Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhân dịp khai mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đọc lại một bài báo

§ Nguyễn Đức Cung

Nhân dịp khai mạc Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đọc lại một bài báo của Trần gia Phụng

Đối với một tôn giáo mà nguyên lai của nó là “xuất ư thiên” như đạo Công Giáo, việc truyền bá giáo lý và làm cho thấm nhuần cái giáo lý có nguồn gốc “bởi trời” đó vào cuộc sống con người trần thế trong xã hội thật sự không phải là dễ dàng nhưng là một công cuộc trường kỳ gian khổ không chỉ bằng mồ hôi, nước mắt mà cả bằng máu nữa. Dòng máu đức tin đã thật sự chảy ra khắp nơi trên hoàn vũ trong đó đã thấm đẫm đất nước Việt Nam qua thời gian hơn hai mươi thế kỷ, và máu càng chảy thì hạt giống đức tin càng sinh sôi nảy nở, đúng như lời giáo phụ Tertullien (155-222) đã nói: “Dòng máu tử đạo là hạt giống sinh người có đạo.” [1]

Khi chọn ông Phê-rô làm người đứng đầu để cai quản giáo hội Thiên chúa giáo, Đức Ki-Tô đã nói rằng: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực của tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mát-thêu 16:18). Và Đức Ki-tô cũng chúc lành cho những ai theo Người: “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.” (Mát-thêu 5: 11).

Sự tiên báo của Đức Ki-Tô về những khó khăn mà giáo hội của Người sẽ phải chịu đựng trước sức mạnh của tà thần đã được tỏ lộ nhiều nơi trong bốn sách Tin Mừng thuộc bộ Tân Ước, cho nên đối với người Công Giáo - nhất là người Công Giáo Việt Nam – thử thách đức tin còn có nghĩa là thể nghiệm tính kiên trì, bền đỗ của mình trong ơn gọi làm người tín hữu. Những sự bách hại, chống phá, tiêu diệt, trù dập, bôi bác đạo Công Giáo không phải là những hình thức mới xuất hiện gần đây nhưng mà đã có từ hơn hai nghìn năm trước dưới nhiều thể chế chính trị của nhân loại và những sự kiện đó đối với người Công Giáo được coi như là những phương cách để tinh luyện con người, thánh hóa giáo hội.

Trên tạp chí Thế Kỷ 21 số 208 August 2006 có đăng một bài báo rất ngắn của nhà sử học Trần Gia Phụng nhan đề “Đạo Thiên Chúa và cuộc xâm lăng của Pháp” vốn là một tác giả có bài xuất hiện khá thường xuyên tại cơ quan ngôn luận này trước đây. Bài báo đó được Ban chủ biên “Tuyển tập Gia Đình Thánh Tự 1957-2007” do các ông Hoàng Đình Hiếu (ở Texas) và Hoàng Đình Cảnh (ở California) phụ trách biên tập đã xin phép tác giả đổi lại nhan đề là “Bước đầu truyền giáo tại Việt-Nam” mà theo Ban chủ biên là “để cho phù hợp với đường hướng và tôn chỉ của Tuyển Tập” trước khi đăng lại vào tuyển tập. Nội dung của bài trên Thế Kỷ 21 so với bài trên Tuyển Tập Gia Đình Thánh Tự có một vài thay đổi nhỏ nhưng xét ra cũng quan trọng mà chúng tôi sẽ phân tích ở sau.

Trước hết đây không phải là một bài viết đầu tiên đề cập tới sự liên quan giữa đạo Công Giáo với sự xâm lăng của người Pháp. Trước Trần Gia Phụng đã có rất nhiều tác giả viết về vấn đề này nhằm mục đích mạ lỵ tôn giáo, xuyên tạc sự thật, chống phá Công Giáo có chủ đích. Có người như nhà văn Chu Văn (chủ tịch Hội nhà văn tỉnh Hà Nam Ninh) đã viết Những ngày lễ thánh hay Cha và con và, hoặc Bão biển dùng Công giáo làm đề tài, đối tượng để châm biếm, mỉa mai mà tác phẩm của ông được nhà nước Cộng Sản dựng thành phim đem ra trình chiếu khắp nơi. Có người như Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nhìn ngọn tháp nhà thờ CG nổi lên cao vút giữa miền quê như là một “vật xa lạ” (un objet inconnu) trong lòng cuộc sống dân tộc (?). Sử dụng các hình thức văn hóa, văn nghệ để bài xích tôn giáo, hoặc do chính sách, chủ trương của đảng CS đưa ra vì theo lời dạy của Mác “tôn giáo là thuốc phiện” hoặc do cá nhân tình nguyện thực hiện trong ước vọng mưu cầu miếng cơm manh áo là việc làm chẳng đặng đừng và có thể giải thích được. Đối với một số người viết sử ở hải ngoại, không bị kìm kẹp do chế độ kiểm duyệt sách báo của nhà nước cộng sản vô thần, dùng hình thức sử học để bẻ cong sự thật theo ý muốn của mình, viết sử theo lối đặt tiền đề trước kết luận, dụng ý của họ thật tình khó mà hiểu được. Mong rằng bài báo của tác giả Trần Gia Phụng không nằm trong trường hợp như thế.

Trước hết, đứng về phương diện ngôn từ mà xét thì ngay cái nhan đề của bài báo cũng đã có mặt không chỉnh: Đạo Thiên Chúa và cuộc xâm lăng của người Pháp. Có lẽ tác giả nên thêm vào mấy chữ như “Đạo Thiên Chúa và cuộc xâm lăng của người Pháp ở Việt Nam” thì về ý nghĩa mới có sự hoàn chỉnh hơn để tránh được sự hiểu lầm bởi lẽ người Pháp không chỉ xâm lăng một nơi là VN mà còn đi khắp nơi trên thế giới như ở ba nước Bắc Phi chẳng hạn. Khi nói đạo Thiên Chúa người ta có thể nghĩ tới phạm vi hoàn vũ của tôn giáo đó nếu tác giả không minh định rõ ràng giới hạn của đề tài. Xâm lăng tự bản chất nó đã là một ngôn từ mang ý xấu vì là đi lấn chiếm, cướp đoạt đất nước người làm của mình, là thi hành chính sách thực dân để nuôi sống mẫu quốc. Việc nối kết đạo Thiên Chúa vào với cuộc xâm lăng của người Pháp có thể mang dụng ý kín đáo của tác giả muốn tạo sự liên tưởng nối kết giữa một thực thể tốt đẹp với một hành động xấu xa. Bởi vậy cho nên khi đưa bài viết đó vào một tuyển tập nói về lịch sử Tiểu Chủng Viện Thánh Tự, vườn ương các linh mục của Giáo phận Vinh trước đây, Ban chủ biên như đã thấy được sự bất ổn nằm trong đó nên đã xin đổi lại nhan đề là “Bước đầu truyền giáo tại Việt Nam” cùng với lý do mà chúng tôi đã trích dẫn như trên. Dĩ nhiên nhan đề tuy đã được thay đổi như thế nhưng nội dung thì vẫn đa phần y nguyên, cho nên chúng tôi sẽ phân tích bài báo đăng trên Tạp chí Thế kỷ 21 nói trên cùng bài có sửa lại chút đỉnh trên Tuyển Tập Gia Đình Thánh Tự để góp một vài ý kiến với tác giả TGP.

Đọc cái nhan đề bài báo của TGP chúng tôi thấy cũng không khác chi nhan đề cuốn luận án tiến sĩ của Cao Huy Thuần là “Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam” đã xuất bản cách đây gần hai thập niên, nhưng đầu đề sách của Cao Huy Thuần rõ ràng và đầy đủ hơn vì là một tập luận án lấy bằng tiến sĩ. Không lẽ vì một bài báo ngắn, rất ngắn nên TGP cho rằng viết đầu đề sao cũng được, độc giả phải liệu tìm hiểu lấy.

Khi đặt nhan đề cho bài báo như vậy, ý hẳn tác giả TGP muốn lưu ý độc giả rằng đạo Thiên Chúa là nguyên nhân của việc người Pháp xâm lăng Việt Nam hay đạo Thiên Chúa là cái cớ để người Pháp đánh chiếm nước ta hoặc đạo Thiên chúa là dụng cụ để người Pháp thôn tính đất Việt. Đây là một cách viết sử của tác giả TGP nghĩa là đặt ra một tiêu đề rồi sử dụng cái vốn hiểu biết và bắt buộc lịch sử phải diễn tiến theo một cái khung đã được làm sẵn theo ý của tác giả. Tuy nhiên lịch sử đã diễn ra trong quá khứ quả không đúng như điều tác giả mong viết lại và quảng diễn nó theo ý định tiên khởi của mình. Thử hỏi cách viết sử như vậy có phù hợp với phương pháp luận sử học hay không? Có lẽ là không!

Sau đây là ý kiến của giáo sư linh mục Nguyễn Phương từng dạy sử tại Viện Đại Học Huế trước năm 1975: “Muốn thấy rõ hơn về tương quan nhân quả, nên có một quan niệm rành mạch về nguyên nhân. Trong những khoa học riêng, như lịch sử, nguyên nhân cần phải tìm là nguyên nhân gần, nguyên nhân gây sự, chứ không phải tìm nguyên nhân xa, nguyên nhân của sự vật, như trong những khoa học chung. Quan niệm về nguyên nhân cũng không phải là dễ phân tích. Nguyên nhân là bất cứ cái gì mà vì ảnh hưởng của nó đã làm cho một sự vật trước kia chưa có, và bay giờ có, hay là làm cho sự vật đó trước đã có dưới một hình thức nào đó, và nay đổi sang một hình thức khác. Trong lịch sử, khi nói đến nguyên nhân, người ta hiểu là những động cơ có hiệu lực vừa nói.” [2] Quan niệm rành mạch về nguyên nhân qua những giòng viết được trích dẫn trên đây của linh mục Nguyễn Phương là gì nếu không phải là một căn dặn sử gia phải tìm hiểu cặn kẽ về một đối tượng nào đó trước khi đặt bút viết.

Sau đây chúng tôi sẽ tuần tự phân tích bài viết của tác giả TGP để thấy được sự biết có rành mạch hay không của tác giả về lịch sử đạo Công Giáo tại Việt-Nam cùng những luận cứ sai lầm của TGP không hiểu vô tình hay hữu ý qua đó phần nào có phương hại cho ngòi bút viết sử của tác giả.

Trong phần mở đầu tác giả TGP viết: “Đạo Thiên Chúa được truyền vào Đại Việt từ thế kỷ 16, ở Đàng Ngoài cũng như ở Đàng Trong. Lúc đầu, các giáo sĩ tây phương đến truyền giáo thuộc nhiều dòng tu khác nhau và có nhiều quốc tịch khác nhau. Vào giữa thế kỷ 17, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1593-1660), thuộc Dòng Tên (Society of Jesus) và người gốc Pháp, đề nghị với Tòa thánh Vatican xin thành lập hàng giáo sĩ Đại Việt.” Ở đây TGP cho biết linh mục Alexandre de Rhodes là “người gốc Pháp” nhưng ở một tài liệu khác, cuốn sách Những câu chuyện Việt sử, tập 4, ông lại nói linh mục Alexandre de Rhodes có “gốc Do Thái” [3]. Theo Amé Chezaud trong “Alexandre de Rhodes từ trần” (Đỗ Quang Chính phiên dịch và chú thích) thì “không có dấu chỉ Rhodes thuộc dòng dõi Do Thái như người ta tưởng. Hãy cứ tạm nhận cho Rhodes có nguồn gốc Do Thái.” [4] Có lẽ ý TGP muốn cho cha Đắc-Lộ là “người gốc Pháp” để dễ quy kết người làm việc cho nước Pháp, vì quyền lợi nước Pháp như đã từng thấy trong nhiều bài viết của TGP [5]. Thật ra luận cứ đó không có gì mới mẻ đối với giới nghiên cứu sử học ngày nay bởi vì cách nay hơn nửa thế kỷ Georges Taboulet đã viết trong cuốn La geste francaise en Indochine (Paris, 1955, PDK tr. 205) rằng: “Le Père Alexandre de Rhodes introduisit le Christianisme et la France au Việt-Nam.”(giáo-sĩ Đắc-Lộ đem đạo Thiên Chúa và nước Pháp vào Việt-Nam) . Chính nhà văn kiêm sử gia Phạm Đình Khiêm đã dõng dạc vạch rõ sai lầm của G. Taboulet như sau: “Không. Giáo-sĩ Đắc-Lộ chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: truyền bá Phúc-âm, chỉ theo một mạng-lịnh duy nhất: Tòa-Thánh La-Mã. Chính ông đã phải nại đến lý do mình là người Avignonnais, nghĩa là công dân của Tòa Thánh (NĐC in đậm), chứ không phải quốc-tịch Pháp, để được Cha Bề trên cả Dòng Tên dễ dàng chấp thuận cử sang Viễn-Đông truyền giáo: “Je ne pense pas non plus que mon lieu d’origine puisse être un obstacle à mon départ pour l’Inde. Je suis en effet Avignonnais et sujet du Souverain Pontife...” (Xem: G. BOTTEREA. Textes anciens. “Quitter l’Europe et ses délices”. Alexandre de Rhodes. Trong tạp chí Christus, số 8, 1955, tr. 535-539. Ở phụ bản có in hình chụp đoạn cuối bức thư và chữ ký của giáo sĩ Đắc-Lộ (hình này chưa từng in trong sách báo nào). Avignon ngày nay đã qui hoàn về đất Pháp, và dân tộc Pháp rất nên hãnh diện vì Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên, nói như ông Taboulet chỉ là chủ-quan nếu không trái lịch-sử.” [6]

Lập trường trên đây của giáo-sĩ Đắc-Lộ thật là minh bạch để thấy rằng cuộc đời của ngài hoàn toàn cống hiến cho lý tưởng tôn giáo và chỉ vì tôn giáo mà thôi.

Trong đoạn văn kế tiếp, TGP viết: “Vì đa số các giáo sĩ và giám mục thuộc quyền của Hội MEP và giáo hội Thiên Chúa Pháp, nên ở đây cần thêm một vài chi tiết về giáo hội Thiên Chúa tại Pháp: “Kể từ khi Clovis (466-511), vua đầu tiên của nước Pháp chịu phép rửa tội tại Reims từ tay giám mục Rémi vào khoảng năm 500, hai thế lực thần quyền [giáo hội Thiên Chúa] và thế quyền [Pháp] hầu như luôn luôn kết dính với nhau trong việc điều hành và quản trị xã hội và các hoạt động của Giáo hội.”Vì vậy, khi hai giám mục Pháp đầu tiên là Francois Pallu và Pierre de la Motte Lambert được gởi đến cai quản giáo phận Việt Nam năm 1659, một linh mục thuộc Hội MEP đã đưa ra nhận xét rằng hai ông “sẽ làm việc vì nước Pháp đồng thời vì giáo hội.”

Trong đoạn văn trích dẫn nói trên có ý kiến của Vương Đình Chữ về Clovis mà TGP đã đưa ra nhằm củng cố lập luận của mình nên chúng tôi thấy cần phân tích quan điểm của Vương Đình Chữ. Trước hết ông Vương Đình Chữ đã lờ mờ không biết rõ thời điểm Clovis gia nhập đạo Công Giáo mà để là “vào khoảng năm 500”, thực sự đó là ngày lễ Giáng Sinh năm 496 (25-12-496), và cùng chịu phép thánh tẩy với ông có 3.000 Tướng tá và quân sĩ.

Trong lịch sử nhân loại sự liên kết hay chống đối nhau giữa thần quyền và thế quyền là chuyện đương nhiên phải có và sử gia nên nhìn sự kiện đó theo như quan điểm của Thánh Bênađô (1090-1153), Tiến sĩ Hội Thánh trong thế kỷ 12: “Tôi không đồng ý với những người nói rằng hòa bình và tự do của Giáo Hội phương hại tới Đế quốc hay là sự thịnh vượng của Đế quốc phương hại tới Giáo Hội. Thật vậy, Thiên Chúa đã tạo dựng nên thần quyền và thế quyền ở trần gian này không phải để đào thải nhau, nhưng để trợ giúp nhau.” (Epist.244).[7]

Việc vua Clovis trở lại đạo Công Giáo cũng có nhiều nguyên do thúc đẩy và sau đây là ý kiến linh mục sử gia Bùi Đức Sinh: “Hình như có mưu tính chính trị trong đó, vì ông thừa biết bức tường ngăn cách giữa dân Franc và Gallô-Roman là sự khác biệt tín ngưỡng. Nếu ông đứng ra bênh vực Công Giáo, ông sẽ thu hút cả vạn dân đinh nấp bóng các Tòa giám mục và Đan viện; như vậy ông hy vọng sẽ có một liên minh để đương đầu với dân Visigot. Nhưng cũng phải kể đến ảnh hưởng của Hoàng hậu Công Giáo Clotilda, một thiếu nữ thùy mị và đức hạnh, công chúa của Chilperic Vua Burgunđô; thêm vào đó ảnh hưởng của các Giám mục thánh thiện được ông mời làm cố vấn.” [8]

Theo ý kiến của Thomas Bokenkotter trong tác phẩm A concise history of the Catholic Church, lúc bấy giờ Giáo Hội Công Giáo phải đối diện với sự đe dọa của các giống người Goths và Vandals đều là các sắc dân theo bè phái Arius nghịch lại với Giáo Hội cho nên giáo quyền phải tìm một thế lực đồng minh và Clovis tuy là một kẻ ngoại giáo nhưng cũng hơn một người theo lạc thuyết Arius. [9]

Công trình chinh phục các dân Visigot, Burgunđô, Thuringiô và Bavar cũng như thu phục các xứ Gallia, Belgica, Rhenani của Clovis và bốn người con của ông đã bênh vực cho Tây phương khỏi nạn giáo phái Arius và Hồi giáo. Sau chiến tranh, người dân Công Giáo Pháp dưới sự lãnh đạo của các tòa giám mục đã hướng mọi hoạt động của họ về nông thôn như tổ chức giáo xứ, xây cất thánh đường, trường học, bệnh viện...

Việc hai giám mục Pháp Francois Pallu và Lambert de la Motte được cử đến thi hành công tác mục vụ ở Đàng Trong và Đàng Ngoài theo sắc thư ngày 9-9-1659 của Đức Giáo Hoàng Alexander VII mà TGP đã trích dẫn lời một ông linh mục nào đó thuộc Hội MEP rằng hai ông “sẽ làm việc vì nước Pháp đồng thời vì giáo hội” là một nhận định tỏ ra rất hời hợt và nông cạn. Sự nghiệp của hai giám mục này chứng tỏ họ làm việc vì lý tưởng Phúc âm, theo các chỉ thị của Vatican, và vì quyền lợi của giáo dân Việt Nam chứ không phải vì nước Pháp nào cả.

Ngày 22-8-1662, Đức Cha Lambert đi cùng với hai linh mục là J. de Bourges và Fr. Deydier tới Juthia (Thái Lan). Sau đó hai năm, Đức Cha Pallu cùng với các cha L. Chevreuil, A. Hainques, L. Laneau và P. Brindeau cũng tới Juthia. Cả hai Đức Cha tìm cách vào Việt Nam nhưng không được vì lúc bấy giờ trong nước đang có lệnh bắt đạo rất khắc nghiệt. Ngày 17-1-1665, Đức Cha Pallu trao quyền địa phần Đàng Ngoài cho Đức Cha Lambert rồi trở về Âu châu tìm thêm các vị thừa sai. Cha Chevreuil cùng cha Hainques đã trở lại Đàng Trong rửa tội được mấy trăm người mỗi năm, đào tạo được hai linh mục người Việt đầu tiên là Giuse Trang và Luca Bền (năm 1668). Cha Deydier được cử ra Đàng Ngoài họp các thầy giảng và tuyển được hai thầy Beneđictô Hiền, 54 tuổi và Gioan Huệ, 46 tuổi làm linh mục. Trụ sở chính của hai đức cha vẫn đóng tại Juthia. Tháng 7 năm 1669, Đức Cha Lambert cùng hai thừa sai De Bourges và Bouchard ra thăm Đàng Ngoài, truyền chức cho 7 tân linh mục và 48 thầy chức nhỏ và triệu tập một công đồng tại làng Định-Hiến thuộc xứ Nam, cải tổ việc truyền giáo, tuyển mộ chủng sinh, lập Dòng Mến Thánh Giá.

Năm 1671, Đức Cha Lambert cùng hai linh mục Mahot và Vachet tìm cách vào Đàng Trong tới Phan Rí rồi ra Quảng Nam, lập Dòng Mến Thánh Giá tại làng An-Xi (Quảng Ngãi), triệu tập công đồng tại Hải-Phố. Qua năm sau Đức Cha cùng cha Vachet về lại Thái Lan.

Ở Âu châu, sau khi ổn định một số công việc, Đức Cha Pallu trở lại Xiêm ngày 3-9-1673, quyết định đi Đàng Ngoài nhưng tàu bị bão phải ghé vào Phi-Luật-Tân. Nhân dịp này Đức Cha đã đến gặp các Bề trên Dòng Đa-Minh (người Tây Ban Nha) ở Manila để xin gởi người sang Việt Nam cộng tác trong công cuộc truyền giáo chung. Việc làm này chứng tỏ các ngài không hoạt động vì quốc tịch mà chỉ vì lý tưởng tôn giáo. Năm 1679, Tòa-Thánh Vatican đặt Đức Cha Pallu làm Đại-diện Tông-tòa tại miền Nam Trung-Hoa còn Địa phận Đàng Ngoài thì chia ra làm hai có sông Hồng và sông Lô làm biên giới: Đức Cha De Bourges coi Địa phận Tây và Đức Cha Deydier coi Địa phận Đông.

Phải nhìn công cuộc truyền giáo tại Đại Việt từ những thập niên giữa thế kỷ 17 với những công trình xây dựng cơ sở tôn giáo của các cha Dòng Tên thuộc nhiều quốc tịch như năm 1615 giáo sĩ Francesco Buzomi, người Ý đến Dinh Cát dâng lễ vật lên chúa Sãi để xin truyền đạo. Năm 1617, linh mục Francesco De Pina, người Bô Đào Nha đến Đàng Trong lập cơ sở tôn giáo ở Thanh Chiêm năm 1623. Trong giai đoạn kế tiếp phải nhắc đến linh mục Christoforo Borri và cha Perdro Marquez đến Cửa Hàn, lập nhà thờ ở Nước Mặn, Bình Định. Năm 1624, cha Đắc-Lộ đến Đàng Trong rồi ra kinh đô Huế truyền đạo cho các nho sĩ, sư sãi, đặc biệt là gặp bà Minh Đức Vương Thái Phi, thứ phi của chúa Nguyễn Hoàng, đưa bà vào đạo Công Giáo và thành lập các cơ sở Công Giáo vững chắc tại kinh đô. Công cuộc truyền giáo của cha Đắc-Lộ không chỉ ở Đàng Trong mà còn cả ở Đàng Ngoài. Các tư liệu của linh mục Đắc-Lộ, Phan Phát Huồn, Nguyễn Hồng, Nguyễn Hữu Trọng, Roland Jacques viết về lịch sử đạo Công Giáo tại Việt Nam chứng minh rằng các cơ sở tôn giáo đầu tiên được tổ chức rộng rãi và vững vàng trước khi có cuộc xâm lăng của người Pháp đến gần hai thế kỷ chứ không phải như TGP viết là “Khi các giáo sĩ Thiên Chúa giáo đặt định được những cơ sở truyền giáo đầu tiên ở nước Việt, thì xảy ra cuộc xâm lăng của người Pháp.” Viết như vậy tỏ ra tác giả TGP không biết hoặc không muốn hiểu về lịch sử Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam. Các cơ sở Công Giáo tại Việt Nam trước khi có cuộc xâm lăng của người Pháp đến gần hai trăm năm đã được chúng tôi phản ảnh rõ trong Chương IX của tác phẩm Quảng-Bình, chín trăm năm nhìn lại, 1075-1975, tập I, trong đó chúng tôi đã có dịp nhận định về bài viết Sắc thư năm 1659 của Giáo hoàng Alexander VII (giáo-nhiệm 1655-1667) của TGP trong sách Những câu chuyện Việt sử, tập 4.

Sau đây là một số biện giải về việc phát triển của đạo Công Giáo tại Việt Nam do TGP đưa ra: ”Trong thời gian đầu, giáo hội Thiên Chúa giáo ở Đại Việt phát triển khá mạnh. Lý do chính vì người Việt lúc đó không độc tôn nhất thần, và tôn trọng đa thần, dễ dàng hòa đồng tôn giáo. Dầu đạo Thiên Chúa bị các chính quyền đàn áp, nhưng lại được sự che chở của dân chúng, nên vẫn tồn tại và phát triển. Trong khi đó, tại những nước mà dân chúng độc tôn nhất thần như Nhật Bản hay các nước Hồi giáo, đạo Thiên Chúa bị chận đứng mạnh mẽ.”

Trong thời kỳ tiên khởi, giáo dân ở Palestina cũng như ở các nơi khác có cuộc sống khiêm tốn, phải làm mới có ăn và thường chuyên nghề tay chân như dệt dạ, thuộc da, kéo tơ, nhuộm vải, rèn đúc, trồng trọt... cũng không thiếu những thành phần quý tộc trong các giáo đoàn. Ki tô giáo ngay từ đầu không phải là tôn giáo của riêng một dân tộc hay giai cấp nào. Tuy vậy, thật sự lý do chính mà Thiên Chúa giáo được đón nhận tại Việt Nam lúc bấy giờ là vì Thiên Chúa Giáo nhắm chú trọng đến giai cấp bình dân, nghèo nàn, ít học vốn là tầng lớp chịu thiệt thòi nhất về nhiều mặt trong đời sống xã hội. Thiên Chúa giáo chính là đạo của người nghèo, mà người nghèo thì xã hội nào cũng đều chiếm đa số. Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ là một xã hội xây dựng trên ý thức hệ Khổng Giáo chứ không phải trên ý thức hệ của Phật giáo Đại thừa như ý kiến đưa ra của Li Tana và được một số người như giáo sư Tôn Thất Thiện hay Trần Gia Phụng tán đồng.10 Vấn đề ý thức hệ Đàng Trong đã được chúng tôi phân tích rất kỹ trong Chương V (Nguyễn Hoàng và chủ nghĩa trị quốc dựa trên Khổng học) , tác phẩm Quảng Bình, chín trăm năm nhìn lại, 1075-1975, tập I. [11]11 Giai cấp sĩ phu Nho giáo nắm giữ các địa vị then chốt trong đời sống xã hội nhưng cũng chỉ là thiểu số trong khi đại chúng thuộc nhiều tôn giáo. Nói rằng đạo Thiên Chúa dầu bị các chính quyền đàn áp nhưng lại được sự che chở của dân chúng nên vẫn tồn tại và phát triển, như TGP viết ở trên, cũng chỉ là một vài trường hợp cá biệt, còn trong thực tế trong các đợt bắt đạo dưới thời các chúa Nguyễn, các cuộc bách hại khốc liệt dưới thời Minh mạng, Thiệu Trị và cuộc phân tháp thời Tự Đức nhằm mục đích cướp đoạt tài sản như nhà cửa, ruộng đất của giáo dân, việc gọi giáo dân là “dữu dân” (dữu là một thứ cỏ dại mọc ngoài đồng) là những chính sách tiêu diệt Công Giáo có tính cách qui mô mà nếu không có đức tin, tinh thần chịu đựng mãnh liệt, bền bĩ thì Công Giáo không thể tồn tại được dù có dân chúng đứng ra che chở. TGP còn viết rằng “tại những nước mà dân chúng độc tôn nhất thần như Nhật Bản hay các nước Hồi giáo, đạo Thiên Chúa bị chận đứng mạnh mẽ” thật ra không được đúng với trường hợp Nhật Bản. Tại quốc gia này, đạo Thiên Chúa bị bách hại không phải vì dân chúng độc tôn nhất thần cho bằng vì sự cạnh tranh của các thương gia Hòa Lan theo Tin Lành và các thương gia Bồ Đào Nha theo Công Giáo nên người Hòa Lan đã dèm pha với vua chúa Nhật Bản, vu khống rằng người Bồ đang âm mưu tìm cách lật đổ nền thống trị của Thiên Hoàng.[12] Ngoài ra còn có rất nhiều lý do khác khiến Công Giáo bị bách hại ác liệt tại trên đất Phù Tang [13].

Trong một đoạn kế tiếp TGP đưa ra Thỏa ước (Concordat) Paris ngày 15-7-1801 và luật ngày 9-12-1905 do Tổng thống Émile Loubet ban hành nhằm mục đích nối kết đạo Thiên Chúa với cuộc xâm lăng của Pháp. TGP viết rằng: “Lúc đó, sau cuộc Cách mạng 1789, giáo hội Thiên Chúa giáo Pháp có một ít thay đổi. Theo Thỏa ước (Concordat) Paris ngày 15-7-1801 giữa Tòa thánh Vatican và chính quyền Pháp do Đệ nhất tổng tài Napoléon Bonaparte đứng đầu, từ đây chính phủ Pháp bổ nhiệm và trợ cấp cho các giám mục Pháp, đồng thời các giáo sĩ Pháp phải tuyên thệ vâng lệnh và trung thành với nhà nước Pháp. Thỏa ước Paris về sau được thay thế bằng luật ngày 9-12-1905 do tổng thống Émile Loubet (nhiệm kỳ 1899-1906) ban hành nhắm tách rời giáo hội Pháp với nhà nước Pháp, dưới thời giáo hoàng Pius X (giáo nhiệm 1903-1914). Thời gian từ 1801 đến năm 1905 là thời gian Pháp đem quân xâm chiếm Việt Nam và thành lập Liên Bang Đông Dương. Như thế trong thời gian nay, các giám mục và giáo sĩ Pháp được gởi ra nước ngoài hoạt động, trong đó có Việt Nam, cũng đều nằm trong quy chế của thỏa ước Paris 1801, nghĩa là các giám mục Pháp hoạt động ở Việt Nam đều là nhân viên hữu thệ (có lời thề) của chính phủ Pháp, làm việc cho chính phủ Pháp. Xin chú ý là chỉ có các giám mục Pháp mới nằm trong trường hợp này.”

Sau cuộc cách mạng Pháp 1789, giáo hội Công Giáo Pháp đã có nhiều thay đổi chứ không phải một ít thay đổi như TGP viết. Giáo hội Công Giáo Pháp đã bị các nhân vật lãnh đạo cuộc Cách mạng 1789 bách hại toàn diện nhằm tiêu diệt Giáo Hội để xây dựng một giáo hội ly khai với Tòa Thánh Vatican gọi là Pháp-giáo (Gallicanisme).

Ngày 5-5-1789, Hội nghị toàn quốc cũng gọi là Tam dân Nghị-hội (Etats généraux) được khai mạc dẫn đến sự thành lập Hội nghị quốc gia với sự thắng thê của giai cấp thứ dân ngày 17-6. Ngày 14-7 dân Ba Lê phá ngục Bastille, kết quả là tài sản của Giáo hội cũng như các Tu viện bị quốc hữu hóa nhưng tai hại hơn cả là sự xuất hiện bản Dân-hiến Giáo-sĩ (Constitution civile du clergé) . Ngày 12-7-1790, bản văn này được Quốc hội chấp thuận theo đó các Giám mục và Cha Sở do Hội-đồng tuyển cử bầu lên chứ không cần sự can thiệp của Giáo hoàng La Mã, thêm nữa Giám mục và linh mục là công chức của Chính-phủ và do Chính-quyền cấp lương bổng. Đó là chủ trương của Cách mạng 1789 muốn thành lập một giáo hội hoàn toàn quốc gia tách rời Giáo hội La Mã. Đa số các Giám mục phản đối bản Dân hiến bằng cách trì hoãn thi hành hoặc phớt lờ như không có nó. Quốc hội cho thời hạn 8 ngày để các giám mục và linh mục thề tuân giữ nhưng nhiều vị giám mục bất tuân và Quốc hội cho bầu một số giám mục mới. Sau đó ngày 10-3-1791, Đức Thánh Cha Piô VI ban hành Đoản sắc Aliquantulum kết án bản Dân hiến Giáo-sĩ là lạc thuyết. Kết quả là Quốc-hội cho tiến hành bách hại giáo hội bằng cách tống giam hoặc trục xuất các giáo sĩ phản động, giết các linh mục trung thành với Giáo hội khiến nhiều Giám mục và linh mục phải bỏ trốn sang các nước khác. Có trường hợp hàng trăm linh mục bị dồn vào một chiếc xe cho lao ùm tất cả xuống sông chết chìm hết. Quốc hội cho đặt một số Giám mục và linh mục của Cách mạng vào nhiều nơi. Giáo hội “hầm trú”được giáo dân trung thành với Vatican bảo vệ lúc đó có khoảng 10.000 vị linh mục, tu sĩ và 26 vị Giám mục. Theo sáng kiến của Hébert, cách mạng tuyên bố hủy bỏ tôn giáo cũ, triệt hạ các nhà thờ, tịch thu các chén thánh. Cuộc bách hại Công giáo diễn ra nhiều năm cho đến khi chế độ Tổng tài ra đời (19-2-1800) chấm dứt Đại cách mạng để rồi sau đó Bonaparte tìm cách ký hiệp ước với Tòa thánh.

Thỏa ước Paris ký kết ngày 15-7-1801 giữa Napoléon và Hồng y Consalvi đại diện Đức Piô VII quy định chính phủ bổ nhiệm các Giám-mục, “ nhưng quyền thừa nhận chiếu theo Giáo-luật thuộc Tòa Thánh. Các Giám-mục và Linh-mục hứa trung-thành với Chính-phủ, và Chính-phủ phải lo cho các ngài có lương bổng xứng đáng.” [14]14 Cần phải nhớ rằng sự thừa nhận của Tòa Thánh Vatican là điều quan trọng nhất để một chức vụ cao cấp trong Giáo Hội như giám mục chẳng hạn có giá trị đối với giáo dân nghĩa là được giáo dân tín phục và nghe theo. Dù một giám mục được chính quyền bổ nhiệm, thậm chí ăn lương của chính quyền mà không được Tòa Thánh công nhận thì chức vị đó cũng kể như bỏ đi vì các linh mục, tu sĩ hay giáo dân dưới quyền sẽ không nghe theo. Tình trạng đó đã và đang xảy ra từ trước cho đến nay đối với Giáo Hội Trung Quốc. Trong thỏa ước Paris này có những điều khoản toát lộ tinh thần Pháp giáo như đòi các sắc-lệnh của Tòa thánh muốn công bố phải có sự ưng thuận của Chính-quyền hoặc sứ thần Tòa thánh không được can thiệp vào Giáo hội Pháp nếu không qua Chính phủ. Sau nhiều hoạt động lấn chiếm đất đai tại nhiều xứ kể cả muốn chiếm nước Tòa Thánh, Napoléon có mưu mô muốn nắm giữ quyền đời lẫn quyền đạo nên Đức Thánh Cha ra án vạ tuyệt thông nhưng tướng Miollis theo lệnh Napoléon bắt giam Đức Thánh Cha ở Savona. Tòa thánh phản đối việc Napoléon ly dị Joséphine để cưới Marie-Louise và không thừa nhận các giám mục do Napoléon bổ nhiệm. Tháng 4 năm 1814, Napoléon thoái vị, Louis XVIII (1814-24) lên cầm quyền, nỗ lực tạo sự hòa giải với Vatican và một hiệp ước mới ký ngày 11-6-1817 hủy bỏ thỏa ước Paris 1801. Sau đó Charles X (1824-30) công bố chương trình phục hưng Giáo Hội, bãi bỏ tự do báo chí nhưng bị cuộc Cách Mạng tháng Bảy 1830 lật đổ và đưa Louis-Philippe (1830-48) lên ngôi. Giáo hội Công Giáo tiếp tục bị bách hại với nhiều tu viện, thánh đường bị phá cho đến nhiều năm sau mới được phục hưng.

Trong bài đăng trên Tuyển Tập Gia Đình Thánh Tự, TGP có viết rằng: “Thời gian từ 1801 đến năm 1905 là thời gian Pháp đem quân xâm chiếm Việt Nam và thành lập Liên Bang Đông Dương. Trong thời gian trên, nhiều linh mục Pháp thuộc hội MEP được gởi sang Việt Nam và được phong giám mục tại Việt Nam. Không biết các ông có nằm trong quy chế của thỏa ước Paris hay không? Dầu các ông không theo quy chế này, nhưng “Kể từ khi Clovis (466-511), vua đầu tiên của Pháp... hai thế lực thần quyền [giáo hội Thiên Chúa] và thế quyền [Pháp] hầu như luôn luôn kết dính với nhau...” (đã trích dẫn trên). Hơn nữa, cần chú ý, trước khi là linh mục hay giám mục, các ông là người Pháp, là công dân Pháp, và đương nhiên các ông trung thành với nước Pháp.”

Đọc qua đoạn văn này, chúng tôi không biết TGP đã vô tình hay cố ý quên bởi vì ai cũng biết rằng tiếng súng đầu tiên của thực dân Pháp nổ ra tại Đà-nẵng năm 1858 mới là phát súng khai hỏa cho việc xâm chiếm của Pháp đối với Việt Nam. TGP có vẻ bằng lòng với đoạn văn trích dẫn về Clovis nhưng không nhớ rằng thực tế đã có nhiều thay đổi từ thế kỷ VI cho đến nhiều thế kỷ về sau trong quan hệ giữa thế quyền và thần quyền không chỉ ở nước Pháp mà còn tại rất nhiều quốc gia ở châu Âu, chứ không phải “hầu như luôn luôn kết dính với nhau” như tác giả tin tưởng nên đã trích dẫn nhiều lần. Các giám mục Pháp tất nhiên hiểu rõ hơn hết bản chất của Thỏa ước Paris 1801 với những điều khoản trói buộc và âm mưu của những kẻ tạo ra nó hòng chia cắt Giáo Hội Pháp ra khỏi Tòa Thánh Vatican nên đã chống lại nó ngay từ đầu. Dĩ nhiên sau khi Napoléon chết thì bản thỏa ước đó cũng theo chân xuống mộ luôn.

Trong bản in trên Tạp chí Thế Kỷ 21, TGP khẳng định (in đậm) là các giám mục Pháp hoạt động ở Việt Nam đều là nhân viên hữu thệ (có lời thề) của chính phủ Pháp, làm việc cho chính phủ Pháp, nhưng trong bản in trên Tuyển Tập Gia Đình Thánh Tự, nhà sử học của chúng ta lại hỏi rằng “Không biết các ông có nằm trong quy chế của thỏa ước Paris hay không?” Đối với những vấn đề không biết chắc chắn thì tốt hơn là nên bỏ qua, đừng đề cập tới hoặc đặt câu hỏi một cách bâng quơ như vậy, bởi lẽ Khổng Tử cũng đã từng dạy: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri.”(Biết thì nói rằng biết, không biết thì nói rằng không biết, ấy là biết vậy.)

Trong thực tế, đại đa số các thừa sai, giám mục cũng như linh mục người Pháp được sai qua VN đều chọn VN làm quê hương, họ đã sống ở đây và chết ở đây. Rất nhiều vị thừa sai Pháp đã xin tiền bạc, tài sản của thân nhân, gia đình, bạn hữu họ ở Pháp (như cha Cadière (cố Cả) ở Tam Tòa, Đồng Hới năm 1895, cha Cressonnier – tên VN là cố Báu – ở Sáo Cát, Lăng Cô, Thừa Thiên, Cố Hậu ở Đông Hà, Quảng Trị, Đức Cha Cassaigne, tông đồ người phung ở Di Linh, Đức Cha Urutia (tên VN là Thi) ở Giáo phận Huế sau khi trao quyền Giám mục lại cho Giám mục VN đã tình nguyện ở lại Huế phục vụ người nghèo, cha Lefas, cha Oxarango ở trường Thiên Hựu Huế trước và sau năm 1975 v.v...) để đưa sang đây giúp cho giáo dân VN có thêm miếng cơm manh áo, xây nhà thờ, trường học, bệnh viện, trại phung chứ chưa thấy họ tranh đấu đem nước VN dâng cho Pháp. Dĩ nhiên họ có quyền “trung thành với nước Pháp” vì là Tổ quốc của họ, nhưng chưa thấy họ bán nước VN cho ai cả.

Sau cùng TGP viết rằng: “Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam giai đoạn thời Pháp thuộc, do hàng giám mục Pháp điều khiển, lúc đó có thể xem là một chi nhánh của giáo hội Pháp. Cần phải chú ý điểm này để phân biệt Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam thời Pháp thuộc, với Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam thời độc lập, hay ít ra thời các giám mục Việt bắt đầu thực sự nắm quyền điều khiển giáo hội Việt Nam, để giúp làm rõ ràng vai trò của các giáo sĩ đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc.”

Qua đoạn văn trích dẫn này, chúng tôi thấy TGP vẫn còn mơ hồ về cơ cấu gọi là Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam khi ông không biết rằng cơ cấu đó gồm có hai thành phần chính là giáo sĩ và giáo dân.

Về thành phần giáo sĩ, ngay từ khi có sắc thư của Đức Giáo Hoàng Alexander VII chia ra hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, theo Linh mục Phan Phát Huồn trong Việt Nam Giáo Sử “Câu chuyện các tu sĩ Đa-minh Tây-ban-nha bắt tay thực sự vào công cuộc truyền giáo khởi công vào năm 1658, khi Đức Cha Lambert de la Motte sai hai linh mục bản xứ người vừa thụ phong sang học tiếng Trung Hoa tại Manila và thay mặt người mời các tu sĩ dòng Đa-minh đến lãnh nhận việc truyền giáo tại miền Nam Việt Nam, hiệp lực với các thừa sai Pháp.” [15]

Trong thời gian đó chính Giám mục Francois Pallu sang Manila yêu cầu dòng Đa-minh gửi thừa sai sang truyền giáo ở những địa phận Việt Nam. Hai cha Juan de Santa Cruz và Juan Arjona được cử đến Trung linh, Nam Định. Tháng 8 năm 1677, cha Dinisio Moralès đến trợ lực công cuộc truyền giáo ở Bắc Ninh, Hải Dương và Nam Định. Khoảng năm 1680, cha Raimundo Lezoli, người Ý đến coi sóc vùng Gia Thủy, Nam Trực. Sau đó các cha Antonio Berlain và Tomas de Gurrchategui đến Bắc Việt năm 1693. Năm 1694 từ Phi luật tân, hai cha Pedro de Santa Teresa và Francisco Lopez. Năm 1699, Phi luật tân gửi đến Bắc Việt 37 vị truyền giáo nữa, trong số có một giáo sĩ người Ý vốn là nhân viên Thánh bộ Truyền giáo, cha Thomas Sixtri. Các giáo sĩ người Tây ban nha như Gil và Liciniana đến Việt Nam năm 1735, lập trụ sở tại Lạc Thủy sau được phúc tử đạo ngày 12-1-1745. Việc Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris (MEP) đến Việt Nam truyền đạo nằm trong chương trình sắp xếp có nghiên cứu kỹ càng của Tòa Thánh, trong đó đa số giáo sĩ là người Pháp cũng là chuyện đương nhiên nhưng chắc chắn không phải các dòng tu khác thuộc các quốc gia khác không có những vai trò cụ thể trong việc xây dựng Giáo hội Công Giáo Việt Nam lúc bấy giờ. [16]

Nước Pháp xưa nay vốn được coi là Trưởng nữ của Giáo Hội (La Fille ainée de l’Église) cho nên việc Hội Thánh sử dụng lực lượng nhân sự là các dòng tu, các giáo sĩ người Pháp trong các công tác truyền giáo ở Đông Dương cũng là một việc đương nhiên do sự sắp đặt và tùy nhu cầu đòi hỏi. Giáo hội Pháp đảm trách các việc điều hành công tác mục vụ hay nhân sự nhưng những quyết định lớn về tín lý, giáo lý dĩ nhiên thuộc quyền Vatican.

Về giáo dân, thành phần nòng cốt của Giáo Hội Việt Nam, con số tăng dần theo thời gian, vả lại dĩ nhiên họ được dạy dỗ để trung thành trong đức tin Công Giáo và luôn luôn tuân phục Tòa Thánh La Mã chứ không phải là trung thành với giáo hội Pháp hay với nước Pháp ngay từ khi hạt giống phúc âm đầu tiên được gieo vãi trên đất nước Việt Nam. Giáo dân VN không là một “chi nhánh” của Giáo Hội Pháp nhưng là “chi nhánh” của Giáo Hội Rôma, trước sau là như thế.

Nhận định của TGP cho rằng “Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam giai đoạn thời Pháp thuộc, do hàng giám mục Pháp điều khiển, lúc đó có thể xem là một chi nhánh của giáo hội Pháp” là một quan điểm cần xem xét lại. Nếu nói rằng giai đoạn Pháp thuộc là từ năm 1884 cho đến năm 1945 thế thì giai đoạn từ năm 1884 cho đến năm 1659 về trước giáo hội Việt Nam do hai Đức Cha người Pháp là Francois Pallu và Lambert de la Motte điều hành công cuộc truyền giáo và về sau được các vị giám mục khác cũng là người Pháp kế tục, có là chi nhánh của giáo hội Pháp hay không?

Có lẽ điều làm trở ngại cho công cuộc truyền giáo không nhiều thì ít là ở sự khác biệt trong tập tục, lễ nghi, văn hóa bản địa giữa các giáo sĩ và giáo dân và để giải quyết tình trạng đó, trong tinh thần tôn trọng các nghi lễ tập tục của các xứ truyền giáo, năm 1659, Thánh bộ Truyền giáo đã đề xuất một bản huấn thị rất đáng ca ngợi như sau:

“... Chư huynh đừng bao giờ tìm cách sửa đổi, cũng đừng tìm lý lẽ để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hóa của họ, trừ khi có những điều hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý: có gì vô lý thô bỉ hơn là mang theo cả nước Pháp, nước Tây ban nha, nước Ý, hay bất cứ nước nào khác từ bên trời Âu sang cho dân Á đông?Không phải mang những thứ ấy đến cho họ, bèn là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ một dân tộc nào, cũng không xúc phạm đến những lễ nghi và tập tục ấy, miễn là chúng không xấu; ngược lại, chân lý ấy muốn cho người ta bảo tồn và duy trì chúng là đàng khác.

Có thể nói tự nhiên ai ai cũng cho cái của mình và nhất là của quê hương xứ sở mình là hơn tất cả, và yêu mến những báu vật đó hơn những cái ngoại lai: nguyên việc sửa chữa những quốc lệ của người ta cũng đủ gây lòng oán hận sâu đậm rồi, nhất là những tập tục cổ đã có lâu đời nhất mà các tiền nhân vẫn có thể nhớ tông tích; càng tệ hơn nữa nếu chư huynh hủy bỏ những tập tục đó để đem phong tục của quý quốc mà thay thế vào! Vậy đừng bao giờ nên đem những tục lệ Âu châu đến đối lập với tục lệ của các dân tộc ấy; trái lại hãy hết lòng sống cho quen với tập tục của họ.

Điêu gì đáng khen, thì hãy khâm phục và ca tụng. Còn điều gì không đáng thì đừng đề cao om sòm theo kiểu ba phải; nhưng hãy khôn ngoan đừng phê phán, cũng đừng kết án một cách thiếu suy nghĩ và quá đáng. Nếu điều gì thực sự xấu, thì nên chống đối bằng thái độ dè dặt và thinh lặng hơn là bằng lời nói; song dĩ nhiên khi tinh thần người ta đã sẵn sàng chấp nhận chân lý, chư huynh sẽ lợi dụng những cơ hội thuận tiện để từ từ và âm thầm nhổ bỏ nó đi.” [17]

Nói chung, chính sách thời đó của Bộ Truyền giáo là tập trung quyền quyết định về Rôma theo “tinh thần” công đồng Trentô, và giữ thẩm quyền trên các vùng “không công giáo”, nhưng vì muốn rút nhiều miền ra khỏi ách bảo trợ Bồ đào nha, nên đã phải dựa vào Pháp. 18 Những cuộc tranh luận về lễ nghi tại Trung Hoa và Ấn Độ cho thấy quyền quyết định tối hậu là ở tòa thánh Vatican.

Đọc bài báo ngắn ngủi của TGP với cái tên Đạo Thiên Chúa và Cuộc Xâm Lăng của Pháp, với các chỗ in đậm, người ta thấy rõ dụng ý của tác giả và cũng thấy được đâu là điểm và đâu là diện của vấn đề TGP muốn nêu ra.

Nghiên cứu một đề tài rộng lớn như đạo Thiên Chúa và cuộc xâm lăng của Pháp tại Việt Nam mà chỉ gói gọn trong hai trang báo, với tài liệu bất tương xứng và một vài luận điểm quá yếu nếu không nói là đầy sai lạc như bài viết của nhà sử học TGP mà chúng tôi thử phân tích như trên, thật sự chỉ là một việc làm “trói voi bỏ rọ” mà thôi. Đạo Thiên Chúa tại Việt Nam xuất hiện từ năm 1553 đến nay đã gần năm thế kỷ không chỉ có sự góp công của các thừa sai Pháp mà có đầy đủ nhiều vị thuộc các quốc tịch như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Đức, Nhật Bản, Thái Lan v.v... Cuộc xâm lăng của Pháp không thể biểu hiện qua sự có mặt của thừa sai Đắc-Lộ, của hai giám mục Francois Pallu và Lambert de la Motte ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, lại càng không phải qua sự kiện các giám mục Pháp ở Việt Nam là “nhân viên hữu thệ” (sic) do thỏa ước Paris 1801 như TGP tin tưởng và đưa ra với dụng ý bôi bác. Hãy thận trọng với ngòi bút của mình khi viết về các vấn đề tôn giáo!

Chú Thích:

1. Tertullien, Giáo phụ Ki-Tô giáo, là một văn sĩ đầu tiên của các nhà văn Công Giáo thuộc ngôn ngữ La-tinh, sinh khoảng 155, mất khoảng 222. Ông đã giữ một vai trò quan trọng trong nền thần học Ki-Tô giáo, nhưng tư tưởng luân lý của ông cứng cỏi, nghiêm khắc đã xô ông nghiêng về lạc thuyết Montan trong thế kỷ 2. Ông đã tạo ra được ảnh hưởng lớn trong sự hình thành nền văn chương thần học La tinh. Câu nói danh tiếng của ông được nhắc lại theo truyền thuyết Ki-Tô Giáo.
2.- Nguyễn Phương, Phương pháp sử học, Phòng nghiên cứu Sử, Viện Đại học Huế, 1964, tr. 156.
3.- Nguyễn Đức Cung, Quảng-Bình, chín trăm năm nhìn lại, 1075-1975, Nxb. Nhật-Lệ, 2006, tr. 498.
4.- Nguyễn Đức Cung, Sđd., tr. 498.
5.- Nguyễn Đức Cung, Sđd., các tr. 499, 504, 505.
6.- Phạm Đình Khiêm, Người chứng thứ nhất, Lịch sử tôn giáo chính trị Miền Nam đầu thế kỷ XVII, Tinh-Việt Văn-Đoàn xb, Sài Gòn, 1959. Dr L. Gaide trong bài Quelques renseignements sur la famille du P. A. De Rhodes đăng trong Bulletin Des Amis Du Vieux Hué cho biết cha Đắc-Lộ gốc Tây Ban Nha; Nguyễn Đức Cung, Sđd, trang 498.
7.- Linh mục Bùi-Đức-Sinh, OP, Lịch-sử Giáo-Hội Công-Giáo, Chân-Lý xb, Sài Gòn, 1972, tr. 251. Ảnh hưởng của thánh Bênađô rộng lớn và lan tràn khắp Âu châu cho đến nổi sử gia Montalambert đã gọi thế kỷ XII là thế kỷ của thánh Bênađô. Ngài được Giáo Hội phong tặng Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1830.
8.- Bùi-Đức-Sinh, Sđd., tr. 208.
9.- Thomas Bokenkotter, A concise history of the Catholic Church, Image Books, Doubleday, New York, London, Toronto, Sydney, Auckland, bản in tại Hoa Kỳ tháng 9 năm 2005, tr. 98.
10. Li Tana, “The Inner Region”: A Social and Economic History of Nguyen Vietnam in seventeenth and eighteenth centuries, Luận án tiến sĩ đệ trình tại Trường Đại Học Quốc Gia Úc, bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Nghị có tên Xứ Đàng Trong: Lịch sử Kinh tế – Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nxb. Trẻ, 1999, tr. 36.
Tôn Thất Thiện, bài báo Các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong và Việt Nam ngày nay, Một cách nhìn mới về nhà Nguyễn, Tạp chí Thế kỷ 21, số 169, tháng Năm 2003, và bài báo Trường hợp Hoa Kỳ, Xứ Đàng Trong và Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Thế kỷ 21, tháng Bảy 2003.
Trần Gia Phụng, bài báo Cuộc hội nhập tâm linh, Người Việt, giai phẩm Xuân Giáp Thân, 2004 và sách Nhà Tây Sơn, Nxb. Non Nước, Toronto, Canada, 2005 và Những câu chuyện Việt sử, Tập 4, Nxb. Văn Mới, 2005.
11.- Nguyễn Đức Cung, Sđd, từ trang 211-268.
12.- Neil S. Fujita, Japan’s encounter with Christianity, The Catholic mission in Pre-modern Japan, Paulist Press, New York + Mahwah, N.J. 1991, tr. 120; Nguyễn Hồng, Lịch-sử Truyền-giáo ở Việt-Nam, Nxb. Hiện Tại, 1959, tr. 46; Phong Uyên, Thử tìm hiểu chính sách truyền giáo của các giáo sĩ dòng Tên ở Viễn đông trong bối cảnh lịch sử thế kỷ thứ 16-17, Talawas ngày 13.7.2006.
13.- Châm-Vũ Nguyễn-Văn-Tần, Nhật Bản sử lược, tập 3, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1966, tr. 243; Ishi Da Kazu-Yoshi (Thạch-Điền Nhất-Lương), Nhật-Bản Tư-Tưởng Sử (Nihon Shi-Sô Shi), Tập I, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xb. Năm 1972, bản dịch của Châm Vũ Nguyễn Văn Tần, tr. 537.
14.- Bùi-Đức-Sinh, Sđd., tr. 176; Thomas Bokenkotter, Sđd. tr. 291.
15.- Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, tập 1, bản in lần thứ hai, Cứu Thế Tùng Thư xb. 1965, tr. 215.
16.- Nguyễn Đức Cung, Sđd., tr. 501.
17.- Linh mục F.Gómez Ngô Minh, Truyền Giáo Học, Hợp Tuyển Thần Học số 31, năm 2001;
Nguyễn Thái Hợp, O.P., Đường vào Thần học về Tôn giáo, Định Hướng tùng thư xb., 2004, tr. 10.
18.- Linh mục F. Gómez Ngô Minh, Hợp Tuyển Thần Học, Bài đã dẫn.

New Jersey, 24-11-2009

Nguyễn Đức Cung

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.12.2009. 16:53