Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáo hội Hàn Quốc tổ chức nghi lễ kính nhớ tổ tiên để an ủi người di cư

§ UCAN

WONJU, Hàn Quốc (UCAN 16/9/2008) -- Nổi bật trong Thánh lễ hôm 10-9 tại nhà thờ Taejang-dong ở đây là “bàn dâng lễ vật” gồm rau quả, thịt, gạo và xúp.

Tuy nhiên, điều làm cho Thánh lễ nhân dịp Chuseok, lễ tạ ơn mùa gặt trăng rằm của Hàn Quốc, còn độc đáo hơn đó là hầu hết trong số 150 người tham dự là di dân, trong đó có người tị nạn Bắc Hàn.

“Hôm nay chúng ta tổ chức Thánh lễ đặc biệt và nghi thức kính nhớ tổ tiên để cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà. Mặc dù tất cả các anh chị em rời khỏi quê nhà và định cư ở một nơi xa xôi, nhưng anh chị em vẫn luôn hướng về cha mẹ và quê nhà”, linh mục Simon Kim Han-ki, người cử hành nghi thức phụng vụ, nói.

Cha Kim làm chủ tịch Uỷ ban Hoà giải Quốc gia và Uỷ ban Mục vụ Người lao động Di cư của giáo phận Wonju, hai uỷ ban đồng tổ chức sự kiện này. Ngài phát biểu với người di cư: “Cuộc sống của anh chị em không dễ dàng, và anh chị em cảm thấy đau khổ nhiều. Nhưng nếu chúng ta tập trung lại và chia sẻ những đau khổ của chúng ta, chúng ta có thể xoa dịu được nỗi đau”.

Sau bài giảng lễ, họ thay phiên nhau tiến lên bàn dâng lễ vật trước bàn thờ, dâng rượu lên ông bà và vái lạy hai cái. Một số người tị nạn Bắc Hàn đã cảm động rơi nước mắt.

Vào lễ hội Chuseok, hàng triệu người dân Triều Tiên bất chấp cảnh xe cộ đông đúc trở về quê đoàn tụ cùng gia đình. Họ tổ chức nghi thức kính nhớ tổ tiên theo truyền thống (charye) và viếng mộ ông bà. Năm nay, Chuseok rơi vào ngày 14-9.

Trong số nhiều người nói chuyện với UCA News tại thánh lễ hôm 10-9 ở Wonju, cách Seoul 90 km về phía đông nam, có một người tị nạn cho biết anh trốn khỏi Bắc Hàn cách đây bảy năm, bỏ lại bố mẹ và hai anh em trai. “Tôi không biết hiện giờ họ sống ra sao và tôi rất nhớ họ. Khi đến lễ Chuseok, tôi nhớ nhà nhiều hơn. Bàn charye do nhà thờ chuẩn bị giúp tôi cảm thấy được an ủi khi không thể viếng thăm bố mẹ được”.

Một người tị nạn Bắc Hàn khác nói: “Mặc dù tôi là người ngoại đạo, nhưng tôi cám ơn Giáo hội đã cưu mang những người bị bỏ rơi như chúng tôi. Sự kiện này còn tạo cho chúng tôi cơ hội gặp gỡ nhau. Chúng tôi không dễ gì gặp được nhau do điều kiện sống khó khăn”. Bắc Hàn cũng kỷ niệm Chuseok là ngày quốc lễ giống như ở Hàn Quốc, anh nói thêm.

Jennifer, một người Philippines kết hôn với một người Hàn Quốc, nhận xét các ngày nghỉ lễ là dịp đoàn tụ gia đình ở mọi quốc gia. “Nhưng vì tôi đang sống xa gia đình, nên tôi rất nhớ nhà. Sự kiện này an ủi chúng tôi và giúp chúng tôi bớt nhớ nhà”.

Tuy Layorn, một người Campuchia lấy chồng Hàn Quốc, mặc bộ hanbok, trang phục truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc, nhiều màu sắc. Chị nói: “Tôi đến đây ba năm rồi. Tôi rất nhớ gia đình và càng nhớ hơn vào các ngày lễ. Nhưng tôi đang cố thích nghi với cách sống ở đây, vì thế bây giờ đã cảm thấy ổn”.

Bà mẹ 24 tuổi của hai người con nói tiếp: “Là một người ngoại quốc, đôi khi tôi cảm thấy có chút bị phân biệt đối xử. Nhưng tôi không quan tâm, vì ở đây cũng có nhiều người tốt”.

Sau Thánh lễ, những người tham dự dùng cơm chung do giáo xứ chiêu đãi và thưởng thức các tiết mục âm nhạc truyền thống do học sinh của một trường trung học gần đó biểu diễn.

Cha Kim giải thích với UCA News rằng “an ủi người di cư và tạo cho họ cơ hội chia sẻ nỗi đau” là đang thực hành tình yêu của Thiên Chúa. “Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng ‘mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy (Mt 25,40)’”.

Hai uỷ ban của giáo phận Wonju tổ chức một nghi lễ Chuseok tương tự lần đầu tiên hồi năm ngoái có ý biến nó thành một sự kiện hàng năm.

Tính đến năm 2007, theo Bộ Thống nhất, có 10.355 người tị nạn Bắc Hàn đến Hàn Quốc.

Theo Bộ Tư pháp, có 1.066.237 người ngoại quốc sinh sống tại Hàn Quốc trong năm 2007. Trong đó có khoảng 110.000 đến Hàn Quốc theo diện kết hôn, đa số là phụ nữ đến từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

UCAN

Đọc nhiều nhất Bản in 20.09.2008. 07:22