Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

'Nó còn giữ đạo không?' - Tiễn biệt Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng

§ Mai Quốc Ngọc Khôi

Cách đây nhiều năm, lần đầu tiên đặt chân xuống Hà Nội, rồi từ đó đi về làng quê Thái Thụy (Thái Bình), một người tín hữu sinh ra và lớn lên ở miền Nam như tôi đã không khỏi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ nọ. Suốt dọc đường đi, ngang qua các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định… các ngôi thánh đường cổ kính, sừng sững tháp chuông với những lá cờ vàng trắng tung bay chấp chới. Về đến tận giáo họ quê tôi, vẫn “lá cờ Tòa Thánh” không huy hiệu, treo theo “lối địa phương” trông như một bảo chứng “máu chiên bôi trên cửa” giữa bốn bề đồng lúa. Tôi rùng mình nhiều lần. Chắc hẳn, ai rõ chuyện “cờ quạt” vốn “tế nhị” và “nhạy cảm” thế nào ở đất nước này, thì cũng chia sẻ cái rùng mình như tôi! Hơn nữa, hình ảnh này rất khó bắt gặp ở phương Nam, thậm chí đâu đó tại Sài Gòn, cho rằng việc treo cờ như thế là… nhà quê!? Giáo họ tôi chưa có linh mục. Mỗi năm, chỉ duy nhất lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời bổn mạng họ đạo là có cha về dâng thánh lễ. Thế nhưng, tất cả các ngày còn lại trong năm, nhà thờ lúc nào cũng sáng đèn vào lúc chập choạng để dân làng đến đọc kinh, lần hạt. Mọi việc do Ban hành giáo lo liệu cho bà con…

90222DHY1.jpg
90222DHY2.jpg

Quay về Hà Nội, khi chen chúc trước cửa Nhà thờ Sainte Marie (Dòng thánh Phaolô thành Chartres, số 37 Hai Bà Trưng) tìm chỗ gửi chiếc xe đạp cà tàng mượn ở nhà trọ, mắt tôi cay khi tai tôi nghe người mẹ trẻ đang hối hả dắt tay cô con gái tuổi mẫu giáo của mình vào nhà thờ: “Nhanh lên con, hôm nay lễ trọng đấy!” Tôi nhớ ra hôm đó lễ Thánh Phanxicô Xaviê và tôi chỉ đến nhà thờ theo thói quen. Nhà thờ đông nghịt người… Cậu bé vừa tan trường, tháo vội chiếc khăn quàng đỏ “đội thiếu niên tiền phong”, phóng vào phòng mặc áo Nhà thờ Cửa Bắc. Hỏi thăm, tôi biết em là lễ sinh và tham gia đội dâng hoa của giáo xứ. Chị phụ trách vừa trang điểm cho các em, vừa cười nói: “Hôm nay, các em được mời đi dâng hoa kính Đức Mẹ tại Nhà thờ Chính tòa”.

Còn rất nhiều tình cờ dễ thương mà tôi dễ dàng bắt gặp ở “Giáo Hội miền Bắc”, nơi tiếng là “một Giáo Hội tiền Công đồng”, sao lại sống động lạ? Mỗi chiều Chúa Nhật, các chủng sinh lại tìm đến chân cầu Long Biên, băng qua “bãi tắm tiên” tai tiếng tăm của Hà thành - ngay cả “người Hà Nội gốc” cũng chưa chắc dám mò đến - để dạy đọc và viết cho thiếu nhi của cái làng nổi tự phát trên sông Hồng. Những chữ đầu tiên mà các em ê a hay nguệch ngoạc trên giấy lại là những câu Kinh Thánh.

Bằng sự kiên trung của mình, như một người khổng lồ “nhắm mắt để đó” và đã trỗi dậy, có lẽ sẽ có nhiều nghiên cứu, đánh giá, phân tích chính xác hơn về những nguyên nhân “thắng trận” của Giáo Hội miền Bắc. Chắc chắn có rất nhiều yếu tố làm nên sự thành công. Và chỉ có Chúa mới tường Thánh Thần Chúa đã làm việc thế nào trong suốt 3/4 thế kỷ dưới “chiếc vòng kim cô”. Trong kích thước bài viết này, tôi nghĩ đến gương sáng của các vị Chủ chăn.

Sự thánh thiện, đời sống cầu nguyện và can trường của 3 đời Hồng Y Hà Nội, của các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, giáo dân và những người thiện chí thuộc Tổng Giáo phận, há chẳng phải là một chất hồ tinh kết dính đại gia đình Tổng Giáo phận? Nói như Cụ cố Giuse Vũ Thế Hùng - thân phụ cha Matthêu Vũ Khởi Phụng (DCCT): "Giáo Hội miền Bắc như viên gạch xin-va-ran, càng nén, càng chắc và cứng”. (Gạch xin-va-ran là một loại gạch nổi tiếng thời bao cấp ở miền Bắc)

Gần gũi hơn cả về thời gian và tình cảm, chính là Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng. Bất cứ giáo hữu miền Nam nào khi ra Bắc vào giai đoạn “mở cửa” trở đi, cũng đều được khuyên rỉ tai “Nên vào thăm Đức Hồng Y, ngài thích lắm!” Tuy thế, lần đầu đứng tần ngần trước Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, tôi lại hình dung đến “cung cách” và “bầu khí” ở Tòa Tổng thành phố thân yêu của tôi, tôi lại thôi, không dám vào. Phải đợi đến đầu năm 2008, khi cùng đoàn đại biểu Công Giáo Sài Gòn ra Hà Nội dự hội thảo “Liên kết các hoạt động thực tiễn của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trước đại dịch HIV/AIDS” do Hội đồng Giám Mục Việt Nam phối hợp cùng Caritas Đức tổ chức, chúng tôi mới được diện kiến Đức Hồng Y Tụng lần đầu tiên. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, các thầy chủng sinh dẫn chúng tôi vào phòng ngài. Đức Hồng Y đang được mớm thức ăn. Vì biết tình trạng sức khỏe của ngài, nên chúng tôi đã xác định chỉ thăm hỏi chứ không mong bàn luận gì nhiều. Gặp chúng tôi, ngài hết sức vui vẻ, nở nụ cười khó nhọc, vì vướng víu ống dẫn cắm vào lỗ mũi. Ngài thở chậm và khó. Đôi mắt vẫn hết sức linh lợi và sáng quắc. Chúng tôi cố gắng nhắc lại cho Đức Hồng Y những kỷ niệm trong công tác mục vụ ngày xưa, ngài không nói gì cả, chuyện nào vui và nhớ thì ngài cười hoặc gật đầu. Tình cờ, một người bạn trong nhóm chúng tôi đề cập đến một thanh niên ở Pháp, người mà khi sang bên ấy, Đức Hồng Y đã có lần tá túc tại nhà anh. Vừa nghe xong, ngài chỉ hỏi lớn: “Nó có còn giữ đạo không?” Mọi người kinh ngạc, ai cũng nghĩ giọng ngài vào lúc này không thể nào to và rành rọt như thế. Bất ngờ với câu hỏi kiểu như của một cụ già miền Bắc với “lòng đạo đức bình dân”, mọi người cười ồ. Ngài cũng cười. Nhưng sau đó mọi người nhìn nhau, thinh lặng. Câu hỏi “Nó có còn giữ đạo không?” vẫn văng vẳng bên tai tôi đến hôm nay. Đó có thể là một trong những lời nói cuối cùng của Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng với các giáo hữu đến thăm ngài trong những ngày tháng sau hết.

Thời điểm ấy, Tổng Giáo Phận Hà Nội đang chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm bổn mạng, thượng thọ 90 tuổi, 60 năm Linh mục, 45 năm Giám mục, 15 năm Hồng Y của ngài. Chúng tôi tản bộ dọc theo phố Nhà Chung. Có mấy người giáo dân túc trực cạnh Tòa Khâm Sứ. Họ kết hoa cắm lên hàng rào khu đất đang “tranh chấp” ấy. Một cụ già trong số đó phấn khởi với tôi: “Tết này tôi ở lại Hà Nội, chú ạ!”. Cốc chè xanh mới hãm, khói ngheo ngói theo làn hơi đã khan, ông mời tôi cho đỡ lạnh. Ông tâm sự, nhiều năm trước, ông không dám đưa tay làm dấu thánh giá. Ông bảo tôi cầu nguyện cho Giáo Hội miền Bắc với: "Chú về trong ấy sớm quá, ráng ở thêm vài ngày, mừng bổn mạng Đức Hồng Y và cầu nguyện cho ngài, cho chúng tôi..." Im bặt để lắng nghe Xuân Hà Nội. Câu chuyện dừng giữa đôi mắt xa như hành trình về Đất Hứa. Ông chong đóm, rít thuốc lào... khói quyện khói theo từng câu: "Đời tôi, đời người dân xứ Bắc chưa bao giờ lạc niềm tin!" Trời Hà Nội gió căm căm. Phải chăng cơn rét này sẽ "đông lạnh" Hà Nội. Ông xiết chặt tay run vì lạnh nhưng sưởi nóng lòng người phương Nam. Hơn ai hết, hẳn ông và những tín hữu “tiền công đồng” khác sẽ khóc rất nhiều khi hay tin Đức Hồng Y thân yêu của chúng ta đã được Chúa gọi về. Sự thánh thiện, đời sống cầu nguyện và can trường chính là một thứ “nội công” mà người dân xứ Bắc nói riêng và người Công giáo Việt Nam nói chung đã được nêu gương sáng để chiến thắng mọi thử thách.

Từ sau sự kiện Bùi Phát - bảo vệ Đức Khâm Sứ - những “tiếng chuông báo hiệu Giáo hội đang lâm nguy” dường như đã hoàn toàn bị “khai tử” ở Sài Gòn (thậm chí nhiều nơi tháp chuông đã “biến mất”)!? Chiều 22-2-2009, Hà Nội ngân tiếng chuông bi tráng, sầu vương một vị anh hùng vừa hoàn tất giờ Vượt Qua của mình. Tương tự, những tiếng chuông trước đó không lâu, cũng rền vang khắp giáo phận khi “dùi cui, chó săn và hơi cay” tiến vào các linh địa… Tiếng chuông - đó lại không phải là “di sản” biểu trưng của tinh thần Phạm Đình Tụng dành cho Tổng giáo phận Hà Nội và Giáo Hội Việt Nam? Đó lại không phải là tình cảm thiêng liêng mà giáo dân Hà Nội, giáo dân Việt Nam trên toàn cầu nói lời tri ân với vị Chủ chăn đáng kính? Sức mạnh của Giáo Hội Công Giáo chính là đời sống chứng nhân. Đức Cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng - một chứng nhân quá đỗi bình dị, đến và đi trong một giai đoạn lịch sử dị thường của dân tộc. Và hậu bối chúng ta, là những kẻ tin được mời gọi tiếp bước!

Mai Quốc Ngọc Khôi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 22.02.2009. 12:31