Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tại Đất Thánh, ĐGH đưa ra những thách đố về tôn giáo và chính trị

§ Phụng Nghi

JERUSALEM (CNS) - Tám ngày viếng thăm Thánh Địa của Đức giáo hoàng Benedict là một cuộc hành hương đến vùng đất của Tin Mừng, là một sứ vụ giữa các niềm tin tôn giáo, và là một hành động làm quân bình thế đứng chính trị; tất cả ba mục đích đó đều qui tụ làm một.

Đó cũng còn là một canh bạc nữa. Trong một vùng đất chai cứng bởi nhiều thập niên xung đột và âm ỉ những mối căng thẳng cả về tôn giáo lẫn xã hội, chẳng có gì bảo đảm thắng được canh bài.

Phê phán trong lâu dài về “cuộc hành hương hòa bình” này vẫn còn chưa có, nhưng Đức giáo hoàng chắc chắn đã chuyển trao một thông điệp rõ rệt và đầy thử thách cho nhiều loại thính giả khác nhau tại Jordan, Israel và các lãnh địa Palestine, trong những ngày từ 8 đến 15 tháng 5 này. Nguyên sự kiện đó không thôi cũng đã là một thành tích.

Chủ để chung nối kết các hành động của ngài lại với nhau, đó là Thiên Chúa hành động trong những biến cố của con người, và các tín đồ có nhiệm vụ làm cho tôn giáo trở thành một sức mạnh có hiệu lực để làm điều thiện hảo trong một vùng đất khổ đau vì chiến tranh, ngờ vực và hiểu lầm.

Đối với các Kitô hữu, Đức giáo hoàng chú trọng vào niềm hy vọng do cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô đem lại. Vào những ngày cuối ở Jerusalem, ngài tổng kết sứ điệp của mình, nói rằng ngôi mộ trống “đảm bảo với chúng ta rằng Thiên Chúa đã đổi mới mọi sự”, hòa bình là điều thực sự khả thi, và hận thù kéo dài từ lâu có thể vượt qua được.

Đó là trọng tâm cuộc hành hương của Đức giáo hoàng đến những nơi như Sông Jordan, Hang đá Truyền tin và Đồi Golgotha. Ngài không chỉ như một du khách đến viếng những địa điểm liên quan đến tôn giáo, nhưng còn nỗ lực kiên vững niềm cậy trông của cộng đồng Kitô giáo đang phải chiến đấu cam go nơi vùng Đất Thánh và đức tin của những Kitô hữu khác từ xa đang ngưỡng vọng và lắng nghe.

Việc ngài làm phép địa điểm mới dùng làm nơi xây cất thánh đường và một trường đại học Công giáo tại Jordan, nhấn mạnh đến quan điểm của ngài cho rằng dù là một thiểu số nhỏ bé, giáo hội cũng có thể tạo được một ảnh hưởng tích cực và đáng kể trên xã hội.

Trên bình diện liên tôn giáo, cuộc hành hương của Đức giáo hoàng dường như có hai giai đoạn rõ rệt. Tại Jordan, một quốc gia có đa số là người theo Hồi giáo nhưng đã bảo vệ quyền lợi của các Kitô hữu, Đức giáo hoàng khen ngợi những nỗ lực nhằm xây dựng một “liên minh các nền văn minh” và kiềm chế chủ nghĩa quá khích. Điểm dừng chân của ngài tại một thánh đường Hồi giáo ở Amman là một hành vi lịch sử -- nay ngài trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đã viếng thăm tới hai nơi thờ phượng của người Hồi giáo.

Đồng thời, Đức giáo hoàng không chỉ tới Jordan để chúc phước lành cho các nỗ lực chính thức về đối thoại. Mục đích của ngài là đến với một khối thính giả lớn lao hơn và khơi động một số điều đáng suy tưởng. Bài diễn từ của ngài đọc trước các nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Amman do đó trở lại đề tài đức tin và lý trí, một đề tài đã gây ra bao điều tranh cãi tại Regensburg (Đức) vào năm 2006. Lần này, ngài lựa lọc chữ nghĩa cẩn trọng hơn, nhưng tiếp tục nhấn mạnh rằng khi tôn giáo tách rời khỏi lý trí thì dễ mắc phải “sự thao túng về ý thức hệ” có thể làm khơi động lên những mối căng thẳng và bạo lực trong xã hội..

Tiến trình của ngài là xây dựng những nhịp cầu bằng cách xác định những tếng nói ôn hòa trong Hồi giáo. Chẳng hạn, khi lên tiếng về “mâu thuẫn căn bản trong việc nhân danh Thượng Đế mà dùng bạo lực hoặc trừ khử”, ngài trưng dẫn các thông điệp Hồi giáo từ những năm gần đây.

Dĩ nhiên, đối với hầu hết mọi người, thì những cuộc thăm viếng của Đức giáo hoàng tạo được kết quả trên một bình diện ít có vẻ trí thức hơn. Đức giáo hoàng đã có thể gây được thiện cảm nhiều nhất tại Jordan chỉ bằng cách quàng trên vai mình một chiếc khăn trùm đầu (kaffiyeh hay shmagh), có kẻ ô vuông hai mầu đỏ trắng, mà đối với nhiều người có hàm ý về chính trị.

Khi tới Israel hôm 11 tháng 5, chiều kích liên tôn giáo trong chuyến đi của Đức giáo hoàng bỗng nhiên trở thành phức tạp. Ngài khởi đầu bằng hành động tưởng niệm 6 triệu người Do thái bị giết trong nạn Holocaust, và lên án chủ nghĩa bài Do thái. Cùng ngày, ngài tới thăm Yad Vashem, nơi tưởng niệm nạn diệt chủng Do thái, gặp gỡ 6 nạn nhân sống sót và cảm kích nói về thảm kịch của các nạn nhân.

Tất cả những hành động đó là để tái lập lại hình ảnh Giáo hoàng Benedict thành một người bạn của người Do thái và của Do thái giáo. Nhưng những lời phê phán lại pha trộn hỗn tạp, lý do chính là vì Đức giáo hoàng, một người sinh trưởng tại Đức, từng sống dưới chế độ Quốc xã, tại đài tương niệm đã không nói về những kẻ thủ phạm đã gây ra nạn Holocaust.

Các viên chức Tòa thánh nhấn mạnh rằng Đức giáo hoàng đã đề cập trong nhiều dịp trước đây về tội ác đối với nhân loại của chế độ Quốc xã. Điều đó có thể đúng, nhưng việc xảy ra tại Yad Vashem nói lên rằng rằng phong cách dè dặt và sự ngần ngại của ngài trong việc công khai chia sẻ những cảm nghiệm cá nhân đôi khi có thể làm giảm đi những xúc cảm đáng lẽ có được trong một thời điểm như thế.

Phiên họp đối thoại liên tôn giáo của Đức giáo hoàng vào buổi chiều cùng ngày chẳng may bị trật đường rầy do hành động của một giáo sĩ Hồi giáo đứng lên tố cáo chính sách của Israel, làm cho các đại diện Do thái giáo bước ra khỏi phòng. Cùng với sự việc đó, Đức giáo hoàng đã nhúng chân sâu vào tình hình chính trị của khu vực này.

Cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đụng chạm tới mọi sinh hoạt trong vùng Đất Thánh, thế nên không lạ gì khi đến chỗ nào Đức giáo hoàng cũng nghe được những lời than vãn, rầy la. Đặc biệt là tại thành phố Bethlehem trong vùng Tây Ngạn, suốt một ngày nơi lãnh địa Palestine này, diễn giả nọ tiếp theo diễn giả kia – cả đến những nhà lãnh đạo giáo hội địa phương – đã tố giác cuộc chiếm đóng của Israel, những hạn chế về kinh tế và đi lại, những vụ tàn phá nhà cửa và giam giữ tù nhân chính trị.

Đức giáo hoàng đã giữ được một thế quân bình hơn. Một mặt, ngài bày tỏ cảm tình với người Palestine và cực lực bảo vệ quyền của họ được có một quốc gia độc lập; mặt khác, ngài đề cập đến cảnh “rối loạn” chứ không dùng chữ “chiếm đóng”, và kêu gọi thanh niên Palestine khắc phục nỗi đắng cay và bác bỏ chính sách khủng bố -- những từ ngữ mà các viên chức chính quyền Israel chắc chẳng thích nghe.

Ngài kịch liệt phản đối bức tường an ninh cao 26 feet của người Israel, cắt xuyên qua vùng Tây Ngạn như một vết thẹo bằng bê tông, gọi đó là một trong những “cảnh quan buồn thảm nhất” trong cuộc tông du, và một biểu hiệu bi thương trong mối liên lạc giữa Israel và Palestine. Nhưng ngay cả tại đây, ngài đã cẩn trọng tránh lời khiển trách, chi đề cập đến “những thù hận đã tạo ra việc xây dựng bức tường này” chứ không gọi là “sự đàn áp” mà những người chủ nhà Palestine ồn ào kết tội.

Phương pháp Đức giáo hoàng dùng là sự khích động về luân lý đạo đức của một người hành hương. Chẳng hạn, khi gặp gỡ Tổng thống Israel là Shimon Peres, ngài khai thác ý nghĩa trong thánh thư Do thái của từ “an ninh”, từ ngữ này không chỉ có nghĩa là thiếu sự đe dọa mà còn có nghĩa là xây dựng niềm tin.

Tại Đất Thánh, Đức giáo hoàng đã làm nhiều hơn việc chỉ là rao giảng. Ngài cũng đã lắng nghe rất nhiều, các vị phụ tá của ngài cho biết như thế. Vì mỗi một bài diễn từ của ngài, lại có đến ba hay bốn diễn văn của chủ nhà.

Người phát ngôn của Tòa thánh, linh mục Dòng Tên Federico Lombardi nói: “Tôi nghĩ là việc đó cho ngài hiểu biết sâu xa hơn về tình hình và các khó khăn của vùng Đất Thánh và Trung Đông.”

Cuộc tông du này có nhiều khoảnh khắc đáng chú ý, nhưng có một giây phút nổi trội: Tại một cuộc họp liên tôn giáo ở Nazareth, Đức giáo hoàng và các nhà lãnh đạo Kitô giáo, Hồi giáo, Do thái và giáo phái Druze cầm tay nhau khi cầu nguyện trong lúc một bản thánh thi hòa bình được hát lên. Đây là một thành quả nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa trên bước đường hành hương của ngài.

Phụng Nghi

Đọc nhiều nhất Bản in 16.05.2009. 01:15