Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nguyên văn lá thư của Tòa Thánh giải thích tuyên bố của Đức Phanxicô về việc sống chung đồng tính

§ Vũ Văn An

Theo hãng tin Zenit (2 Nov 2020), Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vừa gửi đi một bức thư cho các hội đồng giám mục thế giới, qua các tòa sứ thần Tòa Thánh, để giải thích điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về những người cùng giới tính sống chung với nhau trong phim tài liệu “Francesco” (Phanxicô).

Đây là một tài liệu “mục vụ” để các vị Giám Mục sử dụng, theo ý muốn của chính Đức Giáo Hoàng, nhằm đưa ra các minh giải cần thiết, sau cảnh mơ hồ tạo ra bởi nhiều lối giải thích khác nhau.

Bản văn, bằng tiếng Tây Ban Nha, được công bố ngày 31 tháng 10 vừa rồi, không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy nguồn gốc hoặc người nhận, trên trang Facebook của Đức Cha Coppola, một trang facebook mặc nhiên cho thấy nguồn gốc của bức thư (Phủ Quốc Vụ Khanh) và mong ước của Đức Phanxicô muốn làm sáng tỏ bối cảnh cho các nhận xét từng bị hiểu lầm của ngài.

Như Zenit đã làm, bức thư giải thích rằng trong “một cuộc phỏng vấn, cách nay hơn một năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời hai câu hỏi khác nhau ở hai thời điểm khác nhau, mà trong cuốn phim tài liệu được nhắc đến, đã bị chỉnh sửa và công bố như chỉ là một câu trả lời đơn nhất mà không đặt chúng vào ngữ cảnh thích đáng, một điều đã tạo ra sự mơ hồ lẫn lộn".

Liên quan đến mục vụ

Trong phần trích dẫn đã gây náo động trên các phương tiện truyền thông, trước hết, Đức Thánh Cha “có ý nói đến vấn đề mục vụ, về nhu cầu này là trong gia đình, con trai hay con gái có khuynh hướng đồng tính luyến ái không bao giờ bị phân biệt đối xử. Lời lẽ của Đức Giáo Hoàng có ý nói về những người vừa kể: bản văn viết: ‘những người đồng tính luyến ái có quyền ở trong gia đình; họ là con cái của Thiên Chúa, họ có quyền đối với một gia đình. Không ai có thể bị ném ra khỏi gia đình hoặc cuộc sống của họ biến thành bất khả vì nó’”.

Để làm sáng tỏ những tuyên bố của Đức Giáo Hoàng, tài liệu đề cập đến đoạn 250 của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia (2016) về tình yêu thương trong gia đình. “Tôi đã cân nhắc với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng về hoàn cảnh của các gia đình đang sống với kinh nghiệm có giữa họ những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, một kinh nghiệm không hề dễ dàng đối với cả các bậc cha mẹ lẫn con cái của họ. Vì vậy, trước hết chúng tôi muốn nhắc lại rằng mỗi con người, bất kể khuynh hướng tình dục của họ, đều phải được tôn trọng trong phẩm giá của họ và được tiếp nhận một cách tôn trọng, cố gắng tránh 'mọi dấu hiệu kỳ thị bất công', nhất là bất cứ hình thức gây hấn hoặc bạo lực nào. Đối với các gia đình, phải bảo đảm có việc đồng hành một cách tôn trọng, để những người biểu lộ rõ xu hướng đồng tính luyến ái có thể trông cậy vào sự trợ giúp cần thiết để hiểu và thực thi trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa trong đời sống họ".

Luật địa phương mười năm trước đây

Bức thư sau đó nhắc đến câu hỏi tiếp theo của cuộc phỏng vấn, tức “thay vào đó, là một sự thay đổi gắn liền với luật địa phương mười năm trước đây ở Argentina về 'hôn nhân bình đẳng của các cặp đồng tính và sự phản đối của Tổng giám mục Buenos Aires lúc bấy giờ về phương diện này”.

Về phương diện đó, bản văn viết tiếp, Đức Giáo Hoàng “đã khẳng định rằng nói đến hôn nhân đồng tính là điều không hợp lý”; trong cùng bối cảnh đó, ngài nói thêm rằng, ngài chỉ nói về quyền của những người này được bảo đảm về phương diện pháp lý: “điều chúng ta phải làm là một đạo luật về chung sống dân sự; họ có quyền được bảo đảm về phương diện pháp lý. Tôi đã bảo vệ điều đó”.

Tín lý được tái xác nhận

Tài liệu tiếp tục nhắc đến lời lẽ được Đức Giáo Hoàng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014. “Hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ. Các quốc gia thế tục muốn biện minh cho các cuộc kết hợp dân sự để qui định các tình huống chung sống khác nhau, được thúc đẩy bởi việc cần phải qui định các khía cạnh kinh tế giữa những người này, chẳng hạn, để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe. Chúng là những thỏa thuận sống chung thuộc nhiều bản chất khác nhau, mà tôi không thể đưa ra danh sách các dạng khác nhau này. Điều cần là phải xem xét các trường hợp khác nhau và đánh giá chúng theo sự đa dạng của chúng".

Do đó, bản văn kết luận, “hiển nhiên là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến các sắp xếp chuyên biệt của Nhà nước, và chắc chắn không đề cập đến tín lý của Giáo hội, được tái khẳng định nhiều lần trong suốt những năm qua”.

Sau đây là toàn văn, không thêm bớt, của lá thư được Đức Cha Franco Coppola chia sẻ trên facebook của ngài và được Virginia M. Forrester chuyển sang tiếng Anh.

ĐỂ HIỂU MỘT SỐ PHÁT BIỂU CỦA Đức Giáo Hoàng TRONG PHIM TÀI LIỆU "FRANCESCO"

Trong mấy ngày gần đây, một số khẳng định trong bộ phim tài liệu “Francesco”, của nhà viết kịch bản Evgeny Afineevsky, đã gây ra những phản ứng và cách giải thích khác nhau. Do đó, xin được cung ứng một số yếu tố hữu ích, với mong muốn cổ vũ một sự hiểu biết đúng đắn về lời lẽ của Đức Thánh Cha.

Hơn một năm trước, trong một cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trả lời hai câu hỏi khác nhau ở hai thời điểm khác nhau, mà trong cuốn phim tài liệu đã nhắc đến, đã bị chỉnh sửa và công bố như chỉ là một câu trả lời đơn nhất mà không đặt chúng vào ngữ cảnh thích đáng, một điều đã tạo ra sự mơ hồ lẫn lộn. Trước hết, Đức Thánh Cha có ý nói đến vấn đề mục vụ, về nhu cầu này là trong gia đình, con trai hay con gái có khuynh hướng đồng tính luyến ái không bao giờ bị phân biệt đối xử. Lời lẽ của Đức Giáo Hoàng có ý nói về những người vừa kể: “những người đồng tính luyến ái có quyền ở trong gia đình; họ là con cái của Thiên Chúa, họ có quyền đối với một gia đình. Không ai có thể bị ném ra khỏi gia đình hoặc cuộc sống của họ bị biến thành bất khả vì nó”.

Đoạn tiếp theo của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia (2016), về tình yêu thương trong gia đình, có thể làm sáng tỏ những phát biểu này. “Tôi đã cân nhắc với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng về hoàn cảnh của các gia đình đang sống với kinh nghiệm có giữa họ những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, một kinh nghiệm không hề dễ dàng đối với cả các bậc cha mẹ lẫn con cái của họ. Vì vậy, trước hết chúng tôi muốn nhắc lại rằng mỗi con người, bất kể khuynh hướng tình dục của họ, đều phải được tôn trọng trong phẩm giá của họ và được tiếp nhận một cách tôn trọng, cố gắng tránh 'mọi dấu hiệu kỳ thị bất công', nhất là bất cứ hình thức gây hấn hoặc bạo lực nào. Đối với các gia đình, phải bảo đảm có việc đồng hành một cách tôn trọng, để những người biểu lộ rõ xu hướng đồng tính luyến ái có thể trông cậy vào sự trợ giúp cần thiết để hiểu và thực thi trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa trong đời sống họ".

Câu hỏi tiếp theo của cuộc phỏng vấn là sự thay đổi gắn liền với luật địa phương mười năm trước đây ở Argentina về “hôn nhân bình đẳng của các cặp đồng tính và sự phản đối của Tổng giám mục Buenos Aires lúc bấy giờ về phương diện này". Liên quan đến việc đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định rằng “nói đến hôn nhân đồng tính là điều không hợp lý”; trong cùng bối cảnh này, ngài nói thêm rằng, ngài chỉ nói về quyền của những người này được bảo đảm về phương diện pháp lý: “điều chúng ta phải làm là một đạo luật về chung sống dân sự; họ có quyền được bảo đảm về pháp lý. Tôi đã bảo vệ điều đó”.

Chính Đức Thánh Cha đã bày tỏ như vậy trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014. “Hôn nhân là giữa một người nam và một người nữ. Các quốc gia thế tục muốn biện minh cho các cuộc kết hợp dân sự để điều hòa các tình huống chung sống khác nhau, được thúc đẩy bởi việc cần phải qui định các khía cạnh kinh tế giữa những người này, chẳng hạn, để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe. Chúng là những thỏa thuận sống chung thuộc nhiều bản chất khác nhau, mà tôi không thể đưa ra danh sách các dạng khác nhau này. Điều cần là phải xem xét các trường hợp khác nhau và đánh giá chúng theo sự đa dạng của chúng".

Do đó, hiển nhiên là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến các sắp xếp chuyên biệt của Nhà nước, và chắc chắn không đề cập đến tín lý của Giáo hội, được xác nhận nhiều lần trong suốt những năm qua.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 02.11.2020 14:33