Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thông Điệp Của Đức Phanxicô Gửi Người Công Giáo Trung Hoa và Giáo Hội Hoàn Vũ về Thỏa Thuận tạm thời với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa

§ Vũ Văn An

Tòa Thánh vừa cho công bố thông điệp của Đức Phanxicô gửi người Công Giáo Trung Hoa và toàn thể Giáo Hội hoàn vũ về thoả thuận vừa được ký kết tại Bắc Kinh giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Sau đây là nguyên văn Thông Điệp, dựa vào Bản Tiếng Anh do Tòa Thánh công bố:

Thông Điệp Của Đức Phanxicô Gửi Người Công Giáo Trung Hoa và Giáo Hội Hoàn Vũ

“Tình yêu thương xót của Người muôn thuở;
Người trung tín từ đời này tới đời kia”
(Tv 100:5)

Các hiền huynh giám mục, các linh mục, các người tận hiến nam nữ và mọi tín hữu của Giáo Hội Công Giáo thân mến, chúng ta hãy tạ ơn Chúa, vì “Tình yêu thương xót của Người muôn thuở! Người đã tạo dựng chúng ta, chúng ta thuộc về Người; chúng ta là dân của Người, chiên của đàn chiên Người” (Tv 100:3).

Lúc này, trái tim tôi vang vọng những lời huấn dụ ngỏ cùng anh chị em bởi vị tiền nhiệm đáng kính của tôi trong bức Thư của ngài ngày 27 tháng 5 năm 2007: “Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc thân yêu, anh chị em là một đàn chiên nhỏ bé hiện diện và hoạt động trong sự bao la của một dân tộc vĩ đại đang hành trình xuyên qua lịch sử. Những lời lẽ của Chúa Giêsu đầy kích thích và khuyến khích xiết bao đối với anh chị em: ‘ Đừng sợ hãi, hỡi đàn chiên nhỏ bé, vì Cha của anh chị em vui lòng ban cho anh chị em nước trời'(Lc 12:32)! … Vì thế, ‘hãy để ánh sáng của anh chị em chiếu sáng trước mặt loài người, để họ thấy các việc tốt lành của anh chị em mà vinh danh Cha của anh chị em ở trên thiên đàng ”(Mt 5:16)” (Bênêđíctô XVI, Thư gửi người Công Giáo Trung Quốc, ngày 27 tháng 5 năm 2007, 5).

1. Gần đây, nhiều tường trình xung đột nhau đã lưu hành nói về hiện tại và đặc biệt là tương lai của các cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc. Tôi biết rằng sự xôn xao trong các suy nghĩ và ý kiến này có thể đã gây ra một sự hồ đồ nào đó và tạo nên những phản ứng khác nhau trong trái tim của nhiều người. Một số người cảm thấy nghi ngờ và bối rối, trong khi những người khác cảm thấy mình bị bỏ rơi cách nào đó bởi Tòa Thánh và lo lắng tự hỏi không biết các đau khổ họ chịu vì lòng trung thành với Người kế vị Thánh Phêrô có giá trị gì không. Nơi nhiều người khác, các kỳ vọng và suy nghĩ tích cực trổi vượt hơn, vì được gợi hứng bởi niềm hy vọng về một tương lai thanh thản hơn đối với việc làm chứng hữu hiệu cho đức tin ở Trung Quốc.

Tình thế trên đã trở nên bén nhậy hơn, nhất là liên quan đến Thỏa thuận tạm thời giữa Toà Thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một thỏa thuận, như anh chị em biết, đã được ký kết trong những ngày gần đây ở Bắc Kinh. Vào một thời điểm đáng chú ý đối với đời sống của Giáo Hội, tôi muốn bảo đảm với anh chị em, qua Thông điệp ngắn gọn này, rằng anh chị em hiện diện hàng ngày trong những lời cầu nguyện của tôi, và bảo đảm chia sẻ với anh chị em các cảm quan tự đáy lòng tôi.

Chúng là các cảm quan tạ ơn đối với Chúa và ngưỡng phục chân thành – vốn là sự ngưỡng phục của toàn thể Giáo Hội Công Giáo – đối với hồng ân trung tín của anh chị em, sự kiên trì của anh chị em giữa các thử thách, và niềm tín thác vững chắc của anh chị em vào ơn quan phòng của Thiên Chúa, ngay cả khi một số tình huống rõ ràng hết sức bất lợi và khó khăn.

Những kinh nghiệm đau đớn này là một phần trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội ở Trung Quốc và của mọi dân lữ hành của Thiên Chúa trên trái đất. Tôi bảo đảm với anh chị em rằng, qua lò lửa thử thách của chúng ta, Chúa không bao giờ không đổ niềm an ủi của Người xuống chúng ta và chuẩn bị để chúng ta hưởng một niềm vui lớn lao hơn. Theo lời của Thánh Vịnh Gia, chúng ta càng chắc chắn hơn rằng “ai gieo trong nước mắt, sẽ gặt trong hoan ca” (Tv 126 [125]: 5).

Như thế, chúng ta hãy tiếp tục nhìn ngắm gương sáng của tất cả các giáo dân và mục tử trung thành, những người sẵn sàng dâng hiến “chứng tá tốt” của họ (xem 1 Tm 6:13) cho Tin Mừng, dù phải hy sinh chính mạng sống của họ. Họ tự chứng tỏ họ là các bạn hữu đích thực của Thiên Chúa!

2. Về phần tôi, tôi luôn coi Trung Quốc như một lãnh thổ của những cơ hội lớn lao và nhân dân Trung Quốc như những người sáng tạo và bảo vệ một gia tài khôn tả về văn hóa và túi khôn, được hoàn hảo hóa nhờ chống lại nghịch cảnh và cổ vũ sự đa dạng, và là một gia tài, không phải tình cờ, mà đã cố ý tiếp xúc với sứ điệp Kitô giáo từ những thời gian đầu tiên. Như Cha Matteo Ricci, Dòng Tên, đã ghi nhận một cách sâu sắc trong khi thách thức chúng ta đạt nhân đức tín thác, “trước khi bước vào tình bạn, người ta phải quan sát; sau khi trở thành bạn bè, người ta phải tin tưởng ”(De Amicitia, 7).

Tôi cũng xác tín rằng cuộc gặp gỡ chỉ có thể chân thực và sinh hiệu quả khi nó diễn ra qua việc thực hành đối thoại, một thực hành bao gồm việc biết nhau, tôn trọng nhau và "cùng đi với nhau" để xây dựng một tương lai hài hòa tuyệt vời chung.

Đó là bối cảnh để quan niệm Thoả thuận Tạm thời, vốn là kết quả của một cuộc đối thoại định chế lâu dài và phức tạp giữa Tòa thánh và chính quyền Trung Quốc do Thánh Gioan Phaolô II khởi xướng và được tiếp diễn bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Qua diễn trình này, Tòa Thánh chỉ mong muốn - và tiếp tục mong muốn - đạt được các mục tiêu thiêng liêng và mục vụ đặc thù của Giáo Hội, cụ thể là, hỗ trợ và thúc đẩy việc rao giảng Tin Mừng, và tái lập cùng duy trì sự hợp nhất trọn vẹn và hữu hình của Cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc.

Liên quan đến tầm quan trọng của Thỏa Thuận này và các mục tiêu của nó, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài suy tư và cung cấp cho anh chị em một số dữ liệu về bản chất mục vụ và thiêng liêng đối với cuộc hành trình mà chúng ta đang được mời gọi thực hiện trong giai đoạn mới này.

Đó là một cuộc hành trình mà, cũng như ở trong các giai đoạn trước đây, “đòi hỏi thời gian và thiện chí của cả hai bên” (Bênêđictô XVI, Thư gửi người Công Giáo Trung Quốc, ngày 27 tháng 5 năm 2007, 4). Nhưng đối với Giáo hội, cả bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc, hành trình này không chỉ liên quan đến việc tôn trọng các giá trị nhân bản mà thôi. Nó còn là ơn gọi thiêng liêng: ra khỏi chính mình để ôm lấy “niềm vui và hy vọng, sầu buồn và lắng lo của những người thời ta, đặc biệt là những người nghèo khổ hoặc đau khổ” (Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 1) và các thách thức của hiện tại mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Do đó, nó là lời hiệu triệu của giáo hội để trở thành những người hành hương dọc theo các nẻo đường lịch sử, tin tưởng trước nhất vào Thiên Chúa và các lời hứa của Người, như Ápraham và các tổ phụ khác của chúng ta trong đức tin đã làm.

Được Thiên Chúa kêu gọi, Ápraham đã vâng lời bằng cách lên đường tới một vùng đất vô danh mà ông phải lãnh nhận làm gia sản thừa kế, mà không biết con đường phía trước. Nếu Ápraham đòi hỏi các điều kiện chính trị và xã hội lý tưởng trước khi rời mảnh đất của ông, có lẽ ông sẽ không bao giờ lên đường. Thay vào đó, ông tín thác nơi Thiên Chúa và để đáp lại lời của Thiên Chúa, ông đã rời bỏ mái ấm và sự an toàn của ông. Không phải các thay đổi lịch sử đã khiến ông đặt niềm tin vào Thiên Chúa; đúng hơn, chính đức tin tinh tuyền của ông đã mang lại sự thay đổi trong lịch sử. Vì đức tin là "sự bảo đảm của những điều hy vọng, niềm tin của những điều không thấy. Thật vậy, nhờ đức tin, tổ tiên của chúng ta đã nhận được sự chấp thuận của [Thiên Chúa]” (Dt 11: 1-2).

3. Là người kế vị Thánh Phêrô, tôi muốn củng cố anh chị em trong đức tin này (xem Lc 22:32) - trong đức tin của Ápraham, trong đức tin của Đức Trinh Nữ Maria, trong đức tin mà anh chị em đã nhận được - và yêu cầu anh chị em đặt niềm tín thác của anh chị em một cách vững chắc hơn bao giờ hết vào Chúa của lịch sử và việc Giáo Hội biện phân thánh ý Người. Ước chi tất cả chúng ta nài xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng trí khôn chúng ta, sưởi ấm trái tim chúng ta và giúp chúng ta hiểu được nơi Người sẽ dẫn dắt chúng ta tới, để vượt qua những khoảnh khắc hoang mang không thể tránh khỏi, và tìm được sức mạnh để quyết tâm lên đường, tiến về phía trước.

Chính vì mục đích hỗ trợ và thúc đẩy việc rao giảng Tin Mừng ở Trung Quốc và tái lập sự hợp nhất trọn vẹn và hữu hình trong Giáo Hội, điều cần thiết là trước hết, phải giải quyết vấn đề bổ nhiệm các giám mục. Thật đáng tiếc, như chúng ta biết, lịch sử gần đây của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc đã bị đánh dấu bằng những căng thẳng, tổn thương và chia rẽ sâu xa và đau đớn, đặc biệt xoay quanh khuôn mạo vị giám mục như người bảo vệ tính chân thực của đức tin và là người bảo lãnh sự hiệp thông trong giáo hội.

Trong khi, trong quá khứ, điều ấy được giả dụ là điều xác định ra sinh hoạt nội bộ của các cộng đồng Công Giáo, qua việc áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp lên trên và vượt trên thẩm quyền hợp pháp của nhà nước, thì trong Giáo hội ở Trung Quốc lại xuất hiện hiện tượng lén lút. Kinh nghiệm này – cần phải được nhấn mạnh - không phải là thành phần bình thường trong đời sống của Giáo Hội và “lịch sử cho thấy các mục tử và tín hữu chỉ sử dụng nó lúc đau khổ mà thôi, vì mong muốn duy trì được sự toàn vẹn đức tin của họ” (Bênêđíctô XVI, Thư gửi người Công Giáo Trung Quốc, ngày 27 tháng 5 năm 2007, 8).

Tôi sẽ cho anh chị em biết rằng, từ khi được giao phó thừa tác vụ Phêrô, tôi đã cảm thấy được an ủi lớn lao khi biết mong muốn chân thành của người Công Giáo Trung Quốc là được sống đức tin của họ trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội phổ quát và với người kế vị Thánh Phêrô, người vốn là “nguồn gốc và nền tảng vĩnh viễn và hữu hình của sự hợp nhất các giám mục và toàn thể cộng đoàn tín hữu” ( Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23). Trong các năm này, tôi đã nhận được nhiều dấu hiệu và chứng từ cụ thể của lòng mong muốn đó, kể cả của các giám mục đã làm hại sự hiệp thông trong Giáo Hội do sự yếu đuối và sai lầm, nhưng không phải không thường xuyên, cũng do áp lực mạnh mẽ và không thích đáng từ bên ngoài.

Do đó, sau khi khảo sát cẩn thận từng tình huống cá thể bản thân, và lắng nghe các quan điểm khác nhau, tôi đã dành nhiều thời gian để suy ngẫm và cầu nguyện, tìm kiếm lợi ích thực sự của Giáo Hội ở Trung Quốc. Cuối cùng, trước mặt Chúa và với sự phán đoán thanh thản, trong sự liên tục với định hướng của những vị tiền nhiệm cận kề của tôi, tôi đã quyết định ban hòa giải cho bảy giám mục “chính thức” được tấn phong mà không có sự ủy nhiệm của giáo hoàng và, sau khi bãi bỏ sự chế tài theo giáo luật liên hệ, đã tái nhận họ vào sự hiệp thông trọn vẹn của giáo hội. Đồng thời, tôi yêu cầu họ biểu lộ bằng những cử chỉ cụ thể và hữu hình sự hợp nhất đã được phục hồi của họ với Tông Tòa và với các Giáo Hội trải rộng khắp thế giới, và mãi trung thành bất chấp bất cứ khó khăn nào.

Còn 1 kỳ (các số 4-11)

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 26.09.2018 22:32