Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhân ngày 30/4, tìm hiểu về Hồn của Dân tộc Nga

§ John Chang

VietCatholic News (Thứ Hai 28/04/2008 12:24)

Đền Thờ Chúa Ki-tô Cứu Thế tại Moscow: Hồn Của Dân Tộc Nga

Thời còn trẻ, cũng như tuyệt đại đa số nhân dân thưở đó và hiện nay, tôi luôn bị nhồi nhét về những thành tích phi thường và nhân cách rạng ngời của các lãnh tụ cộng sản. Họ luôn được bộ máy tuyên truyền cộng sản xưng tụng một cách vô liêm sỉ và lố bịch lên tận mây xanh.

Ông Lê-nin ở nước Nga
Mà sao em thấy rất là Việt Nam
(Tố Hữu)

Hoan hô Xít-ta-lin!
Đời đời cây đại thụ
Rợp bóng mát Hoà bình
Đứng đầu sóng ngọn gió
Hoan hô Hồ Chí Minh!
Cây hải đăng mặt biển
Bão táp chẳng rung rinh
Lửa trường kỳ kháng chiến!
(Tố Hữu)

Giết giết nữa! Bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt!
(Tố Hữu)

Thậm chí trẻ em mẫu giáo ngây thơ cho đến tận ngày nay (2008) cũng còn được dạy nói dối một cách trơ trẽn:

Đêm qua em mơ gặp bác Hồ
Mơ thức rồi ngỡ vẫn còn mơ
Em âu yếm hôn đôi má Bác
Vui bên Bác là em múa hát
Bác mỉm cười Bác khen em ngoan
Bác gật đầu Bác khen em ngoan
(Xuân Giao).

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, tôi có thể tiếp cận các mặt khác của họ để thấy được rằng ở đâu mới mang hồn của một dân tộc.

Ngày 30 tháng 8 năm 1918, bà Fanya Kaplan đến gần Lenin sau một buổi mít-tinh và bắn ba phát, hai phát trúng Lenin ở khuỷu tay và lưng. Ông được đưa về Kremlin. Các bác sĩ cho rằng sẽ là quá nguy hiểm nếu lấy viên đạn ở cổ ra. Nó vẫn nằm ở đó cho tới khi ông qua đời vào 6 năm sau. Tháng 5 năm 1922 ông bị tê liệt nửa người bên phải. Tháng 3 năm 1923, ông bị đột quỵ lần thứ ba và phải nằm liệt giường trong cả phần đời còn lại, thậm chí không thể nói được. Trong bản di chúc, Lenin đã chỉ trích đặc biệt là Joseph Stalin vì “hắn ta có quyền lực vô hạn tập trung trong tay” và đề xuất lật đổ Stalin. Vợ ông đã gửi bản di chúc tới ủy ban trung ương để đọc trước Đại hội 13 Đảng cộng sản vào tháng 5-1924. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng di chúc là hậu quả của tình trạng tâm thần bất ổn của Lenin trong những năm cuối đời, và vì thế, những lời đề xuất cuối cùng của ông không đáng tin cậy (trong khi đó nhiều người ở Việt Nam vẫn mù quáng tin rằng mọi lời nói của ông trong giai đoạn này đều là lời vàng thước ngọc). Việc không đếm xỉa tới những ý kiến của Lenin sau này thường được cho là một sai lầm nghiêm trọng. (1)

Trong thời Stalin, Liên Xô chuyển từ một nước lạc hậu thành một siêu cường thế giới với tiềm lực công nghiệp và quân sự khổng lồ, nhưng đời sống của nhân dân vẫn luôn thiếu thốn. Stalin sử dụng phương pháp khủng bố nhà nước. Từ tháng 08/1937 đến tháng 10/1938, chỉ riêng trong nhà tù tại Ủy ban an ninh quốc gia, chế độ đã bắn bỏ 20760 người, trong đó có khoảng 1000 người lãnh đạo tôn giáo. Giáo chủ Serafin của giáo phận St. Petersburg cũng bị giết vào thời gian này. Trong thời Perestroika của Michail Gorbachev đã phát hiện 1,7 triệu hồ sơ những tên phản cách mạng của giai đoạn đó. Hơn 700 ngàn người trong số họ đã bị giết. Các nhà sử học cho rằng từ 20-40 triệu người đã bị bộ máy thanh trừng của nhà độc tài này giết chết trong các trại tập trung. Họ được Tổng thống Nga Putin ghi nhớ “là những con người ưu tú nhất, có trí tuệ cao nhất và là những người can đảm nhất của đất nước.” (2) Tại phiên họp kín ngày 25 tháng 2 năm 1956 của Đại hội đảng lần thứ XX, người kế nhiệm là Khrushchev lên án gay gắt Stalin vì lạm dụng quyền hành, sùng bái cá nhân và thiếu tôn trọng ý kiến của đảng. (3)

80428Nga1.jpg

Đền Chúa Cứu Thế vào năm 1883

80428Nga2.jpg

Đền Chúa Cứu Thế bị phá năm 1931

Ngày nay nước Nga đang cố gắng sửa chữa lại một phần nào những tội ác tày trời của Stalin (1897-1953) bất diệt. Một trong số đó là nỗ lực khôi phục lại ngôi nhà mang hồn của dân tộc Nga: Đại vương cung thánh đường Chúa Ki-tô Cứu Thế (Christ the Savior) tại Moscow. Đó là thánh đường Chính Thống Giáo lớn nhất và đẹp nhất trên toàn thế giới vào mọi thời đại, có sức chứa 15 ngàn người. Sau khi đoàn quân chiến bại của Napoleon rút khỏi Moscow năm 1812, sa hoàng Alexander I kí một sắc chỉ xây lên một thánh đường nói lên lòng biết ơn của toàn dân đối với Chúa Quan Phòng đã cứu nước Nga khỏi diệt vong và tôn vinh sự hy sinh của nhân dân trong chiến đấu. Bản vẽ của kiến trúc sư Alexander Vitberg được Sa hoàng phê chuẩn vào năm 1817. Sa hoàng Nicholas lên kế vị chọn mô hình của kiến trúc sư Konstantin Thon theo mẫu nhà thờ Hagia Sophia tại Constantinople. Công trình được khởi công vào năm 1839 và mãi đến 1860 mới được hoàn tất phần khung. Những họa sỹ giỏi nhất của Nga như Ivan Kramskoi, Vasily Surikov, Vasily Vereshchagin phải mất thêm 20 năm nữa mới hoàn thành việc trang trí nội thất. Năm 1882 bản Overture 1812 của Tchaikovsky (nhân kỉ niệm lần thứ 70 chiến thắng quân Pháp) được ra mắt lần đầu tại đây. Ngày 26-5-1883 vương cung thánh đường lịch sử này được thánh hiến sau 70 năm thai nghén và xây dựng. Bên trong nhà thờ có gallery 2 tầng, tường được cẩn bằng cẩm thạch, hoa cương và các loại đá quý. Gallery ở tầng trệt (h.1) trưng bầy trên 1000 mét vuông các phiến đá cẩm thạch Carraca ghi tên các vị tướng, quân đoàn, những huy chương và những trận đánh của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại năm 1812.

Ngày 5-12-1931 theo lệnh Stalin, Vương cung thánh đường Chúa Ki-tô Cứu Thế bị giật mìn cho xập (h.2). Cũng như tòa nhà thương mại thế giới World Trade Center ở New York, quy mô vĩ đại của Đền Chúa Cứu Thế khiến người ta phải mất hơn 1 năm mới dọn dẹp xong đống nổ nát.

Stalin nuôi tham vọng dựng lên Cung Điện Liên Xô (Palace of Soviet, H.3) nguy nga đồ sộ như một Kim tự tháp hiện đại để toàn thế giới vô sản hướng về như người Công giáo hướng về Vatican. Cung điện này sẽ cao hơn, to hơn tòa nhà Empire State Building tại New York City, cao 381 mét, khi khánh thành vào năm 1931 được xem như biểu tượng của chủ nghĩa tư bản. Trên nóc Cung điện sẽ đặt tượng đài Lê-nin như một đấng cứu thế mới cho thế giới, tay phải của ông giơ cao như ban phép lành cho loài người.

Tuy nhiên mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Cũng như tháp Babel mang tính thách thức Thiên Chúa, việc xây cất Cung điện Xô viết bị bỏ ngang, theo từ ngữ thời nay ở Việt Nam là bị “quy hoạch treo vô thời hạn”, vì thiếu kinh phí, lụt lội và chiến tranh. Hố móng khổng lồ của nó bị nước sông Moscow dâng ngập trong 20 năm cho đến khi Khrushchev biến nó thành 1 bể bơi công cộng khổng lồ lớn nhất thế giới.

80428Nga3.jpg

Phác thảo Cung điện Xô Viết của Stalin

Sau khi Liên Xô xụp đổ, giáo hội Chính thống Nga, theo nguyện vọng của nhân dân, bắt đầu nỗ lực xây dựng lại Đền Chúa Cứu Thế tại nền cũ đã bị Stalin phá bỏ để xây Cung điện Xô viết. Công trình được đông đảo quần chúng đóng góp tài chánh, tương đương 200 triệu đô la Mỹ, được thánh hiến vào lễ Chúa Biến Hình 19-8-2000 (h.4) nhưng hoàn toàn không thể thay thế và so sánh được với nhà thờ cũ về các mặt giá trị lịch sử và nghệ thuật. Tại đây vào Sa hoàng cuối cùng là Nicholas II (1868-1918) và gia đình bị Lê-nin bắt giam và xử tử đã được phong thánh. Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Liên bang Nga, Boris Yeltsin, qua đời ngày 23-4-2007 được cử hành quốc táng tại đây. (4)

Anh hùng Liên Xô Yuri Gagarin (1934-1968), người đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến bay vào vũ trụ ngày 12-4-1961 trên tàu Phương Đông có thể tiêu biểu cho thao thức của toàn dân Nga muốn xây lại Đền Thờ mang hồn của đất nước. Ông đã bị hàm oan một đời vì bị gán ghép cho câu nói tai tiếng: Tôi đã đi khắp vũ trụ mà chẳng thấy Chúa đâu cả. Tuy nhiên trong toàn bộ cuốn băng ghi âm chuyến bay lịch sử đó không hề có câu này. Trong một cuộc phỏng vấn vào 12-4-2006, kỉ niện 45 năm ngày lần đầu tiên con người bay vào vũ trụ, một người bạn thân của Gararin là thiếu tá Valentin Petrov, giáo sư tại Học viện không quân Gagarin khẳng định là Gagarin không hề nói câu đó và tiết lộ nguồn gốc của nó phát xuất từ bài diễn văn của Tổng bí thư Nikita Khrushchev (1894-1971) đọc trước ủy ban trung ương đảng CS Liên Xô về chủ đề chống tôn giáo: Gagarin đã bay vào vũ trụ nhưng chẳng thấy Chúa đâu cả.

Gagarin như đa số người Nga vào thời đó đã được rửa tội khi còn bé, luôn sống với đức tin Ki-tô và không thể nào nói câu đó được. Khi bộ máy tuyên truyền xử dụng lời đó trong những chiến dịch chống tôn giáo thì luôn được gán cho Gagarin vì không ai muốn tin những gì Khrushchev nói nhưng mọi người dễ tin lời phát biểu của Gagarin. Vào ngày 9-3-1964, sinh nhật thứ 30 của Gagarin, ông đến thăm tu viện thánh Sergius Laura và Viện bảo tàng khảo cổ Giáo hội (Church Archaeology Museum) tại Moscow. Ông lặng người chiêm ngắm rất lâu mô hình nhà thờ Chúa Cứu Thế đã bị hủy diệt và nói với Petrov: “Họ đã phá hủy một công trình xinh đẹp biết bao”. Về sau Gagarin phát biểu công khai tại buổi họp về giáo dục giới trẻ của Ủy ban trung ương Đảng là Đền Chúa Cứu Thế phải được phục hồi. (5)

80428Nga4.jpg

Chúa Cứu Thế mới năm 2000

Đền thờ Chúa Cứu Thế mới, biểu tượng tinh thần của dân tộc Nga được xây lại từ năm 1994 và hoàn thành vào năm 2000, nằm sát Điện Kremlin đã từng là nơi cư ngụ của các Tổng bí thư ĐCS Liên xô, như một khẳng định hùng hồn đâu mới là hồn của dân tộc Nga.

80428Nga5.jpg

Đền Chúa Cứu Thế mới

Bản chất duy vật vô thần của các chế độ Cộng sản luôn chống lại tôn giáo. Hơn nữa họ luôn muốn hủy diệt đi các giá trị văn hóa ngàn đời của các dân tộc để thay bằng ý thức hệ Mác Lê-nin. Con đường tiến lên của họ, trái ngược với bản chất hướng thiện, nhân ái bình thường của con người, luôn có đầu rơi máu đổ. Stalin không còn nữa, ngàn đời sau sẽ còn kết án ông vì những tội ác điên cuồng của ông. Người Cộng sản luôn coi những người không cùng chí hướng và phục tùng họ một cách mù quáng là quân thù. Đường vinh quang xây xác quân thù (Quốc ca CHXHCNVN). Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Họ có thể giết bỏ tất cả những người mà họ cho là cản trở cứu cánh cuối cùng là thế giới đại đồng (luôn luôn xa xôi và mơ hồ). Tổ chức Cộng sản giống như triều đình phong kiến là phải phục tùng tuyệt đối lãnh tụ tối cao Tổng bí thư như một hoàng đế.

Với bản tính đa nghi và độc ác như Tào Tháo, Stalin còn thẳng tay tiêu diệt những đồng chí của mình. Ông bắt giữ 1/10 số binh lính, 2/3 số sĩ quan trong Hồng quân Liên xô, 98/139 Ủy viên trung ương Đảng, 90% Ủy viên các nước Cộng hòa và các khu vực vào năm 1938. Ít nhất có 1 triệu đảng viên bị bắt và phân nửa số họ bị hành quyết. Ông tiêu diệt hoàn toàn thế hệ đồng chí cùng tham gia Cách mạng tháng 10 với ông. Khi gần chết ông còn ra lệnh tra tấn tất cả nhóm 7 bác sỹ có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho ông. Nếu ông còn sống thêm vài năm sẽ còn có một cuộc tắm máu các đồng chí của ông nữa. Đó là thế giới đại đồng của Stalin. (6)

Trong 8 năm sau cuộc Cách mạng tháng 10 Nga đã có 200 ngàn người Công giáo bị hành quyết. Ngày 29-6-1945 miền Carpathian Ukraine bị sát nhập vào Soviet Ukraine. Chỉ trong một thời gian ngắn 10 giám mục, 3500 linh mục, 1000 nữ tu, 500 chủng sinh bị thủ tiêu, vô số các cơ sở của giáo hội trong 5 giáo phận bị tịch thu, 4 triệu tín hữu Công giáo Ukraine không còn chủ chăn (L'Osservatore Romano Feb.7, 2001).

2804200880428Nga.jpg

Ngày 27-6-2001 tại sân vận động Lviv ở Ukraine 1 triệu tín hữu đến dự lễ phong Chân phước cho 28 vị Tử đạo Ukraine do Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II cử hành. Trong bài giảng, ĐTC đã nói: “Những người theo các ý thức hệ Quốc xã và Cộng sản đã giết các vị tử đạo vì lòng căm ghét đức tin Ki-tô. Các vị là đại diện cho vô vàn vô số những nam phụ lão ấu vô danh, bị coi là công dân hạng B, bị gạt ra ngoài lề xã hội trong thế kỷ 20, thế kỷ của tử đạo. Các ngài chấp nhận khủng bố và bị thủ tiêu hơn là từ bỏ đức tin trong những năm bách hại đen tối. Còn có các anh chị em Ki-tô ngoài Công giáo cũng chịu tử đạo chung với họ. Điều này dấy lên thao thức ray rứt của chúng ta về hòa giải và hợp nhất. Chúng ta cần xin nhau tha thứ và tha thứ cho nhau vì những thương tích đã gây ra cho nhau và hoàn toàn phó thác cho hồng ân đổi mới của Chúa Thánh Thần.”

80428Nga6.jpg

Chân phước Emilian Kovtch

Trong số 28 vị được phong Chân phước vào ngày hôm đó có linh mục Emilian Kovtch (h.5), sinh năm 1884, thụ phong 1919, năm 1922 phụ trách giáo xứ Peremychlyany nơi mà đa số trong 5000 dân là người Do Thái. Sau khi miền đó bị Đức Quốc xã xâm chiếm cha Emilian quyết định rửa tội tập thể và cấp chứng chỉ rửa tội cho người Do Thái trong vùng để cứu mạng sống của họ dù việc này bị nghiêm cấm. Cha bị bắt giữ vào tháng 12-1942 và tháng 8-1943 bị đưa tới trại tập trung Majdanek tại đó cha vẫn cử hành thánh lễ và ban bí tích hòa giải. Trong 1 lá thư cha viết: “Ngoại trừ thiên đàng ra, đây là nơi duy nhất cha muốn sống. Tại đây dù là Ba Lan, Do Thái, Ukraine hay Nga đều như nhau. Cha là linh mục duy nhất. Khi cha cử hành thánh lễ tất cả mọi người đều hiệp thông bằng ngôn ngữ của họ, mà mọi ngôn ngữ đều giống nhau trước nhan Chúa. Ngày hôm qua có 50 tù nhân bị hành quyết. Nếu không có cha ở đây ai sẽ giúp họ đi qua phút lâm chung này? Có điều gì trọng đại hơn mà Chúa có thể ban cho cha? Hãy chung vui với cha.” Linh mục Emilian bị thiêu sống trong lò thiêu Majdanek ngày 25-3-1944. Ngày 9-9-1999 ngài được Hội đồng Do thái Ukraine tuyên phong là Người Công Chính Ukraine. (7)

Việc xây lại Đền Chúa Cứu Thế tại Moscow nói lên rằng hồn của dân tộc Nga không còn nằm ở lăng Lê-nin. Các lãnh tụ vĩ đại, các chế độ và ý thức hệ ngoại lai dù mạnh bạo đến đâu cũng có ngày tiêu vong. Nhưng một dân tộc có được trường tồn hay không là do ở chỗ dân tộc đó biết rằng hồn của mình nằm ở đâu.

Tham khảo:
(1) http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Nin#C.C3.A1i_ch.E1.BA.BFt_s.E1.BB.9Bm
(2) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2007/10/071031_putinrussianmemorial.shtml
(3) http://vi.wikipedia.org/wiki/Stalin
(4) http://en.wikipedia.org/wiki/Cathedral_of_Christ_the_Saviour
http://www.sacred-destinations.com/russia/moscow-cathedral-of-christ-the-savior.htm
http://www.xxc.ru/english/history/index.htm
(5) http://jmm.aaa.net.au/articles/17357.htm
(6) Knight, Amy. "Joseph Stalin." Microsoft® Student 2008 [DVD]. Redmond, WA: Microsoft Corporation, 2007.
(7) http://www.ewtn.com/vnews/getstory.asp?number=16659
http://www.vatican.va/news_services/liturgy/saints/ns_lit_doc_20010627_kovc_en.html

John Chang

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 28.04.2008. 23:07