Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Hai lối cài số xe của tuổi trẻ đứng trước vấn đề luân lý

§ Vũ Văn An

Hội Nghị tại Rôma trong các ngày 3-6 tháng Mười 2017 để bàn về Phẩm Giá Trẻ Em trong Thế Giới Kỹ Thuật Số đã đưa ra một tuyên bố chung gọi là “Tuyên Bố Rôma”, gồm 13 điểm.

Ngày 6 tháng Mười 2017, tại Vatican, một thiếu nữ Ái Nhĩ Lan, cô Muiireann O’Carroll, 16 tuổi, đã trình lên Đức Phanxicô bản tuyên bố trên “nhân danh hàng triệu người trẻ khắp thế giới đang cần thông tri và nhiều bảo vệ hơn nữa trước các nguy hiểm của hình thức lạm dụng tình dục và các hình thức lạm dụng khác trên liên mạng”.

Cô thưa với Đức Thánh Cha rằng: “Dùng chính lời của Đức Thánh Cha, chúng con tin rằng: xã hội nào cũng có thể bị phê phán bởi cung cách xử sự với trẻ em của mình”.

Phần mở đầu của tuyên bố nhắc đến nhiều cố gắng quốc tế nhằm bảo vệ trẻ em như Trung Tâm Bảo Vệ Trẻ Em của Giáo Hoàng Đại Học Gregoriana, WePROTECT Global Alliance của Anh, Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ, Hợp Tác Hoàn Cầu Để Chấm Dứt Bạo Lực Chống Trẻ Em của Liên Hiệp Quốc…

Nhưng việc làm của họ như muối bỏ biển, nên nay Hội Nghị phải kêu gọi các giới lãnh đạo xắn tay áo góp công: các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới, các quốc hội thế giới, các nhà lãnh đạo các công ty kỹ thuật, các bộ y tế công cộng trên thế giới và nhà lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan chính phủ, xã hội dân sự và chấp pháp, các tổ chức chấp pháp thế giới, các định chế y khoa thế giới, các định chế của chính phủ và của tư nhân, các cơ quan hàng đầu trong lãnh vực y tế công cộng, các nhà lãnh đạo các chính phủ thế giới, các cơ quan lập pháp, kỹ nghệ tư nhân và các định chế tôn giáo…”đứng lên để bảo vệ phẩm giá trẻ em”.

Trong cuộc hội kiến với các vị tham dự Hội Nghị, Đức Phanxicô đặt cho họ một số câu hỏi “Chúng ta sẽ làm gì để bảo đảm rằng các trẻ em kia tiếp tục mỉm cười với chúng ta, bằng cặp mắt trong sáng và gương mặt đầy tín thác và hy vọng? Chúng ta sẽ làm gì để bảo đảm rằng chúng không bị cướp đi ánh sáng kia, để bảo đảm rằng những cặp mắt kia sẽ không bị tối đi và tha hóa bởi những gì các em thấy trên liên mạng, những thứ mau chóng trở thành một phần cấu tạo và quan yếu của đời sống hàng ngày của các em?”

Các câu trả lời chắc không thiếu trong các đề xuất cụ thể của Hội Nghị. Chỉ có điều, các câu trả lời này không dễ gì nhận được sự đồng thuận của thế hệ trẻ ngày nay, một thế hệ, mà theo Giáo Sư Randall Smith ở Đại Học St Thomas, Houston, Texas, có đến hai cách gài số xe khiđối mặt với các vấn đề luân lý.

Thực vậy, trong bài “The Two Gears of Student Moral Discourse” (Hai Lối Cài Số Xe của Sinh Viên Về Ngôn Từ Luân Lý), Giáo Sư Smith nói rằng hồi mới lái chiếc xe điện chơi “golf”, dường như chiếc xe này chỉ có hai tốc độ. Đạp mạnh vào hộp số, nó chồm đi phát sợ. Mà đạp nhẹ thì nó bò chậm hơn đi bộ. Phải một thời gian sau, với kinh nghiệm, mới tìm được “số” đúng…

Ông cho rằng, đứng trước vấn đề luân lý, hình như các sinh viên ngày nay cũng chỉ có hai số xe. Một là số “dù duy trì khoảng cách của tôi là không muốn xúc phạm đến ai và không phê phán bất cứ ai khác, nhưng đây là cảm nhận của tôi”. Mưu toan có chủ tâm của thứ rao hàng này có thể dài dòng và đại khái hàm ý: “tôi sinh ở Đông Texas và cha mẹ tôi tới xứ này lúc tôi còn rất trẻ, và tôi được dưỡng dục trong một gia hộ và chất liệu khá nghiêm ngặt, nhưng đây là cách cảm nhận của tôi, nhưng tôi không phê phán ai khác đâu nhé”. Thứ số xe này muốn nói “tôi biết tôi phải ý tứ với mọi điều tôi nói”. Các sinh viên này biết họ phải luôn tỏ ra hoàn toàn cởi mở và khoan dung.

Số xe kia là số xe ta thường gặp khá thường xuyên hơn trong những ngày gần đây. Đó là số xe “Sao các ông các bà dám nói hay dám chủ trương quan điểm ấy khiến tôi bị xúc phạm và la toáng vào các ông các bà và sẵn sàng nhẩy qua bàn bóp nghẹt các ông các bà cho mà coi”.

Điều lạ là trên đây không phải là hai lớp hay hai loại sinh viên khác nhau; hai thứ số xe này cùng hiện diện trong một sinh viên.

Làm sao có chuyện đó được? Làm sao có chuyện một nhóm sinh viên cố tình không muốn phê phán ai, muốn luôn tỏ ra “cởi mở” và “khoan dung” đối với quan điểm người khác lại có thể cũng là một với những sinh viên la hét giết người đối với những ai có quan điểm khác họ?

Giáo sư Randall cũng từng thắc mắc không hiểu tại sao các sinh viên hết lòng bênh vực chủ thuyết duy tương đối luân lý, coi không có gì là đúng hay sai một cách khách quan, lại là những sinh viên khiếu nại to tiếng nhất về điểm số, thứ hạng bị họ tuyệt đối coi là không hợp lẽ (unfair). Không hợp lẽ ra sao? “Anh (chị) muốn nói không hợp lẽ một cách khác quan? Hay anh (chị) cảm thấy nó không hợp lẽ, căn cứ vào cách nhìn của anh (chị), cách anh (chị) được dưỡng dục, và cách nền văn hóa đào tạo nên anh (chị), nhưng nếu tôi cảm thấy làm điều này không có chi là không hợp lẽ, căn cứ vào cách nhìn của tôi, cách tôi được dưỡng dục, và cách nền văn hóa đào tạo ra tôi thì sao?”

Ông muốn nhấn mạnh rằng mọi người đều có một điều gì đó bị họ coi “đơn giản chỉ là sai”. Không “sai đối với tôi” hay “sai đối với nền văn hóa của tôi” nhưng “đơn giản chỉ là sai”, sai thực sự, sai bét. Có thể là nạn nô lệ, có thể là nạn hiếp dâm, có thể là bạo lực đối với phụ nữ hay người đồng tính.

Nhưng vấn đề là làm sao biết được điều gì sai hay đúng về luân lý, đâu là căn bản để tôi phán đoán và bênh vực phán đoán này cách hợp lý?

Giáo sư Randall cho rằng nền văn hóa mà người trẻ hiện nay đang sống đã cương quyết từ khước không dạy họ bất cứ điều gì về nguồn gốc của các phán đoán luân lý của ta, cái gì làm “điều sai” thành sai; thay vào đó, nó nhấn mạnh rằng tất cả các phán đoán này đều “bất khoan dung”, ngoại trừ các phán đoán của những người “đúng điệu” chống lại những ai bị họ quyết đoán là “bất khoan dung”. Kết quả là: giới trẻ không hề có cách nào nghĩ tới các loại phán đoán luân lý mà tất cả chúng ta đều làm, cách này hay cách khác, và nhiều người trẻ không còn lại gì khác ngoài 2 số xe: một đàng là phương thức xu phụ, dè dặt ý tứ khi phải xem xét một bất thuận dù nhẹ nhàng nhất đối với một tội ác rành rành, và đàng kia là cơn giận đùng đùng trước một dị biệt nhẹ nhàng nhất đối với nền “chính thống” của họ.

Giáo sư cho rằng chính cái quan điểm duy tương đối về luân lý do nền văn hóa đương thịnh ghi khắc nơi người trẻ nhằm làm họ “khoan dung” đã khiến họ ra “bất khoan dung”. Thay vì học cách thảo luận các phán đoán luân lý một cách công khai, truy tìm các kết luận từ các tiền đề (premises), rồi tìm hiểu các hạn từ nền tảng trong tiền đề theo lối Socrates: ta muốn nói gì khi sử dụng chữ “công lý”? phân chia công bằng cho mọi người, hay được giữ những gì tôi kiếm được? ta lại nhấn mạnh họ không cần bước vào các luận điểm luân lý ấy chút nào cả.

Điều trên khiến họ bơ vơ và sợ sệt khi phải đứng một mình để đưa ra phán đoán luân lý cho riêng mình, nếu phán đoán này đi ngược với ý kiến đám đông. Nó cũng khiến họ bất khoan dung với lý lẽ của những người khác đối với phán đoán của họ khi những người này không nhất trí với họ vì họ không có bất cứ lý lẽ nào của riêng để có thể phản công.

Các sinh viên nào tin rằng “luận chứng không thể chứng minh được gì” và đánh mất niềm tin vào lý trí và khả năng của lý trí có thể đạt được sự thật thường cho rằng những người đứng ở phía bên kia của vấn đề không có bất cứ lý lẽ vững chãi nào cả để chứng minh điều họ nói, do đó, đã chỉ bám lấy chủ trương của mình vì thiếu thiện chí hay là “những người xấu xa”.

George Orwell, nếu còn sống, hẳn phải choáng váng. Mọi ý kiến đều ngang nhau; “nói nước đôi” trong đó bất khoan dung được dán nhãn khoan dung; đám đông mặc áo đen mang mặt nạ đập kính cửa sổ và tự cho mình là “chống phát xít”.

Thiển nghĩ người trẻ bây giờ không còn biết nghe các thế hệ cha ông nữa. Tất cả bị họ xếp vào loại bất khoan dung, hết thuốc chữa, mọi suy nghĩ của thế hệ cha ông cần bị loại bỏ. Nhiều cha mẹ than phiền: vận động chúng bỏ phiếu chống hôn nhân đồng tính, không những chúng không nghe, mà còn thất vọng, chưa đến nỗi chửi lại, nhưng khóc ròng bất mãn.

Hiện tượng trên được nền văn hóa hiện nay tán thưởng. Không những nó không tìm cách chỉnh đốn mà còn tìm cách giáng thêm những nhát búa chát chúa vào bất cứ thế giá, thẩm quyền nào của các bậc cha ông. Đúng là phải vận dụng mọi phương tiện để mở ra một hướng giáo dục mới. Giáo dục người lớn đã đành để họ từ bỏ thái độ kênh kiệu, giả hình mà nhất là giáo dục thế hệ trẻ theo hướng Giáo Sư Smith đề nghị. Dường như hệ thống giáo dục Công Giáo, ít nhất tại Úc, hiện rất e ngại phải đi theo hướng này. Cụ thể, họ rất ngại đụng đến các vấn đề luân lý tính dục mà nhiều người tự động xếp vào loại “chiến tranh văn hóa”.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 09.10.2017 19:16