Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngoại giao và tôn giáo

§ Vũ Văn An

Linh mục John Flynn, LC vừa có một bài phân tích trên bản tin của Zenit (ngày 28 tháng 2) về những điểm tiêu cực trong chiến lược chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo bằng cách đẩy niềm tin tôn giáo vào lãnh vực tư. Linh mục Flynn cho biết: đó là một sai lầm lớn, dựa vào một phúc trình do Hội Đồng Chicago công bố ngày 23 tháng 2 vừa qua.

Phúc trình trên có tựa đề là “Engaging Religious Communities Abroad: A New Imperative for U.S. Foreign Policy" (Giành được các cộng đồng tôn giáo ở ngoại quốc: Cấp bách mới đối với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ). Phúc trình này là công trình của 32 chuyên viên bao gồm các cựu viên chức chính phủ, các lãnh tụ tôn giáo, các vị đứng đầu nhiều tổ chức quốc tế và các học giả.

Các chuyên viên này cho rằng hiện nay, chính phủ Hoa Kỳ không có khả năng hiểu đầy đủ các cộng đồng tôn giáo và giành được sự ủng hộ của họ. Tuy trong các năm qua, người ta đã nhìn nhận nhiều hơn vai trò của tôn giáo trong công việc thế giới, nhưng diễn trình này vẫn còn xa mới được kể là đầy đủ.

Theo phúc trình của họ, dù xấu dù tốt, tôn giáo vẫn đóng một vài trò càng ngày càng quan yếu trong lãnh vực chính trị. Khuynh hướng hoàn cầu hóa cùng với các kỹ thuật truyền thông mới đã làm dễ dàng việc lan tràn các quan điểm cực đoan. Phúc trình cho rằng điều ấy sẽ không chấm dứt trong nay mai. Do đó, phúc trình thúc giục chính phủ Hoa Kỳ không những phải cải thiện sự hiểu biết của mình về các cộng đồng và khuynh hướng tôn giáo mà còn khai triển ra các chính sách tốt hơn để giành lấy các tín hữu.

Điều quan trọng là phải hiểu rõ rằng tôn giáo không phải là một thứ kinh nghiệm nhân bản hạng nhì, không mang một ảnh hưởng gì tới các triển khai chính trị, nên ta có thể làm ngơ nó. Phúc trình khẳng định rằng: “Nhờ các ý niệm thúc đẩy và sức mạnh động viên nơi các định chế của mình, tôn giáo tự nó là một sức mạnh hướng dẫn chính trị”.

Phúc trình cũng cảnh giác người ta đừng nhìn tôn giáo hoàn toàn dưới khía cạnh khủng bố vì một cái nhìn như thế sẽ khiến ta bỏ qua vai trò tích cực của tôn giáo trong việc giải quyết các vấn đề hoàn cầu và cổ vũ hòa bình. Cũng cần phải loại bỏ việc chỉ chú tâm tới thế giới Hồi Giáo, trái lại, phải quan tâm tới các cộng đồng tôn giáo khác nữa.

Hoàn cầu

Vì chúng ta thường chỉ chú tâm tới Trung Đông khi nói tới mối liên kết qua lại giữa tôn giáo và chính trị, nên phúc trình nhấn mạnh rằng tôn giáo cũng là một yếu tố tại các quốc gia khác. Như Trung Hoa chẳng hạn. Nước này có nhiều phong trào tôn giáo bản địa mới xuất hiện như Pha Luân Công, cũng như các Giáo Hội Kitô Giáo hợp pháp hay hầm trú ngày càng lớn mạnh và nhiều cộng đồng Hồi Giáo.

Tại Sri Lanka, các tu sĩ Phật Giáo đã biện minh cho cuộc tranh chấp chống lại người Tamils. Tại Miến Điện, họ đã biểu tình chống lại chế độ đàn áp. Các căng thẳng hiện đang xẩy ra giữa người Kitô Giáo và Hồi Giáo tại Nigeria và Nam Dương, nhưng cũng xẩy ra tại các thành phố Âu Châu như Luân Đôn, Amsterdam và Ba Lê.

Tại Ấn Độ, các cuộc tranh luận chính trị cũng thường chịu ảnh hưởng bởi nhiều quan điểm Ấn Độ Giáo rất khác nhau cũng như mối liên hệ của người Ấn Giáo với các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo khác.

Việc phát triển của Giáo Phái Ngũ Tuần (Pentecostalism) tại Châu Mỹ La Tinh và của các giáo hội Kitô Giáo tại Châu Phi và Châu Á cũng là những khai triển tôn giáo quan trọng cần phải chú ý. Và tuy tôn giáo từng lên men cho nhiều tranh chấp đẫm máu tại các quốc gia như Bosnia và Sudan, nhưng nó cũng đã cổ vũ hòa bình và tha thứ tại Nam Phi và Bắc Ái Nhĩ Lan. Và song song với những tên quá khích tôn giáo, ta vẫn thấy những nhân vật như Đức GH Gioan Phaolô II và Đức Đạt Lai Lạt Ma. “Nhiều điển hình về sự đóng góp của tôn giáo vào việc dân chủ hóa, và của nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo vào việc cung cấp ngoại viện, thực thi các chương trình phát triển, và xây dựng hòa bình đã cho thấy tôn giáo đóng một vai trò tích cực xiết bao ở khắp nơi trên thế giới”.

Các kiểu mẫu

Bản phúc trình nhận diện 6 khuôn mẫu chính trong vai trò của tôn giáo đối với sinh hoạt quốc tế.

1. Ảnh hưởng của các nhóm tôn giáo đang gia tăng tại nhiều khu vực trên thế giới và đang tác động gần như trên mọi khu vực của xã hội.

2. Các thay đổi trong khuôn mẫu nhận diện bản sắc tôn giáo trên thế giới đang mang lại nhiều hệ lụy quan trọng về chính trị.

3. Hiện tượng hoàn cầu hóa đang mang lại nhiều thuận lợi cho tôn giáo và làm thay đổi tôn giáo, nhưng nó cũng trở thành phương tiện chính để người ta tổ chức việc chống lại tôn giáo.

4. Tôn giáo hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong lãnh vực công tại những nơi chính phủ thiếu khả năng và tính hợp pháp lúc gặp khủng hoảng kinh tế và chính trị.

5. Các tên cực đoan thường sử dụng tôn giáo làm chất xúc tác gây tranh chấp và làm phương tiện gia tăng căng thẳng với các cộng đồng tôn giáo khác.

6. Ngày nay, việc tôn giáo càng ngày càng nổi bật đang gia tăng ý nghĩa chính trị của tự do tôn giáo, coi nó như một nhân quyền phổ quát và là nguồn cội cho ổn định xã hội và chính trị.

Trên bình diện cụ thể, phúc trình cho thấy các khuynh hướng trên đang đem lại các thách đố như thế nào trong lãnh vực tạo chính sách. Thí dụ, trong khi Hoa Kỳ cổ vũ việc phát triển dân chủ, thì tại một số quốc gia, việc du nhập thể thức phổ thông đầu phiếu đã đem quyền hành lớn hơn lại cho các nhóm cực đoan về tôn giáo, là những người thường có các quan điểm bài Hoa Kỳ. Bởi thế, cần phải có sự hài hòa giữa việc cổ vũ nhân quyền và dân chủ với việc bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Bản phúc trình cũng nhấn mạnh rằng việc cổ vũ tự do tôn giáo như một phần của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ cần phải được thực thi cách nào đó để người ta không coi đó như một loại thách thức của xã hội Tây Phương đối với các tôn giáo hay phong tục địa phương.

Các khuyến cáo

Bàn về vai trò các tôn giáo trong lãnh vực công, bản phúc trình trên nhấn mạnh rằng phương cách tốt nhất để chống lại chủ nghĩa cực đoan là hợp tác nhiều hơn với tôn giáo và các cộng đồng tôn giáo. Điều này có nghĩa là phải cẩn trọng lắng nghe các quan tâm và lắng lo của họ và đối thoại một cách có phẩm chất với họ. Đồng thời, điều quan trọng là đừng thái quá bằng cách can dự vào các tranh luận có tính thần học hay tìm cách thao túng tôn giáo. Một trong những điều hết sức quan trọng mà Hoa Kỳ cần phải làm là học cách đối thoại một cách hữu hiệu. Bởi thế, song song với việc lắng nghe các tôn giáo, chính phủ cần phải trình bày một cách hữu hiệu hơn các quan điểm riêng của Hoa Kỳ. Điều cũng sinh tử là phải nhớ rằng hành động bao giờ cũng mạnh hơn lời nói, cho nên các chính sách của chính phủ cần phải hỗ trợ chiến lược truyền thông của mình. Một trong các khuyến cáo của phúc trình là phải huấn luyện toàn diện cho các nhà ngoại giao, các nhân viên quân sự cũng như các viên chức khác về vai trò của tôn giáo trong lãnh vực sự vụ thế giới. Bản phúc trình cũng khuyến cáo rằng Hoa Kỳ nên tiếp tục cổ vũ tự do tôn giáo. “Áp đặt các giới hạn cho tự do tôn giáo là làm yếu đi nền dân chủ và xã hội dân sự, là chuốc độc cho tranh luận chính trị, và ủ men cho chủ nghĩa cực đoan”.

Hợp tác lành mạnh

Vai trò của tôn giáo trong chính trị là một đề tài được Đức Bênêđíctô XVI bàn tới trong bài diễn văn ngày 11 tháng Giêng với ngoại giao đoàn. Đức Giáo Hoàng nói: “Đáng buồn thay, tại một số quốc gia, chủ yếu là ở Tây Phương, người ta ít tôn trọng, đôi khi còn thù nghịch, nếu không muốn nói là khinh khi đối với tôn giáo và cách riêng đối với Kitô Giáo”

Phản ảnh phần nào các quan điểm trong phúc trình của Hội Đồng Chicago, Đức Thánh Cha cho hay: “Rõ ràng là nếu coi chủ nghĩa duy tương đối là yếu tố chủ chốt của dân chủ, người ta sẽ liều mình coi tính thế tục theo nghĩa loại bỏ, hay đúng hơn, bác bỏ tầm quan trong của tôn giáo về phương diện xã hội”.

Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng một phương thức như thế chỉ tạo nên kình chống và chia rẽ. Ngài nói: “Như thế, khẩn thiết phải phác họa ra một tính thế tục tích cực và cởi mở, một tính thế tục, vì dựa trên tính tự lập chính đáng của trật tự trần thế và trật tự thiêng liêng, có thể phát huy được sự hợp tác lành mạnh và tinh thần chia sẻ trách nhiệm”. Một sự hợp tác sẽ hỗ trợ lớn lao cho các cố gắng cổ vũ hòa bình thế giới.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 02.03.2010. 17:54