Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cuộc tông du Đất Thánh (10)

§ Vũ Văn An

Nhận định của người đi tiên phong đối thoại

Baruch Tenembaum, một người đi tiên phong trong phong trào đối thoại liên tôn, từ thời Đức Phaolô VI, và là sáng lập viên của Qũy Raoul Wallenberg, nhận định rằng cuộc tông du của Đức GH Bênêđíctô XVI tại Đất Thánh là một cơ hội lịch sử để phát động cuộc đối thoại sâu sắc với các giới chức thực sự quan tâm tới việc củng cố mối dây liên kết huynh đệ vốn kết hợp hai truyền thống tôn giáo vĩ đại.

Để đánh dấu cuộc tông du này, Qũy Raoul Wallenberg đã phát động một chiến dịch thế giới nhằm thu thập các chứng tá về việc người Công Giáo cứu người Do Thái thời Quốc Xã. Tenembaum cho hay: đáp ứng đối với chiến dịch này thật đáng ngạc nhiên. Ngay tại Do Thái, nhiều người sống thoát Nạn Diệt Chủng cho biết họ sống được là nhờ người Công Giáo đã cứu họ. Yossi Peled, một trong các viên chức của chính phủ Do Thái hiện nay, cũng là một trong những người sống sót đó. Ông cùng các chị đã được một gia đình Công Giáo Bỉ cứu sống.

Theo Tenembaum, việc thành lập nhà nước Do Thái một phần lớn cũng nhờ công Đức TGM Angelo Roncalli (sau này là GH Gioan XXIII), người đã vận động với Đức GH Piô XII để không có trở ngại nào xẩy ra cho lá phiếu ủng hộ nhà nước Do Thái.

Đàng khác, khi còn là sứ thần Tòa Thánh tại Istanbul, Đức TGM Roncalli đã cứu sống hàng ngàn người Do Thái. Vị sáng lập viên còn cho hay: Qũy Wallenberg đã tổ chức một ủy ban đặc biệt để nhìn nhận công lao của Đức Giáo Hoàng.

Ông kêu gọi cần phải thực hiện nhiều bước tiến hơn nữa: tỷ dụ về phiá Tòa Thánh, xin hãy mở rộng Văn Khố mật, về phía Do Thái, cũng xin mở rộng hơn nữa các văn khố hiện do Yad Vashem lưu trữ. Ông cũng khuyến cáo nên để các giáo sĩ Do Thái người Ý như Meir Lau, một người sống thoát Nạn Diệt Chủng, tham gia các cuộc thảo luận…

Ông nhấn mạnh việc người Do Thái cần phải tỏ lòng biết ơn người Công Giáo, là những người đã bất chấp hiểm nguy tới tính mạng để cứu anh chị em họ lúc ấy bị Quốc Xã bách hại.

Đu dây

Cha Thomas D. Williams, thuộc Đạo Binh Chúa Kitô, và là một thần học gia người Mỹ sống tại Rôma, tiếp tục nhận định về chuyến tông du Đất Thánh của Đức Thánh Cha. Cha cho rằng tại Do Thái, Đức Thánh Cha như đang phải đi trên một sợi dây giăng cao và dù bị chỉ trích, ngài vẫn kiên trì trong sứ điệp của ngài.

Theo cha Williams, một số báo chí ra ngày 12 tháng Năm tại Do Thái cho chạy hàng tít lớn than phiền là lời ân hận của Đức Giáo Hoàng khi tới thăm Đài Tưởng Niệm Yad Vashem, đối với các nạn nhân của Diệt Chủng, không được thỏa đáng lắm. Nhưng Cha cho hay: phần lớn những than phiền này đề cập tới việc ngài bỏ sót, tức việc đáng lẽ ra ngài nên làm, hơn là tới việc ngài thực sự nói hay làm.

Dù ngài đã minh nhiên tưởng niệm biến cố Diệt Chủng (Shoah) trong bài diễn văn đầu tiên tại Do Thái và dứt khóat lên án chủ nghĩa bài Do Thái, không thiếu báo chí cho rằng ngài không tiến xa đủ.

Có báo còn cho rằng các hạn từ như “Quốc Xã” hay “tàn sát”, “sát nhân” đã không có trong bài diễn văn tại Yad Vashem, trong khi có báo nghĩ rằng đáng lý ra Đức Giáo Hoàng nên xin lỗi về điều họ nghĩ người Công Giáo đã đồng lõa trong việc Diệt Chủng. Lại cũng có tờ còn bắt lỗi Đức GH đã ‘tham gia’ quân đội Đức hồi ấy (dù sau đó ngài đã tự ý rời bỏ hàng quân) và đã tỏ ra quá ít xúc động trong bài diễn văn tại Yad Vashem.

Người ta khó mà biết phải bắt đầu từ đâu trước làn sóng chỉ trích này. Xem ra, một số thính giả của Đức Giáo Hoàng không hài lòng với bất cứ điều gì ngài nói hay làm, sẵn sàng nhẩy bổ vào ngài và khẩn cầu trái đất hãy nuốt chửng ngài đi cho rồi. Đáp lại những ngôn từ hết sức thành thật và khiêm nhường về hòa bình và hoà giải, người ta đã coi ngài như người đích thân phải chịu trách nhiệm đối với nỗi thống khổ của người Do Thái trên thế giới.

Cha Williams cảm thấy không làm sao giải thích cho một số người Do Thái hiểu rằng: Đức Giáo Hoàng không phải là mẫu người dễ xúc cảm ở bề ngoài, cho nên, bất kể họ mong chờ ở ngài thứ thổ lộ tâm tình chan chứa nào, thì điều ấy cũng không tương ứng với bản chất thực sự của ngài. Cha chỉ còn biết mời họ nhìn kỹ vào chính quyết định có tính bản thân của ngài khi dám đề cập đến vấn đề ấy một cách thành thật, và đã đi thăm đài tưởng niệm nạn nhân Diệt Chủng ngay ngày đầu tiên đặt chân lên Do Thái (điều mà không ai bắt ngài phải làm như thế)… Tiếc thay, những luận điểm như thế đã rơi vào quãng không.

Trong khi đó, ở cực bên kia của chính phổ (political spectrum), xúc cảm cũng dâng lên rất cao. Sáng nay, 12 tháng Năm, cha Williams nhận được một điện thư khá sắc bén của một Kitô hữu ở Giải Gaza. Anh cực lực phê phán các phúc trình từ trước đến nay về chuyến tông du đã chỉ biết nhằm vào người Do Thái. Anh đặt câu hỏi “Còn chúng tôi thì sao?” và sau đó liệt kê hàng loạt những lời kết án trước sự đối xử tàn tệ của nhà nuớc Do Thái đối với người Palestine.

Anh viết “Có lẽ qúy vị quên mất rằng Do Thái đã được xây dựng trên máu và nhà cửa của hàng ngàn người Công Giáo và Kitô hữu Palestine. Có lẽ qúy vị quên mất rằng Do Thái đang xây một bức tường phân biệt chủng tộc, một bức tường còn tệ hơn bức tường Bálinh và tệ hơn chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi”. Bức điện thư còn nói nhiều hơn nữa…

Cha Williams bỗng thấy được phần nào điều Đức Thánh Cha hẳn đang kinh qua khi ngài cố gắng lèo lái qua các bãi sình cực kỳ khó khăn của những bến bờ tình cảm tôn giáo cực mạnh, hiện đang tràn ngập vùng đất này. Xem ra, ngài đang đóng vai người đi dây thiêng liêng. Chỉ cần nghiêng qua trái hay qua phải một chút, liền bị dán cho cái nhãn hiệu không nhạy cảm hay tàn ác. Tệ hơn nữa, dù ngài cố gắng giữ hoàn toàn thăng bằng, họ vẫn cho là chưa đủ. Xem ra, một số quan sát viên không thèm để tâm tới ý định thật sự của Đức Giáo Hoàng trong cuộc hành hương này hay bất cứ nội dung tích cực nào trong sứ điệp của ngài. Thay vào đó, họ chỉ biết lục lọi các lời ngài nói và các việc ngài làm để tìm cớ mà bắt lỗi.

Bất chấp những thái độ như thế, Đức Giáo Hoàng tỏ ra hết sức điềm đạm và thanh thản, dùng hết các xác tín tâm linh cũng như niềm tin tưởng hoàn toàn vào ơn thánh của Chúa để đem điều thiện tới cho vùng này. Thì giờ của ngài, vì thế, thực tế đầy rẫy các hoạt động, đôi khi mỗi giờ là một biến cố khác nhau, và lúc nào cũng duy trì được một tinh thần lạc quan không lay chuyển.

Theo nhận định của Cha Williams, ít nhất cũng có một người có thể so sánh được với Đức Thánh Cha, đó là Tổng Thống Do Thái, Simon Peres. Trong diễn văn chào mừng Đức GH tại phi trường Tel Aviv, ông là người hơn ai hết nắm được tầm quan trọng của chuyến tông du này khi nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo tâm linh có khả năng dọn đường cho các nhà lãnh đạo chính trị. Họ dọn sạch các bãi mìn vốn cản trở đường dẫn tới hòa bình. Các nhà lãnh đạo tâm linh giảm thiểu sự thù nghịch, để các nhà lãnh đạo chính trị không cần dùng tới các phương tiện phá hoại”. Đối với những ai chỉ trích cho rằng chuyến tông du của Đức GH không hữu hiệu hay không có “răng”, thì lời lẽ của ông Peres xem ra hết sức xác đáng và sáng suốt. Ông nói: “Chúng ta không cần có thêm xe bọc thép nhưng là sự lãnh đạo thiêng liêng có linh hứng”. Đó chính là điều Đức Bênêđíctô đang mang tới cho khu vực bất ổn này.

Không phải thiếu niên Hitler

Một số báo chí ở Do Thái sai lầm cho rằng cậu thiếu niên Joseph Ratzinger từng tham gia Đoàn Thiếu Niên Hitler (Hitlerjugend). Cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí của Tòa Thánh, trong một cuộc họp báo vào ngày 12 tháng Năm tại Giêrusalem, tuyên bố rằng: điều đó không đúng. Cậu thiếu niên sau này lên ngôi Giáo Hoàng, hiệu là Bênêđíctô XVI, chưa bao giờ tình nguyện làm thành viên của Hitlerjugend (HJ), vốn là một đoàn gồm các thiện nguyện viên cuồng tín và đầy ý thức hệ.

Cha Lombardi sau đó minh xác thêm rằng lúc Hitlerjugend (HJ) còn có tính thiện nguyện, cả Đức GH lẫn người anh ruột của ngài đều không tham gia phong trào ấy. Nhưng năm 1941, khi Quốc Xã ra đạo luật buộc mọi thanh thiếu niên Đức phải gia nhập tổ chức này, thì anh trai ngài là George Ratzinger có gia nhập. Ngài thì còn quá trẻ, nhưng sau đó, khi đã là chủng sinh rồi, ngài có đăng ký. Tuy nhiên lúc sống bên ngoài chủng viện, ngài không bao giờ trở lại sinh hoạt trong tổ chức ấy nữa. Điều ấy gây cho ngài trở ngại lớn, vì không có thẻ hội viên HJ sẽ không được giảm học phí. Theo lời Đức Giáo Hoàng thuật lại trong “Muối Đất”, thì vị giáo sự toán của ngài thoạt đầu khuyên ngài nên trở lại với tổ chức, dù chỉ một lần thôi, để lấy được thẻ hội viên. Nhưng khi thấy ngài nhất quyết không muốn, đích thân ông đã lo chạy được thẻ hội viên kia, nhờ thế ngài thoát không phải sinh hoạt trong HJ.

Cha Lombardi cũng nhân dịp này trả lời một số lời chỉ trích cho rằng Đức Giáo Hoàng chỉ nhắc đến “hàng triệu” chứ không hẳn “sáu triệu” người Do Thái và không nói gì tới gốc gác Đức của mình. Theo cha, trong bài diễn văn tại Yad Vashem, Đức Giáo Hoàng chọn chủ đề tưởng niệm và khai triển ý niệm tên tuổi. Bài diễn văn ấy không phải là một khảo luận về nạn Diệt Chủng và cha cho hay: trong các diễn văn khác, Đức Giáo Hoàng có nhắc đến nước Đức và quá khứ của ngài cũng như chủ nghiã Quốc Xã. Cha nhận định: “Ngài không thể nhắc đến mọi điều mỗi lần phát biểu. Mặt khác, sáng nay (12/5), ngài đã nhắc đến sáu triệu người Do Thái chết rồi, điều ấy chúng ta không nên quên”, cha có ý nói tới bài diễn văn đầu tiên của Đức GH khi mới đặt chân xuống phi trường quốc tế Tel Aviv, chỉ cách bài diễn văn ở Yad Vashem có vài giờ đồng hồ.

Theo Cha Lombardi, Đức Bênêđictô XVI không hề mích lòng khi báo chí thay đổi hay tạo vấn đề với lời lẽ của ngài. “Ngài không phản ứng một cách hời hợt hay ngay tức khắc. Ngài rất nhẫn nại và sẵn sàng lắng nghe người khác, mọi người đều có thế gióng lên các ý nghĩ của mình. Quả thực, ngài cảm thấy không được người ta hiểu đúng, và tôi cũng thấy thế, nhưng chúng tôi biết rõ thế gian như thế nào và thái độ người ta ra sao. Không phải lúc nào người ta cũng muốn hiểu đúng; đôi khi có những thiên kiến và không phải ai cũng cởi mở với thái độ sẵn sàng biết lắng nghe”.

Thăm địa điểm được cả ba tôn giáo độc thần tôn kính

Hôm nay 12 tháng Năm, tại Giêrusalem, Đức Giáo Hoàng tới thăm Núi Đền Thờ (Temple Mount). Suy nghĩ về ý nghĩa thiêng liêng của địa điểm này, ngài nói rằng: “tại đây, các nẻo đường của ba tôn giáo độc thần vĩ đại của thế giới đã gặp nhau, nhắc chúng ta nhớ tới điều chúng ta đang chung chia. Mỗi tôn giáo đều tin vào Thiên Chúa Độc Nhất, Đấng tạo dựng và thống trị mọi loài. Mỗi tôn giáo đều nhìn nhận Abraham là tổ phụ của mình, một con người của đức tin được Thiên Chúa ban cho hồng ân đặc biệt. Mỗi tôn giáo đều có số tín đồ lớn lao trong nhiều thế kỷ và từng linh hứng cả một gia tài thiêng liêng, trí thức và văn hóa phong phú”.

Khu vực Núi Đền Thờ rất quan trọng đối với Kitô Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Tại đây, Vua Salômôn đã xây đền thờ đầu tiên và được Vua Hêrôđê tái thiết. Nó là địa điểm của 2 đền thờ Hồi Giáo, và được người Hồi Giáo coi là địa điểm hành hhương thứ ba, sau Mecca và Medina, và là nơi tiên tri Mohammed về trời. Các Kitô hữu nhận nó là nơi Chúa Kitô nói tới việc Đền Thờ bị hủy diệt.

Mái vòm vàng ánh và hình bát giác của Đền Núi Đá (the Rock) là tòa kiến trúc cổ xưa nhất còn tồn tại đến nay của Hồi Giáo tại Đất Thánh. Tại đây, Đức Giáo Hoàng được đại giáo sĩ Muhammad Ahmad Hussein của Giêrusalem nghênh đón. Đức GH phát biểu tại đây rằng địa điểm này khuyến khích mọi người có thiện chí làm việc với nhau để vượt thắng các hiểu lầm và tranh chấp của quá khứ và để cùng nhau lên đường đối thoại một cách chân thành hòng xây dựng cho được một thế giới công lý và hòa bình cho các thế hệ tương lai”.

Điểm tựa của đòn bẩy

Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng hiện đang có sự cám dỗ muốn nói xuôi ngược về khả năng thành công trong cuộc đối thoại liên tôn. Nhưng theo ngài, “chúng ta có thể bắt đầu bằng cách tin rằng Thiên Chúa Độc Nhất chính là nguồn vô tận của công lý và nhân lành, vì nơi Người, cả hai điều này đều hiện diện một cách gắn bó như một. Những ai tuyên xưng danh Người đều được ủy thác cho nhiệm vụ phải không mệt mỏi cố gắng đạt tới sự chính trực trong khi không quên mô phỏng lòng hay tha thứ của Người, bởi hai đức tính ấy đều nội tại hướng tới sự chung sống hòa bình và hoà hợp của toàn thể gia đình nhân loại”.

Đức Giáo Hoàng cho rằng chính vì lý do trên, những ai “thờ lạy Thiên Chúa Độc Nhất phải chứng tỏ mình vừa đặt cơ sở bên trong, vừa qui hướng về tính hợp nhất của toàn bộ gia đình nhân loại”. Ngài giải thích thêm: “Nói cách khác, trung tín với Thiên Chúa Độc Nhất, Đấng Hóa Công, Đấng Tối Cao, sẽ dẫn tới việc nhìn nhận rằng các hữu thể nhân bản, xét trong căn bản, đều có liên hệ với nhau, vì sự hiện hữu của mọi người đều do một nguồn gốc duy nhất mà có và được qui chiếu về cùng một đích điểm chung. Được in dấu bằng hình ảnh không bao giờ phai mờ của Thiên Chúa, họ được kêu gọi đóng một vai trò tích cực vào việc hàn gắn các chia rẽ và cổ vũ tình liên đới nhân bản”.

Đức GH quả quyết rằng: “như thế, tình yêu đối với Thiên Chúa Độc Nhất và tình yêu đối với người lân cận của mình đã trở nên điểm tựa của đòn bẩy, quanh đó mọi sự phải xoay vần. Vì người Hồi Giáo và người Kitô Giáo vốn đang đẩy mạnh cuộc đối thoại đáng kính mà họ đã khởi đầu, nên tôi cầu xin để họ biết thăm dò việc Thiên Chúa gắn bó chặt chẽ xiết bao đối với tính hợp nhất của gia đình nhân loại. Bằng cách tuân thủ kế hoạch đầy yêu thương dành cho công cuộc sáng tạo, bằng cách học hỏi lề luật đã được ghi khắc trong vũ trụ và được vun trồng trong trái tim con người, bằng cách suy niệm hồng phúc mầu nhiệm trong việc Thiên Chúa tự mạc khải mình ra, ước mong mọi người theo Người tiếp tục nhìn ngắm sự tốt lành tuyệt đối của Người, không bao giờ che mắt khỏi đường lối của Người như đã được phản ảnh trên khuôn mặt người khác”.

Xem sét cơ sở chung với người Do Thái Giáo

Trong cuộc gặp gỡ với hai vị trưởng giáo sĩ của Israel vào ngày 12 tháng Năm hôm nay tại Tòa Đại Giáo Trưởng, Đức Thánh Cha nhận định rằng người Do Thái Giáo và người Kitô Giáo có chung một quan tâm đối với việc lan tràn chủ nghĩa tương đối về luân lý.

Trong một bài diễn văn nhấn mạnh nhiều lần tới các mối liên hệ đang gia tăng giữa Do Thái Giáo và Giáo Hội, Đức Thánh Cha tuyên bố: “Hôm nay, tôi được dịp nhắc lại rằng Giáo Hội Công Giáo tuyệt đối dấn thân vào con đường mình đã chọn tại Công Đồng Vatican II nhằm việc hòa giải chân thực và lâu dài giữa người Kitô hữu và người Do Thái Giáo”.

Xây dựng hợp nhất

Đức GH nhắc tới cuộc đối thoại đang diễn tiến giữa Phái Đoàn của Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo với Người Do Thái của Tòa Thánh và Phái Đoàn Liên Lạc với Giáo Hội Công Giáo của Tòa Đại Giáo Trưởng Do Thái. Ngài cám ơn các công việc của họ.

Nhân dịp này, ngài đề cập tới một số vấn đề hai bên cùng có chung: “Người Do Thái Giáo và người Kitô Giáo đều quan tâm đến việc duy trì lòng tôn trọng đối với tính thánh thiêng của sự sống con người, tính trung tâm của gia đình, một nền giáo dục lành mạnh cho thanh thiếu niên và tự do tôn giáo cũng như tự do lương tâm cho một xã hội lành mạnh”. Ngoài ra, sự quan tâm chung đối với chủ nghĩa tương đối về luân lý và những xúc phạm của nó tới phẩm giá nhân vị cũng mỗi ngày một gia tăng.

Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi phải dùng lý trí như dụng cụ xây dựng sự hợp nhất. Ngài nói rằng muốn tiếp cận các vấn đề đạo đức học có tính khẩn thiết nhất thời ta, hai cộng đồng cần phải khuyến khích giáo dân mình dấn thân vào bình diện lý trí, nhưng đồng thời phải chỉ cho họ thấy: nền tảng tôn giáo mới duy trì lâu bền các giá trị luân lý.

Cầu xin Thiên Chúa

Trước khi tới thăm Tòa Đại Giáo Trưởng, Đức Thánh Cha đã thăm Bức Tường Than Khóc. Đây là phần còn lại, dài khoảng 50 bộ Anh, thuộc bức tường nguyên thủy của Đền Thờ Giêrusalem xưa.

Giống Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 2000, Đức Bênêđíctô XVI cũng dừng lại đây mấy phút và lưu lại một lời cầu nguyện được viết sẵn trên một mảnh giấy và ghim vào một trong những khe hở trên tường. Nguyên văn lời cầu nguyện ấy như sau:

“Lạy Thiên Chúa muôn đời, trong chuyến viếng thăm Giêrusalem, Thành Phố của Hòa Bình, quê hương thiêng liêng của người Do Thái Giáo, người Kitô Giáo và người Hồi Giáo, con xin trình trước nhan thánh Chúa các niềm vui, niềm hy vọng và khát mong, các thử thách, đau đớn và khổ đau của toàn thể dân Người khắp nơi trên thế giới. Lạy Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac và Thiên Chúa Giacóp, xin hãy lắng nghe tiếng kêu của người buồn phiền, sợ sệt, và mất hết hy vọng; xin hãy ban hòa bình cho Đất Thánh, cho Trung Đông, cho toàn thể gia đình nhân loại; xin đánh động tâm hồn mọi người kêu cầu danh Chúa, để họ khiêm hạ bước theo nẻo đường công lý và xót thương”

Kêu gọi chấm dứt việc ra đi khỏi Đất Thánh

Trong thánh lễ chiều nay, 12 tháng Năm, cử hành bên ngoài tường thành Giêrusalem, Đức Thánh Cha ngỏ lời với các Kitô Hữu tại Đất Thánh. Ngài cho họ hay: toàn thể Giáo Hội hỗ trợ họ và kêu gọi các nhà cầm quyền tìm cách chấm dứt việc buộc họ phải ra đi.

Đức GH quả quyết: “Cha muốn nhìn nhận các khó khăn, sự thất vọng, và nỗi đau, nỗi khổ mà nhiều người trong chúng con từng chịu đựng xưa nay do các tranh chấp từng giáng xuống mảnh đất này, và kinh nghiệm đắng đót phải rời cư mà rất nhiều gia đình chúng con từng kinh qua”.

Thánh Lễ này, chủ yếu cử hành bằng tiếng Latinh và tiếng Ả Rập, diễn ra tại Thung Lũng Giosaphát, đối diện với Vương Cung Thánh Đường Diệtsimani và Núi Cây Dầu, nơi Chúa Giêsu hấp hối trước khi chịu đóng đinh.

Địa điểm này, được chuẩn bị đón khoảng 6,000 người, đánh dấu cuộc cử hành Thánh Thể ngoài trời đầu tiên của Đức Thánh Cha tại khu vực thành phố và là biến cố công cộng cuối cùng trong ngày của ngài.

Lúc khởi đầu Thánh Lễ, thượng phụ Latinh của Giêrusalem là Đức TGM Fouad Twal, chào mừng Đức Giáo Hoàng. Ngài nhắc tới hoàn cảnh của người Công Giáo tại Đất Thánh mà ngài mô tả là “một đoàn chiên đang thưa dần vì phải chịu cảnh tản cư”. Thượng phụ nói tiếp: “chung quanh chúng con, là nỗi thống khổ của nhân dân Palestine, những người vốn mộng ước được sống trong một Quốc Gia Palestine tự do và độc lập, nhưng chưa thấy điều ấy được thực hiện; là nỗi thống khổ của nhân dân Do Thái, những người vốn mộng ước một cuộc sống bình thường trong hòa bình và an ninh, nhưng bất kể sự hùng mạnh của họ về quân sự và truyền thông, họ cũng vẫn chưa thấy mộng ước kia được thể hiện. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế, giống hệt các môn đệ yêu dấu của Chúa Giêsu, đứng ở một bên, cụp đôi mắt dửng dưng, làm ngơ nỗi thống khổ của Đất Thánh, một thống khổ đã diễn tiến cả 61 năm nay, và không hề nghiêm chỉnh đánh động mình trong việc tìm ra một giải pháp công chính”.

Đức Tổng GM nói tiếp: trong cái “vũng nước mắt này, chúng con dâng lời cầu nguyện để Giêrusalem được cả hai dân tộc và ba tôn giáo cùng chia sẻ”.

Không bị lãng quên

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha hy vọng: đối với các Kitô hữu tại Đất Thánh, sự hiện diện của ngài sẽ là một “dấu chỉ cho thấy các con không bị lãng quên và sự hiện diện cũng như làm chứng kiên trì của các con thật sự là qúy giá trước mặt Chúa và hết sức cốt yếu đối với tương lai của lãnh thổ này”.

Đức Thánh Cha nói thêm: chính nhờ nền văn hóa Kitô Giáo lâu đời và vững mạnh cũng như lòng tin tưởng sắt đá vào các lời Chúa hứa của họ, họ được kêu gọi trở thành “ngọn hải đăng đức tin cho Giáo Hội hoàn vũ” và là “chất men của hòa hợp, của khôn ngoan và quân bình” trong một xã hội “đa nguyên, đa sắc tộc và đa tôn giáo”.

Đức GH ghi nhận “thực tế đau thương” của việc rất nhiều Kitô hữu đã phải bỏ xứ ra đi, một thực tế tuy hiểu được nhưng “đã làm cho thành phố này trở nên nghèo nàn xiết bao về văn hóa và tâm linh”.

Cơ Quan Trông Coi Đất Thánh tường trình rằng từ năm 1946, cộng đồng Kitô hữu tại Giêrusalem đã giảm từ 20% xuống còn 2% tổng số dân thành. Điều ấy khiến Đức Giáo Hoàng phải khẩn thiết kêu gọi: “Tại Đất Thánh, vẫn còn chỗ cho mọi người!”. Ngài yêu cầu các nhà cầm quyền hãy tôn trọng, nâng đỡ và trân quí sự hiện diện của các Kitô hữu tại đây. Với các Kitô hữu, Đức Thánh Cha bảo đảm với họ rằng toàn thể Giáo Hội và Tòa Thánh vẫn liên đới, yêu thương và hỗ trợ họ.Sứ điệp của Đức Thánh Cha, được tín hữu vỗ tay chào đón ngay từ những chữ đầu tiên, chủ yếu nói về hy vọng dựa trên sự phục sinh của Chúa Kitô. Ngài nói rằng: “Tại Thành Thánh này, nơi sự sống đã chiến thắng sự chết, nơi Chúa Thánh Thần được tuôn đổ làm hoa trái đầu mùa của sáng thế mới, hy vọng vẫn tiếp tục đánh trả thất vọng, ngã lòng và nản chí, trong khi hòa bình vốn là ơn phúc và lời kêu gọi của Chúa tiếp tục bị đe dọa bởi lòng vị kỷ, tranh chấp, chia rẽ và gánh nặng sai lầm dĩ vãng”. Ngài thúc giục tín hữu ôm lấy niềm hy vọng của Phúc Âm mà “làm chứng cho sức mạnh của tha thứ, và cho người ta thấy rõ bản chất sâu sắc nhất của Giáo Hội vốn là dấu chỉ và là bí tích của một nhân loại hòa giải, đổi mới và nên một trong Chúa Kitô”

Tầm quan trọng sinh tử

Trước đó, Đức Thánh Cha cho triệu tập các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo của Đất Thánh tại Phòng Trên Lầu, nơi lịch sử của biến cố Hiện Xuống, để cùng đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (Regina Caeli). Ngỏ lời với các vị bản quyền, trong đó có Thượng Phụ Latinh, các vị giám mục các Giáo Hội thuộc nhiều nghi lễ khác nhau nhưng hiệp thông với Tòa Thánh, và vị trông coi Đất Thánh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới sự “hiệp thông tâm trí” nhờ Phép Thánh Thể.

Đức GH Bênêđíctô XVI quả quyết rằng: “các Giáo Hội Kitô Giáo khác nhau, đang có mặt ở đây, tượng trưng cho một gia tài phong phú và nhiều sắc thái tâm linh và là dấu chỉ của nhiều hình thức đa dạng trong việc hành động qua lại giữa Phúc Âm và các nền văn hóa dị biệt” cũng như nhắc ta nhớ tới sứ mệnh “rao giảng tình yêu phổ quát của Thiên Chúa” và qui tụ mọi người vào “một gia đình duy nhất” của Người. Ngài nhận định rằng điều quan trọng có tính sinh tử là người Kitô hữu phải hiện diện tại Đất Thánh để phục vụ “ích lợi của toàn thể xã hội”.

Sau khi rời Nhà Tiệc Ly, Đức GH tới nhà thờ đồng chánh tòa có tên là Nhà Thờ Tên Cực Trọng Đức Chúa Giêsu, tại đó, ngài được khoảng 300 người nghênh đón, trong đó có nhiều tu sĩ chiêm niệm. Ngài đánh giá “việc tông đồ dấu mặt của các tu sĩ chiêm niệm” và xin các vị tiếp tục cầu nguyện cho sứ mệnh phúc âm hóa của Giáo Hội. Sau đó, Đức Thánh Cha trở lại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, nơi ngài gặp mặt các Tổng Lãnh Sự của 9 quốc gia đang phục vụ tại Giêrusalem: Bỉ, Ý, Pháp, Hy Lạp, Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.05.2009. 12:19