Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 11/12/2018: Câu chuyện Phép lạ mùa Giáng Sinh

§ Vietcatholic

- Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào đây

1. Mùa Vọng là thời gian làm hòa trong linh hồn, gia đình, và lối xóm

Anh chị em hãy xây dựng hòa bình trong tâm hồn, trong gia đình và trên thế giới thông qua sự khiêm nhường, đó là cách thế tốt nhất để chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh trong Mùa Vọng. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba mùng 4 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta.

Ngài nhấn mạnh rằng kiến tạo hòa bình bao gồm đừng nói xấu, gây hại cho những người khác, và khiêm nhường hạ mình như chính Chúa Giêsu đã hạ mình xuống trên chúng ta.

Giải thích về bài đọc một trích từ sách tiên tri Isaia “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng,” Đức Thánh Cha nói rằng vị tiên tri đã tiên báo với chúng ta rằng bình an của Chúa Giêsu làm thay đổi cuộc sống và lịch sử, là đó là lý do tại sao Ngài được gọi là “Hoàng Tử Bình An”.

Mùa vọng, do đó, là thời gian để chuẩn bị bản thân chúng ta làm hòa với chính mình vì tâm hồn của chúng ta quá thường khi chồng chất biết bao những lo lắng, đau khổ và mất hy vọng. Vì thế, cần phải bắt đầu với chính mình.

Hôm nay Chúa đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: liệu tâm hồn của chúng ta có bình an hay không? Nếu không, chúng ta hãy kêu cầu Hoàng Tử Bình An ban hòa bình cho tâm hồn chúng ta, để chúng ta có thể gặp Ngài. Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng quá thường khi chúng ta để ý đến linh hồn của người khác hơn là của chính chúng ta.

Sau khi tìm được bình an trong tâm hồn, chúng ta hãy kiến tạo hòa bình trong nhà, trong gia đình, Đức Thánh Cha nói. Ngài ghi nhận rằng nhiều nỗi buồn trong các gia đình xuất phát từ những tranh chấp, những “cuộc chiến tranh nhỏ” và đôi khi sự thiếu hiệp nhất.

Ngài mời gọi các Kitô hữu tự vấn lòng mình xem liệu họ đang sống trong hòa bình hay trong chiến tranh với những người khác trong gia đình; đang xây đắp những nhịp cầu hay đang xây những bức tường ngăn cách.

Đức Thánh Cha sau đó đã nói về việc kiến tạo hòa bình trên thế giới nơi đang có rất nhiều chiến tranh, chia rẽ, hận thù và bóc lột. Các Kitô hữu nên tự hỏi họ đang làm gì để kiến tạo hòa bình trên thế giới bằng cách làm việc cho hòa bình trong khu phố, trong trường học và tại nơi làm việc.

Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu tự vấn xem liệu họ có đang tìm cách bào chữa cho việc gây chiến, thù ghét, nói xấu những người khác và lên án họ; hay họ đang hiền lành, khiêm nhường trong lòng, và cố gắng xây những nhịp cầu.

Cả trẻ em cũng phải tự hỏi xem có ăn hiếp chúng bạn nơi trường học, bắt nạt những trẻ yếu đuối hơn mình; hay đang xây dựng hòa bình và tha thứ cho mọi thứ.

Đức Thánh Cha nhắc nhở cộng đoàn rằng hòa bình không đứng yên một chỗ, nhưng luôn luôn tiến về phía trước. Hòa bình bắt đầu với tâm hồn, và sau cuộc hành trình hòa bình lại trở về với tâm hồn. Để kiến tạo hòa bình, chúng ta cần bắt chước Thiên Chúa. Khi Ngài muốn giao hòa với chúng ta, Ngài tha thứ cho chúng ta, Ngài đã sai Con Ngài đến để làm hòa cùng chúng ta.

Để trở thành một người kiến tạo hòa bình, theo Đức Thánh Cha, người ta không cần phải là khôn ngoan, thông thái hay thâm cứu về hòa bình. Hòa bình là điều được Chúa nói đến trong Phúc Âm. Chúa Giêsu đã từng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.”

Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu hãy làm cho mình ra nhỏ bé, khiêm nhường và là đầy tớ của người khác. “Chúa sẽ cho anh chị em khả năng hiểu làm thế nào để xây dựng hòa bình và sẽ ban cho anh chị em sức mạnh để thực thi điều đó”

Để kết luận, Đức Thánh Cha khuyên cộng đoàn rằng nếu có một “cuộc chiến nhỏ” ở nhà, trong trái tim, ở trường hoặc tại nơi làm việc, chúng ta nên dừng ngay cuộc chiến đó lại và cố gắng xây dựng hòa bình. “Không bao giờ, không bao giờ làm tổn thương người khác. Không bao giờ.” Ngài đặc biệt khuyến khích các Kitô hữu bắt đầu bằng cách đừng nói xấu người khác. Như thế, chúng ta trở thành những người nam nữ hòa bình, những người mang đến hòa bình.

2. Câu chuyện Phép lạ mùa Giáng Sinh.

Gracie West chào đời vào một ngày hè tháng 6 năm 2003 ở New Jersey trong một gia đình Công Giáo ngoan đạo. Thoạt đầu, tất cả mọi chuyện diễn ra êm đẹp, cô đã bước vào thế giới này như một cô gái bình thường, khoẻ mạnh. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi. Khi mới lên 10, Gracie được chẩn đoán là mắc phải chứng neuroblastoma ở giai đoạn 4. Đó một dạng ung thư tại các tế bào thần kinh bắt đầu rất sớm và thường xảy ra nhất ở trẻ sơ sinh và các trẻ nhỏ.

Từ đó, bắt đầu những năm tháng khó khăn và hỗn loạn mà Gracie sẽ không bao giờ quên. Cô phải trải qua cơ man những lần khám bác sĩ, các bệnh viện nối đuôi nhau dài bất tận, và những lần hoá trị.

Những thử thách và nỗi đau khổ hàng ngày mà Gracie phải chịu đựng trong khi điều trị được CBS ghi lại trong đoạn video quý vị và anh chị em đang theo dõi.

Tuy nhiên, bất kể những đau khổ này, điều quan trọng nhất là Gracie không bỏ cuộc. Một trong những ước vọng của cô là được gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Với sự hỗ trợ tuyệt vời của tổ chức Make-A-Wish, cô được đưa sang Rôma để gặp Đức Giáo Hoàng trong một buổi triều yết chung thứ Tư hàng tuần.

Kể lại diễn biến này, cô cho biết, khi đi từ khách sạn ra quảng trường Thánh Phêrô, “Tôi rất hào hứng và hơi lo lắng vì gặp được Đức Giáo Hoàng, tôi thấy rất được gần gũi với Chúa. Vì thế, tôi rất phấn khởi.”

Gracie và anh cô là Joe được xếp chỗ gần khán đài nơi chắc chắn sẽ được diện kiến Đức Giáo Hoàng. Nhưng khi khoảnh khắc đến, một người lớn thiếu suy nghĩ chen lấn, xô cô qua một bên để tặng một món quà cho Đức Thánh Cha.

Joe nhanh trí giữ chặt em gái mình.

“Tôi đẩy em tôi về phía trước để chắc chắn được Đức Thánh Cha ban phép lành,” cậu bé nói.

Đức Thánh Cha nhìn thấy những gì diễn ra. Ngài tiến đến và âu yếm ban phép lành cho cả hai anh em.

Mấy tháng sau đó, ngày 11 tháng 12, 2015, các bác sĩ tuyên bố Gracie West đã thoát khỏi bệnh ung thư.

Gia đình em, và các xướng ngôn viên đài truyền hình CBS, xem đây là một phép lạ mùa Giáng Sinh.

3. Thánh lễ tại Santa Marta 3/12/2018: Mùa Vọng là thời gian thanh luyện đức tin

Mùa Vọng như là cơ hội để hiểu biết trọn vẹn hơn biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu tại Bethlehem và để vun trồng tương quan cá vị với Con Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai mùng 3 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta.

Mùa Vọng có ba chiều kích: quá khứ, tương lai và hiện tại. Trong bài giảng của ngài, Đức Thánh Cha lưu ý rằng, Mùa Vọng đã bắt đầu từ Chúa Nhật 2 tháng 12, là thời gian thích hợp “để thanh luyện tinh thần, và để tăng trưởng đức tin nhờ việc thanh luyện tinh thần này”. Lấy ý từ bài Tin Mừng trong ngày theo Thánh Mátthêu (Mt 8,5-11) trong đó đề cập đến cuộc gặp gỡ tại Capernaum giữa Chúa Giêsu và viên đội trưởng là người đã xin Chúa Giêsu chữa lành cho người hầu đang nằm liệt giường của mình; Đức Thánh Cha nói rằng cả ngày nay, một điều có thể xảy ra là đức tin trở thành một thói quen và chúng ta quá quen đến mức quên đi “sức sống” của đức tin. Khi đức tin trở thành thói quen, chúng ta đánh mất sức mạnh của đức tin ấy, vì thế, sự mới mẻ của đức tin cần luôn phải được canh tân.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chiều kích đầu tiên của Mùa Vọng là quá khứ, là “sự thanh luyện ký ức”. Chúng ta phải nhớ rằng Giáng Sinh không phải là sự chào đời của cây thông Noel nhưng là ngày sinh của Chúa Giêsu Kitô.

Chúa đã xuống thế làm người vì chúng ta, Đấng cứu chuộc đã đến để cứu chuộc chúng ta. Đúng là một ngày đại lễ nhưng chúng ta luôn phải đối mặt với nguy cơ trần tục hoá lễ Giáng Sinh. Khi ngày lễ này không còn là sự chiêm ngắm, khi ngày lễ gia đình tuyệt vời này không đặt Chúa Giêsu ở trung tâm, thì nó bắt đầu trở thành một lễ hội trần thế: mua sắm, tặng quà, thứ này, thứ khác. Và Con Thiên Chúa dù vẫn luôn ở đó, bị lãng quên đi. Ngay cả trong cuộc đời của chúng ta cũng vậy: đúng là Người đã được sinh ra ở Bethlehem, nhưng mà vân vân và vân vân. Mùa Vọng vì thế là mùa thanh luyện ký ức quá khứ, mùa của chiều kích này.

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng Mùa Vọng cũng là mùa để “thanh luyện hy vọng”, để chuẩn bị chúng ta cho “cuộc gặp gỡ đời đời với Thiên Chúa”.

Bởi vì Chúa đã đến và Ngài sẽ trở lại. Ngài sẽ trở lại để hỏi chúng ta: “Cuộc sống của con thế nào?”. Đó sẽ là một cuộc gặp gỡ cá vị. Chúng ta có cuộc gặp gỡ cá vị ấy trong ngày hôm nay nơi Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta tưởng nhớ biến cố Giáng Sinh diễn ra hơn 2000 năm trước mà chúng ta không thể gặp gỡ cá vị với Ngài trong biến cố ấy. Nhưng khi Ngài trở lại, chúng ta sẽ có cuộc gặp gỡ cá vị ấy. Đó là sự thanh luyện hy vọng của chúng ta.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy vun trồng chiều kích mỗi ngày của đức tin, bất kể cơ man những lo toan và âu lo, bằng việc “chăm sóc” cho “ngôi nhà nội tâm” của chính chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của “những ngạc nhiên”, và các tín hữu Kitô cần phải thường xuyên nhận ra những dấu chỉ mà Cha trên trời đang nói với chúng ta mỗi ngày:

Chiều kích thức ba mang tính hàng ngày nhiều hơn: đó là thanh tẩy sự tỉnh thức của chúng ta. Tỉnh thức và cầu nguyện là hai từ của Mùa Vọng; bởi Thiên Chúa về mặt lịch sử Chúa đã giáng trần tại Bethlehem; Người sẽ lại đến vào thời thế mạt cũng như vào cuối cuộc đời của mỗi người chúng ta. Nhưng mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc, Người cũng ngự đến trong tâm hồn chúng ta, qua sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.

VietCatholic Network

Tags: Video

Đọc nhiều nhất Bản in 10.12.2018 13:28