Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Dẫn giải của Tòa Thánh về qui chế mới cho người Anh Giáo

§ Vũ Văn An

Nhân dịp ban hành qui chế mới “Anglicanorum coetibus”, Tòa Thánh đã cho công bố bản dẫn giải do linh mục Gianfranco Ghirlanda, Dòng Tên, Viện Trưởng Viện Đại Học Gregoriana biên soạn:

Tông hiến "Anglicanorum Coetibus" ngày 4 tháng Mười Một, 2009, đưa ra các qui định chủ yếu nhằm điều hành việc thiết lập và sinh hoạt của các Tòa Bản Quyền Tòng Nhân dành cho các tín hữu Anh Giáo muốn bước vào hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, hoặc tập thể hoặc từng cá nhân. Như đã nói ở phần dẫn nhập, bằng cách này, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội và theo mệnh lệnh Chúa Kitô, là người bảo vệ sự hợp nhất của hàng giám mục và sự hiệp thông phổ quát của mọi Giáo Hội, đã biểu lộ sự săn sóc đầy tình phụ tử đối với các tín hữu Anh Giáo (giáo dân, giáo sĩ và thành viên các viện tận hiến và các hội hoạt động tông đồ) từng liên tiếp thỉnh nguyện Tòa Thánh để được tiếp nhận trọn vẹn vào Hiệp Thông Công Giáo.

Phần dẫn nhập vào Tông Hiến khi trình bày lý do đưa ra các qui định này đã nhấn mạnh tới một số sự việc cần được lưu tâm:

- Trong tính hợp nhất và đa dạng của mình, mô phỏng theo Ba Ngôi Chí Thánh, Giáo Hội đã được thiết lập như “một bí tích, tức một dấu chỉ và một dụng cụ, của sự hiệp thông với Thiên Chúa và của sự hợp nhất của mọi người” (Lumen gentium, 1). Vì lý do này, mọi chia rẽ giữa những người đã rửa tội đều làm tổn thương đến bản chất Giáo Hội và những điều vì chúng mà Giáo Hội hiện hữu và do đó tạo nên một gương mù gương xấu vì nó mâu thuẫn với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ nạn và chịu chết (cf. John 17:20-21).

- Được thiết lập bởi Chúa Thánh Thần, Đấng vốn là nguyên lý của việc hợp nhất trong Giáo Hội, sự hiệp thông của Giáo Hội, tương tự như mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, cùng một lúc vừa có tính vô hình (thiêng liêng) vừa có tính hữu hình (được tổ chức theo phẩm trật). Cho nên, sự hiệp thông giữa các người đã rửa tội, nếu muốn là một hiệp thông trọn vẹn, cần phải được “biểu lộ một cách hữu hình trong các nối kết tuyên xưng đức tin một cách trọn vẹn, trong việc cử hành mọi bí tích do Chúa Kitô thiết lập, và trong việc cai quản của Giám Mục Đoàn hợp nhất với vị thủ lãnh của nó là Đức Giáo Hoàng”.

- Dù Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do vị kế nghiệp Thánh Phêrô và các giám mục hợp nhất với ngài cai quản, song vẫn có những yếu tố thánh hóa và chân lý tìm thấy ở bên ngoài phạm vi hữu hình của Giáo Hội, tức trong các giáo hội và cộng đồng Kitô Hữu phân ly với Giáo Hội. Và vì các yếu tố này là hồng ân thật sự thuộc về Giáo Hội Chúa Kitô, nên chúng cũng là những sức mạnh đẩy ta tới việc hợp nhất Công Giáo.

Dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, các tín hữu Anh Giáo từng yêu cầu được bước vào sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo quả đã được đánh động để về hợp nhất bởi các yếu tố của Giáo Hội Chúa Kitô xưa nay vốn luôn hiện diện trong cuộc sống bản thân và cộng đoàn làm Kitô Hữu của mình.

Vì lý do đó, việc Đức Thánh Cha ban hành Tông Hiến “Anglicanorum coetibus” và những điều kế tiếp, đã cho thấy một cách hết sức đặc biệt sức thúc đẩy mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần.

Các phương tiện pháp chế mà Đức Thánh Cha đưa ra để tiếp nhận các tín hữu Anh Giáo này vào hiệp thông Công Giáo trọn vẹn chính là việc thiết lập ra các Tòa Bản Quyền Tòng Nhân (I § 1).

Năng quyền thiết lập này được dành cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Lý do của việc này là như sau: trong diễn trình dài mà sau cùng đưa tới Tông Hiến này, nhiều vấn đề tín lý đã cần được giải quyết, và những vấn đề như thế vẫn còn tiếp tục xuất hiện trong thời điểm thiết lập các tòa bản quyền đặc thù và thời điểm thực sự tiếp nhận các nhóm tín hữu Anh Giáo vào hiệp thông Công Giáo trọn vẹn qua các tòa bản quyền này. Dù sao, khi có vấn đề đặc thù xuất hiện, mỗi tòa bản quyền sẽ lệ thuộc không phải riêng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin mà còn nhiều thánh bộ khác của Giáo Triều Rôma, tùy theo năng quyền của các thánh bộ này (Ap.Con. II). Thí dụ: đối với các hiệp hội giáo dân, Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân sẽ có năng quyền; đối với việc đào tạo và sinh hoạt của linh mục, Thánh Bộ Giáo Sĩ sẽ có năng quyền; đối với các hình thức sống tận hiến, Thánh Bộ các Viện Tận Hiến và các Hội Tông Đồ có năng quyền v.v… Đối với việc viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô (ad limina), mà các vị bản quyền buộc phải làm mỗi 5 năm, thì Tông Hiến chỉ rõ rằng vị bản quyền phải tham khảo không những Thánh Bộ Giáo Lý Đức tin mà cả Thánh Bộ Giám Mục và Thánh Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc nữa (Ap. Cons. XI).

Khả thể thiết lập các Tòa Bản Quyền Tòng Nhân dành cho tín hữu Anh Giáo gia nhập hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo như đã được dự liệu trong TH “Anglicanorum Coetibus” không tạo ra một cơ cấu mới trong các điều khoản giáo luật hiện hành, mà đúng hơn chỉ sử dụng cơ cấu của các Tòa Bản Quyền Tòng Nhân, được thiết lập đầu tiên để chăm sóc mục vụ cho các nhân viên của lực lượng vũ trang, trong Tông Hiến “Sprirituali militum cura” ngày 21 tháng Tư, 1986, của Đức Gioan Phaolô II. Dù có nhiều tương tự giữa hai loại Toà Bản Quyến Tòng Nhân này, nhưng xét vì các mục tiêu khác nhau, một đàng dành cho quân đội một đàng dành cho các tín hữu Anh Giáo, nên cũng có nhiều điểm khác nhau giữa hai hình thức. Điều chúng ta đang xử lý ở đây là các cơ cấu do Giáo Hội lập ra để đương đầu với các hoàn cảnh đặc thù phát sinh từ nhu cầu của tín hữu là những nhu cầu, từ bản chất, vốn có tính ngoại lệ. Quan tâm mục vụ của Giáo Hội cũng như tính mềm dẻo trong các qui phạm giáo luật đã cho phép việc lập ra các cơ cấu pháp chế được thích ứng một cách đặc thù với thiện ích thiêng liêng của tín hữu, trong khi vẫn không đi ngược lại các nguyên tắc nền tảng của khoa giáo hội học Công Giáo.

Các toà bản quyền quân đội đã không được dự liệu trong Bộ Giáo Luật thế nào, thì các toà bản quyền dành cho người Anh Giáo gia nhập hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo cũng đã không được tính trước một cách đặc thù như thế. Tuy nhiên, các toà bản quyền quân đội được TH “Spirituali militum cura” mô tả như các thẩm quyền pháp chế giáo hội tương tự như các giáo phận thế nào (Ap. Cons. I § 1), thì TH

“Anglicanorum coetibus” cũng mô tả các tòa bản quyền tòng nhân dành cho các tín hữu từ Anh Giáo trở lại giống như các giáo phận về phương diện pháp chế như thế (Ap. Cons. I § 3).

Không thể coi các toà bản quyền này như các giáo hội có nghi thức riêng (particular ritual churches) bởi lẽ truyền thống phụng vụ, linh đạo và mục vụ Anh Giáo chỉ là một thực tại đặc thù trong Giáo Hội La Tinh. Việc tạo ra một giáo hội nghi thức có thể đưa lại nhiều khó khăn đại kết. Cũng không thể coi các tòa bản quyền này như các toà giám chức tòng nhân (Personal Prelatures) vì theo điều 294 của Bộ Giáo Luật, các tòa giám chức tòng nhân bao gồm các linh mục và phó tế triều và theo điều 296, giáo dân chỉ có thể hiến mình làm việc tông đồ cho các toà giám chức tòng nhân này trên căn bản thoả thuận. Đến các thành viên các viện tận hiến và các hội tông đồ cũng không được nhắc tới trong các điều khỏan giáo luật nói về các toà giám chức tòng nhân.

Cho nên, các toà bản quyền dành cho các tín hữu cựu Anh Giáo là cơ cấu tòng nhân theo nghĩa thẩm quyền tài phán của vị bản quyền và tiếp đó của linh mục chánh xứ không được ấn định theo địa dư trong lãnh thổ của một hội đồng giám mục như một giáo hội tòng thổ đặc thù, mà được thực thi “trên tất cả những ai thuộc toà bản quyền” " (Ap. Cons. V). Đàng khác, một hay hai tòa bản quyền tòng nhân có thể được thiết lập bên trong lãnh thổ một hội đồng giám mục, tùy theo nhu cầu (Ap. Cons. I § 2).

Cẩn thận đọc Tông Hiến và Các Qui Tắc Phụ do Tòa Thánh công bố, ta sẽ thấy rõ: điều khoản thiết lập các tòa bản quyền tòng nhân nhằm mục đích đáp ứng hai nhu cầu: một đàng là nhu cầu “duy trì các truyền thống phụng vụ, linh đạo và mục vụ của Hiệp Thông Anh Giáo bên trong Giáo Hội Công Giáo, như hồng ân quí giá nuôi dưỡng đức tin các thành viên của tòa bản quyền và như kho tàng cùng nhau chia sẻ” (Ap. Cons. III); đàng khác là nhu cầu hòa nhập trọn vẹn vào sinh hoạt của các nhóm hay cá nhân trong Giáo Hội Công Giáo, xuất thân từ Anh Giáo.

Việc phong phú hóa có tính hỗ tương: tín hữu xuất thân từ Anh Giáo và gia nhập Hiệp Thông Công Giáo trọn vẹn sẽ nhận được sự phong phú của truyền thống linh đạo, phụng vụ và mục vụ của Giáo Hội La Tinh Rôma để tích nhập nó vào truyền thống riêng của mình. Việc tích nhập này ngược lại cũng sẽ làm giầu thêm Giáo Hội La Tinh Rôma. Mặt khác, chính truyền thống Anh Giáo này, một truyền thống sẽ được tiếp nhận vào Giáo Hội La Tinh Rôma trong tính chính thống của nó, vốn tạo nên trong Giáo Hội Anh Giáo một trong những ơn phúc của Giáo Hội Chúa Kitô từng thúc đẩy các tín hữu này trở về hợp nhất với Công Giáo.

Cho nên, điều được bao hàm trong luật lệ này tiến xa hơn phương thức Cung Ứng Mục Vụ đã được Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin khai triển và được Đức Gioan Phaolô II phê chuẩn ngày 20 tháng Sáu năm 1980. Trong khi Cung Ứng Mục Vụ dự liệu rằng tín hữu xuất thân từ Anh Giáo là thành viên của giáo phận nơi họ sinh sống, mặc dù được giám mục giáo phận chăm sóc cách đặc biệt, thì TH “Anglicanorum coetibus” coi họ là thành viên của tòa bản quyền tòng nhân chứ không phải của giáo phận nơi họ sinh sống. Mặt khác, các tòa bản quyền này sẽ bao gồm các tín hữu thuộc đủ mọi bậc sống (giáo dân, linh mục và thành viên các viện tận hiến và các hội tông đồ) xuất thân từ Anh Giáo, bất luận thuộc một nhóm hay sống cá biệt, hay các tín hữu lãnh nhận các bí tích khai tâm ngay trong chính tòa bản quyền (Ap. Cons. I § 4).

Các linh mục sẽ được cử nhiệm vào toà bản quyền tòng nhân qua thể thức nhập tịch (incardination), theo qui định của Bộ Giáo Luật (Ap. Cons. I § 3), còn giáo dân và các thành viên các viện tận hiến và các hội tông đồ thì phải bày tỏ ý muốn gia nhập và trở thành thành viên của tòa bản quyền bằng đơn xin (Ap. Cons. IX).

Các Qui Tắc Phụ (The Complementary Norms = CN) định rằng các giáo dân và các thành viên các viện tận hiến và hội tông đồ như thế phải được kê khai trong một bảng liệt kê thích đáng của tòa bản quyền (Art. 5 § 1). Như thế, trong khi có người là thành viên của một giáo hội tòng thổ đặc thù do nơi ở hay gần như nơi ở, thì có người là thành viên của toà bản quyền tòng nhân do sự kiện khách quan trước đây từng theo Anh Giáo, hay vì đến với đức tin Công Giáo qua toà bản quyền. Theo chiều hướng đó, việc ghi vào sổ bộ thích đáng thay thế cho sự kiện cư trú hay gần như cư trú, là điều không phù hợp với việc trở thành thành viên của một tòa bản quyền tòng nhân.

Tông Hiến này trước nhất muốn cung cấp phương thế để tái lập sự hiệp thông trọn vẹn, một cách nào đó được coi là có tính cộng đoàn (corporately), dành cho những nhóm người thuộc nhiều bậc sống khác nhau. Các tòa bản quyền tòng nhân dành cho các nhóm như thế xem ra là cơ cấu giáo luật thích hợp nhất nhờ đó truyền thống linh đạo, phụng vụ và mục vụ, một truyền thống từng được khai triển trong Anh Giáo nay được Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận, tiếp tục được che chở và nuôi dưỡng. Tất cả các điểm trên không loại bỏ khả thể làm thành viên trong toà bản quyền đối với các cá nhân xuất thân từ Anh Giáo, hay các cá nhân đến với đức tin Công Giáo qua công tác mục vụ và truyền giáo của tòa bản quyền và những ai lãnh nhận các bí tích khai tâm trong tòa bản quyền. Chương trình Cung Ứng Mục Vụ không còn thích hợp với hoàn cảnh mới, một hoàn cảnh mà Tòa Thánh được yêu cầu đáp ứng.

Vị bản quyền đã được ủy thác việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu thuộc tòa bản quyền của mình sẽ thi hành thẩm quyền đại diện bình thường (potestas ordinaria vicaria) nhân danh Đức Giáo Hoàng (Ap. Cons. V.b). Ngài được hưởng sự độc lập hợp pháp (legitimate autonomy) đối với quyền tài phán của các giám mục giáo phận nơi các tín hữu của tòa bản quyền sinh sống và vì thế có khả năng hơn trong việc bảo đảm để các tín hữu này không bị đồng hóa vào các giáo phận địa phương đến độ mất hết tính phong phú của truyền thống Anh Giáo, một mất mát chắc chắn sẽ làm nghèo toàn bộ Giáo Hội. Xét một mặt khác, khi thi hành thẩm quyền đại diện của mình, vị bản quyền phải lo liệu sao để toà bản quyền hoàn toàn được hòa nhập vào đời sống Giáo Hội Công Giáo, chứ không diễn biến thành một cộng đồng cô lập.

Việc duy trì và nuôi dưỡng truyền thống Anh Giáo được đảm bảo:

1. nhờ việc nhân nhượng để toà bản quyền có năng quyền cử hành Thánh Thể, các bí tích khác, phụng vụ giờ kinh và các cử hành phụng vụ khác theo các nghi thức phụng vụ riêng của truyền thống Anh Giáo và được Tòa Thánh phê chuẩn, tuy nhiên, không loại bỏ các cử hành phụng vụ theo Nghi Lễ Rôma (Ap. Cons. III);

2. nhờ sự kiện này là tòa bản quyền được phép ấn định các chương trình đặc thù để huấn luyện các chủng sinh của tòa bản quyền hiện sống trong chủng viện giáo phận, hay được phép lập nhà huấn luyện cho họ (Ap. Cons. VI § 5; CN Art. 10 § 2); các chủng sinh này phải xuất thân từ một giáo xứ tòng nhân của tòa bản quyền hay từ Anh Giáo (CN Art. 10 § 4);

3. nhờ sự nhân nhượng này là những ai từng là giáo sĩ đang có vợ trong Anh Giáo, kể cả giám mục, có thể được phong chức linh mục theo các qui định của tông thư “Sacerdotalis coelibatus”, n. 42 của Đức Phaolô VI và của Tuyên Bố hồi tháng Sáu, mà vẫn được duy trì bậc sống có vợ (Ap. Cons. VI § 1);

4. nhờ khả thể này: sau khi tuân theo diễn trình nhận biết dựa trên các tiêu chuẩn khách quan và nhu cầu của tòa bản quyền (CN Art. 6 § 1), vị bản quyền có thể thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng, trên căn bản từng trường hợp một, để tiếp nhận các người đàn ông đang có vợ vào hàng linh mục như một ngoại lệ của điều 277, § 1 giáo luật, dù qui tắc tổng quát của toà bản quyền vẫn là chỉ tiếp nhận những người đàn ông độc thân (Ap. Cons. VI § 2);

5. nhờ sự kiện này: vị bản quyền được phép thiết lập các giáo xứ tòng nhân, sau khi tham khảo vị giám mục địa phương và được sự đồng ý của Tòa Thánh (Ap. Cons. VIII § 1);

6. nhờ khả năng được phép tiếp nhận vào tòa bản quyền các viện tận hiến và các hội tông đồ xuất thân từ Anh Giáo, và thiết lập các viện và hội mới;

7. nhờ sự kiện này: để tôn trọng truyền thống hội đồng (synodal) trong Anh Giáo: a) vị bản quyền sẽ được Đức Giáo Hoàng cử nhiệm từ một danh sách ba người (terna) do Hội Đồng Cai Quản đệ trình (CN Art. 4 § 1); b) hội đồng mục vụ là điều bắt buộc phải có (Ap. Cons. X § 2); c) hội đồng cai quản, gồm ít nhất 6 linh mục, ngoài việc thực thi các bổn phận đã được ấn định trong Bộ Giáo Luật đối với hội đồng linh mục (presbyteral council) và hội đồng cố vấn, cũng sẽ thi hành các nhiệm vụ được ấn định trong Các Qui Tắc Phụ mà trong một số trường hợp có thể bao gồm việc thỏa thuận hay không thỏa thuận hay đưa ra một lá phiếu quyết đoán (Ap. Cons. X § 2; CN Art. 12).

Việc hòa nhập tòa bản quyền vào đời sống Giáo Hội Công Giáo sẽ được bảo đảm nhờ các qui tắc qui định việc tuyên xưng đức tin và các mối liên hệ của toà bản quyền với một hội đồng giám mục, và với các cá nhân giám mục giáo phận địa phương. Theo các qui tắc sau đây:

1. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo sẽ được coi là biểu thức chính thống của đức tin cho các tín hữu của tòa bản quyền (Ap. Cons. I § 5);

2. một tòa bản quyền tòng nhân sẽ được Tòa Thánh thiết lập bên trong lãnh thổ của một hội đồng giám mục, sau khi tham khảo hội đồng giám mục ấy (Ap. Cons. I § 1);

3. vị bản quyền sẽ là thành viên của hội đồng giám mục liên hệ và buộc phải tuân theo các chỉ thị của hội đồng này, ngoại trừ chúng không tương hợp với TH “Anglicanorum coetibus” (CN Art. 2);

4. việc phong chức cho các giáo sĩ xuất thân từ Anh Giáo sẽ là tuyệt đối, trên căn bản chỉ dụ “Apostolicae curae” ngày 13 tháng 9 năm 1896 của Đức Leo XIII. Vì toàn thể truyền thống Công Giáo La Tinh và vì truyền thống của các giáo hội Công Giáo Đông Phương, kể cả truyền thống Chính Thống, nên việc tiếp nhận những người đàn ông đang có vợ vào chức giám mục tuyệt đối bị loại bỏ (NC Art. 11 § 1);

5. các linh mục được nhập tịch vào tòa bản quyền tạo thành linh mục đoàn của tòa bản quyền ấy, nhưng buộc phải vun đắp mối liên kết hợp nhất huynh đệ với linh mục đoàn của các giáo phận tòng thổ nơi họ đang thi hành thừa tác vụ. Họ cũng phải khuyến khích các sáng kiến chung cũng như các hoạt động mục vụ và bác ái, là những lãnh vực có thể được qui định bằng các thoả hiệp giữa tòa bản quyền và vị giám mục hay các vị giám mục giáo phận liên hệ (Ap. Cons. VI § 4; NC Art. 3). Các Qui Tắc Phụ có dự liệu khả thể có những hỗ trợ mục vụ hỗ tương giữa các linh mục được nhập tịch vào toà bản quyền và các linh mục được nhập tịch vào các giáo phận tòng thổ nơi họ thi hành việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu của tòa bản quyền (NC Art. 9 §§ 1 and 2);

6. các linh mục của tòa bản quyền có tư cách được bầu vào hội đồng linh mục của các giáo phận tòng thổ nơi họ thi hành việc chăm sóc mục vụ cho tín hữu của tòa bản quyền (NC Art. 8 § 1);

7. các linh mục và phó tế của tòa bản quyền có tư cách được bầu làm thành viên của hội đồng mục vụ các giáo phận tòng thổ nơi họ thi hành thừa tác vụ (NC Art. 8 § 2);

8. thẩm quyền (potestas) của vị bản quyền được thi hành cùng với vị giám mục giáo phận trong các hoàn cảnh được dự liệu trong Các Qui Tắc Phụ (Ap. Cons. V; NC Art. 5 § 2);

9. các ứng viên chịu các chức thánh sẽ được huấn luyện chung với các chủng sinh khác, nhất là về phương diện huấn luyện tín lý và mục vụ, dù những chương trình hay nhà huấn luyện đặc thù có thể đã được lập ra cho họ (Ap. Cons. VI § 5; CN Art. 10 § 2);

10. trước khi lập một giáo xứ tòng nhân, vị bản quyền phải lắng nghe ý kiến của vị giám mục giáo phận của khu vực (Ap. Cons. VIII § 1);

11. các Qui Tắc Phụ sẽ ấn định khi nào các quyền và bổn phận thích hợp với cha xứ của tòa bản quyền được thi hành trong hợp tác mục vụ hỗ tương với cha xứ của lãnh thổ nơi giáo xứ tòng nhân đã được thiết lập (Ap. Cons. VIII § 2; CN 14 § 2);

12. tòa án có năng quyền xử các trường hợp thuộc pháp chế liên quan tới tín hữu của tòa bản quyền là toà án giáo phận nơi một trong các bên cư trú, cho thấy toà bản quyền không lập tòa án riêng (Ap. Cons. XII).

Điều rõ ràng là TH “Anglicanorum coetibus” đưa ra các qui định nhằm ấn định bản chất và, một cách tổng quát, điều hoà sinh hoạt của các tòa bản quyền tòng nhân, được đặc biệt lập ra cho các tín hữu Anh Giáo muốn bước vào hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Với phương thức này, một cơ cấu giáo luật đầy mềm dẻo đã được đưa ra. Đáng khác, người ta có thể thấy trước rằng những điều chứa trong Tông Hiến này và các Qui Tắc Phụ vẫn có thể được thích ứng trong các sắc lệnh thiết lập từng tòa bản quyền cá biệt tùy theo tình thế đặc thù của địa phương. Vì Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn việc chuẩn bị Tông Hiến này, nên xin Người cũng trợ giúp việc thi hành nó.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.11.2009. 01:04