Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Áo mưa và bệnh AIDS

§ Vũ Văn An

Áo mưa (condom) sẽ không loại trừ được bệnh AIDS nhưng sẽ làm nó ra tệ hơn. Không những Đức Bênêđíctô XVI nói thế mà các nghiên cứu khoa học cũng nói như vậy. Các dữ kiện tại Nam Phi, Uganda, Thái Lan và Phi Luật Tân đã xác nhận điều ấy. Một nhóm vận động cách mạng tình dục kiểu tân thực dân đang đứng đàng sau cuộc tấn công chống lại Đức Giáo Hoàng và đang được các nhóm bên lề cạnh Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Âu Châu hỗ trợ.

Thực thế, kể từ ngày Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng bệnh AIDS không thể giải quyết bằng cách phân phối áo mưa; ngược lại, rất có thể ta sẽ làm vấn đề tệ hại hơn, thì nhiều người thi nhau gào lên rằng ngài quả thiếu nhậy cảm đối với nạn dịch đầy thảm họa đang tác động lên nhiều nơi trên thế giới, nhất là Châu Phi.

Trong số những người trên, ta thấy có Bert Koenders, Bộ Trưởng Hợp Tác Phát Triển của Hòa Lan. Ông này cho rằng nhận định của Đức Giáo Hoàng “hết sức gây hại và nghiêm trọng” và “làm cho các vấn đề ra xấu hơn”. Còn ngoại trưởng Pháp thì cho rằng lời lẽ của Đức Bênêđíctô XVI “đem nguy hiểm lại cho các chính sách y tế công cộng và nhiệm vụ bảo vệ sự sống con người”. Bộ trưởng y tế của Đức phát biểu rằng: quả là vô trách nhiệm khi bác bỏ không cho những người nghèo nhất trong số các người nghèo được sử dụng áo mưa.

Cái chủ nghĩa nhân đạo giả tạo của các đại biểu các chính phủ Âu Châu trên đây vừa phi lý vừa không hợp khoa học. Trong một nghiên cứu năm 2003, cơ quan AIDS của Liên Hiệp Quốc (The United Nations AIDS, gọi tắt là UNAIDS) xác nhận rằng áo mưa vô hiệu trong việc bảo vệ chống lại HIV, ít nhất cũng tới 10% các trường hợp. Nhiều cuộc nghiên cứu khác cho hay tỷ lệ thất bại có thể lên tới 50% các trường hợp. Tại Thái Lan, Bác Sĩ Somchai Pinyopornpanich, phó giámm đốc Nha Kiểm Sóat Bệnh Tật tại Băng Cốc, cho hay: 46.9 phần trăm đàn ông và 39.1 đàn bà sử dụng áo mưa đã bị nhiễm HIV-AIDS.

Cho nên khi Đức Giáo Hoàng nói rằng: ta liều mình làm cho vấn đề ra tồi tệ hơn, thì thống kê đã chứng tỏ điều ấy. Các nước như Nam Phi, là các nước cổ vũ việc làm tình trong an toàn và sử dụng áo mưa với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu và nhiều cơ quan phi chính phủ, vẫn thấy bệnh AIDS phát triển mạnh. Trái lại, các quốc gia cổ vũ việc tiết dục và trung tín trong hôn nhân đã giảm thiểu việc mắc chứng bệnh này.

Sau đây, xin đơn cử một trường hợp để nhấn mạnh. Trong các tìm kiếm của mình, Edward Green thuộc Trung Tâm Harvard Nghiên Cứu về Dân Số và Phát Triển (the Harvard Center for Population and Development Studies) đã khảo sát phương pháp ABC của Uganda (ABC viết tắt bởi Abstinence [tiết dục]; Be faithful [trung tín]; Condom [áo mưa]), đã được nước này phát động từ năm 1986. Các khám phá của ông cho thấy: tỷ lệ mắc bệnh AIDS tại nước đó giảm từ 21% xuống còn 6 % kể từ năm 1991. Thành thử đang là người ủng hộ việc làm tình an toàn và sử dụng áo mưa, nay Green đã trở thành người ủng hộ tiết dục và trung tín vợ chồng.

Nhiều nghiên cứu khác, trong đó có các cuộc nghiên cứu của LHQ, cho thấy các quốc gia có tỷ lệ sử dụng áo mưa cao cũng là các quốc gia có tỷ lệ cao về việc mắc bệnh HIV-AIDS. Norman Hears, một y sĩ gia đình và là một nhà nhiễm trùng học (epidemiologist) của Đại Học California tại San Francisco cho hay: “Việc cổ động dùng áo mưa tại Phi Châu là một đại họa”. Và để đo lường chính xác ảnh hưởng của Công Giáo trong vấn đề này, ta chỉ cần nhìn tới Phi Luật Tân, nơi có tới 85% dân số là Công Giáo: chỉ có 0.01% mắc HIV mà thôi. Ngay tờ New York Times, một tờ báo vừa mới đây tấn công Đức Giáo Hoàng về các lời lẽ “nguy hiểm”, cũng phải nhìn nhận rằng nền luân lý cổ truyền, vốn đặt căn bản trên việc tiết dục và lòng trung tín vợ chồng, đã đánh bại bệnh AIDS tại Phi Luật Tân. Trong một bài báo đăng ngày 20 tháng Tư năm 2003, tờ báo này cho hay tại Phi Luật Tân, “tỷ lệ rất thấp trong việc sử dụng áo mưa và tỷ lệ rất thấp trong việc mắc HIV xem ra đi song song với nhau. Các cố gắng phòng ngừa AIDS thường chú trọng tới áo mưa, nhưng chúng không có sẵn tại đây, và phần lớn bị người ta xa lánh, tại một xứ sở bảo thủ theo Công Giáo La Mã này”.

Đã có sẵn những chứng từ như thế, thì tại sao các viên chức của Liên Hiệp Quốc, của Liên Hiệp Âu Châu và các tổ chức “nhân đạo” khác vẫn tiếp tục nằng nặc nhấn mạnh tới nhu cầu phải sử dụng áo mưa, bằng cách tấn công Giáo Hội Công Giáo quá nhấn mạnh tới nhu cầu giáo dục, tiết dục và trung tín vợ chồng? Phải chăng vì họ có lợi lộc gì chăng? Phải chăng vì họ có hàng kho áo mưa lấy sẵn của các công ty sản xuất? Có lẽ không phải vậy, nhưng thiển nghĩ sự cố chấp kia chỉ là một hình thức mới nhất của chủ nghĩa tân thực dân.

Như một vị truyền giáo thuộc tổ chức PIME từ Châu Phi từng nói, nhiều người cho rằng đàn ông Phi Châu không biết tự giáo dục để nhận trách nhiệm, nên rút gọn việc làm tình an toàn vào việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật là giải pháp dễ dàng hơn cả. Tuy nhiên, nếu loại bỏ các ý niệm trách nhiệm và trung tín vợ chồng, thì kết cục, thân xác người đàn bà Châu Phi hoàn toàn đã biến thành đồ vật, và không phải chỉ có thế. Ngay những người duy nữ hăng say nhất, là những người chào mời việc sử dụng áo mưa, kết cục cũng đã biện hộ cho hình thức tân nô lệ này.

Tuy nhiên hình thức nguy hiểm nhất của chủ nghĩa tân thực dân là nhập lậu cuộc cách mạng đa tình dục dưới nhãn hiệu giả mạo: tranh đấu chống bệnh AIDS. Vốn nghèo nàn về lý tưởng, ta thấy nó chỉ còn hai điều sau: sự chú mục vào quyền tự trị cũng như tính yêu mình bệnh hoạn (narcissism), và việc điều trị bệnh AIDS. Trong nhiều năm qua, Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Âu Châu từng cổ vũ tài liệu “Các Chỉ Dẫn Quốc Tế về HIV/AIDS và Nhân Quyền” bằng cách nhấn mạnh rằng nếu các quốc gia không chịu thay đổi luật lệ của mình về tính dục, thì bệnh AIDS vô phương cứu chữa. Các “Chỉ Dẫn Quốc Tế” này kêu gọi để người ta được tự do hoàn toàn về tình dục và phải xét lại để bãi bỏ một số luật lệ ngăn cấm “các hành vi làm tình (như ngoại tình, kê gian [sodomy], dâm bôn và mãi dâm) giữa các người trưởng thành biết thuận ý tại nơi tư riêng”…

Khi qui định như thế, các chỉ dẫn này quả đã hô hào các loại tác phong vốn gây ra việc tràn lan bệnh AIDS, và sau đó lại kêu gọi các quốc gia cung cấp thuốc men và điều trị. Các chỉ dẫn trên cũng khuyến cáo: quốc tế phải hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và nạn phá thai theo yêu cầu, đồng thời phải phân phối thuốc ngừa thai, áo mưa và chống bệnh AIDS cho mọi người, kể cả các vị thành niên có liên hệ tới kỹ nghệ buôn bán tình dục.

Hiện nay, cổ vũ cho việc sử dụng áo mưa trong trận chiến chống bệnh AIDS chỉ có nghĩa là chiến đấu nhân danh ý thức hệ trên.

(Theo Bernardo Cervellera, AsiaNews 9-3-2009).

Toà Thượng Phụ Mạc Tư Khoa ủng hộ quan điểm của Đức Giáo Hoàng

Trong khi đó, bản tin Zenit ngày 20 tháng Ba năm 2009, cho hay: Giáo Hội Chính Thống Nga ủng hộ quan điểm của Đức Bênêđíctô XVI cho rằng áo mưa không phải là giải pháp thích đáng cho vấn đề bệnh AIDS.

Một sứ điệp trên trang mạng tiếng Pháp của Giáo Hội này viết như sau: “Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa liên đới với quan điểm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về phương tiện chống lại bệnh AIDS, và dựa vào sự kiện này là không thể coi áo mưa như một phương thuốc chống lại chứng bệnh này”.

Sứ điệp trên là để đáp ứng lời của Đức Giáo Hoàng nói với các nhà báo trên chuyến bay đi Châu Phi của ngài, trong đó, ngài cho hay: không thể dùng khẩu hiệu gây chú ý mà khuất phục được vấn đề AIDS. Nếu không có linh hồn, nếu Phi Châu không được giúp đỡ, thì người ta không thể giải quyết được tai họa bằng cách phân phối áo mưa: ngược lại, có nguy cơ sẽ làm gia tăng vấn đề”.

Hôm nay, phó chủ tịch của Toà Thượng Phụ Mạc Tư Khoa phụ trách Các Liên Hệ Đối Ngoại của Giáo Hội, là Tổng Linh Mục (Archpriest) Vsevolod Chaplin, tuyên bố rằng: “Quả là không chính xác khi coi áo mưa là thuốc bá bệnh chữa được bệnh AIDS”. Vị tổng linh mục này cho rằng có thể ngăn ngừa bệnh AIDS không phải bằng thuốc ngừa thai nhưng bằng giáo dục và lối sống công chính, như Giáo Hội Chính Thống vốn giảng dạy. Còn bản tuyên bố của Giáo Hội thì khẳng định rằng: “Chỉ có thể đình chỉ việc lan tràn bệnh AIDS bằng cách giáo dục đạo đức cho các người liên hệ, chứ không nên dựa vào áo mưa”.

Vào hôm Thứ sáu, thông tấn xã Nga Interfax tường trình rằng Cha Tchapline đã tham dự một cuộc hội thảo bàn tròn tại Mạc Tư Khoa về vấn đề này. Ngài nhận định rằng hiện nay, một số tổ chức đang cố gắng nhấn mạnh cùng một lúc hai ý niệm tự do làm tình và chiến đấu chống bệnh AIDS, nhưng họ sẽ không thể nào hòa giải được hai ý niệm ấy.

Hai dân cử Pháp bênh vực Đức Giáo Hoàng

Bản tin Zenit cùng ngày cũng đưa tin: hai dân cử Pháp công khai lên tiếng bênh vực Đức Giáo Hoàng, cho rằng giới truyền thông đã bóp méo và cường điệu hóa lời nói của ngài. Hai dân cử ấy là Christian Vanneste, dân biểu vùng Nord, và Jacques Remiller, phó thị trưởng Vienne. Cả hai đã dùng tư trang của mình để bênh v ực Đức Giáo Hoàng.

Remiller viết rằng lời nói của Đức Giáo Hoàng đã bị thao túng, nhất là bởi “giai cấp chính trị Pháp”, một giai cấp luôn luôn rình rập (witch hunt) chống lại Đức Giáo Hoàng. Theo Ông, trước khi yêu cầu cho các bệnh nhân AIDS tại Cameroon được chăm sóc miễn phí, Đức Giáo Hoàng kêu gọi thế giới “chấm dứt việc coi áo mưa là giải pháp duy nhất cho vấn đề AIDS tại Châu Phi”. Chính khách người Pháp này nhận định rằng: không được giới hạn chính sách chống bệnh AIDS vào việc quảng cáo áo mưa mà thôi, “chắc chắn nó hữu hiệu nếu biết sử dụng chính xác, nhưng phân phối nó cách rộng rãi vẫn không chặn đứng được các vấn đề nghiêm trọng thuộc tác phong như hiếp dâm và loạn luân”

Nhìn xa và hữu hiệu

Ông nói thêm: “điều trên hết được Đức Giáo Hoàng nhắc nhớ ta là: cách thế tốt nhất, nhìn xa và hữu hiệu nhất trong việc chống lại tai họa bệnh AIDS và bảo vệ sự sống con người chính là một nền giáo dục thật sự về trách nhiệm, là nghiên cứu y khoa, là phổ biến các phương pháp trị liệu và chăm sóc người bệnh”.

Phần Vanneste, ông nói: Đức Giáo Hoàng “không phải là một chính trị gia mị dân, nhưng là người mang tới niềm hy vọng, nhiều người cho là ngài đem tới một lý tưởng, và ta nên hiểu và phán đoán các lời ngài nói trong viễn tượng ấy”. Ông cho biết tiếp: “Dĩ nhiên, đoàn ngũ háu đói (hounds) mị dân gồm những người duy vật chủ nghĩa cũng như duy khoái chủ nghĩa không thể nào hiểu được thứ sứ điệp ấy. Quần chúng cụ thể gồm các tín hữu đang quây quần chung quanh Đức Thánh Cha vào lúc này có thể là câu trả lời hay hơn”.

Vanneste khẳng định rằng về vấn đề này, không hề có sự khác biệt giữa Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, vì cả hai vị “đều luôn mong muốn sự hợp nhất Kitô giáo, sự hợp nhất giữa những người có niềm tin, và luôn nhắc tới các đòi hỏi luân lý vốn không thể nào tách biệt khỏi Đạo Công Giáo… Đức Gioan Phaolô II chắc chắn sẽ không nói bất cứ điều gì khác thế, vì không một vị giáo hoàng nào lại qúy trọng giải pháp cơ khí, một giải pháp nói cho ngay chả hòan hảo chi, hơn là việc thực hành luân lý và thiêng liêng, một thực hành tự nó đã có tính giải phóng rồi”.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 23.03.2009. 23:19