Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bài Chia Sẻ trong Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh Phaolô - Tỉnh Dòng Phaolô Đà Nẵng

§ +GM Giuse Châu Ngọc Tri

Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,
Đặc biệt là Chị Giám Tỉnh và các nữ tu Tỉnh Dòng Thánh PhaoLô Đà Nẵng quí mến !

Nhà thờ Chính Toà hôm nay rực một màu trắng, màu tu phục đại lễ của Chị Em Dòng Thánh Phaolô, không phải chỉ tại Giáo Phận Đà Nẵng, nhưng khắp nơi trên thế giới, Hội Dòng Chị em Thánh Phaolô vào dịp mừng Lễ quan thầy năm nay, cũng khai mạc năm thánh Phaolô cho đến ngày này sang năm.

Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI cũng đã mời gọi toàn Hội Thánh cử hành Năm Thánh Phaolô nhân kỷ niệm 2000 năm ngày sinh của Ngài, bắt đầu từ ngày 28/6 sắp tới.

Giáo Hội hay Hội Dòng, không chỉ nhằm tôn vinh Ngài cách đặc biệt trong năm này. Điều quan trọng hơn, Giáo Hội muốn chúng ta nhìn ngắm Ngài để tìm cho Hội Thánh nói chung và cho Hội Dòng nói riêng, một hướng đi trong giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng này. Thánh Phaolô, vị Tông Đồ Dân Ngoại, quả là một bức gương để mỗi người chúng ta soi ngắm mình trong hành trình sống, rao giảng và làm chứng cho Đức tin vào Đức Kitô Cứu Thế. Ngài không những là nhà giảng thuyết biệt tài, một nhà hoạt động lỗi lạc, một nhà văn tầm cỡ, một nhà truyền giáo không biết mệt mỏi, nhưng trên hết và trước hết, Ngài là một Vị linh hướng sâu sắc đầy kinh nghiệm về Thiên Chúa sau biến cố trên đường Damas.

Chàng Saolô quá nhiệt thành đã bị “ngã ngựa”. Đức Kitô Phục Sinh đã chạm vào gáy chàng. Lời Ngài đã mở tai chàng. Ánh sáng của Ngài đã mở đôi mắt mù quáng của Chàng. Tình yêu của Ngài đã mở lòng Chàng, giục giã đôi chân Chàng hăng hái lên đường đến với dân ngoại. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh đã thôi thúc chàng, giúp chàng can trường vượt qua bao nhiên là gian nan thử thách trên đường truyền giáo. Chàng Saolô trẻ tuổi nhiệt thành ấy chính là Thánh Phaolô, Tông Đồ dân ngoại. Không biết Ngài đã ra tay bách hại được bao nhiêu Kitô hữu, nhưng trong suốt hành trình đến với dân ngoại, Ngài đã cứu vớt hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn, hàng triệu người, để học cũng được “ngã ngựa”, cũng được Chúa mở mắt, mở tai, mở lòng qua Bí Tích Rửa tội.

Kinh nghiệm Damas của Ngài chính là linh đạo cho mỗi chúng ta ngày hôm nay. Chúa vật ngã Ngài nhưng không giết chết Ngài, mà làm cho “sống và sống dồi dào”. Ngài đã biết từ bỏ những ý riêng ngông cuồng của lòng nhiệt thành mù quáng, để tìm thánh ý Thiên Chúa: “ Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?”. Chắc chắn, trong suốt đời tông đồ, Ngài không chỉ “ ngã ngựa” một lần tại Đamas. Nhưng từ lẫn ngã đầu tiên đó, Ngài đã “ngã ngựa” nhiền lần trong những hoàn cảnh và cách thức khác nhau, để kinh nghiệm Đamas được tái hiện và để Thánh Ý Thiên Chúa được sáng tỏ trong sứ vụ của mình trong suốt cuộc đời. Vâng, “Lạy Chúa Chúa muốn con làm gì?” không phải chỉ được thốt ra một lần, nhưng trong mọi hoàn cảnh của người tông đồ.

Bất cứ ai trong chúng ta sống đời tông đồ, chúng ta ít nhiều cũng có kinh nghiệm Đamas của Tông Đồ Phaolô. Điều quan trọng là chúng ta có đủ tỉnh thức và cầu nguyện để cảm nhận được kinh nghiệm này hay không. Có những cú “ngã ngựa” công khai đau điếng, gây tiếng tăm và cả sự hoang mang bối rối, nhưng cũng có những lần té ngã kín đào nhẹ nhàng, chỉ có ta với mình và ta với Chúa. Có những lúc “ngã ngựa” vì quá nhiệt thành mạnh mẽ đến nóng nảy mù quáng, quyết định làm một việc gì đó với bất cứ giá nào, nhưng cũng có khi do chính sự yếu đuối bất toàn của thân phận con người, ngay cả con người đã được thánh hiến. Chúng ta có thể “ngã ngựa” do sự bất cẩn của mình, nhưng nhiều khi người khác làm cho ta “ngã ngựa”. Khi bị người ta chống đối, vu oan giáng họa; đau lắm chứ! khi bị bề trên hiểu lầm, xử sự bất công; đau lắm chứ! khi hết quả học hành không tốt, công việc không như ý, sức khoẻ, danh dự, tài sản bị tổn thất. .. đau lắm chứ ! Cả khi chính ta “gieo gió” và tự “gặt bão”, gieo hoạ, họa mang”. .. đau lắm chứ! tất cả không chỉ là tình cờ, không chỉ là bất cẩn. Kinh nghiệm Damas của Thánh Phaolô mà chúng ta phải học hỏi chính là nhận biết ai đã làm mình “ngã ngựa”, và tin tưởng chìa tay cho người ấy giúp mình chỗi dậy và dẫn lối đưa đường. Không ai khác, người ấy chính là Đức Kitô Phục Sinh.

Như thế, biến cố ngã ngựa của Thánh Phaolô mới đáng được Giáo hội trân trọng và nhắc nhớ mừng lễ ngày hôm nay với tên gọi “ Thánh Phaolô Tông Đồ trở Lại”. Kinh nghiệm Đamas của Thánh Phaolô cũng chính là kinh nghiệm trở lại, kinh nghiệm hoán cải, kinh nghiệm lên đường, và quan trọng nhất, chính là kinh nghiệm về Thiên Chúa nơi mỗi tâm hồn, mỗi con tim chúng ta trong đời sống giáo dân cũng như đời tận hiến của linh mục tu sĩ.

Cùng Chị Em Dòng Thánh Phaolô Tỉnh Dòng Đà Nẵng thân mến,

Xin chúc mừng các Chị vì các bậc tiền bối của các Chị đã chọn Thánh Tông Đồ Phaolô làm Thánh Quan Thầy của Hội Dòng và chọn đường lối hoạt động tông đồ của Ngài làm tôn chỉ cho linh đạo và hoạt động của Hội Dòng mình: “nên mọi sự cho mọi người”. Xin chúc mừng Đại lễ Quan Thầy của Hội Dòng ngày hôm nay. Xin chúc mừng ngày khai mạc Năm Thánh Phaolô hôm nay, với cả một năm mà toàn Hội Dòng quyết tâm suy tư và đổi mới theo nguồn mạch tông đồ từ chính vị Thánh Quan Thầy của Hội Dòng mình, với cả kho tàng giáo huấn mục vụ và truyền giáo bao la của Ngài. Mến chúc Chị Em đạt tới đích mình nhắm đến.

Tôi may mắn đọc được sứ điệp “ Tiếng Vang Phaolô” của Mẹ Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thánh Phaolô, nữ tu Myriam Kitcharoen, viết từ Rôma vào cuối năm dương lịch vừa qua. Mẹ đã mời gọi Chị Em trong Hội Dòng, dùng những tâm tình của Thánh Tông Đồ Phaolô trong thư 1 Cô-rin-tô, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì “những công trình kỳ diệu của tình yêu Người, nhưng điều kỳ diệu được thực hiện mỗi ngày, cả khi chúng ta không hay biết, cho Giáo Hội và thế giới, cho mỗi người chúng ta và trong năm nay cho Tổng Công Hội vừa qua của Hội Dòng”.

Mẹ cũng coi năm 2008 này là Năm Hồng ân cho toàn hội Dòng, khi Đức Giáo Hoàng Bê-nê-dic-tô XVI công bố Năm Thánh Phaolô trong toàn Hội Thánh, từ ngày 28/6/2008 đến 29/8/2009, nhân kỷ niệm 2000 năm sinh nhật của Vị Tông Đồ Dân Ngoại này. Toàn Hội Dòng cùng nhau ra sức học hỏi và theo gương Thánh Quan Thầy, như là “nguồi mạch thường xuyên của suy tư và đổi mới”. Chính vị Tông Đồ thời danh này chiêu tập môn đệ không phải để tự tôn mình lên bậc thầy, nhưng để Thầy Kitô được mọi người tìm đến: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Đức Kitô”.

Tôi đọc được những quyết tâm của Hội Dòng, của Tỉnh Dòng Đà Nẵng và mỗi người trong Chị em khấn sinh sinh, tập sinh, thỉnh sinh, tuyển sinh và cả những Chị Em trong nhà hưu dưỡng. Tôi rất tâm đắc, ủng hộ, cầu nguyện và cộng tác với Hội Dòng, Tỉnh Dòng khi có thể và trong khả năng, về những định hướng của Tổng Công Hội thứ 46 vừa qua của Hội Dòng:

1- Canh tân chân trời sứ mạng của Hội Dòng.

2- Chuẩn bị cho Hội Dòng hôm nay một linh đạo vững mạnh.

3- Xây dựng những cộng đoàn huynh đệ đích thực.

4- Đồng lãnh trách nhiệm về sự hiệp nhất và tương lai của Hội Dòng.

Bốn định hướng này khi được thực hiện sẽ hoàn toàn lột xác Hội Dòng để thích ứng với thời đại mới, nhiệm vụ mới, với một tinh thần vừa về nguồn, vừa không ngừng thăng tiến và thích nghi.

Với gia đình Giáo Phận, đây cũng là cơ hội để chúng tôi nói lên lòng biết ơn của chúng tôi đối với Tỉnh Dòng. Chị Em đã hiện diện trong Giáo Phận này từ trước khi Giáo Phận được khai sinh. Như một tiền định để Chị Em gắn bó với Giáo Phận này, khi Chị Em đã được đặt tên là Tỉnh Dòng Đà Nẵng, khi Đà Nẵng chỉ còn là tên của một Giáo Xứ thuộc Giáo Phận Qui Nhơn. Chúng tôi trân trọng ghi nhận sự hợp tác tích cực và hữu hiệu của Chị Em trong cánh đồng mục vụ truyền giáo của Giáo Phận Đà Nẵng này. Các Chị Em đã đồng hành cùng chúng tôi dọc suốt lịch sử của Giáo Phận, hôm qua, hôm nay cũng như ngày mai. Chúng tôi cũng hãnh diện và cũng vui mừng với Tỉnh Dòng vì sự phát triển của Tỉnh Dòng ngày nay đã lan ra trên lãnh thổ 13 Giáo Phận. Tên Giáo Phận Đà Nẵng cùng với Tỉnh Dòng Đà Nẵng, cũng được vinh dự nhắc đến trên bất cứ địa phương nào mà Chị Em đặt chân đến. Vì thế, chúng tôi cũng có mặt trong tất cả những lãnh thổ và lãnh vực mà Chị Em phục vụ, hiện diện trong mỗi người mà Chị Em quan tâm chăm sóc.

Mừng Lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại hôm nay, xin cho chúng ta một ý một lòng xây dựng Hội Thánh. Thao thức và hăng say, xác tính trong sứ mệnh truyền giáo như Thánh Phaolô: “khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”. Để không chỉ mình Ngài, mà mỗi chúng ta cũng xứng đáng được mang danh hiệu “TÔNG ĐỒ DÂN NGOẠI”, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và sự chuyển cầu đắc lực của Đức Maria và Thánh Phaolô Tông Đồ. Thánh Thể Chúa Kitô mà chúng ta đang cử hành là một bảo đảm chắc chắn cho những ước mơ của chúng ta thành hiện thực. Amen

Ngày 25 tháng 01 năm 2008

+ Giuse Châu Ngọc Tri
Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Đà Nẵng

+GM Giuse Châu Ngọc Tri

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 02.02.2008. 06:46