Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một Lễ Hiện Xuống Mới cho Giáo Hội Việt Nam

§ Lm Giuse Vũ Tiến Tặng

Niên lịch phụng vụ Giáo Hội Công Giáo rất phong phú”. Đây là lời nhận xét của đức hồng y Etchegaray khi ngài mở đầu bài giảng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội vừa qua. Đặc biệt, trong suốt tháng mười một, Giáo Hội Việt nam mừng kỷ niệm rất nhiều ngày lễ trọng đại. Trước hết, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta mừng kính Các Thánh Nam Nữ, những kitô hữu đã kết thúc hành trình trần thế trong đức tin và nay đang được hưởng tôn nhan Chúa. Kế đến, chúng ta tiếp tục bước vào màu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội mà cầu nguyện cho các linh hồn, trong đó cũng tính đến những người thân thuộc của mình, hiện đang còn phải thanh luyện do những lầm lỗi mắc phải khi còn sống. Đặc biệt, năm nay nhân ngày mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, những bậc tiền nhân anh hùng đã dùng máu đào để minh chứng cho đức tin trung kiên, Giáo Hội Việt Nam long trọng khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện để ghi dấu những điểm mốc lịch sử quan trọng: 350 năm ngày thành lập hai giáo phận đầu tiên, và 50 năm ngày thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. 

Nhìn lại quá khứ trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và biết ơn các bậc tiền nhân để tiếp tục hướng đến một tương lai trong niềm hy vọng được thể hiện qua các bài chia sẻ, thư mục vụ của các vị bản quyền trong biến cố trọng đại này.

Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã viết trong lá thư mục vụ rằng “đây là cơ hội để mỗi Kitô hữu cảm nghiệm những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam, và cũng là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân và những chứng nhân đức tin đã vun đắp cho Giáo Hội Việt Nam, đồng thời cũng là dịp hướng đến tương lai cho sự tồn tại và phát triển của Giáo Hội Việt Nam. Để có thể thực hiện được điều này đòi hỏi mỗi Kitô hữu cần phải ý thức được vai trò của mình để cộng tác với ơn Chúa trong việc “quyết tâm chủ động xây dựng và phát triển bản thân cùng Giáo Hội và xã hội theo như lòng Chúa mong muốn”.

Cũng trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và biết ơn các bậc tổ tiên, đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam với bài diễn văn khai mạc đã sánh ví sự hình thành và phát triển của Giáo Hội Việt Nam như dụ ngôn hạt cải trong Tin Mừng. Hạt giống đức tin đã đâm sâu vào lòng đất Việt nam, nảy mầm, và phát triển thành cây cao bóng cả để che mát cho hàng triệu Kitô hữu Việt Nam. Đức cha cũng không quên nhắc đến điểm son về đời sống đạo của các bậc tiền nhân. Thấm nhuần Tin Mừng yêu thương của Chúa Kitô, cộng đoàn Kitô sơ khai của Giáo Hội Việt Nam cũng đã nên giống cộng đoàn tín hữu thời các Tông Đồ, đến nỗi người lương dân đã gọi là Đạo Tình Yêu để gọi tên cho những người theo đạo mới này.

Về phần mình, trong bài giảng của thánh lễ khai mạc Năm Thánh, đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục Thanh Hóa đã nêu bật sự hình thành và phát triển của Giáo Hội Việt Nam gắn liền với “lịch sử của cuộc bách hại” như bao Giáo Hội của Chúa Kitô tại các địa phương khác. Giáo Hội tại Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật của Đấng Sáng Lập. Quy luật này được sánh ví như hạt lúa mì được gieo vào lòng đất, tự thối đi để nảy mầm, phát triển và sinh bông kết hạt.

Trong phần cuối cùng của bài giảng, Đức cha Giáo phận Thanh Hóa đã chính thức xin lỗi những người không cùng niềm tin Kitô giáo về những lầm lỗi gây ra cách này cách khác của người Công Giáo Việt Nam trong quá khứ. Đức cha cũng bày tỏ khát vọng là hãy cùng nhau khép lại “quá khứ của tỵ hiềm và của ngờ vực” để cùng nhau chung sức chung lòng xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước. “Hãy cùng nhau chia sẻ một giấc mơ chung về đất nước, quê hương, dân tộc, xã hội, để giới trẻ của chúng ta an lòng tin tưởng bước vào tương lai”, Đức cha chia sẻ thao thức.

Năm 1533, hạt giống Tin Mừng đã được gieo vào cánh đồng Việt Nam. Hơn 120 năm sau, con số tín hữu ngày một gia tăng đã dẫn đến quyết định của Tòa Thánh về việc thành lập hai giáo phận đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1659. Phải mãi đến 400 năm sau, vào năm 1933 Giáo Hội tại Việt Nam mới có vị giám mục đầu tiên là người bản xứ (đức cha Nguyễn Bá Tòng). Sau 427 năm đón nhận Tin Mừng, Hàng giáo phẩm Việt nam chính thức được thành lập vào năm 1960.

Do diễn biến phức tạp của đất nước, đúng 20 năm kể từ ngày thành lập, Hàng Giáo phẩm Việt Nam mới có kỳ họp đầu tiên vào năm 1980. Lá Thư chung bày tỏ sứ mạng “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” được công bố trong kỳ họp này. Gần 30 năm sau khi cho ra đời lá thư chung nêu trên, đến hôm nay Giáo Hội Việt Nam mới có một cuộc hội ngộ “hùng hậu và đầy đủ” như buổi khai mạc Năm Thánh vừa rồi. Hy vọng đây là một Lễ Hiện Xuống mới của Giáo Hội Việt Nam.

Lm Giuse Vũ Tiến Tặng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 02.12.2009. 11:33