sâu sắc nhất và ấn tượng nhất…

Nhà Thơ và nhà văn Công giáo Hồ Dzếnh (1916-1991), trong bài viết “Thơ và Chúa” (ký tên Phạm Văn Lựu) đã phát biểu: “Cao hơn nghĩa Chúa rất Chúa, Trọn Lành trên mọi Trọn Lành, Hào Quang của muôn sáng tỏ, CHÚA, cái nghĩa chính bao quát tất cả là THƠ, CHÚA LÀ BÀI THƠ-BÀI THƠ Hằng Sống. Vĩnh viễn của HƯƠNG HOA, NHỊP ĐIỆU, MÀU SẮC, ÁI TÌNH. Đó là đạo lý thu hội lại Vũ Trụ và Nhân Sinh. Thế nhân cảm biết ĐẸP vì sẵn cái ĐẸP bên mình. CHÚA cảm biết ĐẸP vì ĐẸP là của chính NGƯỜI. NGƯỜI là ĐẸP […], Nguồn thơ bắt đầu từ đó…” (xem “Tác phẩm Đầu Xuân”, Tủ sách Nguyễn-Hà, 56 trang, khổ 15x21. In lần thứ nhất, xong ngày 10-12-1944, tại Nhà in Á Châu – Trích từ Bài Phát biểu của cụ Dục Đức Phạm Đình Khiêm đọc trong Đêm Thơ Xuân Ly Băng 26/04/2004 tại Giáo xứ Nam Hòa-Sài Gòn).

Thật vậy, con người, tự bản chất, vốn là một tổng thể “tam tài” (Thiên-Địa-Nhân hòa) (cosmothéandrique), tức là Thiên-Địa-Nhân vốn là 3 yếu tố cấu thành căn tính và bản chất của Con người. Vì thế, mọi thứ chủ nghĩa Hư Vô (le Nihilisme), Duy Nhân (l’Humanisme) và Duy Vật (le Matérialisme) đều sẽ dẫn đến chỗ làm băng hoại, thậm chí tiêu diệt Con Người. Hiện sinh của mỗi cá thể, đã hẳn, vì thế, sẽ là một Giai điệu của Bản Hợp tấu vĩ đại vốn đang được tấu lên cả ở Bên trong lẫn ở Bên ngoài Con người, Bản Hòa tấu mà con người chỉ có thể nghe được, cảm nhận được, khi con người “rà trúng” những tần số của chúng… Điều nầy có nghĩa, ở đây, có hai yếu tố cơ bản: trung tâm “phát sóng” (Thiên Chúa, thi nhân) và trung tâm “nhận sóng” (thi nhân, người đọc thơ)...

Thi nhân: Có thể nói rằng, Thi nhân đồng thời vừa là người “nhận sóng” từ Thiên Chúa vừa là người “phát sóng” đối với người đọc. Thật vậy, Thi nhân, trước tiên, chính là kẻ đã “rà trúng” tần sóng và tần số của Thiên Chúa, Đấng mà trong Ngài và bởi Ngài vũ trụ và con người tồn tại và hiện hữu. Hay nói cách khác, Thi nhân chính là kẻ đã tiếp cận được, cảm nhận được và cuối cùng dìm mình được vào trong Bản Hòa tấu vĩ đại Thiên-Địa-Nhân hòa đó…Và, chỉ trong điều kiện đó, tác phẩm phản ảnh thực tại đó mới có thể trở thành bất hủ. Một tác phẩm nghệ thuật nói chung, đặc biệt một tác phẩm thi ca chỉ có thể tồn tại lâu dài với thời gian hay còn gọi là bất hủ khi tác phẩm đó trào vọt ra từ chính trái tim của tác giả như giòng suối cách hồn nhiên và tự nhiên trào vọt ra từ chính Nguồn Suối mát. Chính yếu tố “hồn nhiên” và “tự nhiên” đó là điều làm cho Thi nhân khác với “thợ thơ”. Muốn thế, Thi nhân, đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo, phải ở trong một mối tương giao mật thiết nào đó với Thiên Chúa của mình hay với các thần thánh của mình…Vì thế, ngôn ngữ thi ca tôn giáo đồng thời cũng là ngôn ngữ của tán tụng, của ái ca, và cả của ai ca…Hay nói theo ngôn ngữ tôn giáo kinh điển, đó là ngôn ngữ cầu nguyện: thí dụ, các Kinh Upanisad [Chú giải các Kinh Veda] (tk.5 TCN), Kinh Bhagavad Gita [Bài ca của Người Hạnh phúc] (tk. 1 CN), các Thơ Kinh của Rabindranad Tagore (1861-1941) trong Aán Độ giáo; hoặc các Thơ Kinh của các Tiên tri hay các Thánh Vịnh của Do Thái giáo; hoặc ở Việt Nam, phần lớn gia tài thi ca của nhà thơ linh mục Xuân Ly Băng, ngay từ những Tập Thơ đầu đời như THƠ KINH (xb. Sàigòn 1956), HƯƠNG KINH (xb. Sàigòn 1957), TRẦM TƯ (xb. Sàigòn 1959), NỖI NIỀM (xb. Sàigòn 1961), BÀI CA THƯƠNG KHÓ (1968-2008)…cho đến những bài thơ viết sau năm 1975…Một tác phẩm thơ nếu thực sự phản ánh được những “rung động” tạo ra do những gặp gỡ ngay “tự bên trong cõi lòng mình”, tức là nơi giao thoa của những tương giao giữa Thiên Chúa, thiên nhiên và con người như thế, đã hẳn, rất dễ dàng tạo ra được sự đồng cảm và giao thoa với những ai đọc nó…

Độc giả: Về phía người đọc, có thể nói rằng người ta cũng chỉ “thưởng thức” được một bài thơ khi người ta “rà trúng” được tần số rung cảm của chính tác giả đã sáng tác ra bài thơ đó (theo như kiểu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”). Ở đây, thi nhân vừa là trung tâm “tiếp nhận sóng” (từ Thiên Chúa, từ thiên nhiên, từ tha nhân, v.v…) vừa là trung tâm “phát sóng” (đối với người đọc thơ)…Những “rung động” chân thành của Thi nhân hay của Nhạc sĩ, vì thế, sẽ không còn là của riêng cá nhân mà sẽ trở thành tài sản của mọi người, mọi thời đại. Thi ca đích thực sẽ không còn là của “tôi”, “của anh” hay “của nó” mà là “của chúng ta”, của toàn thể nhân loại…Những Mozart (1756-1791), Beethoven (1770-1827), Paul Verlaine (1844-1896), Charles Péguy (1873-1914), Nguyễn Du (1766-1820), Hàn Mạc Tử (1912-1940), Trịnh Công Sơn (1939-2001) là những thí dụ điển hình…

Trong lãnh vực thi ca tôn giáo, ảnh hưởng và tác động nầy lại càng rõ nét hơn. Có lẽ khó mà kê khai ra được cách đầy đủ con số biết bao người đã nhận ra được và yêu mến Thiên Chúa và Mẹ Maria hơn qua trung gian tác phẩm thi ca, con người và cuộc đời của nhà thơ XUÂN LY BĂNG…

Thi ca và Niềm tin: Đức Giám mục P.M. Phạm Ngọc Chi, trong Lời tựa cho Tâp thơ THƠ KINH, xuất bản năm 1956 đã ghi nhận: “Sau Hàn Mặc Tử, một số thi sĩ công giáo ra đời. Trong số đó phải kể Xuân Ly Băng, kể từ mấy năm nay đã gieo vần trên mặt báo. Tập THI KINH của thi sĩ nhẹ nhàng như hương trầm trên Cung Thánh, sẽ gợi dậy niềm cảm hứng say sưa mùi đạo tự trời cao bay xuống.”

Linh mục Cao Văn Luận, nguyên viện trưởng Viện Đại Học Huế, trong Lời Giới Thiệu Tập thơ HƯƠNG KINH, xuất bản năm 1957 khẳng định: “Tôi tin chắc rằng, đọc thơ Xuân Ly Băng, ngoài sự khoái trá êm đềm gây nên bởi nhạc điệu của câu Thơ, người ta còn nghe ở đó một tiếng kêu mời gọi hồn về Chân Lý.”

Đức Giám mục Barthôlômêo Nguyễn Sơn Lâm trong lời giới thiệu nhân dịp xuất bản tập thơ LỜI CHÚA DIỄN THƠ năm 2002 đã “tâm sự”: “Tác giả Xuân Ly Băng và tôi đã có nhiều năm học chung một trường. Rồi sau đó chia tay, mỗi người một công vụ khác nhau tại những địa phương không dễ gần gũi. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được một tập thơ của tác giả và cầm đọc trong những lúc thinh lặng, có khi cả trong những giờ cầu nguyện, vì tác giả hầu như chỉ sáng tác những bài thơ tôn giáo.”

Không chỉ trên những người tin Chúa, ảnh hưởng thi ca của Xuân Ly Băng còn bao trùm trên cả những người trước kia vốn chưa tin Chúa như trường hợp ảnh hưởng thi ca của Hàn Mặc Tử đối với các ông Võ Long Tê và Phạm Xuân Tuyển…:

Thi sĩ Đinh Hùng, một nhà thơ không cùng tín ngưỡng trong Lời TỰA viết cho Tập thơ NỖI NIỀM của Xuân Ly Băng, xuất bản năm 1961 đã ghi nhận: “[…] Tôi vẫn thắc mắc nghĩ rằng: Giữa thời đại máu xương ngự trị, những tín đồ-thi sĩ như Xuân Ly Băng chính là những sứ giả đã giúp chúng ta tìm thấy Niềm Tin, cũng như người thái cổ, giữa đêm huyền bí sơ khai, đã tìm thấy lửa. […]. Ngày nay, đọc thơ Xuân Ly Băng, niềm thắc mắc của tôi không còn nữa. Nhà thi sĩ-tín đồ đã đem lại cho tôi Niềm Tin. Và Niềm Tin cần thiết nhất cho chúng ta hiện thời chính là phải như Xuân Ly Băng, tin rằng Linh Hồn bất diệt, ngoài thế giới hữu hình còn có một thế giới vô hình, tốt đẹp hơn.”

Các ông Trần văn Sơn và Phan Chính, hai tác giả không cùng tín ngưỡng ở vùng Bình Tuy, trong bài SƠ LUẬN VỀ NHỮNG NHÀ THƠ TRÊN BỐN MƯƠI (ở Bình Tuy trước 1975), in trên tờ ĐẤT MỚI năm 1973, nhận xét: “[…]. Dân địa phương chỉ biết có một Linh mục Lê Xuân Hoa lãnh đạo giáo hạt Bình Tuy, chứ không biết Ngài còn là thi sĩ Xuân Ly Băng với một nhịp tim đánh thức dậy trong lòng người niềm tin và sự ngưỡng vọng về Thiên Chúa.” (trang 94).

Nhà thơ Lê Ngọc Trác, trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận, tuy không cùng tín ngưỡng, đã cảm nhận được từ Thơ của Xuân Ly Băng: “Cảm hứng trong dòng chảy của thơ Xuân Ly Băng bắt nguồn từ đức tin Thiên Chúa. Nhà thơ như là những sứ giả giúp cho chúng ta tìm thấy niềm tin. Thơ Xuân Ly Băng rất gần gũi với cuộc đời chúng ta, tỏa ngát một tình thương cao cả, tinh thần và đầy lòng trung hậu. Thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp những nét lãng mạn trong thơ Xuân Ly băng thì cũng chỉ là một thứ lãng mạn đã được thăng hoa, được gột rửa những trần trụi của đời thường để rồi hóa thân thành Thơ Kinh.” (xem Lê Ngọc Trác, Một chút tình thơ, xb. Hội VHNT Bình thuận 2008, trang 22).

Như vậy, hẳn người ta cũng đã có thể nhận ra, cũng như Tình yêu vốn là một thứ Ngôn ngữ phổ quát, Ngôn ngữ Thi ca đích thực cũng là một thứ Ngôn ngữ phổ quát, mọi người đều có thể nói ra và ai ai cũng đều có thể hiểu được, bởi vì Thi ca không gì khác hơn chính là những đoản khúc của Giai điệu vĩnh hằng được tấu lên bởi Bản Giao hưởng vĩ đại là Mầu Nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi và huyền nhiệm “Thiên-Địa-Nhân hòa” nơi Vũ Trụ và cả Bên trong lòng người…

Vì thế, một nền Thi ca đích thực, tất yếu phải dẫn đưa con người đến với Niềm tin, đến với con người, đến với Tình Yêu và cuối cùng đến với Thượng Đế… Đó chính là Sứ mạng của Thi ca nói chung và đặc biệt của Thi ca tôn giáo:

“Văn chương và Nghệ thuật cũng theo thể cách riêng mà giữ một vai trò quan trọng trong Giáo Hội. […]. Như thế, văn chương và nghệ thuật có thể nâng cao đời sống nhân loại, được diễn tả dưới nhiều hình thức, tùy từng thời và từng miền khác nhau. Vì thế, cần phải làm sao để các văn nghệ sĩ cảm thấy rằng Giáo Hội đang lưu tâm đến hoạt động của họ...” (Hiến chế GS số 62).

Và: “Bây giờ đây, Công đồng muốn ngõ lời với tất cả các bạn, hỡi anh chị em nghệ sĩ, những con người vốn bị cuốn hút bởi Cái Đẹp và lao tâm khổ tứ cho Cái Đẹp: các nhà thơ và các nhà văn, các họa sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư, nhạc sĩ, những con người của nghệ thuật sân khấu và điện ảnh…Qua tiếng nói của chúng tôi, Giáo Hội của Công Đồng muốn nói với tất cả các bạn rằng nếu các bạn là bạn hữu của một nền nghệ thuật đích thực, thì các bạn cũng là bạn hữu của chúng tôi !

Từ thưở sơ khai của mình, Giáo Hội vốn đã liên minh với các bạn. Các bạn đã từng xây dựng và trang trí các đền đài của Giáo hội, đã từng tôn vinh các tín điều của Giáo hội, đã từng làm giàu cho phụng vụ của Giáo hội. Các bạn đã từng giúp Giáo hội phiên dịch sứ điệp thần linh của mình qua trung gian những thứ ngôn ngữ tạo hình, đã giúp Giáo hội khiến cho thế giới vô hình trở nên có thể nắm bắt được.

Hôm nay cũng như hôm qua, Giáo Hội cần đến các bạn và hướng về các bạn. Qua tiếng nói của chúng tôi, Giáo hội muốn nói với các bạn rằng đừng phá vỡ đi một trong những liên minh phong phú giữa các bạn và Giáo hội! Đừng từ chối sử dụng tài năng của các bạn phục vụ chân lý thần linh ! Đừng bưng bít thần trí của các bạn trước hơi thở Thánh Thần !

Thế giới mà trong đó chúng ta đang sống vốn rất cần cái ĐẸP để khỏi rơi vào những nỗi niềm thất vọng đắng cay. Cái ĐẸP cũng như SỰ THẬT, vốn là cái mang lại NIỀM VUI nơi sâu thẳm lòng người, và chính hoa qủa qúi báu là niềm vui đó vốn là cái giúp con người chống lại được sức tàn phá của thời gian, là cái nối kết các thế hệ lại với nhau và làm cho các thế hệ hiệp thông được với nhau trong tâm tình cảm phục. Và điều đó là tùy ở nơi các bạn…” (xem Các sứ điệp của Công Đồng Vaticanô II ra ngày 08 tháng 12 năm 1965, phần Ngõ lời với các Nghệ sĩ, không có trong Bản dịch của GHHV Thánh PIÔ X Đà Lạt; trích đoạn nầy do tác giả Bài nầy dịch từ Concile oecuménique Vatcan II, Eùd. Du Centurion 1967, pp. 729-730).

Và, kính thưa tất cả qúi vị, hôm nay đây, tôi cũng muốn dùng những lời ngõ nầy của Công Đồng chung Vaticanô, để nói với tất cả qúi vị, về nhà thơ XUÂN LY BĂNG, một cây Đại thụ của nền thi ca Công giáo Việt Nam, niềm tự hào chung của toàn thể Giáo phận Phan Thiết, người ròng rã hơn 60 năm qua như phù sa âm thầm đã bồi đắp cho cuộc đời chúng ta Niềm Tin và Niềm Vui giúp chúng ta thoát khỏi niềm thất vọng và nhờ đó chống lại được sức tàn phá của thời gian…

Lm Peter NGUYỄN THIÊN CUNG

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.07.2008. 14:01