Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Việc bách hại Kitô Giáo tại Ấn Độ

§ Vũ Văn An

Theo tin Zenit ngày 16 tháng Sáu, nhân tham dự đại hội Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo tại Nam Hàn, Đức Hồng Y Telesphore Toppo, Tổng GM Ranchi và đương kim chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, có dành cho hãng tin này một cuộc phỏng vấn về dân số Kitô Giáo tại Ấn và các thách đố mà Ấn hiện đang phải đối phó.

Đức Hồng y quả quyết rằng dù Ấn là nơi xẩy ra các vụ bách hại nhằm vào Kitô Giáo, nhưng Kitô hữu tại Ấn vẫn hết sức cam kết một cách đặc biệt với đức tin. Theo ngài, Ấn Độ là một quốc gia có tinh thần tôn giáo rất cao. Tại đây, Kitô giáo cũng đã lâu đời như chính Kitô Giáo vậy. Ngài cho rằng, việc làm của phong trào Canh Tân Đặc Sủng đã giúp các tín hữu yêu mến Lời Thiên Chúa, một việc mà trước đây người Công Giáo ít biết đánh giá. Đức Hồng Y giải thích rằng đức tin ở Ấn đã có từ thời Thánh Tông Đồ Tôma, nhưng khó mà đếm được con số tín hữu vào lúc này.

Ngài cho biết: “tại tiểu bang của tôi, khi nhà truyền giáo người Bỉ tên là Constant Lievens tới đây năm 1885, chỉ có 50 người Công Giáo tất cả. Bẩy năm sau, khi Lievens buộc phải ra đi vì lý do sức khỏe, ngài đã để lại 80,000 người Công Giáo đã rửa tội và hơn 20,000 dự tòng. Đó là một cuộc bùng nổ đức tin kỳ diệu được mệnh danh là “phép lạ Chotanagpur".

Chống ung thư

Được hỏi về kết quả cuộc bầu cử tháng Năm vừa qua, trong đó Đảng Quốc Đại chiếm được đại đa số đầy ngạc nhiên, Đức Hồng Y cho rằng đó là một thành công vẻ vang đánh dấu sự thất bại của phe cực đoan.

Ngài nhận định rằng tân chính phủ nay gồm những người biết tuân theo các nguyên tắc của Mahatma Gandhi. Họ là những thành phần ưu tuyển của Ấn Giáo. “Nếu Ấn Độ ngày nay có thể tự hào là một trong những nền dân chủ lớn nhất của thế giới, thì chẳng qua là vì tinh thần tôn giáo của dân chúng Ấn: một dân số hết sức đa dạng nhưng các thành phần đa dạng ấy lại có chung một niềm tin vào Thiên Chúa và vào anh em nhân bản đồng loại”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y tỏ ra không lạc quan lắm về viễn ảnh chấm dứt tức khắc nạn bách hại Kitô hữu hiện nay. Ngài bảo: “Bách hại là việc khó mà kìm hãm được. Nó như một thứ ung thư”.

Chiến đấu cho tự do

Cơn bách hại hiện đang nhằm vào các Kitô hữu một cách đặc biệt, vì nếu các nhóm bộ lạc trở lại Kitô Giáo, họ có thể tạo ra một giai cấp trung lưu to lớn. Đức Hồng Y giải thích: “dưới con mắt người cực đoan, thì người Hồi Giáo cũng là kẻ thù của Ấn nhưng vì người Hồi Giáo chống trả lại nên nhóm cực đoan kia phải để họ yên. Họ quay qua coi Kitô hữu như một đe dọa cần phải trừ khử. Họ đặc biệt chú mục vào người thuộc các bộ lạc, vì con số trở lại cao nhất là người thuộc các nhóm này, cũng như người dalit hay đẳng cấp bị coi là mạt hạng (untouchable). Mặc dù suốt trong lịch sử, phải kinh qua không biết bao nhiêu bách hại, các nhóm bộ lạc này vẫn duy trì được ngôn ngữ và hệ thống xã hội riêng của họ. Nên nếu trở lại đạo, họ có thể tạo thành một giai cấp trung lưu, làm chất xúc tác giữa đẳng cấp dalit và các đẳng cấp thượng lưu. Hiển nhiên, nếu một trăm triệu người dalit và 70 triệu người bộ lạc trở lại đạo, thì điều ấy sẽ tạo nên một cuộc thay đổi hết sức lớn lao về chính trị và xã hội”.

Đức Hồng Y Toppo nói rằng phe cực đoan Ấn chỉ là thiểu số, chiếm khoảng 11% tổng số dân và tư tưởng của họ ít có ăn có với truyền thống tôn giáo vốn chuộng khoan dung và hoà bình. Ngài tự hỏi: “Có thể có hòa bình với hệ thống đẳng cấp không? Có thể có hòa bình khi bạn không chịu nhìn nhận người anh em là người bình đẳng với bạn không? Mahatma Gandhi từng giải phóng Ấn Độ khỏi chủ nghĩa đế quốc Anh, nhưng việc giải phóng ấy chưa hoàn tất. Gandhi biểu tượng cho tính phổ quát, một ý niệm tuyệt đối có tính Kitô Giáo. Nếu sống lâu hơn, có lẽ ông đã dẹp bỏ được đẳng cấp, nạn tảo hôn, hệ thống của hồi môn, nạn đốt cô dâu… Ấn Độ cần tự giải phóng mình khỏi những tội ác ấy cũng như các nhóm cực đoan”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh: “Người cực đoan chỉ là phần rất nhỏ của dân số […] nhưng họ cũng có cùng những ý niệm như Hitler và Mussolini. Việc bách hại cần được nhìn trong ngữ cảnh ấy. Nó xuất hiện trong lãnh vực đấu tranh cho tự do: tự do lương tâm. Đường của chúng tôi còn dài; cuộc đấu tranh cho tự do, được Gandhi dẫn khởi, phải tiếp tục”.

Một con người đấu tranh cho người nghèo, cho đồng thuận

Ai cũng biết: Đức Hồng Y Toppo vốn là người bộ lạc Ấn Độ đầu tiên được phong làm Hồng Y trong Giáo Hội Công Giáo. Ngài vốn xuất thân từ một gia đình 10 người con, thuộc bộ lạc Adivasi. Tranh đấu cho quyền lợi của các dân tộc bộ lạc tại bang tân lập Jharkhand vì thế là tâm huyết của ngài.

Tổng Giáo Phận Ranchi nằm trong bang này là một tổng giáo phận hết sức tích cực trong việc tranh đấu dành trợ giúp của chính phủ cho người nghèo nông thôn. Ranchi vốn là thủ đô của bang Jharkhand, một bang mới được thành lập năm 2000 để thăng tiến về xã hội và kinh tế cho người bộ lạc. Những người này là mục tiêu của Đạo Luật Bảo Đảm Nhân Dụng Nông Thôn Toàn Quốc, được Quốc Hội thông qua hồi tháng Chín năm 2005, nhằm bảo đảm công ăn việc làm trong 100 ngày cho một gia đình và cung cấp tài nguyên cho việc cải thiện hạ tầng cơ sở trong làng. Chính phủ Ấn Độ rầm rộ phát động chiến dịch trợ giúp này tại 200 quận kém mở mang, trong đó, tất cả 21 quận của Jharkhand đều tham dự.

Nhưng khi mang ra áp dụng trên thực tế, kế hoạch giúp đỡ này đã không đến tay người dân. Nên cơ quan bác ái của tổng giáo phận phải huy động để buộc các nhà hữu trách phải làm việc đúng đắn hơn.

Theo nguyên tắc, ngân khoản trợ giúp của chính phủ được trao cho hội đồng làng. Nhưng các bộ lạc tại bang Jharkhand không có hội đồng làng, nên ngân khoản ấy được tổ chức thành từng khối, nghĩa là ở cấp lớn hơn hội đồng làng. Nhưng các viên chức khối tỏ ra không tha thiết gì với việc thực thi kế hoạch, cộng vào đó, còn có chuyện tham nhũng nữa.

Giáo hội tại Ranchi bèn huấn luyện các cán bộ riêng để can thiệp. Bốn mươi tám vận động viên giáo dân được huấn luyện kỹ càng cộng với 50 người khác có sẵn tại 24 giáo xứ đã tích cực nối kết người dân với với các văn phòng khối một cách hữu hiệu, cố gắng loại bỏ những anh cò mối háu đói và trực tiếp giúp đỡ người dân trong mọi giai đoạn, đến khi họ nhận được trợ giúp mới thôi. Ngoài ra, các cán bộ này còn giúp người có công ăn việc làm nhận được đầy đủ tiền công xứng đáng và được bảo hiểm chống mọi bất trắc khi làm việc.

Đức Hồng Y cũng đấu tranh kịch liệt cho mọi tôn giáo thuộc phe thiểu số ở Ấn Độ. Nhân ngày kỷ niệm 60 năm nền độc lập Ấn, Đức HY Toppo nhấn mạnh tới nỗi âu lo của của các nhóm thiểu số tôn giáo này. Vì “họ liên tiếp bị tấn công bởi một số tổ chức xã hội và chính trị muốn tuyên dương luật của chủ nghĩa đa số”. Theo ngài, điều ấy đi ngược lại “gia tài thánh tiêng” của nền văn hóa tổng hợp tại Ấn. Nước này có thể đóng vai trò hàng đầu trong thế giới hiện đại để tranh đấu cho việc đạt được một triết lý sống đa văn hóa và đa tôn giáo. Ngài nói: “Ấn Độ luôn là một xã hội bao hàm với nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo và triết lý khác nhau nhưng cùng hiện hữu bên nhau, để kiến tạo một hòa nhập cả tâm lẫn trí, cả giá trị lẫn truyền thống. Duy trì bằng được cái gia tài vô song này phải là bổn phận cao cả của mỗi người chúng ta, công dân của nước Ấn Độc Lập”

Vẫn bị tấn công

Ấy thế mà tin UCAN ngày 25 tháng Chín năm ngoái cho hay một nhóm người bộ lạc lại biểu tình đốt hình ngài, ngay trước nhà ngài, để phản đối điều họ cho là nhục mạ tôn giáo của họ.

Số là năm 2000, Hội Thánh Kinh Ấn, một tổ chức Thệ Phản, có xuất bản một bản dịch Thánh Kinh sang thổ ngữ Kurukh của bộ lạc Oraon, trong đó chữ “cây” của sách Đệ Nhị Luật đã được dịch là “sarna” trong tiếng Kurukh. Đoạn ấy như sau: “Ngươi phải hoàn toàn triệt hạ mọi địa điểm nơi các dân tộc mà ngươi chiếm được từng dùng để phụng sự các thần của chúng, dù là ở trên núi cao, trên đồi thấp, hay dưới bất cứ cây xoè cành nào; ngươi phải phá đổ các bàn thờ của chúng, đập bể các tảng đá thánh của chúng, đốt hết các xào cột thánh của chúng, đập nát từng mảnh các tượng thần của chúng và loại hết tên chúng khỏi nơi đó”.

Đại diện bộ lạc này cho hay Sarna mô tả việc thờ phượng của họ thường xẩy ra dưới một thân cây. Từ ngữ này cũng được dùng để mô tả cộng đồng bộ lạc thờ phượng theo lối này. Cho nên bản dịch trên là một bản dịch bôi lọ vì “sarna là nơi thánh của chúng tôi” và do đó “đã xúc phạm một cách không thể chịu đựng được toàn bộ cộng đồng bộ lạc chúng tôi”. Họ cho rằng bản dịch này là để hỗ trợ cho chiến dịch của các nhà truyền đạo Kitô Giáo nhằm “đặt tôn giáo của chúng tôi dưới một ánh sáng xấu xa” để “dễ bề lôi kéo người khác cải đạo”.

Thế là ngày 22 tháng Chín, họ rầm rộ xuống đường, hô vang khẩu hiệu chống lại vị giáo chủ đầu tiên người bộ lạc của Ấn, cho rằng ngài phải chịu trách nhiệm đối với bản dịch tai hại ấy. Dù trước đó một ngày, tức ngày 21 tháng Chín, Đức Hồng Y đã chính thức minh xác hai điều: thứ nhất, vì Kurukh cũng là ngôn ngữ của ngài, nên ngài công nhận bản dịch trên sai; thứ hai: Giáo Hội Công Giáo không phải là hội viên của Hội Thánh Kinh, nên không chịu trách nhiệm về bản dịch đó.

Hành động của nhóm trên vì thế thuộc một âm mưu xấu xa. Người ta từng biết nhóm ấy vốn được các nhóm Ấn Giáo trong vùng hỗ trợ. Được hỏi tại sao bản dịch kia đã xuất hiện cả tám năm rồi, nay mới được họ nhắc tới để phản đối, họ đã im lặng không trả lời. Điều ấy càng làm rõ ý đồ muốn chống đối Kitô Giáo của các phần tử cực đoan. Họ đã áp dụng chiến thuật từng được chính Chúa Giêsu tiên đoán: đánh người chăn, đoàn chiên sẽ tan tác, dù người chăn này chẳng có tội tình chi.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 18.06.2009. 11:48