Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Liên hệ Rôma-Mạc Tư Khoa mở ra một kỷ nguyên mới

§ Vũ Văn An

Sự việc đang diễn biến nhanh ở tuyến phía đông. Và nhiều động thái nữa có thể sẽ xẩy ra nay mai, khi cái lạnh của mùa đông xưa cũ trong mối liên hệ Rôma-Mạc Tư Khoa đang dần tan biến, mang theo nhiều hậu quả sâu sắc cho Âu Châu và toàn thế giới.

Đó là lời nhận định của Robert Moynihan, sáng lập viên và là chủ bút nguyệt san Inside the Vatican. Theo ông, các quan sát viên của Vatican đang hết sức chú ý theo dõi các phát triển trên đây. Trong một bài báo ngày 11 tháng 12, Sandro Magister, một quan sát viên đáng kính của Vatican cho rằng: “Đối với Rôma và Mạc Tư Khoa, Mùa Xuân lại đã đến”.

Việc cải thiện các mối liên hệ này một phần là kết quả của nhiều bước âm thầm từ phía Vatican, dưới sự điều hợp của Đức Hồng Y Walter Kasper, chuyên viên đại kết hàng đầu của Tòa Thánh, người từng lãnh đạo một phái đoàn của Vatican tham dự cuộc đàm thoại thần học kéo dài một tuần tại Đảo Sýp, và của Đức TGM Antonio Mennini, khâm sứ tài ba của Đức Giáo Hoàng tại Mạc Tư Khoa.

Tuy nhiên, Magister đã bình luận về hai biến có then chốt mới đây: (1) Việc nâng cấp các mối liên hệ giữa Tòa Thánh và Nước Nga, và (2) Tại Mạc Tư Khoa, lần đầu tiên có việc công bố một tuyển tập gồm các bài giảng của Đức Bênêđíctô XVI.

Ông cho rằng: “mùa xuân” này có một mục đích, đó là “bảo vệ truyền thống Kitô Giáo” tại Âu Châu và khắp nơi trên thế giới. Cho nên, xét trong yếu tính, điều ta có ở đây là lời công bố một liên minh mới trên sân khấu thế giới, giữa hai sức mạnh từ lâu vốn không tin tưởng lẫn nhau, đó là Rôma và Nước Nga.

Xét vì non 20 năm trước đây, Nước Nga vốn là một quốc gia vô thần, nhưng bất kể là khó tin như hế nào, đây vẫn là điều đang xẩy ra trước mắt chúng ta. Ngày 9 tháng 12, tiếp theo cuộc gặp mặt giữa Đức GH và Tổng Thống Dimitri Medvedev, Nga và Vatican công bố “việc thiết lập ngoại giao giữa hai bên, ở cấp tông sứ về phần Tòa Thánh, và cấp đại sứ về phần Liên Bang Nga”.

Trước đó một tuần, Đức Bênêđíctô XVI đã tiếp kiến ông Medvedev tại Vatican và trao tặng ông một bản thông điệp “Bác Ái trong Chân Lý” bằng tiếng Nga. Ngày 2 tháng 12, một ngày trước khi ông Medvedev diện kiến Đức Giáo Hoàng, toà Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã cho trưng bày tại Rôma một cuốn sách, do tòa này xuất bản, chứa đựng các bài diễn văn chính nói về Âu Châu trong suốt 10 năm qua của Đức Bênêđíctô XVI hồi còn là Hồng Y Ratzinger và lúc đã lên ngôi Giáo Hoàng. Trọn cuốn sách này được trình bày song ngữ: cả tiếng Ý lẫn tếng Nga. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy việc xích lại gần nhau hơn của Nga và Rôma.

Tinh thần thân thích

Tổng Giám Mục Hilarion Alfeyev của giáo phận Volokolamsk, trưởng ban đối ngoại của Tòa Thượng Phụ, là người viết lời giới thiệu cho cuốn sách. Vị tổng giám mục này là một nhân vật càng ngày càng quan trọng trong Giáo Hội Chính Thống Nga, và trong thế giới Chính Thống Giáo nói chung. Vị tiền nhiệm của ngài trong chức vụ này chính là Đức Kirill, người đầu năm nay đã được bầu làm Thượng Phụ Mạc Tư Khoa; sự kiện này càng cho thấy tầm quan trọng trong tương lai của TGM Hilarion.

Trong lời giới thiệu, TGM Hilarion, 43 tuổi, đề cập tới quan điểm của ngài về Âu Châu, và “liên minh” mới mẻ cần có để thực hiện quan điểm này. Đây là một lời giới thiệu rất đáng lưu ý.

Magister có ấn tượng mạnh về lời giới thiệu ấy đến nỗi ông viết như sau: “Những ai mong đợi một Giáo Hội Chính Thống bị bứng ra khỏi thời gian, chỉ còn lại những truyền thống xa xôi và những nền phụng vụ lỗi thời hẳn phải rúng động khi đọc lời giới thiệu cho cuốn sách này. […]

“Hình ảnh từ nó phát sinh ra là hình ảnh về một Giáo Hội Chính Thống nhất định không chịu giam mình vào một thứ ghetto, trái lại tự tung mình ra chống lại cuộc tấn kích của chủ nghĩa thế tục bằng mọi thứ vũ khí hòa bình có thể có, kể cả bất tuân dân sự chống lại các luật lệ “buộc người ta phạm tội chống lại Thiên Chúa”.

Những ai ở Tây Phương, cả Âu Châu lẫn Hoa Kỳ, cảm thấy các đạo luật bất chính từng được thông qua mà Kitô Hữu không thể làm gì chống lại được, hẳn sẽ gặp nơi TGM Hilarion một tinh thần bà con thân thích. Tựa đề bài giới thiệu của TGM Hilarion là: “Sự Giúp Đỡ Mà Giáo Hội Chính Thống Nga Có Thể Đem Lại Cho Âu Châu”. Bài này khởi đầu với việc vị lãnh đạo Chính Thống Giáo này than phiền về các vụ đóng cửa nhà thờ Công Giáo và Thệ Phản tại Tây Âu. Ngài viết: “Khi đi du lịch tại Âu Châu, nhất là tại các nước có truyền thống Thệ Phản, tôi luôn ngỡ ngàng thấy một số nhà thờ bị các cộng đoàn bỏ rơi, nhất là những nhà thờ bị biến thành tiệm rượu, câu lạc bộ, tiệm buôn, hoặc những nơi sinh hoạt phàm tục thuộc một phạm vi khác hẳn. Có điều gì đó đáng trách một cách sâu sắc trong quang cảnh đáng buồn ấy.

“Tôi xuất thân từ một quốc gia, nơi đó, trong nhiều thập niên qua, các nhà thờ từng bị trưng dụng cho các mục tiêu không có tính tôn giáo. Nhiều nơi thờ phượng hoàn toàn bị phá sập. […]. Ở xã hội Tây Phương, tại sao những nơi dành cho tôn giáo cũng bị giảm thiểu một cách thảm hại như thế trong mấy thập niên qua?”

Giúp đỡ Tây Phương

Và TGM Hilarion đưa ra giải pháp: Nước Nga có thể giúp về phương diện này. Nó có thể cứu nguy cho Tây Phương. Ngài viết: “Với kinh nghiệm độc đáo từng sống thoát những cuộc bách hại nghiệt ngã nhất, từng phải chiến đấu với chủ nghĩa vô thần đấu tranh, từng ra khỏi cảnh ghetto khi tình thế chính trị thay đổi, từng tìm lại chỗ đứng của mình trong xã hội và tái xác định được các trách nhiệm xã hội của mình, Giáo Hội Chính Thống Nga do đó có thế giúp đỡ được Âu Châu”.

Ngài nói cụ thể hơn: “Không thể thay thế nền độc tài toàn trị của quá khứ bằng nền độc tài mới của các then máy cai trị toàn Âu Châu. […] Thí dụ, các nước có truyền thống Chính Thống Giáo không chấp nhận các đạo luật cho phép an tử, hôn nhân đồng tính, buôn bán ma túy, duy trì các động điếm, văn hóa khiêu dâm, v.v…”

Tóm lại, theo TGM Hilarion, Chính Thống Giáo, trong đó có Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga, sẵn sàng đấu tranh bảo vệ các giá trị của Kitô Giáo tại Tây Phương, cùng với người Công Giáo và Thệ Phản.

Về việc không loại bỏ sự bất tuân đối với các đạo luật bất chính, TGM Hilarion cho hay: “Hiển nhiên, bất tuân luật lệ dân sự là một biện pháp cực đoan mà một giáo hội đặc thù nào đó buộc phải chấp nhận trong các hoàn cảnh bất thường. Tuy nhiên, đó là một giải pháp mà ta không nên tiên thiên loại bỏ, khi hệ thống giá trị bị tục hóa đến độ trở thành hệ thống duy nhất được phép thi hành tại Âu Châu”

Phải chăng bài viết trên chỉ là chuyện tình cờ, không đại diện cho ai hết, đứng bên ngoài chính dòng? Xin thưa: một dấu chỉ rõ ràng cho thấy đây không hẳn là một ý kiến phất phơ mà đúng ra là thành phần của một đồng thuận ngày một gia tăng, đó là sự kiện tờ L’Osservatore Romano của Tòa Thánh đã cho đăng gần như toàn bộ bài viết của TGM Hilarion vào ngày 2 tháng 12.

John Thavis, một chuyên viên lỗi lạc về Vatican tại cơ quan Catholic News Service, thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, ngày 11 tháng 12 đã viết như sau: “Giáo Hội Chính Thống Nga vừa đi trước trong việc đề nghị ra một liên minh có tính chiến lược với Giáo Hội Công Giáo thực chất nhằm cứu linh hồn Âu Châu khỏi ‘chủ nghĩa duy nhân bản hậu Kitô Giáo của Tây Phương’. Đề nghị này xuất hiện trong lời giới thiệu do TGM Hilarion của Giáo Hội Chính Thống Nga viết cho cuốn sách các bài diễn văn của Đức Bênêđíctô XVI về cuộc khủng hoảng tâm linh của Âu Châu, do Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa ấn hành bằng tiếng Nga. Trong một động thái bất thường, tờ báo của Vatican đã đăng tải gần như nguyên vẹn lời giới thiệu ấy trong ấn bản ngày 2 tháng 12 của mình”.

Thavis nhận định rằng đề nghị của TGM Hilarion xuất hiện đúng vào lúc 140 các nhà lãnh đạo Kitô Giáo của Hoa Kỳ họp nhau tại New York và cho công bố “Tuyên Ngôn Manhatta” cương quyết nhất tâm nhiệt thành trong việc bảo vệ trẻ chưa sinh, trong việc định nghĩa hôn nhân là sự phối hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, và trong việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Thavis cho biết: “Các giới chức Vatican không lên tiếng chính thức về đề nghị trên, nhưng đã đọc đề nghị đó một cách hết sức chú tâm”.

Thánh Gregory thành Nazianzus

Lời giới thiệu của TGM Hilarion thực ra không nên làm ta ngạc nhiên. Trong bốn năm qua, vị TGM này từng nhiều lần công khai lên tiếng về một liên minh như thế. Thực vậy, tháng 5 năm 2006, Vatican và Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa vốn đã cùng nhau tổ chức một hội nghị kéo dài một tuần tại Vienna nhằm đưa ra một cái khung cho một việc hợp tác như thế. Tháng vừa rồi, Robert Moynihan có qua Nga và đích thân gặp TGM Hilarion cùng các cộng tác viên thân cận của ngài. Một trong các vị ấy là Leonid Sevastianov, 31 tuổi, giám đốc điều hành của Qũy Bác Ái Thánh Gregory thành Nazianzus, được thành lập trước đó mấy tuần với sự chúc lành của Thượng Phụ Kirill nhằm giúp thực hiện được quan điểm của TGM Hilarion trong việc hợp tác với các Kitô hữu Tây Phương nhân danh các giá trị Kitô Giáo.

Sevastianov cho Moynihan hay: “Chúng tôi muốn có sự giúp đỡ của qúy vị, sự giúp đỡ của những người Công Giao, của người Tây Âu cũng như người Mỹ. Thượng Phụ Kirill từng kêu gọi canh tân luân lý cho Nước Nga, qua việc trở về với các giá trị sâu sắc của đức tin Kitô Giáo. Đó là quan điểm của chúng tôi”. (Nên biết: tạp chí Forbes, hồi tháng 11 vừa qua, đã đề cử Thượng Phụ Kirill là một trong các nhà lãnh đạo có thế lực nhất tại Nga ngày nay). Thánh Gregory thành Nazianzus là một nhà thần học trong thập niên 300, trước lúc có sự phân chia Giáo Hội thành Đông và Tây, và do đó, được cả người Công Giáo lẫn người Chính Thống Giáo tôn kính. Ngài là một giáo phụ đối với mọi Kitô hữu.

Các vị đồng sáng lập ra quĩ mới này là TGM Hilarion và Vadim Yakunin, một trong những nhà kinh doanh giầu có nhất tại Nga.

TGM Hilarion và Sevastianov cho biết: các người Nga giầu có khác cũng sẵn sàng hỗ trợ qũy này. Nhưng sự hợp tác của các người Hoa Kỳ và người Tây Âu cũng sẽ được hoan hô nồng nhiệt. Sevastianov nói rằng: “Chúng tôi muốn lôi cuốn sự chú ý của các tín hữu tôn giáo, cả ở Nga lẫn ở hải ngoại, là những người tin các giá trị truyền thống của Kitô Giáo, và muốn đóng góp vào việc biến xã hội này thành công chính và đạo đức hơn. Chúng tôi mong muốn cổ vũ ý niệm hợp nhất giữa Tây Phương và Nga trên căn bản có chung một gốc rễ Kitô Giáo”.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 16.12.2009. 17:28