Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tại châu Phi, Đức giáo hoàng thách đố các quan điểm, các chiều hướng văn hóa

§ Phụng Nghi

LUANDA, Angola (CNS) - Lời tuyên bố của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trên chuyến bay tới châu Phi, phản đối việc phân phối bao cao su để ngăn ngừa bệnh AIDS, đã gây ra những lời phê bình gay gắt, và nhiều người thấy chuyện đó làm sao lãng đi thông điệp chính yếu của ngài tại châu Phi.

Nhưng một cái nhìn gần cận hơn cho thấy có rất ít những gì Đức giáo hoàng phải nói trong cuộc tông du đến châu Phi từ ngày 17 đến 23 tháng 3 đã là điều dễ dàng hay dễ thích nghi được. Về những vấn đề, từ phá thai đến tham nhũng, từ quyền lợi của phụ nữ cho đến sự phát triển kinh tế, ngài đều rao giảng Tin mừng bằng một phong cách đưa vấn đề vào những thực hành thông dụng và những quan điểm vượt trội.

Niềm xác tín của ngài, thể hiện trong ngày đầu tiên khi đặt chân đến Cameroon, đó là Kitô giáo là câu trả lời – câu trả lời thực tế duy nhất – cho các vấn đề trầm kha đang gây ra đau khổ tại châu Phi. Nỗi sợ của ngài là châu Phi, khi theo kịp đà toàn cầu hóa về kinh tế và văn hóa, sẽ theo gót một Phương Tây tục hóa và để mất đi sự tiếp xúc với các giá trị riêng tốt đẹp nhất của nó.

Những chiến dịch về bao cao su, đối với Đức giáo hoàng Bênêđictô, là một thành tố nhỏ nhưng rất thực về mối đe dọa này, nhưng mối quan ngại của ngài còn mở rộng ra hầu như mọi lãnh vực trong cuộc sống xã hội, kinh tế và chính trị.

Ngài nói với người châu Phi tại Cameroon: “Vào lúc có quá nhiều người chẳng băn khoăn gì khi cố áp đặt sự bạo ngược của chủ nghĩa duy vật, và ít có mối quan tâm đến những người bị ruồng bỏ nhất, thì các con phải rất mực cẩn thận.”

“Hãy chăm sóc linh hồn của các con. Đừng để cho các con bị giam giữ trong những ảo tưởng ích kỷ và các tư tưởng giả trá.”

Các bản tin tức thường bỏ qua những từ ngữ chắc chắn đi kèm theo sau những lời cảnh cáo đó của Đức giáo hoàng, nhưng đối với ngài, những lời cảnh tỉnh đó là phần quan trọng nhất trong sứ điệp của ngài tại châu Phi: “Chỉ có duy nhất Đức Kitô là con đường sống.” “Chúa Giêsu là đấng trung gian và đấng cứu chuộc.” “Chúa Kitô là thước đo của chủ nghĩa nhân bản chân thực.”

Sự chuyển hóa mà Đức giáo hoàng đòi hỏi người châu Phi là, theo như lời ngài mô tả, phải khởi đi từ sự trở về triệt để với Đức Kitô và sự trở về này chuyển hướng mọi mặt cuộc đời.

Ngài phát biểu trong thánh lễ ngoài trời tại Angola: “Tin Mừng dạy chúng ta rằng sự hòa giải, hòa giải đích thực, chỉ có thể là kết quả của hành động trở lại, một sự thay đổi tâm hồn, một hình thức tư duy mới. Nó dậy ta rằng chỉ có sức mạnh của tình yêu Chúa mới có thể thay đổi tâm hồn chúng ta.”

Đức giáo hoàng tiếp tục nhắc nhở thính giả rằng, theo quan niệm của ngài, bên trong và bên ngoài châu Phi, sống trọn vẹn sứ điệp Kitô giáo là theo một nền văn hóa đi ngược lại một cách sâu xa các tiêu chuẩn xã hội.

Điều đó thật rõ rệt khi ngài nhắn nhủ người trẻ tại sân vận động túc cầu tại Angola, ngài bảo họ rằng sức mạnh của họ trong việc hình thành tương lai tùy thuộc trực tiếp vào “cuộc đối thoại không ngừng nghỉ của họ với Chúa.”

Ngài nói: “Nền văn hóa xã hội nổi trội hiện không giúp gì cho các con trong việc sống lời Chúa Giêsu hay thực hiện việc bỏ mình mà Người kêu gọi các con.” Mà thực ra, các giá trị “theo chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa khoái lạc” ngày nay ngăn cản người trẻ đạt tới mức trưởng thành.

Trong thánh lễ ngày hôm sau, Đức giáo hoàng tiếp tục cùng một chủ đề, nói rằng “sống theo chân lý” không dễ dàng gì khi đối mặt với “những thái độ chai cứng” của tính ích kỷ đang chi phối nhiều sự liên lạc xã hội hiện thời.

Tại châu Phi nạn phá thai là điều chiếm nhiều chỗ trong tâm tưởng Đức giáo hoàng. Bản diễn từ đầu tiên trên châu lục này nhắc nhở người dân châu Phi về các giá trị truyền thống của họ và giáo hội là cơ sở phù hợp nhất để gìn giữ và thanh tẩy các giá trị đó – không giống như các tổ chức muốn áp đặt “các mẫu mực văn hóa không biết tới những quyền lợi của trẻ chưa sinh.”

Trong bài diễn từ đọc trước ngoại giao đoàn, ngài đặt ra một thách đố trực tiếp cho những tổ chức quốc tế mà, theo lời ngài, đang phá hoại các nền tảng của xã hội bằng cách đề cao phá thai như là hình thức săn sóc sức khoẻ khi sinh sản. Tài liệu làm việc cho Thượng hội đồng các Giám mục họp vào tháng 10 sắp tới, do Đức giáo hoàng trao cho các giám mục châu Phi, nói rằng toàn cầu hóa “vi phạm các quyền lợi của châu Phi” và có khuynh hướng “là phương tiện cho sự thống trị của một mẫu mực văn hóa đơn độc, và một nền văn hóa của sự chết.”

Đức giáo hoàng đả động mạnh mẽ vào những cuộc chiến tranh và các cuộc xung đột chủng tộc tại châu Phi và lặp đi lặp lại chủ trương rằng Kitô giáo là phương cách để giải quyết. Ngài phát biểu tại Cameroon: Nếu người châu Phi nhận biết rõ được rằng giáo hội là “gia đình của Thiên Chúa”, thì sẽ không còn chỗ cho chủ nghĩa tự tôn dân tộc hay chủ nghĩa bè phái. Quả thực, ngài trình bày giáo hội như là tổ chức duy nhất có thể mang những người châu Phi lại với nhau trong đường hướng vượt xa các thủ đoạn chính trị và kinh tế.

Mặc dầu Đức giáo hoàng chỉ có hai lần ngắn gọn đề cập đến nạn thối nát, tham nhũng, thường được phương Tây mô tả tiêu biểu như là vấn nạn cốt yếu của châu Phi, ngài không làm công việc chỉ tay kết tội – ngay cả tại Cameroon, thường đứng hàng đầu trong đồ biểu tham nhũng thiết lập do các tổ chức nhân quyền. Trái lại, ngài gọi Cameroon là “miền đất hy vọng” của châu Phi.

Lý do là vì ngài biết rằng các nhà lãnh đạo giáo hội địa phương tại châu Phi đã đứng hàng đầu trong việc tố cáo nạn thối nát chính trị. Tại Cameroon, chẳng hạn, một năm trước đây, Hồng y Wiyghan Tumi thuộc Douala đã đi tới chỗ bất thần công khai phản đối chuyện Tổng thống Paul Biya sửa đổi hiến pháp để cho phép ông được có thêm nhiệm kỳ 7 năm nữa – lập trường này, trong cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng, Hồng y đã nhắc lại.

Điều đáng kể là Đức giáo hoàng đã không coi tham nhũng như là một vấn đề cần phải tiêu diệt để đổi lấy viện trờ từ nước ngoài, nhưng là một lối hành xử không phù hợp với các đòi hỏi của Tin Mừng. Tuy nhiên, ngài nói thêm, rằng châu Phi xứng đáng được một sự thay đổi tương tự trong thái độ của thế giới đã phát triển – không phải để được “nhiều chương trình và nghi thức ngoại giao hơn” mà là “sự thay đổi tấm lòng để thành tâm đồng cảm.”

Cuộc viếng thăm người bệnh tật tại Cameroon của ngài nói lên rằng giáo hội phải đầu tư các nguồn tài nguyên trong niềm yêu thương và săn sóc người thiếu thốn, nhưng với một trọng tâm đặc biệt: Nỗi khổ đau của con người chỉ có ý nghĩa dưới ánh sáng của thập tự giá Chúa Kitô và “chiến thắng sau cùng của ngài” đối với sự chết.

Ngay cả việc Đức giáo hoàng bênh vực quyền lợi của phụ nữ tại châu Phi cũng là một tiếp cận rất “Bênêđictô”, không dựa trên bản tuyên ngôn nhân quyền mà trên truyện tạo dựng vũ trụ trong Kinh Thánh. Ở đây nữa, quan niệm của ngài cho rằng người đàn ông và người đàn bà có vai trò “bổ túc cho nhau” chắc rồi sẽ gặp những lời phê phán.

Phương pháp Đức giáo hoàng sử dụng tại châu Phi là không đề ra luật lệ nhưng là đưa ra một sự thách đố, yêu cầu con người xem xét lại chính cuộc sống mình và mối liên hệ với nhau dưới ánh sáng của Tin Mừng. Ngài tin tưởng rằng Kitô giáo là điều thích hợp hoàn hảo cho châu Phi, nhưng theo quan điểm của ngài, xét theo chiều hướng văn hóa, sẽ không nhất thiết là điều thích hợp dễ dàng.

Phụng Nghi

Đọc nhiều nhất Bản in 24.03.2009. 18:00