Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Quyền được thông tin dưới ánh sáng học thuyết xã hội của Giáo Hội

§ Lm Anmai, DCCT

Trong đời sống thường nhật, thông tin đóng một vai trò hết sức quan trọng. Con người nếu không có thông tin coi như không biết gì cả và không thể nào phát triển được. Với thời đại phát triển đến mức chóng mặt như như hiện nay thông tin càng trở thành một trong những nhu cầu sống còn của con người.

Tự do thông tin là một trong những quyền căn bản của loài người. Không một thế lực, tổ chức nào có quyền nhân danh bất cứ lý do gì để phủ nhận hay bóp nghẹt quyền lợi chính đáng đó. Vì vậy, trong điều 19 của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, năm 1948 đã xác định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới”. Thế nhưng, cho đến những năm đầu thế kỷ 22 này, vẫn còn một số nước, dẫu rằng họ là thành viên của Liên Hiệp Quốc nhưng nhà cầm quyền vẫn luôn tìm cách để cấm đoán, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của người dân. Có những nước được tự do ngôn luận nhưng có những nước thông tin chỉ một chiều, một phía từ những người có thế lực trong xã hội. Với nguồn thông tin một chiều, những người thấp cổ bé họng sẽ bị thiệt thòi, sẽ bị đè nén, chà đạp đến tận xương tận tuỷ.

Ta thử tìm hiểu một số nét về quyền được tiếp cận thông tin khách quan về các biến cố công cộng tại hông tin dưới ánh sáng của học thuyết xã hội của Giáo Hội.

I – Quan điểm của học thuyết xã hội của Giáo Hội khi bàn về quyền tiếp cận thông tin

Trước khi đi vào tìm hiểu quyền tiếp cận thông tin dưới ánh sáng của học thuyết xã hội của Giáo hội, chúng ta cần xác định: giáo huấn xã hội của Hội Thánh là một phần quan trọng của nhận thức Kitô giáo về cuộc sống;1 nó đặt nền tảng trên mặc khải và luật tự nhiên.2 Hơn nữa, vì nó áp dụng chân lý và luân lý Kitô giáo vào nhiều hoàn cảnh lịch sử khác nhau trên thế giới, nên giáo huấn này đáng nhận được sự đồng thuận của người tin như bất kỳ tuyên bố nào khác của huấn quyền.3 Đồng thời, những nguyên tắc rút ra từ đó cũng mang tính chất hoàn toàn khách quan và đáng được áp dụng vào những hoàn cảnh xã hội khác nhau.

Khi bàn về quyền tiếp cận thông tin khách quan về các biến cố tại những nước mà thông tin bị bóp méo, bị dị dạng dưới ánh sáng của học thuyết xã hội của Giáo Hội, ta thấy một trong những nguyên tắc căn bản liên quan đến truyền thông được giáo huấn xã hội của Hội Thánh đề cập, đó là nguyên tắc công ích trong thông tin, truyền thông. Giáo Hội luôn nhấn mạnh: “Thông tin do các phương tiện truyền thông cung cấp phải nhằm phục vụ công ích. Xã hội có quyền nhận được những thông tin căn cứ trên sự thật, tự do, công lý và liên đới”.4 Với nguyên tắc căn bản này, vấn đề chính yếu mà ta cần xác định là liệu một hệ thống thông tin có góp phần làm cho con người trở nên tốt hơn không, nghĩa là nó có giúp con người trưởng thành hơn về tâm linh, ý thức hơn về phẩm giá con người của mình, chịu trách nhiệm nhiều hơn hay cởi mở hơn đối với những người khác, nhất là những người túng thiếu và yếu kém nhất hay không.5

Bên cạnh nguyên tắc công ích, các giáo huấn xã hội của Hội Thánh còn đề cập đến nguyên tắc đạo đức trong truyền thông. Trong thế giới thông tin, những khó khăn nội tại của việc truyền thông được phóng đại do các ý thức hệ, do cạnh tranh và xung đột giữa các tập thể và do những tệ đoan xã hội khác. Một vài nước đã không cho tự do ngôn luận và đó là lối truyền thông sai lệch, một chiều nhằm mục đích phục vụ cho đường lối riêng của đất nước. Bởi thế, các giá trị và các nguyên tắc luân lý phải được áp dụng cho các phương tiện truyền thông. Trong huấn thị Đạo đức trong truyền thông, huấn quyền của Hội Thánh khẳng định: “Chiều hướng đạo đức không chỉ có liên quan tới nội dung truyền thông (tin tức, thông điệp) và quá trình truyền thông, mà còn liên quan đến các vấn đề căn bản, liên quan đến cơ cấu và hệ thống, bao gồm cả những vấn đề lớn như chính sách truyền thông…”.6 Huấn quyền cũng nhấn mạnh rằng trong cả ba lãnh vực: thông điệp, quá trình và các vấn đề cơ chế truyền thông, phải luôn áp dụng một nguyên tắc luân lý căn bản đó là con người và cộng đồng nhân loại phải là mục tiêu và thước đo của việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Một nguyên tắc thứ hai bổ sung cho nguyên tắc thứ nhất: lợi ích của con người không thể nào đạt được một khi tách khỏi lợi ích chung của cộng đồng mà con người thuộc về.7

II– Thực trạng quyền được tiếp cận thông tin tại những nước thiếu tự do về thông tin

Trước khi bàn về thực trạng quyền được tiếp cận thông tin tại một số nước thông tin bị bóp méo, thiết nghĩ chúng ta cần xác định với nhau rằng: Là công dân của một quốc gia, (kể cả các tổ chức có tư cách pháp nhân) chúng ta có quyền được tiếp cận những thông tin liên quan đến, có thể ảnh hưởng tới cuộc sống, hoạt động của chúng ta. Thông tin có thể là về một công ty, về một tổ chức, thậm chí về một cá nhân. Tuy nhiên, có những thông tin mang tính riêng tư mà không ai có quyền xâm phạm nếu không được người chủ cho phép. Nhưng có những thông tin về một tổ chức, một cá nhân có thể ảnh hưởng đến những người khác thì phải có cơ chế, quy tắc cho những người có thể bị ảnh hưởng có thể tiếp cận đến…

Chúng ta có thể xác định với nhau như vậy bởi vì: quyền được tiếp cận thông tin là một quyền hiến định của công dân. Theo điều 69 của Hiến pháp của hiện hành (1992) của Việt Nam nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Quả vậy, theo quan điểm của tiến sĩ Nguyễn Quang A trong bài viết đăng trên tờ Lao Động cuối tuần ngày 8/2, ông đã viết : ''Nhà nước là “của dân, do dân và vì dân” nên công dân phải được thông tin trung thực kịp thời về hoạt động, chính sách, chủ trương của các cơ quan nhà nước, của các cơ quan “của mình”, “vì mình”. Đấy là quyền của công dân, họ có quyền đòi hỏi (chứ không phải xin) cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và các cơ quan nhà nước phải có nghĩa vụ cung cấp (chứ không phải ban phát). Đấy là nguyên tắc''.8

Quả thực, khi nhìn vào thực trạng của những nước không có tự do thông tin hay thông tin thiếu chính xác dưới ánh sáng của học thuyết xã hội của Giáo Hội, ta thấy, quyền được tiếp cận thông tin của người dân chưa bao giờ được tôn trọng một cách đúng mức. Theo Thiên Ân nhận định: “đã có một thời, người dân của một nước thiếu tự do trong lãnh vực thông tin có thể bị bỏ tù vì dám thu thập những thông tin thời sự chính trị, xã hội trong nước cũng như thế giới từ các đài báo nước ngoài. Đã có những người bị đi tù đến 10 năm vì dám nghe đài BBC! Ngày nay, tình hình có lẽ không đến nỗi trầm trọng, quá đáng như thế, nhưng dẫu sao, hằng ngày người dân vẫn phải miễn cưỡng tiếp cận những thông tin đã qua sự kiểm soát, kiểm duyệt của quyền lực chính trị, người dân vẫn phải tiếp xúc (dù chấp nhận hay không chấp nhận) những thứ thông tin lệch lạc, một chiều, có lợi và phục vụ cho chế độ chuyên quyền cộng sản. Thậm chí, họ còn bị các cơ quan chủ quản bưng bít các thông tin có liên quan, có ảnh hưởng tới đời sống của người dân”.9

Như chúng ta đã biết, trong Hiến Pháp hiện hành nhiều nước nêu rất rõ: công dân có quyền được thông tin. Tuy nhiên trên thực tế cho đến nay, một số nước vẫn chưa thực hiện điều này theo đúng Hiến Pháp đã đề ra. Có lẽ vì chưa có một đạo luật rõ ràng, nên quyền tự do thông tin trong nước mà điển hình là quyền tiếp cận thông tin của người dân vẫn ở trong tình trạng tranh tối tranh sáng.10 Hậu quả là dân chúng bị nhiều hạn chế khi tiếp cận thông tin từ các cơ quan công quyền, nếu không muốn nói rằng người dân ở nhiều nơi còn bị bưng bít thông tin.11 Và nếu được thông tin thì hầu hết là những thông tin sai lệch, bị bóp méo, một chiều.

Gần đây, những thông tin về tình hình tại Thái Hà, toà Khâm Sứ, Tam Toà… vấn đề Bauxite ở Tây nguyên… đều chỉ là thông tin một chiều. Bên cạnh đó, nếu không cẩn thận nhà báo có thể bị truy tố khi đưa những tin tức liên quan, với lý do đó là thông tin "nhạy cảm", có ảnh hưởng đến an ninh hay quyền lợi quốc gia, dù các thông tin ấy phanh phui những vụ tiêu cực, tham nhũng.

Ngoài ra, như chúng ta đã biết, đáng tiếc là một số nước còn nằm trong chế độ xã hội chuyên chế, độc đảng, nếu không muốn nói người, mọi sự và đó cũng là một tổ chức không bị ai kiểm soát đang tìm mọi cách kiểm soát thông tin với hy vọng là độc tài. Trong thực tế, duy chỉ một Đảng nắm trọn quyền lực chính trị, kiểm soát hết mọi dùng độc quyền thông tin một chiều để điều kiện hóa dân, giúp giữ được độc quyền chính trị. Chính vì vậy, tại một vài nước hết sức buồn cười. Dẫu rằng nước đó có trên 700 tờ báo nhưng không hề có bất cứ một tờ báo tư nhân độc lập với chính quyền. Buồn cười hơn nữa là một đất nước mà không hề tìm thấy đài phát thanh, truyền hình cũng như nhà in tư nhân.

Với vấn đề tự do báo chí, phát biểu trong đại hội lần thứ 8 của Hội Nhà Báo một nước nọ - nước ấy luôn đề cao quyền con người, tự do báo chí, vào năm 2005, một “ông lớn” chỉ thị cho các nhà báo: “phải tuyệt đối trung thành với đảng”. Và cuối tháng 11 năm 2006, một “ông lớn” khác ra Chỉ thị : “Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức”; rồi vào tháng 10 năm ngoái, Bộ Thông tin và truyền thông thành lập một cơ quan mới để kiểm soát internet gắt gao hơn; hoặc ngay từ căn bản luật pháp, “Luật báo chí” hiện hành mặc nhiên thể hiện mục tiêu “quản lý” báo chí hơn là phát huy quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận mà Hiến pháp đã minh định... tất cả những điều vừa kể không thấy bản bạch thư nhân quyền đề cập đến, hoặc giải bắt bớ, trù dập các nhà báo, bắt đình bản những tờ báo không đi theo “lề bên phải” của nhà nước giải thích rằng chúng phục vụ cho tự do ngôn luận, tự do báo chí ra sao... Đó là chưa kể đến vô số những vụ việc đã bị dìm xuống đất đen.

Chính điều này đã đi ngược lại hoàn toàn với hai nguyên tắc liên quan đến vấn đề thông tin mà giáo huấn của Giáo Hội đã nêu ở trên. Vì vậy hơn lúc nào hết chúng ta, những Kitô hữu cần phải tìm ra cho mình và mọi người những giải pháp khả dĩ đảm bảo quyền cơ bản của con người về việc tiếp cận thông tin khách quan về các biến cố công cộng trong hoàn cảnh cụ thể của một nước mất tự do.

III – Phương hướng giải quyết

Trước hết, có thể khẳng định sở dĩ có tình trạng thông tin, truyền thông một chiều trong một số xã hội là vì ở những đất nước đó các phương tiện truyền thông chỉ do một số ít người có quyền lực chi phối, kiểm soát. Do đó, để bảo vệ quyền cơ bản của con người về việc tiếp cận các thông tin khách quan, nhất thiết phải có sự đa nguyên thật sự trong lãnh vực tế nhị này của đời sống xã hội, đồng thời có nhiều hình thức và phương tiện thông tin và truyền thông, vả lại cũng cần có sự bình đẳng trong việc sở hữu các phương tiện ấy qua những luật lệ thích hợp.

Để có được sự đa nguyên trong truyền thông, thì không phải là chuyện một sớm một chiều. Do đó, một giải pháp tức thời được đề nghị là cần gây ý thức cho người dân ngay lúc này về những quyền cơ bản của họ; khơi gợi cho quần chúng về quyền cơ bản được tiếp cận thông tin khách quan về các biến cố công cộng, cũng như những quyền lợi cơ bản khác có liên quan, chẳng hạn quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lương tâm và tư tưởng, quyền phản đối theo lương tâm…

Khi đã ý thức được những quyền cơ bản mà mình có, họ có thể chủ động tiếp cận và biện phân các thông tin do các phương tiện truyền thông cung cấp. Và một khi quần chúng có sự chủ động và có khả năng biện biệt trong việc tiếp cận các thông tin, thì trong xã hội tất nhiên sẽ hình thành được tiếng nói lành mạnh, tích cực của công luận. Tiếng nói của công luận sẽ là yếu tố quan trọng làm thay đổi bộ mặt xã hội, công phá chế độ chuyên chế độc tài về chính trị, về truyền thông.

Điều cần thiết nhất trong hiện tại đó là về giáo dục. Phải quan tâm đặc biệt trong lãnh vực giáo dục con trẻ. Với một xã hội nhập nhằng tranh tối tranh sáng, trong đó con người từ khi còn nhỏ đã bị nhồi sọ bởi những thứ thông tin lệch lạc, một chiều, nếu trong các gia đình, các bậc phu huynh không chủ động giáo dục, huấn luyện con em mình về óc phán đoán và phê bình khi tiếp cận các thông tin, thì chắc chắn có một hậu quả dây chuyền xảy đến: xã hội từ thế hệ này tới thế hệ kia ù lì, thụ động, buông xuôi trước một chế độ độc tài về chính trị nói chung và về truyền thông nói riêng.

Những bậc thầy trong lãnh vực giáo dục thế hệ mầm non cần trau dồi kiến thức cũng như khả năng cảm thụ và biện phân các thông tin để rồi truyền đạt lại cho thế hệ trẻ. Từ chỗ có một thế hệ trẻ biết chủ động cảm thụ và biện biệt các thông tin do các phương tiện truyền thông cung cấp, sẽ có được một xã hội sáng sủa trong tương lai, trong đó tiếng nói tích cực, lành mạnh của công luận sẽ hình thành; tiếng nói đó sẽ là yếu tố làm lộ diện ra một xã hội thiếu công lý và sự thật.

Kết luận

Nói chung, khi tìm hiểu về quyền tiếp cận thông tin khách quan về các biến cố dưới ánh sáng của học thuyết xã hội của Giáo Hội trong tình hình thực tế của một số xã hội, có lẽ ta không khỏi băn khoăn suy nghĩ về các quyền cơ bản của con người, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin khách quan về các biến cố công cộng.

Với hệ thống thông tin, truyền thông sai lệch, một chiều đang là yếu tố đe dọa cách nghiêm trọng quyền cơ bản đó của con người. Có thể nói, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự sai lệch, một chiều trong truyền thông đó là sự tồn tại của một chế độ chuyên quyền, độc tài. Vì thế, việc xóa bỏ một chế độ độc tài công khai và kéo dài, gây thiệt hại lớn cho các quyền cơ bản của con người và làm tổn thất nghiêm trọng cho ích chung của xã hội, là nhiệm vụ của mọi người, nhất là của các Kitô hữu – những người có bổn phận phải công bố Tin mừng giải thoát cho mọi loài thọ tạo.12

Là một công dân trong xã hội, đặc biệt lại là người Công Giáo, hơn bao giờ hết những người Công Giáo được thúc bách sống Tin mừng giữa lòng dân tộc. Tin mừng ấy là Chân Lý, là Sự Thật, là Tình Yêu của Đức Kitô.

Nếu may mắn, kitô hữu sống được trong những đất nước mà thật sự Công Lý và Hoà Bình thịnh trị đang hiển hiện. Nếu kém may mắn sống trong một đất nước mà thiếu sự thật, thiếu tự do thì kitô lại càng phải làm gương, phải cố gắng mang Chân Lý, Sự Thật, Tình Yêu của Chúa đến cho những người xung quanh họ sống. Dẫu biết rằng còn nhiều chông gai, còn nhiều thử thách và thậm chí là phải đổ máu đào để làm chứng cho Sự Thật nhưng kitô hữu không được nản lòng. Biết đâu một ngày nào đó Thần Chân Lý, Thần của Sự Thật sẽ biến đổi những “lòng chai dạ đá” để họ quay về với nguồn mạch Sự Thật và Yêu Thương Vĩnh Cửu.

Ôi Thần Linh Thánh Ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí Ơn An Bình.

Chú thích

[1] x. Đức Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 222

[2] x. Đức Leô XIII, Thông điệp Rerum Novarum, 12; cũng x. Đức Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno, 17; Đức Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 219

[3] x. Javier Hervada, sđd, tr. 2-3

[4] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 2494; x. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Inter Mirifica, số. 11.

[5] x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội, nxb tôn giáo, 2007, tr. 288.

[6] Hội đồng giáo hoàng về truyền thông xã hội, Huấn thị Đạo đức truyền thông, số. 20.

[7] x. Ibid số. 22.

[8] Báo Lao Động cuối tuần số 6, 8/2/2009, “Quyền được thông tin của người dân”, Nguyễn Quang A

[9] Thiên Ân, “Vấn đề nghiêm trọng từ một thứ truyền thông sai lệch, một chiều”, VietCatholic News, Chúa nhật, 17.08.2008.

[10] Dự luật về “quyền tiếp cận thông tin” hiện đang được quốc hội xem xét và theo dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 05 – 2010.

[11] Dư luận của quần chúng cho rằng bưng bít thông tin tạo điều kiện cho tiêu cực, điển hình là vụ PMU 18 cũng như vụ PCI trước đây, và nay là vụ khai thác bauxit tại một vùng đất chiến lược như Tây Nguyên

[12] Đức Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 31

Lm Anmai, DCCT

Đọc nhiều nhất Bản in 07.01.2010. 14:53