Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

ĐHY Phạm Minh Mẫn nói về những hệ lụy của phát triển kinh tế và mong muốn có phần đóng góp của người Công Giáo cho xã hội

§ John Bosco Nguyễn Hoàng Thương

Sài Gòn (AsianNews) - Chính sách của chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn các tôn giáo đóng vai trò trong “chính sách xã hội” và giáo dục. Đây là trường hợp của Bắc Việt từ năm 1945 và ở miền Nam từ năm 1975, sau khi miền Nam Việt Nam bị các lực lượng Cộng Sản giày xéo. Ngoại trừ trường mẫu giáo, các tổ chức tôn giáo không thể làm gì khác. Mặc dù những hạn chế như thế, các gia đình và các giáo xứ cũng đã truyền cho giới trẻ những giá trị và tư tưởng tích cực về cuộc sống trong mối tương quan với công lý, nhân bản và những gì tốt đẹp và sự thật.

Ở một nơi như Sài Gòn, các tổ chức xã hội có nguồn gốc tôn giáo có thể lập ra “các lớp học tình thương” với những học bổng cho các học sinh nghèo. Họ cũng có thể giúp trẻ tàn tật và trẻ sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Các thiện nguyện viên trẻ từ các giáo xứ dạy giáo lý trong khi nhiều người Công Giáo trở nên liên quan đến các hoạt động xã hội và mục vụ. Trong việc hợp tác với các giáo xứ và các tổ chức phi chính phủ quốc tế, nhiều đề án mang tính xã hội đã được sự ủng hộ của giáo dân Công Giáo.

Đường lối dễ thấy của họ là đóng góp vào sứ mạng của tình yêu và phục vụ xã hội. Hoạt động mục vụ và giáo dục của họ và các giáo xứ có thể làm giảm bớt bạo lực trong gia đình. Điều này có nghĩa là các tín hữu có quyền và có trách nhiệm tham dự vào công cuộc xây dựng gia đình, cộng đoàn và đất nước.

Hiện thời, sự phát triển kinh tế tích cực cũng phải hứng chịu những hậu quả xã hội tiêu cực. Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Gòn cho hay: “Kể từ năm 1975, Việt Nam đã tìm cách vượt qua những hậu quả của những năm dài chiến tranh, không chỉ trên bình diện vật chất mà còn cả trên bình diện con người: hơn 1 triệu thương binh, 2 triệu trẻ mồ côi, hơn 5 triệu người tàn tật và 2 triệu người góa bụa. Đồng thời, Việt Nam đã phá vỡ tình trạng bị cô lập để hội nhập vào thế giới toàn cầu và tăng tốc tiến trình hội nhập này”.

Ngài cho biết thêm: “Trong thập kỷ vừa qua, với việc quá độ từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, đời sống kinh tế đã phát triển đáng kể. Tuy nhiên, sự phát triển này đã rơi vào thiếu bình đẳng, thiếu chính trực và thiếu bền vững. Sự phát triển như thế - cộng với chế độ chuyên quyền vốn ngạo mạn và thiếu kinh nghiệm và thiếu sự chẩn bị cần thiết – đã đem lại nhiều tác động tiêu cực cho xã hội: di dân nội địa trên quy mô lớn của hàng triệu gia đình và người trẻ, khoảng cách giàu nghèo phát triển nhanh chóng, sự sụp đổ rõ rệt về mặt đạo đức trong việc cổ súy lối sống theo chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ, và đủ mọi thảm họa xã hội như lừa dối, tham nhũng, bạo lực, phá thai, ly dị, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, nghiện ma túy và bệnh HIV/AIDS. Tất cả những hậu quả tiêu cực này đã làm xói mòn các giá trị căn bản vốn duy trì đời sống gia đình và truyền thống đạo đức của nó, cũng như truyền thống văn hóa dân tộc. Đồng thời, chúng góp phần cho nền văn hóa sự chết chống lại nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, vốn là con đường đích thực hướng chúng ta đến một đời sống hạnh phúc dồi dào và viên mãn”.

Đức Hồng y nói đến quan hệ giữa chính quyền và tôn giáo: “Vì những lý do lịch sử và ý thức hệ, giới cầm quyền Việt Nam trong vài thập kỷ qua đã có thái độ tiêu cực đối với tôn giáo nói chung. Điều này giải thích cho những khó khăn và hạn chế bị áp đặt trong các hoạt động tôn giáo. Sau khi chúng ta bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường, tình hình đã cải thiện. Giáo Hội Công Giáo không còn bị xem như là lực lượng chống đối chính quyền Cộng Sản, nhưng đúng hơn được xem như là người đối thoại với những người xây dựng và phát triển đất nước. Cuộc gặp vào ngày 25/01/2007 giữa Thủ Tướng Việt Nam và Đức Thánh Cha là dấu hiệu loan báo sự tốt đẹp bày tỏ sự sự sẵn lòng của người Công Giáo phục vụ người dân Việt Nam, dân Chúa ở Việt Nam và bảo vệ phẩm giá của họ. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số hạn chế, nhất là liên quan đến sự dính dấp của Giáo Hội trong các lĩnh vực xã hội như giáo dục và chăm sóc y tế”.

Ngài cũng nói đến giáo huấn của giáo hội: “Bản Tóm lược Giáo Huấn của Giáo Hội về Xã Hội nêu bật các giá trị vốn đưa ra nền tảng cho một cộng đoàn nhân loại vững chắc; đó là sự thật và công lý, huynh đệ và liên đới, bác ái và hòa bình trong giáo hội địa phương chúng ta”; “Những giá trị đó trở thành tiêu chuẩn cho một nền giáo dục toàn diện nhắm đến người dân trong mọi lĩnh vực của đời sống: gia đình, nhà trường, xã hội. Thiếu vắng nền giáo dục toàn diện như thế thì lương tâm đạo đức có thể trở thành cái gì đó lầm lạc”.

Đức Hồng y đi đến kết luận: “Nếu con người, những người được phú cho các quyền căn bản và phẩm giá, không nằm ở trung tâm của sự phát triển cân bằng, họ có thể trở thành những công cụ sản xuất vật chất và những tham vọng ích kỷ về quyền lực và của cải trong xã hội”.

John Bosco Nguyễn Hoàng Thương

Đọc nhiều nhất Bản in 18.06.2009. 18:19