Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Từ Đạo Sikh tới chức linh mục Công Giáo

§ Vũ Văn An

Hãng tin Công Giáo CNS vừa loan tin ngày 30 tháng Năm vừa qua, tại Nữu Ước, Đức Tổng Giám Mục Timothy Dolan đã truyền chức linh mục cho cha Stephen Taluja tại tu viện Maryknoll.

Cha Taluja, 27 tuổi, vốn là một người được giáo dục trong đạo Sikh tại tiểu bang Punjab, Ấn Độ. Tiểu bang miền bắc Ấn Độ này là một tiểu bang đại đa số theo đạo Sikh hay Ấn Giáo. 75% tổng số 26 triệu người Sikh trên thế giới sống tại tiểu bang này. Người Công Giáo chỉ chiếm khoảng 1% dân số.

Cha Taluja được gia nhập đạo Công Giáo tại một trung học tư thục nơi vị hiệu trưởng với hai dòng máu Anh Ấn là người Công Giáo. Cha tâm sự với hãng tin CNS: “Nơi này vốn có một hào quang Công Giáo và vị hiệu trưởng là một người Công Giáo sùng đạo, trong ông đức tin và thực hành luôn nối kết với nhau”. Khi còn học tại đó, cha Taluja tình nguyện cùng với nhà trường làm việc tại một nhà thương cùi do dòng Truyền Giáo Bác Ái quản trị. Cha cho rằng “quả là có ý nghĩa” khi ta chạm trán với các cấm kị của xã hội liên quan tới những người mang chứng bệnh Hansen.

Cha cũng cho rằng âm nhạc là cánh cửa hết sức đặc biệt khiến cha lưu ý tới Đạo Công Giáo. Vốn là thành viên của ca đoàn nhà trường, cha được mời hát lễ nửa đêm tại một nhà thờ địa phương. Trước đó, cha chưa bao giờ bước chân vào một nhà thờ Công Giáo, nên khi ra khỏi nhà thờ ấy vào lúc đêm khuya, không bao giờ cha quên được ấn tượng. Cha tâm sự: “Đầu tiên, lúc mới bước vào, tôi nhớ như in: tôi bị khựng lại vì tượng chịu nạn ở trên tường. Người ta đang qùy và cầu nguyện trước tượng chịu nạn ấy. Lúc ấy tôi không thể hiểu tại sao người ta lại cầu nguyện với cái Đấng tự gọi mình là Thiên Chúa nhưng lại là một người đàn ông gầy tom và hấp hối như thế”.

Cha cho hay điều ấy khiến cha tò mò, nhưng chưa có ý định trở lại Đạo Công Giáo ngay. Cha cũng giáp mặt với nhiều vấn đề lớn hơn về ý nghĩa đời người sau cái chết ‘chẳng đúng lúc chút nào’ của người mẹ thân yêu, lúc cha 15 tuổi. Cha còn nhớ, lúc cha quyết định trở lại, thì thân phụ cha hoàn toàn ngỡ ngàng và dĩ nhiên lên tiếng phản đối, phản đối kịch liệt. Giai đoạn ấy gây cho cha nhiều đắn đó, giằng kéo, rất khổ tâm. Cha tâm sự “Tôi thấy mình giống Thánh Phêrô, chối Chúa tới ba lần. Tôi vốn xuất thân từ một gia đình giầu có, nhiều ảnh hưởng ở một thị trấn nhỏ. Đôi khi người ta bảo tôi họ nghe nói tôi đang tham dự Thánh Lễ Công Giáo, nhưng tôi chối quách”.

Tuy nhiên, chối thì chối, cha vẫn trì chí, vẫn muốn tìm biết Chúa và đã được tiếp nhận vào Giáo Hội lúc còn ở trường trung học. Rồi cha được qua Nữu Ước học ngành khoa học vi tính. Tại đây, cha đi làm ca đêm tại một tiệm bán đồ tiện dụng tại trạm săng và tham dự thánh lễ ban sáng tại Nhà Thờ Bà Thánh Elizabeth Seton ở Shrub Oak. Cha cũng hát trong ca đoàn nhà thờ.

Cha nhận ra ơn gọi làm linh mục truyền giáo và đã được dẫn nhập Dòng Maryknoll bởi cả cha sở của cha lẫn vị giám đốc âm nhạc của Dòng, người mà cha gặp lúc chuyển qua công việc thứ hai.

Vốn thông thạo tiếng Ấn, tiếng Anh và tiếng Punjab, Cha Taluja còn học tiếng Tây Ban Nha trong thời gian năm tháng phục vụ tại Cochabamba, Bolivia và sau đó qua sống hai năm tại vùng Andes của Peru, trong chương trình huấn luyện hải ngoại của Dòng Maryknoll. Ngài phục vụ người bản địa Aymara, giúp các nhóm thanh thiếu niên và chuẩn bị lễ lạy và cử hành thánh thể cho giáo dân trong giáo xứ.

Cha cho hay: “Kinh nghiệm của tôi tại Peru đã thắt chặt mọi sự cho tôi. Tôi biết tôi được ơn gọi làm một nhà truyền giáo và làm một linh mục và tôi muốn dùng trọn cuộc đời còn lại của tôi để thực hiện điều ấy”. Cha mô tả việc làm trong một giáo xứ có tới 90,000 giáo dân mà chỉ có một linh mục và một nhóm nữ tu Đa Minh người Á Căn Đình: “Mỗi ngày đều như một đại hội Thánh Thể… Rồi ai đó chết, ai đó kết hôn, ai đó chịu thánh tẩy”.

Theo cha, giảng bằng tiếng Tây Ban Nha giúp cha sinh động hóa được đức tin của mình. Cha ‘mài dũa’ tiếng Tây Ban Nha của cha trên sân túc cầu vì theo cha: tại đó “lễ nghĩa mờ nhạt hẳn đi để bạn tìm biết người khác trên bình diện bản thân hơn nhiều”. Cũng có thể nhờ thế mà cha cải thiện rất nhiều kỹ thuật túc cầu của mình, dám một ngày kia đủ sức tham gia đội tuyển Ấn Độ!

Cha Taluja đậu cử nhân về tôn giáo học tại Đại Học Thánh Xavier ở Chicago và cao học thần học tại Catholic Theological Union cũng ở Chicago. Ngài sẽ tiếp tục học cao học Thánh Kinh tại trường trên sau khi thụ phong linh mục.

Ba bà chị ruột của cha từ Nữu Ước, Anh và Ấn Độ cũng tới dự lễ thụ phong của cha; và đứa cháu gái và đứa cháu trai của cha là người dâng của lễ trong thanh lễ thụ phong. Thân phụ cha cũng rất muốn tham dự, nhưng không nhận được visa. Cha Taluja nói về thân phụ của mình: “Người rất hãnh diện. Tuy bị giằng co bởi nhiều xúc cảm lẫn lộn, nhưng người muốn tới để chúc phúc cho tôi và nâng đỡ tôi".

Đối với hậu cảnh Sikh, cha Taluja cho rằng nó đã giúp ngài làm linh mục. Cha bảo: “Hạt giống Công Giáo của tôi đã được gieo trên mảnh đất không Công Giáo. Đạo Sikh có lòng minh nhiên kính trọng những nẻo đường khác nhau dẫn tới Thiên Chúa, mà tôi nghĩ tôi từng đem theo với mình. Ai biết được cách Chúa Kitô làm việc qua những con người thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác? Chúng tôi thì không biết”.

Ngộ đạo và Thiên Chúa

Đạo Sikh tương đối mới có đây thôi. Nó do Shri Guru Nanak Dev Ji, (1469-1538) thiết lập. Tại Sultanpur, vị đạo sĩ này nhận được một thị kiến bảo ông phải rao giảng con đường dẫn tới ngộ đạo và Thiên Chúa. Ông rao truyền một thứ độc thần thuyết rất nghiêm nhặt, bác bỏ việc thờ ngẫu thần cũng như quan niệm đẳng cấp đầy áp chế của Ấn Giáo.

Đạo Sikh đặt mục tiêu xây dựng mối liên hệ gần gũi và đầy yêu thương với Thượng Đế. Họ tin một Thượng Đế duy nhất, không hình thể, có nhiều tên, mà người ta có thể biết được nhờ quán niệm. Có thể so sánh với quan niệm Hồi Giáo, một tôn giáo cũng tin một Thượng Đế duy nhất với 99 tên khác nhau. Ca khúc Mool Mantar, ca khúc đầu tiên do chính Guru Nanak viết ra, được tín hữu Sikh đọc hàng ngày. Ca khúc này cho thấy nhiều phẩm tính của Thượng Đế: chỉ có một Thượng Đế; Tên Người là Chân Lý; Người là Đấng Hóa Công; Người không sợ sệt; Người không ghét bỏ; Người vượt thời gian; Người vượt trên sinh và tử; Người tự hữu. Chỉ có Người đáng được thờ phượng.

Còn kinh Rahra, một kinh chiều của người Sikh, thì nói thế này: “[Ôi lạy Thượng Đế], vì con phủ phục dưới chân Ngài, nên con bất cần để ý tới ai khác. Con không theo các đường lối tôn giáo khác vốn tin vào Ram, Mohammed, Puran hay Qur'an. Các sách Simritis, Shastras và Vedas đặt để ra các học thuyết khác nhau. Nhưng con không thừa nhận bất cứ thứ học thuyết nào trong số ấy. Ôi lạy Thượng Đế, con đã viết ra các ca khúc này nhờ ơn và lòng tốt của Ngài.Tất cả những gì được nói tới đều thực sự do Ngài phán dạy”.

Điều đáng lưu ý là tuy độc thần, nhưng Đạo Sikh vẫn cho rằng trước khi có sáng thế, chỉ có Thượng Đế và hukam (ý muốn hay trật tự) của Người hiện hữu mà thôi. Và khi Thượng Đế muốn, là trọn bộ vũ trụ được tạo thành. Từ những khởi nguyên ấy, Thiên Chúa nuôi dưỡng “sự lôi cuốn và gắn bó” với māyā, hay nhận thức nhân bản về thực tại. Nghe ra như có hơi hướm với tín lý Thiên Chúa Ba Ngôi của Kitô Giáo vậy.

Không lạ gì, hạt giống Phúc Âm, được gieo trên thửa đất Sikh mầu mỡ, đã đem lại một mùa gặt tốt nơi cha Taluja.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 19.06.2009. 03:05