Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cảnh giác chung quanh chuyện WeChat phát trực tiếp Thánh lễ hàng ngày của Đức Thánh Cha

§ Đặng Tự Do

Vatican tiết lộ trong tuần này rằng người Công Giáo ở Trung Quốc đã có thể sử dụng mạng xã hội phổ biến nhất của Trung Quốc, là WeChat, để theo dõi trực tiếp Thánh lễ hàng ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô trong đại dịch coronavirus.

Một chuyên gia trên phương tiện truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo rằng chế độ Trung Quốc có thể có một cái gì đó muốn đạt được trong việc cho người Công Giáo Trung Quốc quyền truy cập hạn chế này vào các thánh lễ của Đức Giáo Hoàng.

WeChat được biết đến là một mạng xã hội với hơn 1 tỷ người dùng. Bọn cầm quyền Trung Quốc có thể theo dõi tất cả các cuộc thảo luận, nội dung và dữ liệu người dùng trên ứng dụng này.

Vatican News đã phát hành một video vào ngày 20 tháng Năm cho thấy người Công Giáo ở Trung Quốc tập trung xung quanh điện thoại thông minh và màn hình máy tính đặt trên bàn thờ gia đình hoặc bên trong nhà thờ để cầu nguyện với các nghi thức được phát trực tiếp từ nhà nguyện Santa Marta.

Vào thời điểm video này được công bố, thời hạn 52 ngày giới hạn trong đó việc phát trực tiếp cho người Trung Quốc xem, từ 27 tháng Ba đến 18 tháng Năm, đã kết thúc.

Vatican News báo cáo rằng số lượng người xem Thánh lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Trung Quốc tăng lên hàng ngày, đạt đến mức cao nhất là 10, 000 người xem trên WeChat trước khi Vatican ngừng phát trực tiếp Thánh lễ.

Sarah Cook, một nhà phân tích nghiên cứu cao cấp, người theo dõi việc kiểm duyệt truyền thông và tự do tôn giáo ở Trung Quốc cho Freedom House, giải thích với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng việc phát trực tiếp Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng tại Trung Quốc có thể là kết quả của cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Tòa thánh và chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng có thể là một hành động tự phát của một cá nhân hay một nhóm người Công Giáo.

“Mười ngàn vẫn còn khá thấp so với tiêu chuẩn của Trung Quốc, ” bà nói thêm.

Theo thống kê chính thức, Trung Quốc có hơn 10 triệu người Công Giáo, với sáu triệu người là thành viên của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

“Đây chỉ là một cái gì đó tạm thời, ” Cook nói.

“Cảm giác của tôi là nếu chương trình phát sóng này được tiếp tục và bắt đầu đạt được một số khán giả lớn hơn, chẳng hạn như hàng trăm ngàn hay một triệu người, thì nó sẽ bị đình chỉ tại một thời điểm nào đó.”

“Đàn áp các nhóm tôn giáo khác và thậm chí ngăn cấm việc chia sẻ thông tin hoặc các bài giảng trực tuyến đã tiếp tục trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt đối với người Tin Lành và các nhóm bị bách hại tôn giáo ở Trung Quốc, chẳng hạn như Pháp Luân Công.”

Trong đại dịch coronavirus, nhóm nhân quyền “Voice of the Martyrs”, nghĩa là “Tiếng nói của các vị Tử Đạo” báo cáo rằng các quan chức chính phủ ở tỉnh Sơn Đông đã cấm rao giảng trực tuyến giữa lúc dịch bệnh bùng phát, và ChinaAid đã chia sẻ một video ngày 15 tháng 3 trong đó một nhà thờ Tin lành ở tỉnh Giang Tô đã bị bọn cầm quyền phá hủy.

Trong khi một số người Công Giáo ở Trung Quốc rất buồn khi mất quyền truy cập vào Thánh lễ livestream, thì vấn đề lớn hơn đối với hầu hết người Công Giáo Trung Quốc là các nhà thờ, các cuộc hội thảo và tất cả các hoạt động hành hương ở Trung Quốc vẫn bị đình chỉ.

Trung Quốc đóng cửa các nhà thờ bắt đầu vào tháng Giêng, khi dịch coronavirus lan rộng khắp cả nước. Nhưng sau khi việc kiểm dịch toàn quốc được nới lỏng vào tháng Ba và lệnh cô lập Vũ Hán đã bị dỡ bỏ vào ngày 8 tháng 4, Asia News đưa tin rằng các nhà thờ Công Giáo vẫn bị Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc ra lệnh đóng cửa ít nhất là đến hết tháng 5.

Source: Catholic News Agency Livestream of Mass with Pope Francis on Chinese social media raises censorship questions

Đặng Tự Do

Đọc nhiều nhất Bản in 24.05.2020 14:30