Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Biên Bản Nhân Chứng Thứ Nhất Về Cái Chết Của Thầy Giảng Anrê Phú Yên

§ Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng

Không đầy sáu tháng sau cái chết vinh quang của thầy Giảng An rê Phú Yên (Ranran), giáo quyền đã mở cuộc điều tra về án tử hình nầy. Sau đây là lời mở đầu của linh mục Gaspar de Amaral:

AnrePhuYen8.jpg

“Tôi, Gaspar de Amaral, phó bề trên tỉnh dòng vùng Nhật Bản của các tu sĩ Dòng Tên, gởi đến tất cả mọi người lời cầu chúc sức khoẻ trong Chúa chúng ta. Theo những thông tin mà tôi đã nhận được từ nước Đàng Trong, vùng đất thuộc toà Giám Mục Malaca (và việc chăm sóc mục vụ cho dân Kitô giáo được trao phó cho các cha Dòng Tên tỉnh dòng Nhật Bản). Trong năm này (ngày 26 tháng 7 năm 1644, một thanh niên tuổi 19, người nước Đàng Trong, tên là An rê  đã chết vì đức tin chí thánh của chúng ta, vào lúc đó thầy là một thầy giảng giáo lý của Cha Alexandre Rhodes, là tu sĩ có bốn lời khấn trong Dòng Tên, việc chăm sóc dân Kitô giáo được trao phó cho ngài; và thầy An rê vốn ở trong nhà của các cha Dòng, tại đó thầy bị bắt, đó là nơi thầy đã phục vụ và giúp đỡ theo khả năng của mình cho việc đem những người đồng bào trở lại đạo; và thi thể của thầy được đặt ở trường trung học Mẹ Thiên Chúa. Để người ta có thể tiến hành những thủ tục và những thông tin cần thiết và đúng pháp lý bằng con đường bình thường về một vị tử đạo, để gởi hồ sơ về cho Toà Thánh Rôma, nhằm tiến hành công bố việc tử đạo, phong chân phước và phong thánh, hay để gây hiệu quả khác hữu ích cho việc phụng sự Thiên Chúa; dựa vào những quyền hạn mà tôi vốn có, tôi tự coi mình như chủ sự trong vụ án tử đạo này, một cách tối ưu nhất theo đúng những quy định nghiêm ngặt của luật, thầy Manoel de Figueiredo, tu sĩ của cùng Dòng; tôi ban cho anh tất cả những quyền hạn mà tôi có và tôi có thể ủy cho anh về mặt pháp lý. Để làm tin tôi đã trao cho anh bức thư giới thiệu, do chính tôi ký tên và đóng dấu, tại Trường trung học Mẹ Thiên Chúa của Dòng Tên ở thành phố Macao, ngày mười hai tháng mười hai năm 1644 – Gaspar de Amaral –

Tôi thầy Manoel de Figueiredo, tu sĩ dòng Tên, người xin phong thánh hợp pháp trong việc tử đạo và những nhân đức của thầy giảng An rê, người đã chịu đau khổ vì đức tin của chúng ta vào năm 1644, ở vương quốc Đàng Trong, dưới lệnh của quan kinh tài vương quốc vùng Cacham (Dinh trấn Thanh Chiêm) được gọi là Ông Nghè Bộ...”

Các nhân chứng phải trả lời tám câu hỏi như nhau. Sau đây chúng tôi trình bày biên bản về tám câu hỏi của nhân chứng thứ nhất, João de Rezende de Figuciroa người đã tận mắt chứng kiến cuộc xử án và hành hình. Qua đó chúng ta có thêm nhiều chi tiết mới mà trong hai bảng tường thuật của linh mục Đắc Lộ không nhắc tới. Theo dõi cuộc hỏi cung chúng ta nhận thấy sự nghiêm túc của Giáo hội thời đó và càng làm cho cái chết từ 364 năm nay của Á thánh An rê Phú Yên thêm giá trị. Bản dịch từ tiếng Bồ Đào Nha sang tiếng Pháp do linh mục Roland Jacques OMI, bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt do anh Phaolô Hồ Quang Phúc, chủng sinh Đà Nẵng tại Đại Chủng viện Huế thực hiện.

NHÂN CHỨNG THỨ NHẤT.

Ngày 16 tháng 12 năm 1644, một ngày làm việc, trong thành phố mang tên Danh Thiên Chúa của Trung Hoa[1], tại nhiệm sở của Cha bề trên tổng quyền Manoel Fernandes, phụ tá nhà thờ Chính toà Goa, tại phòng thứ hai của ngôi nhà, là nơi được chỉ định để thực hiện cuộc điều tra, anh João de Rezende de Figuciroa đã có mặt, anh sinh tại Coimbra, đã lập gia đình và sống tại thành phố này. Anh 36 tuổi, con của Balthezars de Rezende Figuciroa và Maria de Misquita; trong thư của Antonio Rangel anh là một nhân chứng được nêu tên, và được chỉ định trong danh sách của thầy Manoel de Figueiredo. Cha tổng quyền cho anh tuyên thệ trên sách Phúc Âm, nhân chứng đặt tay phải và hứa nói sự thật về tất cả những gì anh biết và trả lời những câu hỏi dành cho anh. Trả lời cho câu hỏi năm này anh có xưng tội không và mấy lần, anh trả lời rằng anh xưng tội hai tháng một lần, và anh đã xưng tội hai lần trong mùa chay vừa qua, một lần tại đây sau Lễ Tro, và một lần ở Đàng Trong vào Lễ Phục Sinh với cha Alexandre Rhodes Dòng Tên, và đã rước Thánh Thể từ tay Ngài. Trả lời cho câu hỏi có bao giờ anh đã bị dứt phép thông công, anh trả lời rằng nhờ tình thương của Thiên Chúa chưa khi nào anh bị dứt phép thông công. Và sau khi nghe cảnh báo hãy suy xét đến việc phạm tội trọng nếu thề gian, anh đáp rằng đã ý thức về tính nghiêm trọng của tội thề gian.

Câu hỏi thứ nhất:

Nhân chứng đã trả lời rằng: anh ta đã biết thầy Anrê ở Đàng Trong[1], có lẽ khoảng chừng 19 tuổi, hơn kém gì đó, người ta bảo cha mẹ thầy là người Kitô hữu, và thầy sống trong nhà Cha Alexandre nơi thầy vẫn phục vụ; thầy đã bị vị quan toàn quyền vùng này bắt giữ và sau đó giết chết tại Kẻ Chàm (Dinh trấn Thanh Chiêm); và điều này nhân chứng nói rằng đã tận mắt nhìn thấy, vì nhân chứng có mặt vào lúc hành quyết; nhân chứng đã đến đó với tư cách là thuyền trưởng của một chiếc tàu năm đó đang đến thăm Đàng Trong, và nhân chứng đã nhìn thấy tận mắt tất cả những gì đã diễn ra.

Câu hỏi thứ hai:

Nhân chứng trả lời rằng anh ta không hiện diện vào lúc diễn ra cuộc bắt giữ và giam tù, nhưng người ta nói rằng thầy Anrê bị đánh đập vào lúc đó; mặt khác vì chính quan Ông Nghè Bộ đã nói cho nhân chứng biết rằng chính nhà quan đã ra lệnh tống giam Anrê vì thầy đã dám nói thẳng với ông rằng thầy là Kitô hữu và sẵn sàng hiến dâng mạng sống của mình vì điều đó, và thầy đã lặp lại cùng một điều này đến bốn năm lần; nhà quan đã nói với nhân chứng rằng ông sẽ không tha, bất chấp chính nhân chứng đã van nài nhà quan; và nhân chứng biết rằng thầy Anrê bị giam giữ trong một ngôi nhà bình thường, với cái gông trên cổ, được làm bằng hai khúc tre mỗi khúc dài một sải rưỡi tay với hai cái chốt khoá cổ lại; và lúc đó còn có một người khác bị bắt giữ, cũng có tên là Anrê, một người đã cao niên và người ta đã tha chết cho ông vì lý do này cũng như vì sự can thiệp của chính nhân chứng và những người bà con của ông. Và như thế thầy Anrê đã chịu tử đạo trong vòng 24 tiếng đồng hồ; và nghe nói rằng những lính tráng và quân sĩ của nhà quan, khi đi bắt giữ thầy Anrê, cũng đã nhận lệnh bắt giam ba hay bốn Kitô hữu khác vốn đang hăng say rửa tội và cải đạo những người khác, như Damaso, Inacio, và những người khác nữa; và chúng không bắt được họ vì chúng không tìm thấy được.

Câu hỏi thứ ba:

Nhân chứng trả lời rằng: quan Ông Nghè Bộ, chức quan tương đương với Quan Tổng Đốc, đã tuyên án tử hình thầy Anrê, dựa vào lệnh nhà vua ban, vì lý do thầy là Kitô hữu; chính vị quan này đã nhắc lại cho nhân chứng rằng câu hỏi ông đã đưa ra cho thầy Anrê liên quan đến Đạo mà thầy tuyên xưng, và thầy Anrê đã trả lời rằng đó là Đạo Chúa Kitô, và thầy sẵn sàng chết và chịu đau khổ vì Đạo đó; và rất muốn có nhiều mạng sống để hiến dâng tất cả vì Đạo mà thầy tuyên xưng; quá tức giận và phẩn nộ vì Anrê dám trả lời kiểu đó; Ông nói rằng nếu thầy Anrê trả lời ông rằng thầy hạ mình phục dịch Cha Alexandre vì nghèo khổ, và vì đĩa cơm người ta ban cho, thì nhà quan tha cho ngay, nhưng vì Anrê dám trả lời như trên nên ông không thể ân xá; tất cả những điều đó, chính vị quan đã kể và đã lặp lại cho nhân chứng. Như thế nhà quan tuyên án tử hình tại Kẻ Chàm (Dinh trấn Thanh Chiêm), và thầy Anrê đã sẵn lòng đón nhận bản án; và chính nhân chứng đã nhìn thấy thầy Anrê và đã nói chuyện với thầy tại nơi giam giữ, và chứng nhận rằng thầy Anrê rất hài lòng với cái tin người ta mang đến cho thầy, thầy phải chết. Và ngày 26 tháng 7, vào buổi chiều trước khi mặt trời lặn, vào năm 1644 này, thầy Anrê bị quân lính với mã tấu và giáo hai mũi giải đi công khai từ nhà tù đó, còn Anrê thì đi giữa họ bị xích và đeo gông như đã nói, đi đến một nơi không xa lắm; và ở đó khi vừa đến nơi thầy ngồi xuống và sau đó quì lên lúc người ta muốn lấy mạng sống thầy; và khi những lý hình lấy gông khỏi cổ thì thầy Anrê tuyên bố rằng thầy sung sướng chịu chết vì thầy đang hiến dâng mạng sống mình cho Đấng đã hiến mạng sống cho thầy, và tất cả mọi người phải biết rằng thầy không chết như một tên trộm cắp, cũng không vì một tội ác nào mà thầy đã phạm, nhưng thầy bị giết chết chỉ vì thầy là người Kitô hữu. Và bởi vì thầy cứ quỳ luôn như thế nên một người lính cầm giáo đã đâm thầy một nhát, đó là một loại giáo có đầu nhọn bằng sắc dài ba gang tay và rộng ba ngón tay, và đã tạo ra một vết thương sâu ở bên sườn trái, rồi đâm tiếp lần thứ hai vào cùng một chỗ đó, thầy Anrê ngã xuống đất. Và thầy nằm như vậy, một người lính khác tiến đến cắt cổ, trong khi thầy Anrê chỉ kêu tên Giêsu và Maria. Và chính nhân chứng đã nghe Francisco de Azevedo và Antonio Mendes người Bồ Đào Nha nói rằng, ngay cả sau khi người ta cắt cổ thầy, người ta vẫn còn nghe danh Thánh Giêsu trong hơi thở thoát ra cùng với máu.

Câu hỏi thứ tư:

Nhân chứng trả lời rằng những người chứng kiến cái chết này và có mặt ở các địa điểm, gồm có: Francisco de Azevedo, Antonio Pecanha, Domingos Rodrigue le Castillan, Agostinho da Silva, Antonio Mendes, Manoel da Fonceca, và chính nhân chứng cùng với những người khác nữa, và cha Alexandre Rhodes, Horacio Massa. Và khi màn đêm buông xuống, các Kitô hữu bản địa đón nhận thi thể của thầy Anrê, và trước đó những người hiện diện tại chỗ đã lấy khăn mù soa và khăn vải thấm trong máu thầy, và họ cung kính đón nhận những giọt máu như những giọt máu của một vị tử đạo; và trên các con đường trở về người ta tránh đi ngang qua nhà của quan thống đốc, họ trao thi thể thầy Anrê cho Cha Alexandre Rhodes, ngài vẫn đang ở trên bãi cát ở bờ sông và đang chờ cùng với một chiếc thuyền; rồi họ đi đến Hội An, và Cha ôm thi thể thầy và với sự giúp đỡ của những Kitô hữu khác của thành phố này (Macao) cha đặt thầy trong một quan tài mà chính những người bản xứ Đàng Trong đã dâng cúng để liệm xác, và người ta quàng cho thầy một chiếc áo dài bằng lụa. Rồi Cha trao quan tài đang chứa thi thể đó cho chính nhân chứng, người chở chiếc quan tài đó trên tàu của mình đến thành Macao, ở đó thầy được đón tiếp rất long trọng và tôn kính, với đám rất đông người ta, và một đoàn rước long trọng; người ta đã cho tàu cập vào một bến đã được trang hoàng rất lộng lẫy. Chính trong bầu khí trang trọng của lòng sùng mộ, và sùng kính này, thầy được đưa đến Trường Trung học của Dòng Tên và trao lại cho Cha Giám đốc trường. Tất cả những điều kể trên đến là những sự kiện công khai, rõ ràng, và mọi người đều biết.

Câu hỏi thứ năm:

Nhân chứng đã nghe từ chính miệng quan Ông Nghè Bộ rằng ông đã ra lệnh xử tử thầy vì thầy là người Kitô hữu, và đã tuyên xưng đức tin Kitô giáo trước mặt ông và với tất cả những người đã nói ở trên; và trước mặt chính nhân chứng này, quan đã khuyến cáo ông cha nên bỏ đi Macao, và không được làm cho người ta theo Kitô giáo, không được ở lại trên đất nước này nữa, bởi vì đó là ý chỉ và mệnh lệnh của nhà vua. Và chính nhân chứng này cũng đã mắt thấy rằng khi những người thi hành bản án đã lấy các ảnh thánh và những đồ trang trí, chẳng hạn: hai tượng chuộc tội, hai bức tranh, một bức về Chúa Cứu Thế và một bức về Đức Mẹ, chúng mang đến trước mặt nhà quan, chính vì thế mà nhân chứng đã nhìn thấy, và nhờ có sự can thiệp và khẩn nài của chính nhân chứng và những người Bồ khác mà những thứ này cũng như đồ trang trí và chén thánh được giao lại cho cha Alexandre Rhodes, cùng với lời cảnh cáo đã nói trên, tức là cha chỉ có thể đến và quay trở lại Nam Việt cùng với những người Bồ Đào Nha.

Câu hỏi thứ sáu:

Nhân chứng trả lời rằng: thầy Anrê đã không bị kết án tử và không bị giết vì bất cứ một tội ác hay tội lỗi nào mà thầy đã phạm cả, nhưng ngược lại chỉ vì một lý do duy nhất thầy là Kitô hữu, và vì đã công bố đức tin mà thầy vẫn tuyên xưng, thầy đã làm việc này trước mặt nhà quan, theo những gì chính nhà quan đã tiết lộ cho nhân chứng, và cho những người Bồ Đào Nha đang có mặt, điều này nhân chứng đã nói ở trên rồi. Và nhân chứng còn tiết lộ rằng khi thầy Anrê đã bị giải đến nơi chịu tử hình, thầy đã không muốn ngồi xuống hay đặt mình trên những tấm chiếu mà một người phụ nữ đã đặt ở đó cho thầy, và bà đã trải chiếu ra để thầy đón nhận cái chết trên đó, nhưng thầy đã muốn ở trên đất, đây là một bằng chứng cho thấy sự khiêm nhượng; và thầy đã tuyên bố mình rất sung sướng chết đi với tư cách là người Kitô hữu, chứng không phải vì một tội nào thầy đã phạm.

Câu hỏi thứ bảy:

Nhân chứng trả lời rằng mọi người đều biết rằng thầy Anrê có những nhân đức đó, và rằng thầy đã chứng tỏ rằng thầy đã có những nhân đức đó, bởi thầy đã chịu đau khổ vì đức tin Chúa Kitô và vì đức mến dành cho Ngài, cùng với đức cậy trông đạt tới vinh quang. Và chính nhân chứng đã mắt thấy vào lúc các lý hình chực hạ sát thầy, thầy đã nói lời vĩnh biệt các Kitô hữu và những người hiện diện ở đó với những dấu chỉ của tình yêu thương và đức mến nồng nàn; ai cũng biết cha Alexandre Rhodes luôn khẳng định rằng thầy Anrê sùng đạo và nhiệt thành phụng sự  Chúa, siêng năng tham dự các bí tích Sám Hối và Thánh Thể, và thầy hằng khao khát cải đạo cho những người đồng bào mình, và thầy luôn tham dự Thánh Lễ, và thầy làm việc phụng vụ bàn thờ với lòng sùng mộ và sùng kính.

Câu hỏi thứ tám:

Nhân chứng đã trả lời rằng thầy Anrê đã được tôn kính như một vị tuẩn đạo thật sự và thầy được những người bản địa tại Đàng Trong, những người Bồ hiện diện ở đó, cũng như những người dân trong thành phố này tôn kính như thế. Và chính nhân chứng cũng tôn kính thầy như vị tử đạo; ngoài ra, chính nhân chứng còn tận mắt chứng kiến thi thể của thầy Anrê, cũng như máu và đất nơi thầy ngã xuống, được tiếp đón với sự cung kính như một vị tuẩn đạo ở tại Nam Bộ, và các Kitô hữu nước này đã dâng cúng một chiếc áo quan để đặt thi thể, một chiếc áo dài bằng lụa để choàng thi thể thầy. Và chính nhân chứng cũng có một chiếc mù soa thấm máu đào của thầy Anrê tuẩn đạo. Và cha Alexandre Rhodes đã giao áo quan và thi thể thầy cho chính nhân chứng, như nhân chứng đã trình bày, và nhân chứng đã chuyển đến thành phố này (Macao), và thi thể thầy đang ở Trường Trung Học dòng Tên của thành phố. Và chính nhân chứng đã nghe nói rằng ở Đàng Trong sau khi chết, thầy Anrê đã hiện ra với một phụ nữ, đó là người đã đem cho thầy Anrê một ít trầu khi thầy bị bắt giam, và là người đã trải chiếu cho thầy Anrê nhận cái chết trên chiếu khi người ta chực cất mạng sống của thầy. Và nhân chứng không nói gì thêm nữa.

Và sau khi nhân chứng đã đọc lại từng chữ một trong bản chứng từ, anh đã tuyên bố rằng chứng từ này được viết đúng theo sự thật, và anh không còn có điều gì khác để thêm vào hay bớt đi, nhưng ngược lại anh chuẩn nhận và xác nhận; và nhân chứng đã ký tên vào bảng điều tra cùng với Cha Tổng Quyền, và tôi, cha Antonio da Silva, thư ký Bộ Tư Pháp (chưởng ấn) và công chứng viên chính của vụ án này, là người đã viết bảng điều tra. João de Rezende de Figueiroa. Cha tổng quyền Manoel Fernandes, Cha Antonio da Silva ký tên.

Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng,
Quản xứ Hội An kiêm quản trị Đền Á Thánh Anrê Phú Yên
tại Phước Kiều, Quảng Nam.

[1] thành phố Macao có nhiều tên gọi khác nhau. Tên theo tiếng Bồ Đào Nha thường gọi là Macao, ngày nay là Macau, biến thái từ tiếng Trung Hoa “A Mã Khẩu”, “Cảng Quan Âm”. Tên chính thức bằng tiếng Trung (cũng như tiếng Việt) là Áo Môn. Trong tiếng Bồ Đào Nha, tên chính thức từ năm 1642 là “cidade do Nome de Deus na China, não há outra mais leal”, có nghĩa là “Thành Thị Thiên Chuá Danh tại Trung Hoa không có thành nào trung thành hơn”

2. thành phố Macao có nhiều tên gọi khác nhau. Tên theo tiếng Bồ Đào Nha thường gọi là Macao, ngày nay là Macau, biến thái từ tiếng Trung Hoa “A Mã Khẩu”, “Cảng Quan Âm”. Tên chính thức bằng tiếng Trung (cũng như tiếng Việt) là Áo Môn. Trong tiếng Bồ Đào Nha, tên chính thức từ năm 1642 là “cidade do Nome de Deus na China, não há outra mais leal”, có nghĩa là “Thành Thị Thiên Chuá Danh tại Trung Hoa không có thành nào trung thành hơn”

3. Vào thế kỷ 17, Việt Nam được chia thành hai niềm Nam – Bắc: Đàng Trong và Đàng Ngoài, tiếng Pháp gọi là Cochinchine và Tonkin.

Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.07.2008. 02:19