Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người thầy can đảm

§ Người Giồng Trôm

Ngày hôm qua, mọi người dù quen hay không quen với em học trò xấu số đều đắng lòng về sự ra đi đột ngột của em. Nỗi đau đó càng day dứt khi biết tin mẹ của em mới sinh em bé được 3 ngày tuổi. Các bác sĩ đã bên cạnh Mẹ em để theo dõi sức khỏe vì cú sốc quá lớn đến với mẹ và gia đình. Thế nhưng rồi trước nỗi đau đó, ta thấy có một sự can đảm khởi đi từ Thầy hiệu trưởng của ngôi trường nơi em bé vắn số.

Sau khi sự việc chẳng ai muốn xảy ra, thầy Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng THCS Bạch Đằng đã can đảm nhận trách nhiệm về cây phượng đổ gây tai nạn thương vong. Phải chăng đây là con số sót của nhà giáo còn chút gương can đảm.

Qua phương tiện thông tin đại chúng, không phải mình tôi mà quá nhiều người cảm thấy ngao ngán, cảm thấy âu lo trước sự nghiệp trăm năm của con người. Ngày mỗi ngày, bao nhiêu tệ nạn, bao nhiêu điều xấu xảy ra quanh ta đã lên tiếng nói cho giáo dục.

Không còn phải chối cãi, một nền giáo dục tốt sẽ sinh ra những con người tốt và ngược lại. Dĩ nhiên không phải hoàn toàn đạt thành quả tốt nhưng cứ nhìn lại nền giáo dục của những thập niên trước ta sẽ thấy.

Nói ra không biết có phải ăn gạch đá không nhưng có ăn thì cũng tốt, để dành đó xây kim tĩnh cũng là hay !

Ngay như trong Nhà Dòng, cứ lặng lại để nhìn những thế hệ trước, thế hệ cha anh. Cũng dĩ nhiên không phải hoàn hảo nhưng cung cách của các bậc làm anh trong nhà cách hành xử rất khác. Đơn giản là vì các bậc đàn anh được thụ hưởng một nền giáo dục hoàn toàn khác với ngày hôm nay. Các ngài luôn hy sinh, luôn chịu đựng, luôn đặt lợi ích cá nhân lên tập thể và can đảm dấn thân trên mọi nẻo đường dù là gian nan khốn khó.

Bọn tôi, nói cho nó nhanh và cho nó vuông, ít nhiều cũng bị ảnh hưởng của một nền giáo dục xem ra …. Chấm chấm chấm để rồi dường như ai cũng hiểu. Một nền giáo dục không tưởng.

Mới đây, một linh mục đàn anh nói rất rõ : Các cụ ngày xưa sống khác lắm !

Khác là khác làm sao cơ chứ ! Là nhường nhịn, là yêu thương, là can đảm.

Nói về can đảm để nhận trách nhiệm, quả là vấn đề không phải nhỏ và nhức nhối trong xã hội ngày hôm nay. Cũng khởi đi từ sự nhát đảm hay không dám nhìn nhận sự thật về bản thân mình để rồi bao nhiêu hậu quả cay đắng.

Chuyện cái cây trong sân trường bị đổ, xem ra là đau đớn, xem ra là nghiệt ngã và chẳng ai muốn thế nhưng rồi vị hiệu trưởng đã đứng lên nhận trách nhiệm về mình. Vị hiệu trưởng này chắc có lẽ tiếng nói lương tâm còn thôi thúc trong Thầy để Thầy không chối bỏ.

Nhiều và nhiều bộ trưởng, thứ trưởng, đứng đầu các cơ quan của nhiều nước trên thế giới đã sống và nêu gương can đảm. Chỉ cần cúp điện vài giờ đồng hồ, ta thấy tự khắc vị đứng đầu về điện lực ở nhiều nước đã can đảm từ chức. Chỉ cần 1 cây cầu gãy gây thương vong là người có trách nhiệm về cầu đường không dửng dưng và xin nghỉ việc ngay.

Thầy Hiệu Trưởng Bạch Đằng xem ra là số sót, là sốt ít của người can đảm thời nay. Đơn giản là ngày hôm nay người ta thích chạy theo xu hướng chối bỏ trách nhiệm, chối bỏ việc mình đã làm để đổ lỗi cho người khác.

Một bằng chứng không khó để đào sâu tìm hiểu đó là vụ án nghe đâu ở Cầu Voi, Thủ Thừa, Long An chi đó. Vì thiếu minh bạch, thiếu sự thật và nói thẳng là gian dối cũng như không can đảm nhận trách nhiệm và sống thật để rồi người tử tù có chết cũng không chết được và cũng chả có kẻ nào vui vẻ để kết án tử cho người vô tội.

Khởi đi từ vô trách nhiệm, không can đảm nhận trách nhiệm nên chuyện Cầu Voi hay mai mốt chuyện voi cầu nào đó cũng thế. Khi và chỉ khi ta can đảm nhận trách nhiệm chân thành để rồi sửa sai thì ta mới tiến bộ được.

Chả hiểu sao ngày hôm nay có quá nhiều người mang họ Đỗ tên Thừa để rồi biết bao nhiêu chuyện không hay cứ đến. Biết là vậy nhưng cứ phủi tay lãnh trách nhiệm nhiều chừng nào tốt chừng đó thôi. Người ta vẫn thích nhận thành tích về mình còn trách nhiệm thì đổ lỗi cho người khác sớm nhất có thể. Khi một việc nào đó thành công thì người ta nhận là của mình và ngược lại.

Thế đó ! Vẫn le lói một tấm lòng, một nhân cách của nhà giáo Hiệu Trưởng trường Bạch Đằng. Với cung cách của vị Hiệu Trưởng này, có lẽ cũng muốn nói với mọi người rằng hãy can đảm, hãy dũng cảm nhận trách nhiệm để sửa sai. Mà thật, có sửa sai thì con người, gia đình, đất nước mới tiến bộ và phát triển được.

Người Giồng Trôm

Đọc nhiều nhất Bản in 28.05.2020 12:50