Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cuộc tông du Đất Thánh (12)

§ Vũ Văn An

Khuyến khích ở lại Nơi Nhập Thể

Hôm nay 14 tháng Năm, Đức Thánh Cha tới thăm Nadarét, tỏ tình liên đới với các Kitô hữu của thành phố này.

Năm ngoái, Trung Tâm Truyền Thông Công Giáo tại Đất Thánh cho biết Kitô hữu chỉ chiếm 2% dân số của Do Thái và các Lãnh Thổ Palestine. Dù con số có cao hơn tại Nadarét, nơi có đến 30% dân là người Kitô Giáo, song con số này cũng đã thay đổi đáng kể từ năm 1946, lúc Kitô hữu chiếm tới 60%, theo số liệu của Viện Amnon Ramon tại Giêrusalem chuyên nghiên cứu về Do Thái Học.

Đức Thánh Cha ghi nhận việc nhiều Kitô hữu phải bỏ xứ ra đi vì hy vọng sẽ kiếm được sự an ổn lớn hơn và một viễn ảnh tươi đẹp hơn. Nhưng ngài khuyên các Kitô hữu còn lại hãy noi gương Đức Mẹ “sống ẩn dật tại Nadarét, dù chẳng có bao nhiêu so với sự giầu có hay ảnh hưởng của thế gian”. Ngài thúc giục họ “tin tưởng vào lòng trung thành với Chúa Kitô và ở lại đây, tại lãnh thổ mà Người đã thánh hóa bằng chính sự hiện diện của Người. Điều thiết yếu là chúng con phải nên một với nhau, để Giáo Hội tại Đất Thánh được người ta nhìn nhận một cách rõ ràng như là dấu chỉ và dụng cụ cho sự hiệp thông với Thiên Chúa và cho việc hợp nhất của toàn thể nhân loại”.

Nhập thể

Việc cử hành Kinh Chiều (Vespers) là biến cố công cộng sau cùng trong ngày Đức Giáo Hoàng có mặt tại Nadarét. Các biến cố trước đó là Thánh Lễ ngoài trời tại Đồi Vực Thẳm (Mount of Precipice), cuộc gặp gỡ với Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu và cuộc gặp gỡ liên tôn tại hội trường đền thờ Truyền Tin.

Đền thờ này gồm một hang đá, nguyên thủy vốn là một phần của nhà Đức Mẹ, nơi Thiên Thần Gabriel hiện ra yêu cầu ngài trở thành mẹ Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng cầu nguyện trước một bàn thờ có bảng đá ghi hàng chữ: "Verbum caro hic carnum est" [và Ngôi Lời thành nhục thân tại đây]. Ngài phát biểu: “quả hết sức cảm động đối với tôi” được hiện diện tại nơi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Đức Thánh Cha quả quyết: “Sự diệu kỳ của Nhập Thể tiếp tục thách thức ta mở rộng tầm hiểu đối với các khả thể bất tận của quyền năng Thiên Chúa, của tình yêu Người dành cho ta, của ý nguyện Người muốn kếp hợp với ta”.

Ngài nói thêm: “Mọi ca đoàn thiên thần đều chú mục vào địa điểm này” chờ đợi sự thuận tình của Đức Mẹ, một sự thuận tình sẽ “phát khởi một chương mới và dứt khoát trong lịch sử thế giới”. Đức GH cho hay: suy nghĩ về điều đó đem lại cho ta hy vọng, hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ tiếp tục đi vào lịch sử của ta, và với một quyền lực sáng tạo, sẽ hành động để hoàn thành được các mục tiêu mà theo tính toán của con người không tài nào có thể thực hiện được. Đức GH khuyên mọi người “đón mời Ngôi Lời Thiên Chúa vào trái tim ta, giúp ta biết đền đáp tình yêu của Người và biết dùng tình yêu vươn tới người khác”.

Sau Kinh Chiều, Đức GH trở lại Giêrusalem, nơi ngài sẽ kết thúc chuyến tông du vào ngày Thứ Sáu.

Nền tảng xã hội

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI gợi ý rằng hòa bình tại Trung Đông sẽ được bàn tay các trẻ em mang lại, vì các em khi noi gương Chúa Giêsu Hài Đồng sẽ dạy cha mẹ biết yêu thương. Đó là lời Đức Giáo Hoàng phát biểu khi cử hành Thánh Lễ lớn nhất trong thời gian tông du tại Nadarét. Khoảng 50,000 tín hữu đã tham dự Thánh Lễ tại Đồi Vực Thẳm, nơi, theo truyền thuyết, những người dân đầy giận dữ của Nadarét định liệng Chúa Giêsu xuống vực thẳm (Xem Lc 4:29).

Vì giáo hội địa phương tại Đất Thánh đang mừng năm gia đình, nên Đức Giáo Hoàng đã tập chú sứ điệp của ngài vào gia đình và vai trò chủ chốt của gia đình trong xã hội. Ngài khởi đầu bài giảng bằng cách nhắc mọi người nhớ rằng gia đình “trong kế hoạch của Thiên Chúa, vốn đặt căn bản trên lòng trung thành suốt đời của một người đàn ông và một người đàn bà, được giao ước hôn nhân thánh hiến và chấp nhận hồng phúc chuyển giao sự sống mới của Thiên Chúa”.

Theo Đức Thánh Cha, con người thời ta cần phải tái biến chân lý căn bản trên thành của mình biết là chừng nào, một chân lý vốn làm nền cho xã hội, và chứng tá của các cặp vợ chồng quan yếu biết bao nhiêu đối với việc đào tạo lương tâm lành mạnh và xây dựng văn minh tình yêu.

Những người kiến tạo hòa bình

Nhắc đến Chúa Giêsu Hài Đồng và trích dẫn hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng”, Đức Bênêđíctô XVI tiếp tục xem sét sứ mệnh đặc thù đang thách thức các trẻ em tại Trung Đông. Ngài gợi ý rằng các em có thể đóng một vai trò chủ yếu trong vùng.

Ngài bảo: “Công Đồng Vatican II dạy rằng trẻ em có một vai rò đặc biệt trong việc lớn mạnh về đàng thánh thiện của cha mẹ chúng. Cha xin các con suy nghĩ về điều ấy, và hãy để gương sáng của Chúa Giêsu hướng dẫn các con, không những trong việc trọng kính cha mẹ các con, mà còn phải giúp các ngài khám phá đầy đủ hơn mối tình yêu từng đem lại cho đời sống ta ý nghĩa thâm sâu nhất của nó”.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: “Trong Gia Đình Thánh Gia tại Nadarét, chính Chúa Giêsu dạy Đức Mẹ và Thánh Giuse về sự vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa, vốn là Cha trên trời của Người, và là nguồn tối hậu của mọi tình yêu, là vị Cha mà từ Người mọi gia đình trên trời và dưới đất nhận tên”.

Đức Giáo Hoàng mời gọi mọi người: “Các bạn thân mến, trong Lời Nguyện Mở Đầu Thánh Lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa Cha ‘giúp chúng ta sống như Thánh Gia, kết hợp nên một trong trọng kính và thương yêu’. Tại đây, chúng ta hãy tái khẳng định cam kết của ta làm chất men khởi động lòng trọng kính và tình yêu trên khắp thế giới”.

Phụ nữ

Và đây là lần thứ hai trong chuyến tông du Đất Thánh, Đức GH dành chủ đề trong bài nói của ngài để bênh vực phụ nữ. Lần đầu nói tới chủ đề đó là trong Thánh Lễ ngoài trời ở Amman, thủ đô Giođăng.

Nhắc đến Đức Maria, người mẹ của Thánh Gia, Đức GH cho hay: “Nadarét nhắc ta nhớ đến nhu cầu phải nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá Chúa ban và vai trò thích đáng của phụ nữ, cũng như các đặc sủng và tài năng của họ. Bất kể là bà mẹ trong gia đình, là sự hiện diện chủ yếu trong lực lượng lao động, hay trong ơn gọi đặc thù theo chân Chúa trong ba lời khuyên phúc âm tức lời khuyên khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời, người phụ nữ đều có một vai trò không thể miễn chước trong việc tạo ra ‘cái sinh thái nhân bản’ mà thế giới chúng ta, mà mảnh đất này, hết sức cần đến một cách khẩn thiết: một môi trường trong đó trẻ em học biết yêu thương và trân quí người khác, biết trung thực và tôn trọng mọi người, biết thực hành các nhân đức xót thương và tha thứ”.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng cũng có một sứ điệp đặc thù gửi các đấng mày râu. Ngài nói: “Ở đây nữa, chúng ta cũng nghĩ tới Thánh Giuse, người công chính mà Thiên Chúa đã muốn đặt đứng đầu gia hộ của Người. Noi gương mạnh mẽ và đầy tình cha con của Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã học được các nhân đức nam nhi về lòng đạo đức, lòng trung tín với lời mình nói, sự liêm chính và cần mẫn làm ăn. Nơi người thợ mộc Nadarét, Người thấy rõ uy quyền, một khi đem ra phục vụ tình yêu, thì vô cùng hữu hiệu xiết bao so với thứ quyền lực chỉ tìm cách thống trị. Thế giới chúng ta cần xiết bao gương sáng, sự hướng dẫn và sức mạnh thầm lặng của những người đàn ông như Thánh Giuse!”.

Hợp phẩm giá

Chú giải bài đọc sách Sirach trong Thánh Lễ, Đức GH cho rằng bài đọc này trình bày gia đình như một trường học, một trường học “huấn luyện cho các học viên của mình biết thực hành các nhân đức dành cho sự hạnh phúc chân chính và thành đạt lâu bền”.

Đức Giáo hoàng nói hêm: “Trong gia đình, mỗi người, bất luận là người trẻ nhất hay là người già nhất, đều được trân qúy vì chính họ, chứ không bị coi chỉ là phương tiện đạt một mục tiêu khác”. Theo Đức Giáo Hoàng, đó chính là “vai trò chủ yếu” của gia đình trong xã hội. Và về phương diện này, “nhà nước có bổn phận hỗ trợ gia đình trong sứ mệnh giáo dục của họ, bảo vệ định chế gia đình và các quyền cố hữu của định chế ấy, và bảo đảm để các gia đình có thể sống và triển nở trong các điều kiện hợp phẩm giá”.

Đức Giáo Hoàng cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo kêu gọi hòa bình

Đức GH Bênêđíctô XVI, hôm 14 tháng Năm, nhân tới Galilê, đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc nhiều truyền thống, cam đoan với họ: Giáo Hội Công Giáo nhất quyết cổ vũ hòa bình và cùng nhau thăng tiến xã hội.

Cuộc gặp gỡ này xẩy ra tại Đền Thờ Truyền Tin, với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo Kitô Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Druze, để đối thoại và cầu nguyện. Trong bài nói truyện, Đức Giáo Hoàng quả quyết với các nhà lãnh đạo này rằng mọi truyền thống tôn giáo đều có chung xác tín này: “Hòa bình là hồng ân của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, ngài nói thêm: “không thể đạt được nền hòa bình ấy, nếu không có cố gắng của con người”.

Ngài cho biết: “hòa bình lâu bền phát sinh từ việc thừa nhận rằng thế giới tựu chung không phải của riêng chúng ta, nhưng đúng hơn là một chân trời, nơi ta được mời gọi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa và hợp tác vào việc hướng dẫn thế giới và lịch sử dưới sự linh hứng của Người”.

Theo ngài, “ta không thể làm bất cứ điều gì mình muốn với thế giới, nhưng được mời gọi đồng dạng các chọn lựa của ta với lề luật mà Đấng Tạo Hóa đã khắc ghi vào vũ trụ, và mô phỏng các hành động của ta theo sự tốt lành của Thiên Chúa, sự tốt lành từng thấm nhiễm trọn bộ lãnh vực tạo dựng”.

Đức Bênêđíctô XVI nói rằng Galilê là vùng đất “nổi tiếng về tính đa phức tôn giáo và sắc tộc” và là quê hương của một dân tộc “biết rõ các cố gắng cần phải có để sống một cuộc chung sống hòa hợp”. Ngài nói với các nhà lãnh đạo tôn giáo rằng: “các truyền thống tôn giáo dị biệt của chúng ta có một tiềm năng mạnh mẽ trong việc cổ vũ một nền văn hóa hoà bình, nhất là qua việc giảng dạy các giá trị thiêng liêng sâu sắc hơn của nhân tính chung của chúng ta”.

Một trách vụ cao qúi

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng tương lai nhân loại sẽ được khuôn định bằng việc “lên khuôn trái tim người trẻ”. Ngài quả quyết: “Các Kitô hữu sẵn sàng tham gia với người Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Druze, và người thuộc các tôn giáo khác trong ước nguyện bảo vệ trẻ em khỏi chủ nghĩa cuồng tín và bạo lực trong khi chuẩn bị cho chúng trở thành người kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn”.

Đức Giáo Hoàng khuyến khích các thính giả của ngài “tiếp tục thể hiện việc tôn trọng lẫn nhau trong khi cố gắng làm dịu các căng thẳng liên quan tới các nơi thờ phượng, nhờ thế đảm bảo được một môi trường thanh thản cho việc cầu nguyện và suy niệm tại đây và khắp vùng Galilê”.

Ngài bảo đảm việc Giáo Hội Công Giáo cương quyết dấn thân tham gia với các truyền thống khác trong “trách vụ cao qúi” làm đẹp xã hội hơn, và nhờ thế làm chứng nhân “cho các giá trị tôn giáo và tâm linh vốn nâng đỡ cuộc sống công cộng’. Ngài cam đoan: Giáo Hội Công Giáo sẽ “tìm cách đảm bảo rằng ánh sáng chân lý, hòa bình và sự thiện sẽ tiếp tục tỏa chiếu rạng rỡ từ Galilê và sẽ hướng dẫn người khắp mặt địa cầu tìm kiếm tất cả những gì cổ vũ cho sự hợp nhất của gia đình nhân loại”.

Cùng nhau cầu nguyện

Sau bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng, môt đại biểu Do Thái đã hướng dẫn một buổi cầu nguyện được mọi đại biểu các tôn giáo bạn tham gia, trong đó ông hát to: “Shalom! Salaam! Lạy Chúa, xin ban bình an cho chúng con. Dona Nobis Pacem!”. Các nhà lãnh đạo trên khán đài nắm tay nhau giữa tiếng vỗ tay của cử tọa.

Trước đó, trong thánh lễ tại Đồi Vực Thẳm, Đức Giáo Hoàng nhìn nhận có những căng thẳng trong mấy năm gần đây tại khu vực này, từng gây thiệt hại cho các mối liên hệ giữa các cộng đồng Kitô Giáo và Hồi Giáo. Ngài kêu gọi hai cộng đồng “sửa chữa lại sự thiệt hại đã xẩy ra và cố gắng xây những cây cầu để tìm ra đường dẫn tới việc chung sống hòa bình”. Ngài tuyên bố rằng “mọi người hãy từ khước sức mạnh tàn phá của thù hận và thiên kiến, từng giết chết bao linh hồn người ta trước khi giết thân xác họ”.

Đức Giáo Hoàng và Thủ Tướng Do Thái nói truyện hòa bình

Dù chính sách của Tòa Thánh về Trung Đông khác với chính sách của Thủ Tướng Do Thái, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI vẫn đã gặp nhà lãnh đạo này ngày hôm nay, 14 tháng Năm, để thảo luận cách làm thế nào đẩy mạnh diễn trình hòa bình.

Ông Benjamin Netanyahu đã gặp Đức Giáo Hoàng để nói truyện riêng trong vòng 15 phút tại tu viện Phanxicô ở Nadarét. Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh, tường trình rằng cuộc thảo luận “tập trung vào việc làm thế nào để diễn trình hòa bình được đẩy mạnh”.

Ông Netanyahu vốn không ủng hộ ý niệm về một nhà nước Palestine độc lập tại Trung Đông. Về phần mình, Đức Bênêđíctô XVI từng tuyên bố với Chủ Tịch Thẩm Quyền Quốc Gia Palestine, Mahmoud Abbas, vào hôm Thứ Tư rằng “Tòa Thánh ủng hộ quyền của nhân dân ngài có một quê hương Palestine tự chủ trên mảnh đất tổ tiên, sống an toàn và hoà bình với các lân bang, bên trong các biên giới được quốc tế công nhận”.

Tuy nhiên, trên đài truyền hình Do Thái, ông Netanyahu cho biết ông hài lòng với cuộc thăm viếng. Ông cho biết ông có yêu cầu Đức Giáo Hoàng ủng hộ tình thế với Iran. Tổng thống Iran là Mahmoud Ahmadinejad vốn kêu gọi phải kết liễu Nhà Nước Do Thái.

Ủy Ban Song Phương Làm Việc Thường Trực giữa Tòa Thánh và Do Thái cũng gặp nhau vào khoảng 20 phút để tiếp nối các cuộc thảo luận của họ về Hiệp Ước Căn Bản năm 1993.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.05.2009. 23:28