Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vấn đề sống chết: Mối liên hệ giữa Giáo Hội và nhà nước tại Hoa Kỳ

§ Vũ Văn An

Trước khi ông Barack Obama được bầu làm Tổng Thống Hoa Kỳ, người ta đã thấy một cuộc tranh luận khá gay gắt về việc liệu người Công Giáo có nên ủng hộ một nhân vật bị một số người cho là chống sự sống, nhưng lại được một số người khác cho là phò sự sống, nếu xét tới căn rễ. Bỏ ra ngoài chiến dịch chính trị, mấy tuần lễ đầu,tân chính phủ đã cho người ta thấy nhiều mẫu động thái chống lại sự sống. Thực thế, tờ New York Times ngày 24 tháng Giêng tường trình rằng: chỉ mấy ngày sau khi nhậm chức, ông Obama đã hủy bỏ pháp lệnh từng ngăn cấm việc dùng tài khoản liên bang để hỗ trợ cho các tổ chức cổ vũ phá thai ở ngoại quốc. Việc ngăn cấm này thường được gọi là chính sách Mexico City, bắt đầu có từ năm 1984, dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan. Tổng Thống Bill Clinton bãi bỏ chính sách ấy, chỉ mấy ngày sau khi nhậm chức và rồi Tổng Thống George W. Bush đã cho áp dụng lại chính sách ấy vào năm 2001.

Việc đề cử Thống Đốc Kathleen Sebelius làm Bộ Trưởng Y Tế và Các Dịch Vụ Nhân Bản cũng đã gây tranh luận xôn xao. Trang mạng KansasCity.com ngày 9 tháng Năm năm ngoái, tường trình rằng vị thống đốc người Công Giáo này vốn bị Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của giáo phận Kansas City yêu cầu đừng lên rước lễ vì bà ủng hộ phá thai. Trong cột báo của mình trên tuần báo Công Giáo The Leaven ngày 6 tháng Ba vừa qua, Đức TGM Naumann cho biết: dù ngài nhìn nhận Thống Đốc Sibelius có nhiều đóng góp tích cực, nhưng bà ta “xưa nay vốn là người lớn tiếng bênh vực việc phá thai”.

Sau đó là quyết định của chính phủ Obama chính thức cung cấp ngân khoản tài trợ cho các cuộc nghiên cứu liên quan tới tế bào gốc phôi thai. Theo một thông cáo báo chí ngày 9 tháng Ba, Đức HY Justin Rigali, chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sự Sống của HĐGM Hoa Kỳ, gọi pháp lệnh của ông Obama tài trợ việc dùng tế bào gốc của phôi thai để nghiên cứu là “một chiến thắng đáng buồn của chính trị đánh bại khoa học và đạo đức”

Rồi vào ngày 18 tháng Ba, hãng tin LifeNews.com cho hay: chính phủ Obama vừa quyết định gửi tấm ngân phiếu 50 triệu dollars cho Quĩ Dân Số Liên Hiệp Quốc. Trong quá khứ, cơ quan LHQ này từng bị tố cáo là hỗ trợ các biện pháp áp chế trong chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc.

Nhất quán

Nhiều khi người ta lúng túng không hiểu sao Giáo Hội Công Giáo lại ‘ương ngạnh’ đến thế trong các vấn đề sự sống. Tuy nhiên, nếu họ chịu khó nghuên cứu chút ít về lịch sử Giáo Hội, họ sẽ không lúng túng như thế. Đó chính là điều Dennis Di Mauro đã nhấn mạnh trong cuốn sách mới đây của mình, “Yêu Sự Sống: Việc Nhất Quán Bảo Vệ Sự Sống Của Kitô Giáo” (Wipf and Stock).

Trong lời dẫn nhập cuốn sách trên, Di Mauro, thư ký Hội Đồng Tôn Giáo Toàn Quốc Phò Sự Sống (National Pro-Life Religious Council) và là chủ tịch miền Nam Virginia của tổ chức Tín Hữu Luthêrô Phò Sự Sống, khẳng định rằng Kitô giáo từng là, hiện là và trong tương lai sẽ vẫn là một tôn giáo phò sự sống. Các chương đầu của Sách khảo sát các đoạn Thánh Kinh có chứa sứ điệp phò sự sống. Sau đó, Di Mauro quay qua tìm tòi các chứng từ của các giáo phụ đầu hết của Giáo Hội. Ngay từ thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội, trong các trước tác vào cuối thế kỷ thứ nhất như Didache, ngừa thai đã bị coi là vô luân rồi.

Các nhà hộ giáo như Athenagorus thuộc thế kỷ thứ hai, hay tác giả bức thư thuộc thế kỷ thứ hai hay thế kỷ thứ ba, vốn được gọi là Thư Gửi Diogenetus, cũng đã minh nhiên coi sự sống lúc còn trong bụng mẹ là nhân bản rồi. Vì Thư này viết: “Họ (các Kitô hữu) kết hôn giống như mọi người khác; họ cũng đẻ con, nhưng họ không tiêu diệt con cái của họ”

Cuối thế kỷ thứ hai, Tertullian, khi bênh vực Kitô giáo chống lại các tố cáo cho rằng họ giết trẻ thơ mà tế lễ, đã trả lời rằng đối với Kitô hữu, việc giết người bị ngăn cấm và việc tiêu hủy thai nhi trong bụng mẹ là một điều không được phép. Tertullian cũng tin rằng linh hồn một em bé đã có từ lúc được tượng thai. Theo cuốn sách này, đến thế kỷ thứ tư, các công đồng của Giáo Hội đã bắt đầu ban hành các chế tài đối với những người cung cấp việc phá thai. Những người này chỉ được tái nhận vào Giáo Hội lúc lâm chung mà thôi. Năm 305, Công Đồng Elvira tại Tây Ban Nha, lên án việc ngừa thai và ra vạ tuyệt thông cho những ai cung cấp việc phá thai đó.

Văn hóa sự sống

Đến thời hiện đại, sự quan trọng của các vấn đề này đối với Giáo Hội đã được giải thích rất đầy đủ trong một cuốn sách mới xuất bản gần đây của William Brennan, một giáo sư thuộc Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội St. Louis. Trong “Gioan Phaolô II: Đối Chất Thứ Ngôn Ngữ Lên Năng Lực Cho Văn Hóa Sự Chết” (John Paul II: Confronting the Language Empowering the Culture of Death) do nhà Sapientia Press ấn hành, tác giả tóm tắt câu trả lời của Đức Giáo Hoàng đối với các cuộc tấn công thường xuyên vào sự sống con người.

Theo Brennan, Đức Gioan Phaolô II gán cho nền văn hóa một tầm quan trọng hết sức lớn lao, coi nó như lực lượng chủ yếu tạo ra lịch sử, hơn cả chính trị hay kinh tế. Ngài cũng bác bỏ chủ nghĩa tương đối trong văn hóa. Thay vào đó là một nền văn hóa đặt căn bản trên bản chất con người. Tác giả này nhận định rằng leo thang nền văn hóa sự chết là một phản đề đối với điều Đức Gioan Phaolô II vốn coi là thành tố chính tạo ra văn hóa, tức việc triển nở sự sống của một con người. Ông viết: “Theo não trạng nội tại trong nền văn hóa sự chết, chính cái chết đã trở thành một lối sống, được áp đặt lên một số người và một số nhóm mỗi ngày một đông hơn, vốn bị coi là có thể hy sinh được”.

Brennan trích dẫn thông điệp “Phúc Âm Sự Sống” của Đức Gioan Phaolô II để giải thích rằng: sở dĩ Giáo Hội Công Giáo coi các hành vi chống lại sự sống có tính nghiêm trọng như thế là vì thực sự chúng xấu từ trong bản chất. Một vấn đề nữa được Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh khi phân tích các nguy hiểm của văn hóa sự chết chính là các tác hại sau đó đối với việc đào luyện lương tâm. Nhờ thủ thuật sử dụng những kiểu nói nghe cho êm tai (uyển ngữ) cũng như làm rối tung thực tại luân lý nơi các hành vi vi phạm, các nhậy cảm đạo đức của ta dần dần cùn nhụt đi và cuối cùng lương tâm ta trở nên mù quáng hay ít nhất cũng dửng dưng đối với cái ác đang thực hiện.

Uyển ngữ (euphemisms)

Brennan cũng trích lời Đức Gioan Phaolô II trong thông điệp Phúc Âm Sự Sống mà cho rằng ta cần phải dùng đúng tên để gọi sự việc và phải có can đảm nhìn thẳng vào sự thật, chứ đừng nhường bước cho cơn cám dỗ tự lừa dối mình. Cho nên, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng ta cần phải biết sự thật về chính con người nhân bản và không mệt mỏi công bố sự thật ấy ra.

Phần lớn cuốn sách của Brennan được dành để mô tả việc nền văn hóa sự chết thao túng ngôn ngữ ra sao, và sau đó, sét xem, trong các trước tác và diễn văn của mình, Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra cái nhìn thay thế như thế nào, dựa trên cái nhìn chân thực về chính con người nhân bản. Những người bênh vực phá thai thường dùng những kiểu nói như “tháo bỏ một mô hay một khối tế bào” hay những thuật ngữ như “rút gọn phôi thai”.

Brennan trích dẫn một loạt tài liệu để cho rằng những người ủng hộ phá thai còn đi xa hơn bằng cách mô tả việc thai nghén như là một thứ bệnh, hay bênh vực việc phá thai, coi nó chỉ là việc tháo bỏ một thứ ký sinh trùng. Theo Brennan, việc thao túng ngôn ngữ này đặc biệt đáng lưu ý khi nói đến cuộc tranh luận về nghiên cứu tế bào gốc của phôi thai. Ở đây ta thấy có sự phối hợp của việc phi nhân bản hóa sự sống con người, cộng với một lối nói khoa trương đầy hy vọng để biện minh cho việc hủy hoại các phôi thai nhân bản.

Một chiến thuật khác của nền văn hóa sự chết là núp phía sau lời kêu cứu xin được cảm thương hay nhu cầu phải tôn trọng lương tâm của người liên hệ. Tuy nhiên, theo Brennan, chiến thuật ấy đòi người ta phải tách lương tâm ra khỏi Thiên Chúa và luân lý tính khách quan.

Trong diễn văn đọc trước các nhân viên gây mê vào ngày 10 tháng Mười năm 1988, Đức Gioan Phaolô II nói rằng: “Không một giải pháp y khoa nào có thể thực sự biết cảm thương mà lại vi phạm luật tự nhiên và đứng ở thế đối lập với chân lý mạc khải của Thiên Chúa”.

Trong bầu không khí hư vô chủ nghĩa, là chủ nghĩa chỉ biết gán các giá trị tương đối cho sự sống con người, Đức Gioan Phaolô II đã trả lời bằng một sứ điệp biết nhấn mạnh tới giá trị của mọi con người nhân bản. Đứng trước các áp lực hiện nay của phong trào phi nhân bản hóa các mạng sống vô tội, cuộc thách thức phải công bố sự thật về con người nhân bản vẫn còn là một trách vụ khẩn trương vậy.

Theo Cha John Flynn, LC, Zenit 22 tháng Ba, 2009

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 24.03.2009. 18:23