Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Dư vang chuyến Tông Du Đất Thánh

§ Vũ Văn An

Chuyến Tông Du Đất Thánh của Đức Giáo Hoàng đã kết thúc vào ngày 15 tháng Năm vừa rồi, nhưng dư vang của nó vẫn còn nhiều nơi công luận.

Can đảm, đầy sức mạnh

Tin Zenit ngày 20 tháng Năm, cho biết một tổ chức chuyên cổ vũ các cuộc đối thoại liên tôn vừa lên tiếng ca ngợi Đức Bênêđíctô XVI về “lòng can đảm và đầy sức mạnh” biểu lộ trong suốt chuyến tông du tại Đất Thánh vào đầu tháng này.

Tổ chức đó chính là Pave the Way Foundation (Qũy Dọn Đường) đặt trụ sở tại Nữu Ước. Gary Krupp, chủ tịch tổ chức này, vừa gửi một lá thư cho Đức Giáo Hoàng trong đó ông bày tỏ “lòng biết ơn chân thành và tận trái tim […]đối với việc ngài khởi diễn và hoàn tất cuộc hành hương thành công nhất của ngài tại Đất Thánh”.

Vốn là một người Do Thái, Gary Krupp cho hay ông không hài lòng về phần đông những lời phê bình nhắm vào Đức Giáo Hoàng trong dịp này. Vì theo ông, phần lớn những phê bình ấy phát xuất từ những con người hay những định chế vốn “có những nghị trình đối nghịch”. Ông Krupp bảo rằng: “Tại một vùng bị phân cách bởi các dị biệt chính trị, tôn giáo và văn hóa, thì việc bước đi trong một lằn ranh mỏng dính để mang sứ điệp hòa bình của Chúa đến với mọi người đang tìm kiếm nó đòi phải có một lòng can đảm và một sức mạnh lớn lao”.

Ông Krupp nhận định rằng: “Chỉ những ai biết bước đi bằng đôi giầy của mọi người mới thành công trong việc hiểu biết một cách chân thực các nhu cầu, các nỗi sợ sệt, và những ai biết tương cảm với nỗi đau khổ của mọi người trong vùng. Chẳng may, có những người, với nghị trình đối nghịch sẵn trong tay, chỉ biết mau mắn chỉ trích và phá hoại các cố gắng của ngài nhân danh hòa bình. Biết như thế, xin ngài vui lòng tiếp nhận sức mạnh từ tiếng nói của những người nói với ngài bằng giọng ca lúc ngài vừa tới Do Thái, và từ sự đánh giá của những người biết nhìn quá bên kia các chỉ trích và thù nghịch cũng như thái độ tiêu cực của một số nhà bình luận”.

Ông Krupp viết thêm: “Xin Thiên Chúa ban cho ngài sức mạnh để ngài tiếp tục triều đại giáo hoàng của ngài trong nhiều năm sắp tới, và nhiều ơn lành phong phú để ngài thành công trong cố gắng đem hòa bình của Thiên Chúa đến cho thế giới bất an của chúng ta”.

Cách ra khỏi bạo lực tại Trung Đông

Trong buổi triều kiến chung tại Công trường Thánh Phêrô vào ngày 20 tháng Năm, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cho hay: có một cách ra khỏi cơn lốc bạo lực hiện nay tại Trung Đông và cách đó dựa vào việc các tín hữu tôn giáo mạnh bạo đảm nhiệm ơn gọi đã được Thiên Chúa tỏ bày cùng Abraham xưa.

Đức Giáo Hoàng, nhân dịp này, đã ôn lại các chặng quan yếu nhất trong chuyến tông du Đất Thánh vừa qua. Ngài nói: ngài luôn luôn cảm tạ Chúa vì cuộc hành hương này mà theo ngài, đó là một “hồng ân đối với người kế vị Thánh Phêrô và với toàn thể Giáo Hội”.

Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng hiện nay Đất Thánh bị nhiều thử thách giáng xuống nhưng đồng thời ngài cũng quả quyết rằng: “Tại lãnh thổ được Thiên Chúa chúc phúc này, đôi khi xem ra không thể nào thoát được cơn lốc xoáy của bạo lực. Nhưng đối với Thiên Chúa và những ai tin tưởng nơi Người, thì không có gì là không thể làm được! Vì lẽ đó, đức tin vào Thiên Chúa duy nhất, công chính và nhân từ, một tài nguyên qúy giá nhất đối với những con người trên, phải đổ tràn kho tàng tôn trọng, hòa giải và hợp tác ra khắp nơi”.

Như thế, theo Đức Giáo Hoàng, muốn bẻ gẫy cái vòng luẩn quẩn của bạo lực, người dân của Đất Thánh phải chu toàn điều răn căn bản của Thiên Chúa. Ngài giải thích: “Giêrusalem là giao lộ của ba tôn giáo độc thần vĩ đại, và chính cái tên của nó, với nghĩa kinh thành của hòa bình, cũng đủ nói lên ý định của Thiên Chúa dành cho nhân loại: là làm cho nó trở thành một gia đình vĩ đại. Ý định, từng được ngỏ với Abraham này, đã được ứng nghiệm hoàn toàn nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng được Thánh Phaolô gọi là ‘hòa bình của chúng ta’, vì Người đã bẻ gẫy bức tường thù nghịch bằng sức mạnh lễ Hy Sinh của Người.

“Cho nên, mọi người tin phải để lại phía sau mọi thiên kiến và ý muốn thống trị, và phải thực hành một cách hòa hợp điều răn căn bản sau đây là yêu Chúa với hết con người của mình và yêu người láng giềng của mình như chính mình vậy”.

Đức Giáo Hoàng bảo rằng người Do Thái Giáo, người Kitô Giáo và người Hồi Giáo hết thẩy được “mời gọi làm chứng nhân” cho điều trên và “dùng việc làm mà tôn vinh Thiên Chúa, Đấng mà họ dùng môi miệng để cầu nguyện”

Lên án Nạn Diệt Chủng

Cũng nhân dịp này, Đức Bênêđíctô XVI nhắc lại lời lên án Nạn Diệt Chủng. Ngài bảo: “Không bao giờ được quên thảm kịch khủng khiếp của Shoah (Diệt Chủng). Điều cần thiết là nó phải luôn luôn ở trong ký ức ta như một nhắn nhủ phổ quát phải tôn kính mạng sống con người, một mạng sống lúc nào cũng có một giá trị vô hạn”.

Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng nhìn nhận rằng “mục tiêu ưu tiên” của ngài trong chuyến hành hương này là thăm viếng các cộng đoàn Công Giáo của Đất Thánh trong tư cách người kế nhiệm Thánh Phêrô. Ngài cho hay ngài được dịp “suy niệm về ơn gọi trở thành một đơn thể, tạo ra một thân xác và một tinh thần, biến đổi thế giới bằng sức mạnh dịu dàng của tình yêu. Quả ơn gọi này đang kinh qua nhiều khó khăn tại Đất Thánh, và do đó, cha xin dùng trái tim Chúa Kitô mà nhắc lại cho anh em giám mục của cha chính lời của Người rằng: hỡi đoàn chiên bé nhỏ của Ta, các con đừng sợ hãi nữa vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con”.

Hội thoại liên tôn tại Gio-đăng

Bản tin Zenit ngày 20 tháng Năm cũng đưa tin: Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn vừa hoàn tất khóa hội thoại đầu tiên với Viện Hoàng Gia về Nghiên Cứu Liên Tín.

Theo thông cáo báo chí của Hội Đồng, cuộc hội thoại với chủ đề “Tôn Giáo và Xã Hội Dân Sự” đã diễn ra tại Amman, bắt đầu hôm Thứ Hai và kết thúc hôm Thứ Tư. Phái đoàn của Tòa Thánh do Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội Đồng, dẫn đầu. Còn phái đoàn của Viện Hoàng Gia được dẫn đầu bởi vị giám đốc, tức Đại Sứ Hasan Abu Nimah.

Viện Hoàng Gia được thiết lập vào năm 1994 để cung cấp một cơ sở tại thế giới Ả Rập cho việc nghiên cứu các vấn đề tôn giáo, nhất là về Kitô Giáo trong xã hội Ả Rập và Hồi Giáo. Các diễn văn kết thúc hội thoại do Hoàng Thân Hassan bin Talal của Giođăng và Đức Hồng Y Tauran, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng, đọc, đã trình bày các điểm nhất trí đạt được trong cuộc hội thoại này.

Theo tường trình của Hội Đồng Giáo Hoàng, “các tham dự viên nhất trí về tầm quan trọng của xã hội dân sự đối với việc phát triển lành mạnh và toàn bộ của cá nhân cũng như của cộng đoàn”. Đặc biệt, xã hội dân sự được coi như một diễn đàn đối thoại về việc “thực thi tự do có trách nhiệm”

Các tham dự viên của cuộc hội thoại cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “giáo dục thanh thiếu niên về các giá trị của việc tôn trọng lẫn nhau và về nền văn hóa đối thoại, bác bỏ bạo lực, để cổ vũ việc chung sống hòa bình trên căn bản quyền công dân trọn vẹn”

Các tham dự viên nhất trí về tính “liên quan của dân chủ và pháp trị trong một nhà nước biết tôn trọng các đa dạng tính về sắc tộc, văn hóa và tôn giáo và thực thi quyền bình đẳng của mọi công dân”.

Họ cũng nhất trí về vai trò quan trọng mà tôn giáo đang đóng trong xã hội, qua việc khuyến khích người ta đóng góp vào ích chung. Các tham dự viên cũng đồng ý loan báo cuộc hội thoại kỳ tới sẽ được tổ chức tại Rôma trong vòng hai năm. Chủ đề sẽ được quyết định sau.

Cuộc tông du thành công

Bản tin ngày 21 tháng Năm của Zenit cho hay: theo hai nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Giêrusalem, cuộc tông du Đất Thánh của Đức Bênêđíctô XVI được coi là thành công, dù thành quả chưa được hái lượm ngay lập tức.

Trong một cuộc họp báo tại Trung Tâm Thánh Mẫu tại Giêrusalem, Đức TGM Fouad Twal, thượng phụ Giêrusalem, và Đức TGM Antonio Franco, khâm sứ Tòa Thánh, đã xác định cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng thành công hơn 90%. Ít hơn 100%, Đức TGM Twal nói đùa như thế, vì “sự hoàn hảo chỉ thuộc một mình Thiên Chúa mà thôi”.

Marie-Armelle Beaulieu tường trình trên trang mạng của Cơ Quan Trông Coi Đất Thánh rằng: cả hai nhà lãnh đạo Giáo Hội đều đưa ra cái nhìn tích cực đối với cuộc tông du kéo dài một tuần của Đức Thánh Cha. Các ngài nhấn mạnh rằng giờ đây các tín hữu cần có thì giờ để sứ điệp của Đức Thánh Cha bén rễ và lớn lên.

Vì các nhà báo nài nỉ, nên Đức TGM Twal đã công nhận rằng lực lượng an ninh của Do Thái đã hành động “bảo giáo hoàng hơn chính Đức Giáo Hoàng”, nên đã gây nhiều khó khăn, nhất là đối với những người muốn tham dự Thánh Lễ ngày 12 tháng Năm tại Thung Lũng Kedron.

Tuy nhiên, phân tích của Đức TGM về chuyến đi xét chung hết sức tích cực. Ngài nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc Đức Giáo Hoàng tới Đất Thánh như một người hành hương. Với tư cách đó, “ngài muốn khuyến khích Kitô hữu khắp thế giới theo gương ngài tới hành hương Đất Thánh để cầu nguyện với nhau cho hòa bình và cho mọi cư dân trong vùng”.

Đức TGM nói tiếp, với tư cách mục tử, Đức Thánh Cha đã nói truyện với cộng đồng địa phương: “Ngài dừng lại lắng nghe chúng tôi và ban sứ điệp của ngài cho chúng tôi. Bây giờ đến lượt chúng tôi phải suy niệm các bài diễn văn và bài giảng lễ của ngài, một cách thanh thản, để có thể tiếp nhận chúng và sống chúng một cách trọn vẹn”

Một nhà lãnh đạo

Đức TGM Franco thì nhấn mạnh rằng trong tư cách lãnh đạo một nhà nước, Đức Bênêđíctô XVI đã đem lại cho Trung Đông một sứ điệp quan trọng. “Đức Thánh Cha đã rõ ràng vạch lại quyền của Do Thái được sống an toàn trên chính xứ sở của họ. Quyền ấy của Do Thái phải được nhìn nhận nhưng cũng phải nhìn nhận quyền của người Palestine được có một quê hương, một nhà nước, để một nền hòa bình vững ổn có thể đến với phần đất của thế giới này”.

Phần Đức TGM Twal, ngài nhấn mạnh “ta cần dành thì giờ đọc lại các bài diễn văn, để hiểu rõ sứ điệp Đức Giáo Hoàng muốn để lại cho chúng ta. Các hiệu quả sẽ không hiển thị hoàn toàn hôm nay đâu, phải dành giờ cho Đấng Quan Phòng. Nhưng sứ điệp đối thoại, hòa bình, hòa giải rồi sẽ đem lại hoa trái”.

Đức Khâm Sứ cũng cùng một nhận định như thế. Ngài bảo: “Sứ điệp của Đức Thánh Cha cần được tiếp nhận, học hỏi và chắc chắn phải đem ra thực hành. Điều đó nhất định tùy thuộc thiện chí của từng người chúng ta biết lắng nghe một cách chân thực và dùng óc phê bình mà so sánh các thái độ của ta với các chỉ dẫn tích cực mà Đức Thánh Cha đã để lại cho chúng ta”.

Chỗ đứng của Giáo Hội

Được hỏi về vai trò của Giáo Hội trong việc giải quyết cuộc tranh chấp Do Thái Palestine, Đức TGM Franco cho biết sứ mệnh của Giáo Hội trong vấn đề này chỉ có tính gián tiếp. Theo ngài, “vai trò của Giáo Hội không có tính trực tiếp, mặc dù Giáo Hội có nhiệm vụ đào luyện, giáo dục về hòa bình và lòng tôn trọng. Giáo Hội có nhiệm vụ làm cho người ta có khả năng chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau, tạo nên các khả thể mới đem đến các điều kiện thuận lợi khiến hòa bình có thể thực hiện được, hỗ trợ các cố gắng tích cực và cố gắng loại bỏ nhẫn nhục và thụ động”

Về đối thoại liên tôn, Đức TGM Twal cho hay chủ đề này làm Đức Giáo Hoàng rất vui trong chuyến hành hương này. Nó “làm ngài vui vì nhận ra rằng hiện đang có ý muốn đối thoại giữa mọi tôn giáo. Nó làm ngài vui vì nhận thấy hiện đang có một thiên hướng tốt […] Đối với Đức Giáo Hoàng, đọc các phúc trình là một chuyện và thấy thực tế trong các sự việc cụ thể lại là một chuyện khác hẳn”.

Liên quan đến sự việc có lẽ được coi là căng thẳng nhất trong cuộc tông du, tức phản ứng của người Do Thái đối với việc viếng thăm Yad Vashem của Đức Giáo Hoàng, Đức Khâm Sứ đề nghị nên đọc lại chính lời Đức Giáo Hoàng nói. “Tôi xin mời qúy vị lắng nghe một lần nữa lời lẽ của Đức Giáo Hoàng được tổng hợp lại với nhau, nhất là các lời lẽ lúc ngài tới phi trường, lúc ngài tới Yad Vshem, và sau đó lúc từ biệt. Nếu chúng ta đặt ba thời điểm ấy lại với nhau, ta mới thực sự đi vào tư duy của Đức Giáo Hoàng”.

Đức Khâm Sứ còn cho hay: “Suy tư của ngài về tên gọi tại Yad Vashem là suy tư đẹp đẽ nhất ngài có thể nói với chúng ta về nghĩa vụ phải tưởng niệm”.

Cuốn sách hình ảnh

Được hỏi hình ảnh nào trong chuyến tông du này in hằn vào trí nhớ của ngài nhất, Đức TGM Twal cho hay: “Tôi không muốn lưu giữ chỉ một hình ảnh mà thôi, nhưng tôi muốn cả một cuốn anbum gồm đủ các hình ảnh của mọi giây phút kỳ diệu ấy, ở cả Giođăng, Do Thái lẫn Palestine. Chúng ta đã lãnh nhận một ơn thánh và một ơn phúc của Chúa và đã được nhìn thấy bàn tay Thiên Chúa. Cuộc tông du này là một thành công, bất chấp mọi khó khăn, vì Đức Thánh Cha đã có thể cảm nghiệm được thực tế cụ thể trong đó chúng ta sinh sống, tại Đất Thánh này.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.05.2009. 00:15