Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhật ký Sở Kiện: Tái hiện một nét trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam?

§ DXT

Sở Kiện 23.11.2009 - Bốn giờ chiều ngày 23/11/09, tôi theo xe của giáo phận về tới Trung Tâm Hành Hương Sở Kiện để tham dự lễ khai mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, do tổng giáo phận Hà Nội phối hợp với các giáo phận trong giáo tỉnh Hà Nội tổ chức. Chưa kịp thu tất cả quang cảnh chung quanh vào mắt, tôi đã được các hướng dẫn viên đưa tới bàn tiếp tân để nhận phù hiệu sau khi đã khai báo tên tuổi – ngành nghề - giáo phận. Kê khai vừa dứt, tôi đã được một hướng dẫn viên giao cho một ông giáo dân đứng tuổi. Ông mời tôi lên xe honda để đưa về nhà, tắm rửa, ăn tối, trước khi tham gia đoàn rước kiệu tôn vinh các thánh tử đạo Việt Nam.

Tại đây tôi đã gặp 4 linh mục khác, người vừa rửa mặt rửa tay chân xong, người đang ngồi trò chuyện với các linh mục khác và chủ nhà. Bây giờ tôi mới hiểu cách tiếp đón khá bất ngờ tại Sở Kiện: khoảng 150 gia đình trong giáo xứ có điều kiện ăn ở đã tình nguyện đón tiếp chừng 800 linh mục nghỉ đêm và cơm nước trong thời gian tham dự lễ khai mạc Năm Thánh.

Đây không phải chỉ là biện pháp tiện lợi để giảm nhẹ gánh nặng cho ban tổ chức trong việc giải quyết vấn đề phục vụ lượng khách quá đông ở một nơi hành hương chật hẹp, không có những nhà ăn ở tập thể rộng lớn hay nhiều nhà nghỉ tiện nghi. Mà nhất là nó làm tôi nhớ đến một trong những phương cách đã trở thành quen thuộc để truyền giáo ở những vùng đất xa lạ của Việt Nam, không chỉ vào những thế kỷ từ 17 đến 19 mà còn ngay trong thế kỷ này.

Con đường lửa đức tin đi qua thường là đi qua các gia đình. Thậm chí còn bắt đầu từ bếp lửa của gia đình. Một bữa cơm gia đình hay đôi khi, chỉ một bát nước chè, là đủ để khởi đầu cho đức tin được nhen lên, được nuôi giữ, được thổi bùng lên và truyền sang người khác. Nhà truyền giáo có thể ghé một căn nhà tranh nào đó trong làng xin bát nước để giải khát và nghỉ mệt; nhân đó, hỏi thăm gia cảnh và giới thiệu đôi chút về mình. Ghé một vài lần và trở thành quen biết. Có lần, ngài được giữ lại để dùng bữa cơm đạm bạc với gia đình. Riết rồi trở thành thân quen, cả những nỗi lòng và tâm sự từ thuở nào cũng được đem ra bày tỏ. Nhà truyền giáo sẽ bắt đầu từ một sự khắc khoải hay ước mơ nào đó để giới thiệu tin mừng và hy vọng do Đức Giê-su mang lại. Dần dần, một gia đình, hai gia đình và cả xóm xúm xít đến nghe “ông khách lạ” hay “ông cha” học đạo, mỗi khi ông ghé thăm. Và từ đó một tổ chức được hình thành, có phân công hẳn hoi: người có nhiệm vụ báo tin, người có công tác lo cơm nước, người được chia việc sắp xếp nơi làm việc và nghỉ ngơi, thậm chí còn có cả người canh gác trong thời kỳ những “kẻ lạ” bị theo dõi… Hầu như sự thành hình và phát triển của đại đa số giáo xứ Việt Nam đều đi qua các gia đình, ít hay nhiều như thế. Chính cách truyền giáo này đã để lại trong Giáo Hội Công Giáo một nét rất rõ: đó là một cộng đồng mang tính gia đình, với những quan hệ mang sắc thái gia đình, các lễ hội và tập tục cũng mang nét gia đình… và dĩ nhiên Tin Mừng cũng phải là tin mừng đáp ứng những băn khoăn và ước nguyện của gia đình – từ từ tiến tới một gia đình rộng lớn hơn, gia đình Giáo Hội, giáo hội của Thiên Chúa và con người. Phương pháp này có được cái lợi là tạo ra sự gắn kết chặt chẽ, nhưng cũng có rủi ro là khép kín trong một gia đình hay một khu xóm hoặc một làng xã nhất định, nếu không giao lưu với những gia đình, khu xóm và làng xã khác.

Các nhà truyền giáo nước ngoài không phải học kinh nghiệm này từ các gia đình Việt Nam cho bằng là nhờ đó mà có nhiều dịp hơn để thể nghiệm phương pháp truyền giáo ấy kỹ lưỡng và cụ thể hơn. Bởi vì ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, Phao-lô và các tông đồ khác thường xuyên truyền giáo theo con đường này: kết hợp với các gia đình để đón nhận đức tin, nuôi giữ đức tin và truyền bá đức tin. Thậm chí, có lúc Phao-lô phải ở lại các gia đình ấy một thời gian khá lâu, và vì thế, phải nghĩ ra một nghề để nuôi thân hoặc để hỗ trợ các gia đình mình đang tá túc, như gia đình hai ông bà Aquila và Priskila.

Phải chăng giáo phận Hà Nội đang góp phần làm sống lại một nét rất đặc thù và cổ điển trong nghệ thuật truyền giáo của Giáo Hội Ki-tô ? Và nhân đây, mời gọi Giáo Hội Việt Nam chúng ta trở về và làm mới lại một nét cố hữu rất đẹp trong đời sống đức tin của chúng ta: đức tin phát xuất từ gia đình và lớn lên trong và nhờ gia đình. Giản dị vì chính Thiên Chúa – nguồn cội và đối tượng trên hết của đức tin – cũng vốn là một Thiên Chúa của gia đình, một Thiên Chúa với Ba Ngôi. Nhất là sau khi đã thử nghiệm và thực hành nhiều phương pháp truyền giáo khác. Chưa kể một sự thật phũ phàng: các xã hội tiến bộ và các xã hội đang tiến bộ như Việt Nam đang phải chứng kiến sự già nua mỏi mệt và sự đổ vỡ suy sụp của mình, một phần là do chúng đã bị già cỗi và sụp đổ từ trong hạ tầng cơ sở là các gia đình và các quan hệ trong gia đình. Thế mà, gia đình không phải là một mối quan tâm tùy nghi hay phụ thêm, mà phải là mối quan tâm hàng đầu và căn bản; gia đình cũng không phải là đối tượng bên cạnh hay khi cần, mà phải là đối tượng trước hết và ưu tiên.

DXT

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.11.2009. 10:17