Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chối thì có chối nhưng không bỏ

§ Người Giồng Trôm

Đâu đó ta đã nghe : “Không một vị thánh nào không có quá khứ, không có tội nhân nào lại không có tương lai”.

Trong "thảm kịch" tại vườn Giêtsêmani hay nói đúng hơn cả cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, ta bắt gắp có quá nhiều quá khứ của những con người đã lìa xa Chúa, đã âm thầm bỏ Chúa, đã bàn Chúa cũng như đã chối Chúa.

Xét lại, ta thấy khuôn mặt của Giuđa nổi trội trong cuộc Thương Khó nhưng khuôn mặt của Phêrô có tốt đẹp gì đâu ?

Kiểu nói của người Bắc : "Chỉ được cái mồm". Câu nói này chỉ đến những người chỉ mồm mép thôi chứ chả làm ăn gì được và có khi làm chả ra gì, chỉ được cái nói hay. Và nếu như Phêrô ở miền Bắc nước ta chắc có lẽ được các bà đạo đức khen rằng : "Ông í chỉ được có cái mồm ! Nói thì hay, khi đụng chuyện lại chối Thầy !"

Cũng tội nghiệp, cũng thương Phêrô bởi lẽ Phêrô đã có một quá khứ chẳng mấy huy hoàng hay nói đúng hơn là nhục nhã ê chề vì phản bội (chỉ có điều là chưa đến độ bán Thầy như Giuđa). Khi khắc đến ông, người ta nhớ ngay đến ông là môn đệ chối thầy.

Sự kiện chối Thầy như là một vết đen trong cuộc đời của Phêrô, mà có lẽ, chẳng bao giờ ông muốn nhắc lại.

Và mỗi người chúng ta, khi nhắc ông Phêrô, chúng ta sẽ thường hay trách ông, tại sao ông lại chối Thầy, chẳng phải ông được Thầy thương nhiều lắm sao? Sao ông lại chối Thầy trước một đầy tớ gái, ông không thấy nhục sao?… Khi nhớ đến những lời ông từng thề thốt với Chúa, có khi ta thấy thật nực cười,vì ông đã từng thề: “Con sẽ thí mạng vì Thầy”, thế mà, gà chưa kịp gáy, ông đã chối Thầy đến ba lần.

Phêrô rất gần gũi với Chúa Giêsu. Ông thuộc nhóm môn đệ thân cận của Người. Trong các biến cố quan trọng, Chúa đều mang ông đi theo, như khi Chúa biến hình trên núi, hay ngay trong đêm Vườn Dầu, để ông cùng cầu nguyện với Người. Những điều ấy cho thấy Chúa yêu và tin tưởng Phêrô chừng nào! Ai được yêu nhiều, thì sẽ bị đòi hỏi nhiều. Chúa đã nhìn thấy trước sự sa ngã của Phêrô, Chúa báo trước, ông sẽ bị Satan sàng như người ta sàng gạo. Nhưng rồi ta thấy Chúa Giêsu không hề không cản lại. Đơn giản là vì Chúa muốn Phêrô, qua vấp ngã, ông thấy được sự yếu đuối của mình và trưởng thành hơn.

Trong đêm thăm thẳm trĩu nặng Chúa bị trao nộp, ta thấy Phêrô đã mất nhiều thứ, dường như là mất tất cả. Phêrô mất Thầy !

Từ từ trong sâu lắng ta cảm nghiệm được nỗi lòng của Phêrô. Mới ngày nao Thầy còn giảng dạy như một Rabbi, làm bao nhiêu phép lạ, chữa lành cho bao nhiêu người, mới hôm nào người ta trải áo, trải lá rước Thầy vào thành như một vị vua. Vậy mà, giờ đây, Thầy bị trói đem đi như một kẻ xấu xa, bị sỉ nhục mà không một lời bào chữa. Phêrô còn mất anh em. Các môn đệ tan tác, bỏ chạy thoát thân, trong số ấy còn có kẻ đang tâm bán thầy của mình. Phêrô còn bị mất mặt, mất danh dự, mất cái tôi tự cao,…

Nếu chỉ nhìn bề ngoài mà phán quyết coi chừng bị nhầm và bị hố. Khi và chỉ khi ta đặt mình vào vị trí của Phêrô, liệu ta có thể thông cảm cho ông phần nào? Trước sự hoảng loạn, sợ hãi, ông không biết phải làm gì. Phêrô yêu Chúa thật, nhưng tình yêu của ông có gì đó xốc nổi, vụng về và cũng đầy yếu đuối. Khi các môn đệ bỏ chạy hết, Phêrô vẫn lẽo đẽo theo Chúa, nhưng chỉ dám theo xa xa! Ông cố trà trộn vào đám đông, để dõi theo Thầy mà không bị phát hiện. Khi bị chất vấn, ông sợ hãi, vội vàng phủi bỏ mối quan hệ của mình với Thầy để không bị liên lụy.

Nhìn Phêrô lúc ấy, vừa đáng thương, vừa đáng giận. Ông sợ, rất sợ là đàng khác, ông có chối Chúa không? – đã chối, không những thế còn chối tận ba lần. Nhưng, ông có bỏ Chúa không? – ông không bỏ. Sau khi chối Chúa, ông vội vàng ăn năn. Thường thì, sau khi phạm lỗi đến một ai, chúng ta sẽ tránh né, không dám đối diện với người ấy.

Với Phêrô, ta thấy Ngài khác nhiều người. Ta thấy sau khi chối Chúa, ông lập tức nhìn lên Chúa, ông bắt gặp ánh mắt Chúa đang nhìn mình, không phải ánh mắt trách móc, nhưng là ánh mắt yêu thương, ánh mắt nhắc nhở. Ánh mắt Chúa đã chạm đến trái tim của Phêrô, chạm đến những yếu đuối nhất của ông, và, ánh mắt ấy… làm ông thay đổi. Từ ánh mắt chạm lòng, Phêrô sẽ được tái sinh, qua kinh nghiệm sa ngã, ta sẽ gặp được một Phêrô khác – một Phêrô đầy lòng yêu mến và sẵn sàng chết để làm chứng cho Tin Mừng.

Và, trong tĩnh lặng, ta cảm thấy khuôn mặt của Phêrô cũng phảng phất đâu đó khuôn mặt của ta.

Bao nhiêu lần ta không trung tín với Chúa ngang qua anh chị em, ngang qua vợ chồng, ngang qua người sống chung, ngang qua hàng xóm láng giềng của chúng ta. Có khi chỉ vì sợ hãi, có khi chỉ vì sợ mất danh dự, mất uy tín, mất lợi lộc mà ta đã chối bỏ quá nhiều.

Khuôn mặt của Thánh Phêrô, cung cách, tâm tình của Thánh Phêrô phải chăng là khuôn mặt và tâm tình mà mỗi người chúng ta đang sống. Chúng ta vấp ngã quá nhiều nhưng chuyện quan trọng là chúng ta có chỗi dậy đứng lên mà trở về với Chúa và anh chị em ta như Thánh Phêrô hay không ?

Trong thinh lặng của ngày sầu Thứ Sáu Thánh, ta hãy đặt mình trước Chúa và soi lòng ta để ta nếu lỡ đã có chối Chúa, chối anh chị em ta nhưng đừng bao giờ bỏ Chúa và anh chị em như Thánh Phêrô.

Người Giồng Trôm

Đọc nhiều nhất Bản in 20.04.2020 18:52